Friday, February 27, 2015

Từ trại giam đến trại Guam | Phần III (Đinh Từ Thức)



27.02.2015
Dọt lẹ
Sáng 29 tháng 4, mở radio, nghe tin tân Thủ Tướng Vũ Văn Mẫu đọc lời yêu cầu Mỹ rút hết lực lượng quân sự trong vòng 24 giờ. Hôm sau, trên chiến hạm HQ3, tôi gặp hai Đại Tá tỉnh trưởng hai tỉnh phía Bắc Sài Gòn, cả hai ông cùng cho biết, đang chỉ huy hành quân, nghe tin ông Mẫu đuổi Mỹ, đã vội quay xe chạy thẳng ra bến tầu. Theo các ông, đuổi Mỹ là dấu hiệu “chấm dứt chương trình của ban Tùng Lâm”. Dọt lẹ!
Y hẹn, tôi xách một va-li nhỏ tới Chính Luận, đợi cùng với tất cả khoảng vài ba chục người. Ông Chủ Nhiệm Đặng Văn Sung, và hai người cùng bị bắt với tôi là anh Lục và anh Dương đều không có mặt. Đợi một lát, có điện thoại của ký giả Nguyễn Tú, nói đang ở trong Toà Đại Sứ Mỹ gọi về. Anh quyết định không ra đi, đóng vai liên lạc giữa Toà Đại Sứ với Toà Báo, sẽ cập nhật tin tức cần thiết về chuyến đi. Anh cho biết tình hình chung không khả quan, hy vọng về chuyến đi chỉ khoảng 80%. Anh Nguyễn Tú từng là ký giả duy nhất trên thế giới có mặt, và tận mắt chứng kiến cuộc rút quân kinh hoàng khỏi Cao Nguyên Trung Phần vào giữa tháng 3, 1975.
Cảnh chen lấn trước Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn ngày 29/04
Ngồi đợi trong toà báo, chúng tôi hoàn toàn không biết tình hình bên ngoài ra sao, như cảnh hàng chục ngàn người đợi trước Toà Đại Sứ. Mỗi lần anh Nguyễn Tú gọi cho biết thêm tin tức, hy vọng về chuyến đi lại giảm. Sau khi loan báo hy vọng chỉ còn 20% vào khoảng 3 giờ chiều, anh gọi thêm lần nữa, nói chỉ còn chỗ cho… một người! Mọi con mắt dồn vào tôi, như dành cho một người vừa trúng số; tôi chỉ có một mình. Nhưng đợi đến hơn 5 giờ chiều, vẫn không có tin tức thêm. Nhiều người chán nản bỏ về. Tôi xuống nhà, gặp ông Nguyện, Quản Lý báo, lái chiếc xe Jeep trờ tới. Hỏi đi đâu về, ông nói vừa chở người ra bến tầu. Hỏi sao không cho biết, ông nói tưởng các ông đợi Toà Đại Sứ tới bốc. Tôi nhờ ông Nguyện chở ra bến tầu, những người khác không đi, sợ cảnh tranh nhau và cướp phá như đã sẩy ra tại Đà Nẵng, mà Chính Luận đã loan tin và hình ảnh rất đầy đủ. Nhưng lúc ấy chúng tôi trong tù, không biết. Vì sợ đi tầu, tất cả những người đợi với tôi ở toà báo hôm ấy, đều kẹt lại.
Tại bến Bạch Đằng, lính Hải Quân chăng giây kẽm gai, không cho ai vào. Mỗi lần có xe trờ tới, lại bắn súng chỉ thiên thị uy, xe vội phóng đi. Tôi ngồi đợi trước cửa một nhà khiêu vũ, nhìn ra công trường nơi có tượng Đức Thánh Trần. Đợi tới xẩm tối, khoảng 7 giờ, thấy một trung úng Hải Quân dẫn chừng vài chục người, băng qua đường vào lối đi dẫn tới bến tầu. Tôi nhập bọn đi theo.
Tới bến tầu, lại gặp hàng rào cao bằng lưới thép kiên cố, cổng ra vào có lính gác bên trong. Chưa biết xoay xở ra sao, bỗng có ông tướng hai sao tiến tới, đòi mở cửa. Người lính gác mở chốt, nói gì đó, rồi đóng cửa lại. Ông tướng có vẻ giận, một chân đạp mạnh, cửa mở tung, tiến vào, tôi vào theo. Bến tầu đã khá đông, hàng ngàn người, đi lại tấp nập. Trên tầu cũng đông. Ngoài một số tầu nhỏ rải rác đó đây, có ba chiến hạm nổi bật, đậu áp mạn nhau: HQ1 sát bờ, HQ3 ở giữa, HQ2 ngoài cùng.
Tôi leo cầu thang lên HQ1. Được một lúc, có anh mặc đồ thợ máy, tự nhận là chuyên viên cơ khí, nói “bà con tin tôi, tầu này không đi đâu, vì sửa máy chưa xong”. Hoang mang, đắn đo một lúc, tôi bước sang HQ3, quyết định không đi đâu nữa, vì thấy một số chỉ thị phát ra từ những chiếc loa của tầu này. Ít lâu sau, thấy HQ2 nhổ neo ra đi. Tiếc rẻ, nếu chịu bước đi bước nữa, giờ đã lên đường rồi. Sau được biết HQ2 đã xé lẻ, đi thẳng tới Subic, không cùng với hạm đội.
Khoảng gần 9 giờ tối 29 tháng 4, HQ3 nhổ neo lên đường. Sau được biết HQ1 cũng đi, dù một máy chưa sửa xong. Tầu đi trong đêm tối, không lên đèn, tránh lộ mục tiêu. Ngang Cần Giờ, tầu mắc cạn. Vốn thuộc loại nhát, tôi rời boong tầu xuống hầm, phòng lỡ bị pháo kích.
Xoay trở một hồi, tầu thoát cạn, mọi người thở ra mùng rỡ. Vừa ra khỏi Vũng Tầu, trời bắt đầu sáng, đang khấp khởi mừng sắp vào hải phận quốc tế, tầu bỗng thả neo, vớt thêm người từ các tầu nhỏ. Không phải tầu đánh cá của dân thường, mà từ những tầu nhỏ của Hải Quân. Những người mới lên, có người cho biết, họ đã phải trả tiền, và tự xưng người nhà cửa tướng nọ tướng kia, để có chỗ tốt trên tầu. Sau khi vớt thêm người, tầu trực chỉ Côn Sơn.
Trong khi tập trung tại Côn Sơn, được tin – qua radio – chính quyền Dương Văn Minh đầu hàng. Giống tâm trạng đợi người đang hấp hối. biết không qua khỏi, nhưng khi người thân ra đi, không tránh khỏi bàng hoàng. Quá khứ ập về, hiện tại đảo lộn, tương lai quay cuồng trong ý nghĩ. Một chế độ như thế, hy sinh to lớn như thế, sao bỗng nhiên chấm dứt như thế.
Bây giờ, tại sao mình ở đây? Tại sao không phải người khác, mà là mình? Những ai bị kẹt lại? Tương lai họ, tương lai đất nước, cả tương lai mình nữa, sẽ ra sao?
Trong khi đầu óc còn đang lan man với những câu hỏi không thể trả lời, bỗng thấy giấy bạc 100đ và 500đ được bà con gấp thành tầu bay giấy, tung lên làm đồ chơi, phóng đi khắp hướng, rơi cả xuống biển, dửng dưng. Về một phương diện, tiền bạc là giá trị tích luỹ của bao công lao khó nhọc, của mồ hôi, nước mắt. Về phương diện khác, dù là của bất chánh, có được do tham nhũng, lừa đảo, cũng có cái giá của nó; đã phải trả bằng việc bán rẻ nhân cách, lương tâm hay danh dự để có được. Bỗng nhiên, tất cả thành số không. Người ta thường khuyên bảo nhau, không nên coi trọng tiền bạc, vì là thứ không thể mang theo khi chết. Đâu cần đợi khi chết. Chỉ trong hai chục năm, đây là lần thứ nhì tôi được chứng kiến tận mắt của cải thành vô dụng. Lần trước, cha mẹ tôi đã bỏ lại tất cả của cải dành dụm một đời, ra đi với hai bàn tay trắng, từ Bắc vào Nam.
Tất cả Hạm Đội Hải Quân VNCH trập trung tại Côn Sơn khoảng 30 chiếc tầu. Chiều 30 tháng 4, Trung Uý Richard Armitage, có tên Việt là Trần Văn Phú, sĩ quan liên lạc được Đệ Thất Hạm Đội chỉ định, từ tầu USS Kirk đi tầu nhỏ leo lên HQ3, cho biết lộ trình của đoàn tầu VN. Sáng 01 tháng 5, cả đoàn trực chỉ Vịnh Subic, căn cứ Hải Quân Mỹ tại Philippines. Tầu cũ, chạy chậm, chừng 6 hải lý một giờ, chiếc nọ đợi chiếc kia, có chiếc phải ròng giây kéo. Chiếc tầu vận tải 402 theo không nổi, sau khi mấy ngàn người tị nạn được chuyến sang các tầu khác, đã bị bắn chìm. Lần đầu tiên được chứng kiến cảnh bắn tầu trên biển, tưởng dễ mà không dễ. Tầu 402 là mục tiêu trôi lửng lơ, không chống cự hay né tránh, nhưng phải tới loạt đạn thứ ba mới trúng.
Tầu vận tải 402 quá cũ, bị bắn bỏ
Khu trục hạm USS Kirk, là chiến hạm săn tầu ngầm và phòng không, được lệnh tới bờ biển ngoài khơi Vũng Tầu để canh chừng, có nhiệm vụ bắn hạ máy bay Cộng Sản nào tới tấn công đoàn trực thăng bốc người từ Sài Gòn trong Chiến dịch Frequent Wind vào ngày 29 tháng 4. Nhưng không thấy máy bay địch, chỉ toàn trực thăng tị nạn. Thực tế biến đổi nhiệm vụ của USS Kirk từ nghinh chiến thành cấp cứu. Trong ngày 29 tháng 4, Kirk đã tiếp cứu 16 trực thăng và gần 200 người. Ngày 30 tháng 4, đang trên đường cùng “Đặc nhiệm 76” đem người tị nạn tới Phi, USS Kirk được lệnh quay trở lại Côn Sơn, để đưa cả Hạm Đội VNCH còn đang bị “bỏ quên” tại đó.
Kirk quay lại, dẫn đầu đoàn tầu Việt Nam. Vì đoàn tầu di chuyển quá chậm, thỉnh thoảng Kirk quay đầu, chạy một vòng lớn chung quanh đoàn tầu, rồi lại trở lên dẫn đầu, giống như người chăn đàn cừu. Thời tiết tốt, biển lặng như ao, nước trong xanh như mặt thuỷ tinh vỡ, thỉnh thoảng một vài con cá bay phóng lên khỏi mặt nước, xoè vây làm cánh bay dọc theo hướng tầu di chuyển, đẹp vô cùng. Ban đêm, cả đoàn tầu lên đèn, như một thành phố cùng di chuyển; sau này có nhiều dịp đi du thuyền, chưa bao giờ gặp lại cảnh đẹp như vậy.
Hạm Trưởng John Jacobs của USS Kirk cho đi gom hết các bà bầu và người bệnh trong đoàn tầu về tầu của mình để tiện việc săn sóc. Ông hy vọng sẽ có đứa trẻ ra đời trên tầu của ông, để sẽ cho nó mang tên Kirk. Kết quả trái ngược, không có đứa nào ra đời, chỉ có bé trai một tuổi qua đời. Xác bé được bọc hai lá cờ Việt-Mỹ, thuỷ táng trọng thể theo lễ nghi quân cách.
Từ Việt Nam tới Phi, thay vì chỉ mất vài ngày, đoàn tầu VN đi trong một tuần, tới Subic ngày 7 tháng 5. Hôm trước, có lễ hạ cờ VNCH rất cảm động, nhiều người không cầm được nước mắt, nghẹn nào nhìn cảnh cờ Mỹ kéo lên, rồi từ tướng tá trở xuống, quân nhân bỏ hết lon lá, phù hiệu, và vất võ khí cá nhân xuống biển.
Tại nhà tù, người ta không cho nhịn ăn. Trên tầu, được tự do, trong suốt hai tuần, trên hai chặng đường từ Sài Gòn tới Philippines cũng như từ Subic tới Guam, tôi chỉ uống nước, không ăn. Cuộc sống mỗi người có 4 cái khoái, có cái nhịn được, có cái không thể. Cái đầu và cái cuối có liên hệ mật thiết với nhau; có đầu vào, phải có đầu ra, nếu không là chết. Cũng còn tuỳ theo cơ thể mỗi người. Tôi chưa hề nhịn ăn quá hai tuần, nên không có ý kiến về những người tuyệt thực cả tháng hay vài ba tháng. Với tôi, nhịn tới hai tuần, không có vấn đề gì. Lý do chính tôi nhịn khoản 1, là để khỏi hệ luỵ bởi khoản 4.
Trưởng nhóm TQLC phục vụ trên tầu Green Forest chở người tị nạn, Trung Sĩ J.C Owens kể lại, trong chuyến đầu tiên chở người tới Guam, những nhà vệ sinh di động (portable toilets) được đặt dọc theo lan can tầu, người xử dụng để giấy vệ sinh đã dùng bay khắp nơi, dính cả vào bàn ghế và túi ngủ của thuỷ thủ. Đến nỗi bốn tầu Greenville Victory, Sergeant Andrew Miller, Green Forest và Green Port bị thẩm quyền y tế tuyên bố không đủ điều kiện vệ sinh, cho đến khi được tẩy uế toàn diện.
Suốt hai tuần, tôi cảm thấy khá thong dong, dễ chịu. Thay vì bận tâm và mất thì giờ về chuyện xếp hàng cho đầu vào, rồi xếp hàng cho đầu ra, tôi đi lang thang, quan sát.
Trên HQ-3, tôi không rõ bà con no đói ra sao, nhưng có ghi nhận được một số lời ong tiếng ve. Một hôm, đi ngang chỗ phát thực phẩm, nghe giọng một bà Bắc Kỳ chửi đổng: “Gớm! Ăn gì mà ăn lắm thế! Ăn đến tán gia bại sản, phải bỏ nước ra đi mà vẫn còn tham ăn. Coi bát cháo này! Cháo gì mà như nước lã. Dù là cháo lú cho ma đói ăn, cũng phải đủ đặc để bỏ vào tầu lá. Cháo này có đổ ra lá cũng chảy hết, còn gì mà ăn. Ma đói còn không ăn được, làm sao người ăn?” Có lẽ bà nghĩ trên tầu có tham nhũng, ai đó đã ăn bớt gạo làm của riêng, khiến bà phải ăn cháo loãng.
Một hôm thấy tầu Mỹ tiếp tế khá nhiều sữa tươi, đựng trong những bịch nylon lớn, mỗi bịch có lẽ tới vài chục lít. Sữa để một đống, ngay giữa nơi qua lại, cả ngày vẫn không thấy phân phối. Lại nghe tiếng xì xào, bàn tán. Tôi hỏi thẳng Tướng Hoàng Cơ Minh, sao không phát cho đồng bào dùng? Ông nói, hồi đi học bên Mỹ, ông biết rõ loại sữa đó rồi. Đó là loại đồ uống rất tốt cho sức khoẻ, nhưng nếu không quen, uống vào đi té re. Dù uống quen, nếu sữa để ngoài tủ lạnh hai tiếng, ai uống cũng té re. Thử tưởng tượng, mấy ngàn người trên tầu, đã thiếu phòng vệ sinh, nếu cùng uống vào, giải quyết ra sao? Ông cho biết tiếp, đến đêm, sẽ liệng hết xuống biển, để Mỹ khỏi trông thấy, họ buồn.
Lần khác, Mỹ tiếp tế khá nhiều dưa hấu, chất đống giữa sàn tầu. Trời nóng, ai đi qua cũng không khỏi nuốt nước bọt. Rồi thỉnh thoảng, lại có cô bé hay cậu bé, ra ôm một quả, biến mất. Lại có tiếng xì xào, đó là các cậu ấm cô chiêu thuộc gia đình các tướng tá Hải Quân. Tôi lại hỏi Tướng Minh, sao không phân phát dưa cho tất cả mọi người? Ông Minh giải thích: Dưa không đủ cho mỗi người một trái. Không thể phát theo gia đình, vì có gia đình nhiều người, gia đình ít người. Nếu bổ cho mỗi người một miếng, ai sẽ làm việc này? Rồi miếng to miếng nhỏ, miếng ngọt miếng nhạt, sinh ra xích mích. Cuối cùng, không có giải pháp nào. Đống dưa thấp dần, trước khi không còn dấu vết.
Thị trấn Việt Nam
Ngày 7 tháng Năm, đoàn tầu Hải Quân Việt Nam kéo cờ Mỹ cập bến Subic. Cùng ngày, hai tầu Mỹ Pioneer Commander và American Challenger cũng tới Guam. Đáng lẽ Pioneer Commander, chở 4.678 người, cập bến trước, nhưng được lệnh đi chậm lại, nhường cho American Challenger, chở 5.200 người, vì thuyền trưởng tầu này thâm niên hơn, theo truyền thống hàng hải, được quyền cập bến trước.
Những người đi bằng máy bay cánh cố định từ DAO trong khoảng thời gian từ 21 đến 28, cũng tới Guam bằng máy bay từ 24 tháng 4. Một ngày trước đó – 23 tháng 4, cùng ngày Philippines không cho quá 200 người tị nạn dừng chân lâu hơn 72 giờ — Thuỷ Quân Lục Chiến tại Guam được lệnh sửa lại Trại Asan, vốn là một trại dân sự bỏ hoang, thành Thị Trấn Việt Nam để đón người tị nạn.
Trước khi rời HQ3, Tướng Minh yêu cầu các quân nhân Hải Quân ở lại họp, và sẽ lên sau cùng. Vì thái độ thiếu thân thiện của Phi, từ HQ3 bước xuống, đi trên bến chừng 100 mét, chúng tôi lại lên một tầu chở hàng để đi Guam. Ngày 12 tháng 5 tới nơi. Trâu chậm uống nước đục. Lớp tới trước vào cuối tháng 4 hay đầu tháng 5 được ở trong các doanh trại (barracks) ở Asan, hay Hotel Tokyu. Chúng tôi được chở thẳng từ bến tầu đến Orote Point, một khu lều (Tent city), giống như nơi dừng chân tạm của một đạo quân, giang sơn mỗi người là chếc ghế bố trên nền đất, trong mỗi căn lều vải chứa chừng 20 người. Đây là khu hẻo lánh nhất tại Guam, thành lập nơi một phi trường cũ. Tổng số dân cư Guam hồi ấy khoảng 90 ngàn người. Tổng số dân tị nạn tới đây lên tới 110 ngàn, riêng Trại Orote Point chứa tới 75 ngàn.
Việc làm đầu tiên của tôi khi đến Guam là tới văn phòng trại, nhờ tìm xem vợ con đang ở đâu, nhưng không có kết quả. Họ chỉ phỏng đoán: những người đi sớm đã vào lục địa Mỹ, ở Camp Pendleton, nhưng ở đó đã quá đông, không nhận thêm người nữa. Muốn tới đó, phải đợi lâu.
Đại đa số các thuỷ thủ đã đưa cả Hạm Đội Việt Nam tới Phi, chở theo gần 40 ngàn người, đều ngụ tại Orote Point. Hầu hết họ không có thân nhân đi cùng. Mấy tuần trước khi ra đi, họ bị cấm trại trăm phần trăm. Chỉ được xả trại hai giờ trước khi khởi hành, không kịp về đón thân nhân, họ bỗng thành độc thân. Trên HQ3, tôi đã có dịp nói truyện với một số thuỷ thủ, có người mới cưới vợ được vài tháng, có người vợ mang bầu, nhiều người có cha mẹ già. Hoàn cảnh của họ rất cám cảnh. Có lần tôi hỏi Tướng Minh, trước khi đi, sao không cho thuỷ thủ có đủ thì giờ về đón gia đình? Ông nói, mới nhìn qua, có vẻ bất công, nhưng đó cũng có thể coi là thành công của chuyến đi. Theo ông, nếu ai cũng có đủ thì giờ thong thả về đón gia đình, cả nước đều biết, bến tầu sẽ có loạn, hết đi. Ông còn chứng minh bằng một kinh nghiệm cá nhân. Ông cho một gia đình bạn biết về chuyến đi, hẹn tới bằng lối Thủ Thiêm, rồi dùng thuyền nhỏ sang tầu, cho kín đáo. Hôm sau, có 20 chiếc xe Huê Kỳ chở đầy người, nối đuôi nhau đợi bên Thủ Thiêm. Ông nói chỉ có thể cho một gia đình đi, nhưng người bạn ông có vẻ giận, và tất cả đã ở lại.
Ngoài những thuỷ thủ bị cấm trại, không có thì giờ đón gia đình, cũng có cả cấp sĩ quan chỉ huy, đang trên đường công tác thì được lệnh quay tầu ra đi, không thể về đón vợ con. Trong khi ấy, nhiều sĩ quan cao cấp đã có thể chu toàn trong việc lo cho gia đình và bạn bè ra đi. Có ông, bên ngoài va li, còn buộc theo cả chiếc vợt tennis, khiến thuỷ thủ la ó ầm ĩ.
Cũng có trường hợp khá đặc biệt: Ở cùng lều với tôi tại Orote Point, có một gia đình trông rất hạnh phúc, gồm một người đàn ông bảnh bao mạnh khoẻ cỡ bốn chục tuổi, một người đàn bà đẹp trên trung bình khoảng ngoài ba mươi, một bé trai kháu khỉnh cỡ sáu bảy tháng, và một người giúp việc chăm chỉ săn sóc đứa bé. Cháu bé khiến tôi chú ý, vì cỡ tuổi con út của tôi mà không biết nó đang ở đâu. Một hôm đi ăn xếp hàng cạnh nhau, tôi nói gia đình ông bà hạnh phúc quá. “Trông vậy mà không phải vậy đâu ông ơi!” Người đàn bà nói. Tôi ngớ ra, và được giải thích: Thằng nhỏ là con cô em gái, người săn sóc nó là người làm của cổ. Cô em có trạm xăng ở Chợ Lớn, cuối tháng 4, thấy tình hình quá gay, cô nhờ chị dẫn người làm đem con về quê, còn cô ở lại đợi chồng. Xuống thuyền, tưởng về Gò Công, ai dè ra tuốt ngoài biển, được chiến hạm Hải Quân vớt. Người đàn ông là hạm trưởng — đang trên đường công tác, được lệnh quay tầu ra tập trung ở Côn Sơn, không thể về đón vợ và năm con — ra đầu cầu thang đứng đón người tị nạn. Tình cờ nhận ra người đàn bà mang cháu lên tầu là bạn học cũ của mình. Người đàn ông kể tiếp: Đầu hàng Việt Cộng rồi, tôi đâu còn hy vọng gặp lại vợ con, thế là chúng tôi quyết định lấy nhau.
Ngoài các thuỷ thủ, còn những người thuộc Không Quân cũng bỗng nhiên thành độc thân tại chỗ. Đó là những người được lệnh đem máy bay sang Thái Lan, rồi thay vì được về đón gia đình, bị đưa thẳng sang Guam.
Dầy vò vì nỗi nhớ gia đình, cộng với niềm bất mãn trước thực tại, một số người đã xin trở về lại Việt Nam. Một hôm, thời tiết quá trưa có lẽ còn nóng hơn cả Sài Gòn, một thuỷ thủ từ ngoài chạy vào nằm vật trên ghế bố, vừa chửi thề, vừa nói anh sửa soạn làm đơn xin về Việt Nam. Hỏi tại sao, anh giận dữ trả lời: Mình mới tới Guam, chưa phải đất của nó, đã bị nó khinh dể. Khi đặt chân lên đất liền, sẽ bị nó khinh như thế nào. Hỏi thêm, được biết anh định vào tắm ở hồ bơi, nhưng người gác không cho vào, nói hồ đã quá đông, phải đợi có người ra bớt mới được vào thêm. Thế là anh nổi giận.
Những người xin trở về, được gom lại cho ở chung một nơi tại trại Asan. Ban điều hành trại cho biết họ có thể thay đổi ý kiến bất cứ lúc nào, và trù liệu các biện pháp bảo đảm an toàn cho họ. Khi phải chờ đợi lâu mà chưa biết rõ ngày về, vào tháng 7/75, một số đã đốt barracks tại Asan để phản đối. Có người bị cô lập tại Orote Point, tiếp theo là 8 người cạo trọc đầu, vào 30 tháng 7, 1975, phản đối vụ bắt người đốt nhà.
Trong khi ấy, Tướng đứng đầu bộ phận Phối Hợp Dân Sự đã xin được lệnh tịch thu tầu Việt Nam Thương Tín – con tầu ra đi trưa 30 tháng 4, bị pháo kích, khiến nhà văn Chu Tử thiệt mạng – sửa lại, để chở những người về. Phí tổn sửa chữa tầu chở hàng thành tầu có thể chở người lên tới 800.000 đô la. Ngày 16 tháng 10, 1075, Việt Nam Thương Tín 1 rời Guam trở về, chở theo 1.546 người. Về tới Sài Gòn, tầu không được cập bến, tất cả bị đưa ra Nha Trang, và đưa thẳng vào tù.
Trong khi có những người Việt từ chối vào Mỹ, đấu tranh đòi trở về nước, có hàng trăm người nước khác, là công dân Philippines, Thái Lan, Đài Loan, Đại Hàn… tới Guam trên chuyến tầu tị nạn, cố xin vào Mỹ như người Việt, được gom lại ở Tokyu Hotel, nhưng vào ngày 10 tháng 9, 1975, bị toà án bác đơn, phải trở về nước trong vòng hai tuần.
Việt Nam Thương Tín 1, tầu chở hàng được sửa lại, có mái che, để đủ điều kiện chở người.
Rời Guam ngày 16 tháng 10, 1975, chở 1546 người trở về VN, tưởng là được xum họp với gia đình, nhưng tất cả đều bị đưa vào tù.
Sau này, gặp lại nhà báo Hồ Văn Đồng, chủ nhiệm báo Quyết Tiến ở Sài Gòn trước 1975, được biết anh đã bị tù cải tạo một số năm trước khi sang Mỹ, tôi hỏi thăm về số phận của những người trở về. Anh cho biết có lần gặp một người trong tù từng trở về trên tầu VNTT. Anh hỏi chuyện, bỗng người ấy chổng mông, nói, “Trước hết, anh hãy đạp tôi một cú thật mạnh, để trừng phạt cái tội ngu xuẩn của tôi, rồi tôi sẽ kể anh nghe.”
Một người bạn gốc sĩ quan hải quân, sau chuyển sang ngành tư pháp, cho biết người được trao trách nhiệm điều khiển tầu VNTT trở về, là bạn cùng khoá với anh. Vẫn theo anh, người trở về vốn là một hạm trưởng, tới Guam một mình, chỉ vì nhớ vợ con nên xin trở về. Nhưng sau khi bị tù hơn mười năm, về nhà, con không nhận ra bố, vợ đã có chồng khác.
Đúng ra, không nên cho rằng những người quyết định trở về là ngu, hay thiếu sáng suốt. Người đáng bị đá đít vì ngu, là bọn cầm quyền ở Hà Nội. Những người có khả năng và coi mạng sống của mình nhẹ hơn tình gia đình, bao giờ cũng đáng trân trọng. Chỉ có những kẻ không biết dùng họ, và tệ hơn, nhẫn tâm bỏ tù họ, là bọn đáng bị đá đít.
Mười hai bến nước
Trước khi rời nhà sáng ngày 29 tháng 4, tôi thấy trên bàn học tụi nhỏ một phong bì cũ, có ghi địa chỉ người gửi là ông anh đồng hao, tham vụ tại Đại Sứ Quán VNCH tại Canberra, Úc. Bèn bỏ vào túi, phòng khi cần đến. Tới Guam, tôi đoán, nếu đã ra khỏi nước, thế nào nhà tôi cũng báo tin cho anh chị ở Úc. Nhờ địa chỉ mang theo, tôi gửi thư sang Úc, báo tin và cho địa chỉ của mình ở Orote Point. Đợi nửa tháng, vẫn không có hồi âm.
Cuộc sống ở trại Orote Point khá đặc biệt. Mỹ đối xử tử tế hơn những ngày bị cầm tù. Đầu vào do lính Mỹ cung phụng, ngày nào cũng hỏi cơm nấu như thế nào, đã vừa ý chưa? Đầu ra do lính Mỹ dọn dẹp, đôi khi rất dơ dáy nặng mùi, đeo bao tay tới nách, anh lính trẻ vẫn vui vẻ “how are you?” Về mặt khác, cũng giống đang sống trong tù, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài. Không biết bước kế tiếp sẽ đi đâu, làm gì, vá tương lai sẽ ra sao. Những người đi sau này, nhờ thông tin của những người đi trước, ít nhất cũng có chút ý niệm về cuộc sống tương lai, sẽ tới đâu, có thể làm gì v.v…Những người ra đi đợt đầu, trong khi ở trại, chỉ biết có hiện tại. Có cái lều để chui ra chui vào, được nuôi ăn đầy đủ, nhưng hoàn toàn không được cho biết gì về tương lai. Không biết sẽ còn đi tới đâu, bao giờ được ra trại, và ra rồi sẽ làm gì để sống? Trong khi ấy, một số nước như Pháp, Úc, Canada… mở văn phòng đại diện, ai có thân nhân tại các nước này, có thể nộp đơn xin đoàn tụ. Những người được chấp nhận ra đi có vẻ hãnh diện, người khác nhìn bằng con mắt thèm thuồng, nghĩ tới thân phận bơ vơ của mình.
Sống ở Trại Orote Point đúng ba tuần, được tin có trại mới mở ở Indiantown Gap, Pennsylvania, tôi xin đi ngay vào lục địa Mỹ, hy vọng sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm gia đình. Trong khi tôi vẫn không biết gia đình đang ở đâu, nhờ lá thư gửi qua Úc, nơi bảo trợ gia đình tôi đã biết được địa chỉ của tôi ở Guam. Do đó, đã có điện văn từ Washington gửi sang Guam về việc bảo trợ, nhưng tôi hoàn toàn không biết. Khi điện văn tới Guam, tôi đã rời đây được 10 ngày.
——————— 005934 R 112012Z JUN 75
FM SECSTATE WASHDC TO CINCPACREP GUAM
UNCLAS STATE 136430
E.O. 11652:N/A
TAGS: SREF
SUBJECT: SPONSORSHIP OF REFUGEE DINH TU THUC
FOR CIVIL COORDINATOR
1. REQUEST YOU NOTIFY DINH TU THUC, OROTE POINT, SECTION 38, TENT C6 THAT HE WILL BE SPONSORED BY BLESSED SACREMENT CHURCH, 1415 W. BRADDOCK ROAD, ALEXANDRIA, VA., TELEPHONE 703/548-9004.
2. PLEASE INFORM THUC THAT GRANDFATHER, WIFE, AND FAMILY NOW AT ABOVE ADDRESS.
3. REQUEST YOU FURNISH SUBJECT COPY OF CABLE IN ORDER TO ASSIST PROCESSING IN THE U.S. KISSINGER
UNCLASSIFIED
————————
Điện văn 005934 R 112012Z Tháng Sáu 75
Từ Ngoại Trưởng Washington DC
Gửi Đại diện Tư Lệnh Thái Bình Dương Guam
Không mật, Ngoại giao, số 136430
Chủ đề: Bảo trợ cho người tị nạn Đinh Từ Thức
Gửi Phối Hợp Dân Sự
1- Yêu cầu báo cho Đinh Từ Thức, Orote Point, khu 38, lều C6 rằng ông ấy sẽ được bảo trợ bởi Xứ Đạo Thánh Thể, 1415 W. Braddock Road, Alexandria, VA., Telephone 703/584-9004.
2- Làm ơn báo cho Thức rằng Ông, vợ, và gia đình bây giờ ở địa chỉ trên.
3- Yêu cầu cung cấp cho đương sự bản sao điện văn này để giúp làm thủ tục vào Mỹ. (Ký tên) Kissinger.
Không mật.
Tới Indiantown Gap, tôi lại viết thư sang Úc. Chỉ trong một tuần, nhận được trả lời và biết gia đình chỉ ở cách mình có 3 giờ xe hơi. Được ra trại trong vòng 24 giờ. Bắt đầu xông vào cuộc đời mới.

No comments:

Post a Comment