Monday, February 2, 2015

Từ Gà Broiler Canada Đến Gà Đông Tảo Việt Nam (Nguyễn Thượng Chánh)





January 29, 2015 12:16 AM

Tại Bắc Mỹ, thịt gà là loại thịt bình dân và rẻ tiền nhất.
Mỗi người dân Canada tiêu thụ trung bình lối 30kg thịt gà trong một năm.
American Meat Institute cho biết dân Hoa Kỳ tiêu thụ một số lượng nhiều hơn đôi chút, lối trên 40kg/ người/năm.
Tại hải ngoại, bà con mình cũng vậy, chúng ta thường hay dùng thịt gà trong các bữa ăn hằng ngày.
Thịt gà thường mua trong siêu thị là gà broiler hay Poulet à griller (gà để nướng)

Thịt gà làm gì ăn?

Thịt gà được sử dụng để biến chế nấu nướng thành vô số món, chẳng hạn như chiên, xào, nấu cà ri, ướp nướng, đút lò; gà xối mỡ; gà hấp rau răm, hấp chao, hấp bia, hấp xì dầu, hấp tỏi; gà quay, rôti, BBQ; gà kho xả ớt, kho gừng; gà nướng lá chanh; gà nướng tỏi, gà nướng lu, gà trộn gỏi, nấu cháo xé phai; gà nấu phở, nấu bún măng; v.v… Muốn cầu kỳ, thì có gà rút xương galantine, cơm tay cầm gà hoặc gà nấu canh chua Thái, v.v… Làm biếng, muốn lẹ và giản tiện thì có gà luộc chấm muối ớt hay nước mắm tỏi ớt…
Tại Canada, tiệm bán gà nướng nhiều vô số kể.
Bỏ ra ngoài các tiệm Tàu với những món cổ điển như gà quay, gà hấp xì dầu, gà chiên da dòn, các tiệm Tây thường bán gà BBQ, gà rán KFC, Rôtisserie St Hubert, Poulet Portuguais (nướng lữa theo kiểu Bồ Đào Nha).
Ngoài ra, thịt gà cũng xâm chiếm trong các tiệm fast food, như Mc Do, King Burger…
Bánh mì gà cũng là món khá phổ biến trong các tiệm bánh mì Việt Nam. Các bạn già còn nhớ bánh mì gà nổi tiếng bán trước Bưu điện Sài Gòn 40 năm về trước không?

Video: Cách chặt gà nguyên con theo kiểu Tây (comment découper un poulet entier)
https://www.youtube.com/watch?v=pNgNdUgZt4w

Làm gà bằng máy

Giải thích: Dây chuyền di động, trung bình 4000-5000 con gà chạy qua trước mắt trong 1 giờ. Thú y sĩ chỉ có vài ba giây để nhìn 1 con và quyết định. Làm việc bằng ký hiệu chẳng hạn như: xoay ngược con gà bụng hướng về mình, hay gở 1 cẳng ra khỏi móc, hoặc nhét hết đồ lòng trở vào xoang bụng (ca gà bị condemned, loại bỏ) v,v… Một công nhân đứng bên cạnh và phía bên mặt Bs hiểu ý mà làm tùy trường hợp. (gở gà ra và móc vào cái giá rack bất động phía sau chờ Bs xem lại cho kỷ hoặc hoặc cho gà rớt ngay xuống tấm thảm di động chạy về khu phế thải trong trường hợp gà bị hủy bỏ condemned…). Trường hợp không thể kiểm soát tình hình perte contrôle hay có vấn đề quan trọng như vận tốc dây chuyền quá nhanh (thường là mánh của nhà máy) hay lô có quá nhiều gà bệnh… Bs bắt buộc buộc phải nhấn nút STOP màu đõ ngay phía trên cạnh mình và chờ anh cai lại nói chuyện phải quấy. Trường hợp nầy tất cã hệ thống dây chuyền từ phía sau ra đến phía trước nhà máy đều đồng loạt ngưng lại hết. Công nhân thì thích, các anh cai thì méo mặt. Số gà condemned và lý do được ghi thẳng vô computer bên cạnh.
Tại một số nhà máy gà như nhà máy Flamingo ở Quebec, tất cả các khâu sản xuất từ khâu cắt cổ, đánh lông, mổ bụng, móc đồ lòng ra ngoài, cắt bỏ đầu, bỏ cẳng đến khi processing ra thành phẩm cuối cùng đều được làm bằng máy.
Vận tốc của dây chuyền chuyển vận gà rất nhanh thấy mà phát chóng mặt. Thường là có hai ca làm việc, từ 7 giờ sáng đến 12 giờ khuya.

Tại sao gà nguyên con mua trong siêu thị lại chứa quá nhiều nước?

Cuối dây chuyền hạ thịt, gà tự động rớt xuống một bể nước đá (chiller) dài lối 10 mét, có bộ phận trộn xoắn ốc. Sau một thời gian, nhiệt đô thịt được hạ xuống còn +4 độ C. Xong, gà chạy ra ngoài và rớt xuống vĩ cho ráo nước, tuy vậy một số ít nước vẫn còn đọng lại dưới da gà.
Luật kiểm tra thực phẩm Canada cho phép khi bán ra cho người tiêu thụ, lượng nước còn xót lại thường là 8% nhưng không được vượt quá mức tối đa là 12% của trọng lượng con gà.
Khi đi chợ, chúng ta thường thấy trong vĩ xốp styrofoam đựng thịt gà có lót một miếng giấy thấm rút bớt nước.
Một phần thịt gà được tiêu thụ ngay tại Canada, một phần khác được xuất cảng đi khắp thế giới. Đặc biệt cẳng gà, ngày xưa thì bị vứt bỏ trong thùng rác nhưng từ khoảng 20 năm nay nó đã trở thành một mặt hàng xuất cảng bán cho Trung Quốc với giá rẻ mạt để họ biến chế lại thành món đặc biệt và bán ngược lại cho thế giới.

Có bao nhiêu loại thịt gà bán trong các chợ Canada?

Trên thị trường Bắc Mỹ, chúng ta thấy thịt gà có rất nhiều loại và nhiều coupes với nhiều danh xưng khác nhau.

* Gà để nướng (fryer, poulet à griller, broiler)
Đây là loại gà được thấy bán thường xuyên trong các chợ. Gà được làm thịt lúc 5-6 tuần tuổi và khi làm xong gà cân nặng 1.5kg-1.8kg. Gà nuôi theo lối công nghiệp, tăng truởng quá nhanh trong một thời gian quá ngắn nên thịt gà loại nầy ăn bở rẹt và nhạt nhẽo vì chứa quá nhiều nước lúc được sản xuất tại nhà máy…
Còn nhớ hồi cuối những năm 60, tại miền Nam có phong trào nuôi gà Mỹ và gà Nhật. Những loại gà nầy rất mau lớn nhưng thịt thì ăn không ra cái gì hết, nên có ăn thì người ta ăn gà ta, vì gà ta tuy tăng trưởng chậm nhưng cho một loại thịt vừa dai vừa chắc nịch và rất thơm tho nữa, đem rôti hay kho xả ớt, bảo đảm là ngon hết chỗ chê.
Còn muốn nấu cháo xé phai trộn gỏi bắp chuối hột và rau râm thì làm bậy một con gà mái dầu ăn một bữa nhớ đời…, nhưng phải có bạn nhậu tham dự mới tuyệt cú mèo. Khi viết tới đây, tác giả đã sống lại với kỷ niệm và hình ảnh của xạp bán cháo gà bình dân ở đầu cầu đúc Tham tướng Cần thơ, không mấy xa Trại Nhập Ngủ Số 4 vào khoảng những năm 68-70. Đây là một chút tình quê hương mà tác giả vẫn còn mang theo mình cho đến hôm nay.
Lúc người gõ mới định cư tại Canada năm 80, cánh gà mua rẻ mạt, thiếu điều họ muốn cho không. Ngày nay, dân Ca Na Điên có lẽ bắt chước dân tị nạn nên họ đã biết giá trị của cánh gà có thể được sử dụng để chế biến ra thành rất nhiều món ăn khoái khẩu như: cánh gà chiên bơ, nướng BBQ, ướp mật rôti, v.v… Bởi lẽ này, ngày nay cánh gà đã trở nên khá đắt, giá lối 5.50$ cho 1kg.
Người mình thường hay nói, nhất phao câu, nhì chéo cánh, vì đó là những phần ngon béo mà rất nhiều người ưa thích.
Tại các nhà máy gà Canada, tuyến chất nhờn oil glands nằm phía trên phao câu đều bị cắt bỏ theo luật khám thịt.

* Thịt gà Kosher và thịt gà Halal
Các cửa hàng thịt của người Do Thái có bán thịt gà Kosher. Đây là thịt gà thường nhưng phải do chính tay các ông cố đạo (Rabbin) cắt cổ làm thịt theo nghi thức Do Thái giáo. Tại nhà máy, theo phương pháp thông thường thì gà bị nhúng vào bể nước cho điện giật làm bất tỉnh rồi được máy tự động cắt cổ, kế đó thì dây chuyền kéo gà chạy qua bể nước nóng rồi sau đó qua máy đánh rớt hết lông. Còn đối với phương pháp Kosher nầy thì khác hẳn, không được dùng điện để làm cho gà bất tỉnh, mà gà phải được chính tay các ông cố đạo Rabbin cắt cổ từng con một và chỉ được sử dụng nước lạnh để làm lông. Kế đến, gà được ướp thật nhiều muối hột trong 1 giờ đồng hồ rồi sau đó được xả trở lại bằng nước lạnh. Đó là thịt gà Kosher của người Do Thái. Tại Montreal, mấy năm trước đây nhà máy Marvid Poultry chuyên làm gà loại nầy. Mỗi ngày họ sản xuất lối 13-14 ngàn con để bán cho người Do Thái và một phần được xuất cảng sang New York…
Cũng như người Do Thái ăn thịt gà Kosher, người Hồi giáo Musulman chỉ ăn thịt gà Halal. Đây là thịt gà bình thường nhưng phải được chính tay ông Imam cắt cổ từng con theo nghi thức Hồi giáo.
Thịt Halal thường thấy bán trong các tiệm thịt của người Á Rạp, nhưng lúc gần đây, người gõ cũng thấy chợ Maxi, gần nhà có bán rất nhiều thịt gà Halal.
Video: Du poulet halal dans votre assiette
http://www.radio-canada.ca/emissions/telejournal_18h/2011-2012/Reportage.asp?idDoc=208177
Tại Quebec, một số nhà máy cũng có hợp đồng cung cấp gà cho cty gà rán KFC (Kentucky Fried Chicken). Trọng lượng của loại gà nầy sau khi làm xong nặng từ 1.1kg đến 1.4kg và mỗi con phải được phân cắt ra thành 9 miếng ngay tại nhà máy. Đối với loại gà bán cho nhà hàng St Hubert BBQ ở Québec, chúng được cột 2 đùi lại vào thân và mỗi con phải nặng 3.5lbs hay 1.6kg.

* Gà được làm lạnh khô (Poulet refroidi à l’air, Air chilled chicken)
Theo lối bình thường tại nhà máy, sau khi cắt bỏ đầu bỏ 2 giò và đồ lòng được móc hết ra ngoài, gà được thả vào một bể nước đá thật to có trộn khá nhiều chlore (tối đa 50ppm) để diệt trùng, gọi là chiller, refroidisseur để làm lạnh. Lúc nhiệt độ của thịt đạt lạnh 4 độ C, gà được đem ra ngoài cho ráo nước, sau đó bỏ vô thùng và đem giữ ở phòng lạnh để chờ được phân phối đi khắp nơi. Với phương pháp nầy chắc chắn là thịt gà phải có chứa rất nhiều nước rồi. Đây là gà chúng ta thường hay mua mỗi tuần để dùng. Mua con gà 1.5kg bỏ vô lò nướng đến khi chín chỉ còn 900gr hoặc 1kg.
Để tránh hiện tượng trên, các nhà máy cũng có áp dụng một lối sản xuất theo một phương pháp đặc biệt, gọi là làm lạnh khô. Gà không bị ngâm nước đá nhưng lại được đưa thẳng vào phòng lạnh lúc vừa mới được làm xong. Tại đây, những cánh quạt gió cực mạnh thổi hơi lạnh đem nhiệt độ trong thịt gà xuống thấp hơn 4 độ C trong một thời gian rất ngắn ngủi. Nhờ không bị ngâm nước, thịt gà loại nầy có chất lượng khá và ăn có vẻ ngon hơn, dai hơn các loại gà sản xuất theo lối thông thường có chứa nhiều nước nên thịt bở rẹt.
Giá cả thịt gà lạnh khô đương nhiên cũng mắc hơn chút đỉnh

* Gà nuôi hạt (Poulet de grain, Poulet O Grain, Grain fed chicken)
Đây là từ mà giới chăn nuôi đã đặt ra nhằm mục đích quảng cáo và khuyến mãi. Gà nuôi bằng hạt thật sự và đúng nghĩa của nó phải là gà nuôi thả lỏng ngoài sân, thức ăn chỉ toàn là hạt như bắp, đậu nành, lúa mì, v.v… Điểm quan trọng khác là không được sử dụng các chất kháng sinh và các loại hóa chất để phòng và trị bệnh.
Có thể nói là ngày xưa, hầu hết gà ở nông thôn Việt Nam đều là gà nuôi bằng hạt, cho ăn thóc lúa, gà tự do bươi móc, ăn trùng ăn dế ngoài vườn ngoài sân, cộng với yếu tố tăng trưởng chậm, nhờ vậy mà gà ta cho thịt rất dai và rất ngon.
Canada và Hoa Kỳ vì áp dụng lề lối chăn nuôi công nghiệp, nên rất khó thực hiện cách nuôi gà kiểu nầy. Tuy nhiên, cũng có một số trại chăn nuôi nhỏ quảng cáo là họ chuyên sản xuất loại gà nuôi bằng hạt, mà đôi khi còn được gọi là Poulet Fermier nữa.
Theo người gõ, thì bất cứ gà nào cũng đều là gà nuôi bằng hạt hết, vì thành phần thực phẩm hỗn hợp trên 85% là từ hạt và ngũ cốc mà ra.
Tại Canada, vì thời tiết khắc nghiệt nên gà được nuôi giam trong chuồng thường gồm có hai tầng và mỗi tầng chứa 7-8 ngàn con, lẽ đương nhiên là không có sân thả rồi. Có tin nói rằng, năm ba ngày trước khi gởi đi hạ thịt, gà được nuôi thúc bằng bắp để da có được màu vàng hơn.
Tại Hoa Kỳ, một số đồng hương Việt Nam cũng rất thành công trong ngành chăn nuôi gà công nghiệp.
Một cách khác cũng thường được áp dụng tại nhà máy, đó là nếu đem nhiệt độ nước làm lông từ nhiệt độ bình thường ở mức 60 độ C xuống vài độ, thì da gà sẽ có màu vàng hơn bình thường, nhờ đó sẽ dễ hấp dẫn người mua hơn.
Các loại gà nuôi bằng hạt đều được làm lạnh khô, thịt gà hầu như chứa rất ít nước hơn gà thường và phẩm chất thịt cũng khá hơn.
Gà nuôi hạt giá bán lối 7.5$/kg.

* Gà mái và gà Cornish (poule, hen)
Thỉnh thoảng trong các siêu thị có bán một loại gà mái (hen, poule) rất mập, nhiều mỡ và nặng trên 3.5kg. Thịt gà loại nầy rất dai, nên người ta khuyên nên dùng nó để hầm hay để nấu mà thôi. Đây là loại gà phế thải bị loại ra sau thời gian cho trứng và tuổi từ một năm rưởi trở lên.
Ngược lại, cũng có một loại gà nhỏ con có tên là Rock Cornish hay Cornouaille. Thật sự ra gà Rock Cornish chính cống phải là loại gà có được qua sự lai dòng giữa giống Cornish và giống White Rock. Tại Canada, Cơ Quan Kiểm Tra Thực Phẩm (CFIA) cho phép nhà chăn nuôi được sử dụng tên Cornish để chỉ những gà loại thường nhưng được làm thịt lúc dưới bốn tuần tuổi và trọng lượng từ 600 đến 900gram mà thôi.
Gà Cornish đông lạnh thường được thấy bán trong các chợ Tàu.
Ngoài ra, có một loại gà nhỏ con khác cũng khá đặc biệt, thấy có bán tại các chợ Á đông. Đây là gà ác (Silky chicken, la Soyeuse), còn được gọi là gà đen vì da có màu đen. Gà ác được bán dưới dạng đông lạnh cứng ngắt và thấy ghi xuất xứ từ một nhà máy gà tại British Columbia, Canada. Loại gà nầy được dùng để tiềm thuốc Bắc. Theo Đông y, món nầy rất bổ và rất tốt cho các cụ hoặc cho những ai cần hồi phục lại sức khỏe. Tại một vài nhà hàng Tàu thấy có bán món gà ác tiềm thuốc Bắc. Gia vị để nấu món gà ác thường được vô bao sẵn có bán tại chợ, còn không bạn cũng có thể mua trong tiệm thuốc Bắc và nhớ nói với họ là mua gia vị để tiềm gà ác.
Gà ác tuy nhỏ con, nhưng giá khá đắt, lối 12.50$ một con, nặng 1kg. (chợ T&T Edmonton,Alberta)

Poulet Bio – Gà thả lỏng – Poulet Végétarien – Poulet tout végétal et sans antibiotiques

Cùng với những hỉ nộ ái ố mà thịt nói chung thường bị kết tội, nào là thịt có chứa thuốc kháng sinh, hóa chất, hormone, liên cầu khuẩn heo, bò điên, cúm gà, cholesterol, cancer, v.v… tất cả lý do trên đã làm cho một số người phải phân vân e ngại mỗi khi ăn thịt. Kỹ nghệ thực phẩm nhận biết tâm lý nầy của người tiêu thụ nên đã tung ra nhiều mặt hàng mới với mục đích duy nhất là quảng cáo và khuyến mãi mà thôi…
* Gà Bio (Organic) còn gọi là gà hữu cơ, được nuôi dưỡng theo lối thiên nhiên, có sân chơi, không được sử dụng thuốc kháng sinh và hóa chất để phòng và để trị bệnh.
Thực phẩm (bắp, đậu nành…) dùng để nuôi gà cũng phải có nguồn gốc Bio nữa, có nghĩa là lúc gieo, trồng không được sử dụng phân bón hóa học cùng các loại thuốc trừ sâu làm từ hóa chất, không phải là sản phẩm GMO chuyển đổi gene.
* Gà thả lỏng có sân chơi có thể chạy tới chạy lui làm exercise suốt ngày nên thịt chắc nịch ăn rất ngon. Có người gọi đây là gà đi bộ (walking chicken) hay gà chạy bộ gì đó. Danh từ gà nuôi thả lỏng (free range chicken, cage free chickens) gần đây được các nhà sản xuất khai thác triệt để và quảng cáo như một lối chăn nuôi nhân đạo hợp với thiên nhiên?
* Poulet végétarien được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng thức ăn hỗn hợp thực vật, không được dùng các phế phẩm động vật (no animal by products) chẳng hạn như bột thịt, bột lông, bột xương hoặc mỡ của súc vật… Lý do chính là sợ thịt gà bị lây nhiễm bệnh bò điên.
* Poulet tout végétal et sans antibiotiques, cũng tương tợ trường hợp trên và không sử dụng bất cứ một thứ thuốc kháng sinh nào để nuôi gà. Trong công việc khám thịt hằng ngày, tác giả nhận thấy hôm nào nhà máy làm những loại gà nầy, thì hôm đó mình rất mệt vì gà có rất nhiều bệnh mà thường nhất là Ascitis (nước trong bụng), Cellulitis (một loại bệnh viêm da) và chronic respiratory syndrome (hội chứng bệnh hô hấp mạn tính).
Trong một lô 7.000 con gà thì lúc khám thịt có thể phải loại bỏ condemn ít nhất 500-600 con là chuyện rất bình thường.
Đứng về mặt pháp lý, chưa có một văn bản chánh thức nào của chánh phủ Canada nhìn nhận các sản phẩm kể trên. Đây chỉ là vấn đề quảng cáo của kỹ nghệ thực phẩm mà thôi. Một số tổ chức của tư nhân chuyên trách theo dõi và cấp giấy chứng sản phẩm Bio theo yêu cầu của nhà sản xuất. Có thể nêu ra đây một vài tổ chức tại Quebec như Crop Improvement Association (OCIA), Québec Vrai, Quality Assurance International.
Trong thực tế khó có ai kiểm soát nổi việc làm hư thật của các nhà sản xuất cũng như của các cơ sở chăn nuôi gà. Giá bán của sản phẩm Bio có thể đắt hơn sản phẩm bình thường từ 20% đến 100%. Sự cách biệt về giá cả thúc đẩy con buôn dễ gian lận, chỉ tội nghiệp người tiêu thụ ngây ngô bị lắc túi mà không hay.
Ngày nay, nói về quảng cáo khuyến mãi thì rất là tinh vi và khoa học. Khuynh hướng người tiêu thụ thích gì, mong đợi những gì thì con buôn hay nhà sản xuất liền đánh vào điểm đó.
Đọc báo Việt Nam thấy bên nhà có nói đến Gà Sạch có nghĩa không phải là gà bệnh, gà cúm H5N1 hay gà chết toi chết dịch gì đâu, có giấy chứng nhận đàng hoàng của cơ quan thú y mà. Dù cho là gà sạch hay gà lậu đi nữa nhưng cách làm không sạch thì cũng… lãnh đủ như thường.
Vài năm gần đây, thấy xuất hiện một loại gà lạ, đó là gà Đông Tảo (Đông Cảo, Gà Hồ…), với đặt điểm là cẳng rất to và giá bán rất đắt
Sau hết, cũng còn một vài loại gà khá đặc biệt như gà chọi, gà ướt, gà chết, gà nuốt dây thung, gà móng đỏ, gà nhà… thì ở xứ nào mà chả có.

Thịt gà có chứa tồn dư hóa chất độc hại không?

Gần đây trên Internet có nói đến vấn đề mấy cô không nên ăn cánh gà vì có thể có chứa hormon steroid (?) có thể gây ung thư ovarian tumor. Đây là tin VỊT, urban legend chain letters.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết trong bài viết Thịt gà nuôi công nghiệp đã cho chúng ta biết kỹ nghệ chăn nuôi gà tại Hoa Kỳ đã sử dụng Roxarsone (có chứa thạch tín hay arsenic). Mục đích để giúp gà tăng trọng nhanh, diệt mầm bệnh và ký sinh trùng đường ruột, giúp các sớ thịt và da gà được sậm màu hơn. Canada thì cũng chẳng hơn gì đàn Anh Hoa Kỳ đâu!
«Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, việc tiếp nhiễm dài hạn dưới dạng arsenic vô cơ sẽ ảnh hưởng đến gan, phổi, thận, bàng quang, da và ruột. Có thể đưa đến ung thư ở các bộ phận kể trên. Ngoài ra, còn có ảnh hưởng lên hệ miễn nhiễm, hệ thần kinh, và làm thay đổi cung cách vận hành của các tuyến nội tiết. Còn việc tiếp nhiễm trong ngắn hạn, hay không tiếp xúc (ăn) thường xuyên, cơ thể có thể bị liệt từng phần, và bịnh tiểu đường.» (Ngưng trích Ts Mai Thanh Truyết)

Người gõ đi chợ Canada (giá cả có thể thay đổi)

Gà nguyên con trọn vẹn (không đầu, không cổ, không giò và không có kèm theo đồ lòng) được xem là tốt nhất và được xếp vào hạng A.
Nếu bị cắt xẻo bớt một cái cánh, một cái đùi hoặc một phần da… thì gà bị tuột xuống hạng thấp hơn hay còn gọi là hạng Utility. Lẽ đương nhiên giá cả cũng theo đó mà rẻ xuống chút đỉnh.
Tại Canada, gà nguyên con hạng A giá lối 6$/kg.
Các phần thịt gà bán riêng rẽ, như đùi, cánh, lưng và cổ, giá tương đối nới hơn. Đồ lòng như tim, gan và mề gà đều được bán riêng.
Đắt tiền nhất là phần thịt ức còn tươi được lóc ra, không xương không da, bán lối 16$/kg. Các người ăn kiêng sợ mỡ, sợ cholestérol thì nên dùng loại thịt nầy.
Đôi khi thịt ức loại vừa kể được làm đông lạnh cứng ngắt, bán với giá rẻ hơn khoảng 8.50$/kg, nhưng đây là loại thịt đã được ướp với nhiều loại hóa chất bảo quản, như protéine de soya và phosphate de sodium… ăn thường xuyên không mấy tốt cho sức khỏe!
Các siêu thị chẳng hạn như siêu thị Super C gần nhà thưòng bán hạ giá gọi là bán sale hay bán vente thịt gà. Thay gì được đựng trên các vỉ mốp styrofoam, họ dồn riêng rẽ các phần như lưng, đùi, cánh, ức hoặc vài ba con gà vào một bịch plastique và bán với giá khoảng 2.7$/kg. Đây là những phần được vớt vát lại, được cắt xẻo ra từ những con gà không còn được nguyên vẹn hoặc bị bầm dập chút đỉnh, v.v… khi sản xuất. Đúng là tiền nào của nấy!
Tại các chợ Tây, cũng có bán những miếng thịt gà được lụi qua ghim xen kẽ với ớt xanh, zucchini, củ hành và nấm rơm, v.v… Gà nguyên con được ướp sẵn gia vị cũng được thấy bán, mua về là có thể nướng ăn liền ngay.
Riêng các chợ Á Đông, còn có bán xương gà (sau khi đã họ lóc hết phần thịt) để các bà mua về làm một nồi nước lèo ngon ngọt và trổ tài nấu soupe măng cua hoặc phở đãi khách. Mua 2 kg xương tốn 2$ là đủ nấu một nồi soupe thật lớn rồi. Còn các bà đầm Ca Na Điên dám tưởng mình mua ba cái món nầy về cho con kiki lắm.
Tây họ kỵ món chân gà và món đầu gà. Đây cũng chẳng qua là tập quán ăn uống của mỗi dân tộc mỗi khác mà thôi.
Chân gà rút xương, thường thấy bán dưới dạng đông lạnh, có thể mua tại các chợ Tàu. Món nầy gồm có da, sụn và gân có thể được dùng để trộn gỏi cũ hành rau thơm ăn cũng được lắm. Đây là một món nhậu bình dân của dân Thái Lan mà họ thường gọi là “khả cày dâm” (phiên âm tiếng Thái)
Ngoài ra vào dịp Tết, tại một số chợ Tàu hay Việt Nam, chúng ta lại thấy có bày bán gà làm sẵn còn nguyên đầu nguyên cẳng để mua về cúng mùng ba. Ngày thường thì cũng có thể mua loại gà nầy tại các chợ Tàu, nhưng là loại đông lạnh, còn đủ đầu đủ cẳng. Gà được sản xuất tại một số nhà máy bên British Columbia, Canada.

Chuyện gà Đông Tảo cẳng to bên nhà (tài liệu lượm trên net)

Người gõ chưa từng thấy giống gà lạ nầy bao giờ.
Nói thêm về gà Đông Tảo hay giống gà cẳng to bên Việt Nam, rất đắt tiền.
Hồ chicken – Wikipedia, the free encyclopedia
en.wikipedia.org/wiki/Hồ_chicken
Video-Gà Đông Tảo Việt Nam
https://www.youtube.com/watch?v=jWXUx8AkctQ
http://english.vietnamnet.vn/fms/society/91272/-2-500-for-a-pair-of-dong-tao-chickens.html
Gà Đông Tảo quý ở 2 cẳng(?) – Ngày xưa dành để tiển vua – Nghe nói tại VN 1 cặp gà Đông Tảo giá tới 2500$??
“Gà Đông Tảo hay gà Đông Cảo là một giống gà quý hiếm chỉ có ở Việt Nam. Và đây là loài gà nuôi cổ truyền của xã Đông Tảo thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dân trước đây thường dùng để cúng tế trong các dịp hội hè, hay tiến Vua…
… Gà Đông Tảo thuộc giống gà to con, dáng hình bệ vệ, với thân hình to, da đỏ, đầu oai vệ, cặp chân vững chãi, khi trưởng thành có thể nặng trên 4,5kg (gà trống) và trên 3,5 kg (gà mái). Gà Đông Tảo trống có hai mã lông cơ bản gồm mã mận (màu tím pha đen) và màu của trái mận. Gà cũng có cặp chân sù sì, cặp chân gà trống to và bao quanh chân ở phía trước là một lớp vảy da sắp xếp không theo hàng, phần còn lại (3/4 diện tích) da sùi giống bề mặt trái dâu tằm ăn, bốn ngón chân xòe ra, chia ngón rõ nét, bàn chân dày, cân đối nên gà bước đi vững chắc…” (Ngưng trích Gà Đông Tảo – món gà quý tiến vua- Trang mạng www.Anywhere.com.vn) http://www.anywhere.com.vn/vn/news/detail/doc-dao-viet-nam/dong-tao-chicken-chicken-you-the-king/92
Gà Đông Tảo giá hàng triệu đồng hút khách (theo trang kinhdoanh.vnexpress…)
http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/ga-dong-tao-gia-hang-trieu-dong-hut-khach-2726261.html
“Loại gà một thời chỉ dành cúng tế, hội hè hoặc tiến Vua giờ trở thành món ăn ưa chuộng của những thực khách có điều kiện. Càng gần 30 Tết, giá càng tăng, lên tới hơn nửa triệu đồng mỗi kg, người mua chủ yếu để biếu”. (Ngưng trích kinhoanh.vnexpress…)
Các bạn hãy vào xem link trên (kể cả phản hồi) thì sẽ rõ hơn.
Nếu đã từng ăn loại gà ĐT rồi thì xin phản hồi cho biết ý kiến… Nói rõ là gà Đông Tảo chớ không phải là gà MĐ (Red claw chicken).

Kết luận

Không ai có thể chối cãi được giá trị dinh dưỡng do thịt mang đến cho sức khỏe chúng ta.
Những thành quả vượt bực trong chăn nuôi ngày nay là nhờ vào các tiến bộ khoa học, cùng với việc áp dụng phương pháp chăn nuôi công nghiệp thật táo bạo, trong đó vai trò của các thuốc kháng sinh và hóa chất không phải là nhỏ.
Một số bà con mình bên Texas cũng rất thành công trong ngành chăn nuôi gà công nghiệp. Có anh thì trở thành triệu phú nhờ gặp thời (xem bài Hột Vịt Lộn Long An…)
Tuy nhiên, khoa học cũng có mặt trái của nó. Hiện tượng đề kháng kháng sinh (antibio resistance) ở người một phần lớn đã bắt nguồn từ việc sử dụng bừa bãi loại thuốc nầy trong chăn nuôi. Cũng bởi nỗi lo sợ nầy, cũng như sợ bị cancer cho nên không ít người rất e dè mỗi khi dùng thịt.
Tuy vậy, cũng có một số người sẵn sàng chịu chi để mua những loại thịt Bio hay thịt gà végétarien (grain fed vegetable chicken) mà họ tin tưởng là không có hại cho sức khỏe.
Riêng người gõ, cũng bán tin bán nghi về các loại thực phẩm quá đặc biệt nầy lắm, mình tự hỏi có phải có thật như lời quảng cáo hay không, hay đây cũng chỉ là một trong muôn ngàn mánh khóe của kỹ thuật khuyến mãi?
Còn bên Việt Nam thì sao, người gõ mù tịt.
Bon appétit!

Nguyễn Thượng Chánh, DVM


Tham khảo
– TS Mai Thanh Truyết – Thịt gà nuôi công nghiệp
http://maithanhtruyet.blogspot.ca/2010/03/ga-cong-nghiep.html
– Thăm trại gà ở Austin, Texas.
http://vietbao.com/D_1-2_2-282_4-167643/
– Hột vịt lộn Long An và bài học biến rác thành tiền
http://baomai.blogspot.ca/2014/11/hot-vit-lon-long-va-bai-hoc-bien-rac.html
– Người gốc Việt nuôi gà gia công: chồng gà, vợ nail, tiền vào như nước
http://www.voatiengviet.com/content/vietnamese-americans-raising-chickens-for-big-companies-9-26-11-130608613/910431.html
– Poultry dressing procedure. CFIA
http://www.inspection.gc.ca/english/fssa/meavia/man/ch19/19-4e.shtml
– Genetic diversity of Vietnamese domestic chicken populations as decision-making support for conservation strategies
http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/23714019
– Video – La face cachée du poulet (documentaire québécois) – Các giai đoạn gà bị hạ thịt tại nhà máy Quebec
http://www.youtube.com/watch?feature=player_detailpage&v=CFgOTaKndas

Montreal, Jan 27, 2015


No comments:

Post a Comment