Tuesday, February 17, 2015

Trung Quốc biến Đá Tư Nghĩa thuộc Trường Sa thành đảo nhân tạo (Người Việt)





Người Việt
Tuesday, February 17, 2015 5:07:15 PM

LONDON (NV) .- Một số hình ảnh do vệ tinh chụp từ Tháng Ba năm ngoái đến nay cho thấy Đá Tư Nghĩa ở quần đảo Trường Sa đang bị Trung Quốc biến dần thành đảo nhân tạo có cả phi trường, cảng biển.

Đá Tư Nghĩa, tên quốc tế là Hughes Reef, đang bị Trung Quốc biến đần thành đảo nhân tạo có cả phi trường và cảng biển. (Hình: Jane's Defense)

Đá Tư Nghĩa, tên quốc tế là Hughes Reef, Trung Quốc cướp của Việt Nam năm 1988 cùng với một nhóm bãi đá ngầm khác, nay đang được cải tạo thành các đảo nhân tạo, góp phần giúp Trung Quốc tăng cường tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông.

Theo tin từ tổ chức thông tin an ninh quốc phòng quốc tế Jane's Defense, phân tích ba tấm hình chụp từ vệ tinh, người ta thấy Đá Tư Nghĩa trong quần đảo Trường Sa, đang dần dần biến thành đảo nhân tạo chứ không còn là một bãi đá ngầm nữa.

Trước đây, Trung Quốc chỉ xây dựng một tòa nhà hai tầng, một pháo đài nhỏ trấn thủ ở đó, nhưng hình ảnh mới nhất cho thấy chúng đã là một đảo nhân tạo gồm cả sân đáp trực thăng, phi đạo cho các loại phi cơ khác, cảng biển và các cơ sở đang được xây dựng để một lực lượng lớn quân sự đồn trú, phòng thủ.

Từ khi chiếm Đá Tư Nghĩa, Trung Quốc đặt tên lại là Dongmen Jiao tức Đông Môn Tiêu. Nó là một rạn san hô nằm trong cụm Sinh Tồn, người ta chỉ có thể nhìn thấy khi thủy triều xuống.

Ba tấm hình do vệ tinh chụp vào các ngày 30/3/2014, 7/8/2014 và 01/30/2015 cho thấy sự khác biệt nhau hoàn toàn của Đá Tư Nghĩa. Tấm hình ngày 30/3/2014 Đá Tư Nghĩa vẫn là một bãi đá ngầm. Tấm hình ngày 7/8/2014 thì nó đã được bồi đắp thành đão nhân tạo. Sau cùng, tấm hình ngày 30/1/2015 thì đã có các cơ sở trên đảo đang được xây dựng.

Theo Jane's Defense, trước khi nó được tàu hút cát đá lòng biển bồi đắp, Đá Tư Nghĩa chỉ có một tòa nhà diện tích khoảng 380 m2. Bây giờ, diện tích của nó rộng khoảng 75,000m2. Một số tòa nhà rộng lớn đang xây dựng tiếp giáp với bãi đáp trực thăng và phi trường. Kể từ Tháng 8-2014 đến nay, kè chắn sóng ở mặt phía tây đã hoàn tất và người ta cũng thấy một cầu tàu mới xuất hiện ở phía đông của hòn đảo.

Song song với các hoạt động làm đảo nhân tạo tại Đá Tư Nghĩa, những tháng gần đây, Jane's Defense phân tích các tấm không ảnh do công ty Airbus cung cấp thì thấy các bãi đá ngầm khác cũng được biến thành đảo nhân tạo như Đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Vành Khăn, Đá Chũ Thập, Đá Thị Tứ.

Tấm không ảnh chụp Đá Gạc Ma (Johnson South Reef) vào ngày 24/1/2015 cho thấy một cơ sở lớn đang được gấp rút xây dựng. Đá Ga Ven, khoảng sau ngày 30 Tháng Ba 2014, biến dần từ bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo mà tấm không ảnh ngày 30/1/2015 cho thấy một đường đi được đắp nổi, nối liền pháo đài có sẵn từ trước với đảo mới thành hình, kèm thêm một bãi đáp trực thăng.

Theo nhận xét của Jane's Defense, hình dáng cơ sở trên các đảo Ga Ven và Gạc Ma có vẻ rất giống nhau. Mỗi một nơi có một tòa nhà hình vuông có vẻ giống như một pháo đài chống máy bay hoặc là cơ sở radar ở mỗi góc. Điều này khiến người ta suy luận Trung Quốc dùng cùng một mẫu kiến trúc chung cho các đảo nhân tạo.

Cả Việt Nam và Philippines đều lên tiếng phản đối nhưng Bắc Kinh vẫn lờ đi, biết hai nước nhỏ phía Nam chỉ phản đối suông vì không có khả năng quân sự để ngăn cản.

Bắc Kinh ngang nhiên vi phạm các cam kết giữ nguyên trạng các khu vực tranh chấp với láng diềng khi ký vào bản Tuyên Bố Ứng Xử Trên Biển Đông (DOC) năm 2002, nhưng vẫn lớn tiếng tuyên bố cùng nhau duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông.

Mới ngày 11 tháng 2, 2015, trong cuộc điện đàm với tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được TTXVN thuật lời nói rằng “Đảng, chính phủ và nhân dân Trung Quốc mong muốn cùng với phía Việt Nam tăng cường tin cậy và hữu nghị, đi sâu hợp tác cùng có lợi trên mọi lãnh vực, giải quyết thỏa đáng bất đồng trên cơ sở các nhận thức chung giữa lãnh đạo hai nước, thúc đẩy quan hệ hữu nghị Trung Quốc – Việt Nam phát triển lành mạnh theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt”. (TN)









No comments:

Post a Comment