Tuesday, February 17, 2015

Trần Nhật Kim: Nói chuyện với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về dự luật S.219 (Đàn Chim Việt)





05:15:am 17/02/15

Nói Chuyện Với Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng CSVN Về Dự Luật S. 219 Vinh Danh Người Việt Tỵ Nạn CS


Bản chất của các quốc gia theo chế độ cộng sản là độc tài đảng trị.  Mặc dù trong Hiến pháp có ghi “Cộng hoà, Dân chủ”, nhưng ý nghĩa của các từ này đã bị đảng CS cố tình không thực hiện.  Trên thực tế, vì “Đảng lãnh đạo” nên đảng chiếm vị thế độc tôn, mà “Nhà Nước quản lý” cũng chỉ làm nhiệm vụ thừa hành các chỉ thị của đảng.  Cho dù có phân chia trách nhiệm, nhưng đảng và nhà nước chỉ là một.  “Nhân dân làm chủ”, có tiếng mà không có miếng, chỉ là thành phần dân chúng thấp cổ bé miệng, trở thành công cụ của đảng.  Câu nói “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” chỉ còn hai vế gồm: nhóm cầm quyền độc tài và những người bị trị.

Vì quen thói độc tài, nắm trọn quyền sinh sát, không màng tới đời sống của người dân, nên “sinh hoạt dân chủ” là “kẻ thù” cần phải tiêu diệt trong chế độ cộng sản.  Dự Luật S-219 được Thượng Viện Canada biểu quyết chấp thuận vào ngày 8-12-2014, công nhận ngày 30-4 là Ngày Hành Trình Đến Tự Do (The Journey To Freedom Day), để tưởng nhớ hai triệu người Việt bỏ nước ra đi.  Trong số nạn nhân “bỏ phiếu bằng chân” này, có tới nửa triệu người bất hạnh đã vùi thân dưới lòng biển cả, những phụ nữ bị hải tặc cưỡng hiếp…,đồng thời để cám ơn chính phủ và nhân dân Canada đã mở rộng vòng tay nhân đạo đón nhận 300.000 người Việt tỵ nạn cộng sản.

Ngoại trưởng Canada John Baird. Ảnh www.scnow.com

Dự luật S-219 đã làm một số giới chức Hà Nội bất bình, đưa ra lời phản đối tới chính quyền Canada.  Đại sứ Việt Nam Tô Anh Dũng gửi thư tới Ngoại Trưởng John Baird.  Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Thanh Hải chắc không đọc kỹ dự luật này nên đã có nhận định không sát với thực tế: “Dự luật S-219 có những nội dung sai trái, xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt Nam, nhằm phục vụ mục đích chính trị cá nhân” (Vietnam Net).

Trong chiều hướng trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng “nóng mặt”, đã gửi thư cho Thủ tướng Canada, ông Stephen Harper, bầy tỏ sự quan ngại về Dự luật S-219, kỷ niệm ngày 30-4 là “Ngày Hành Trình Đến Tự Do” của người tỵ nạn cộng sản Việt Nam.

Chắc Thủ Tướng Dũng đã đọc nội dung của Dự Luật này trước khi gửi thư phản đối tới ông Stephen Harper. Thực ra, Dự Luật S-219 không đụng chạm gì tới nước CHXHCN Việt Nam, như Thượng Nghị Sĩ Ngô Thanh Hải đã xác định. Nó cũng chẳng làm thương tổn hoặc gây ảnh hưởng xấu tới quan hệ song phương giữa Việt Nam và Canada, cũng không làm trở ngại trong các lãnh vực thương mại và đầu tư như một số quý vị quan chức cao cấp trong đảng CSVN phát biểu.

Những điều nêu ra trong Dự Luật là một sự thật lịch sử đã được ghi lại qua phim ảnh, sách báo, kể cả những nhân chứng sống. Ngay phần mở đầu của Dự Luật đã xác định: “…để tưởng nhớ đến cuộc di cư của người tỵ nạn Việt Nam và họ được chấp nhận vào Canada sau khi Saigon thất thủ và chấm dứt chiến tranh Việt Nam” (Bill S-219 – 2nd Session, 41st Parliament, 62-63 Elizabeth II, 2013-2014-Senate of Canada).

Với các điểm chính:
- Quận đội Canada đến Việt Nam với tư cách quan sát viên để hỗ trợ hòa bình và chấm dứt chiến tranh VN chiếu theo Hiệp định đình chiến Paris.
- Ngày 30-4-1975, bất chấp thỏa ước hòa bình Paris, quân đội Nhân dân VN và Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã cưỡng chiếm miền Nam VN, đưa tới Saigon sụp đổ, chấm dứt chiến tranh và thành lập nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
- Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Tỵ nạn đưa ra những trường hợp vi phạm nhân quyền khiến 840.000 người Việt di cư trở thành thuyền nhân tới các quốc gia trong vùng.
- Theo Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Tỵ nạn, có ít nhất 250.000 người Việt bị thảm tử trên biển cả vì nhiều nguyên nhân kể cả đau ốm, đói khát, cướp biển bắt cóc và bạo hành.
- Trong số 60.000 người Việt tỵ nan, Chính phủ Canada đã giúp đỡ cho 26.000 người còn 34.000 khác được bảo trợ bởi các hội thiện.
- Vì các hành động cứu trợ nhân đạo này nên Cao Ủy Liên Hiệp Quốc đã trao tặng cho “Nhân dân Canada” giải thưởng “Nansen Refugees Award”.
- Cộng đồng người Việt tại Canada gọi ngày 30-4 là “Tháng Tư Đen” (Black April Day) hay với tên gọi khác “Ngày Hành Trình Đến Tự Do”, để tưởng niệm những người đã chết, những trải nghiệm trên đường di cư, sự đón nhận họ vào Canada và sự đóng góp của 300.000 người Canada gốc Việt vào xã hội Canada…

Thủ Tướng Dũng hẳn đã thuộc nằm lòng câu nói đánh cho “Mỹ cút, Nguỵ nhào”, mà Bên Thắng Cuộc ca tụng ngày 30-4-1975 là ngày chiến thắng, được tổ chức rầm rộ hàng năm, mà đảng CS tự hào là một chiến công thần thánh. Vì vậy, không thể nói “Dự Luật S-219 đã xuyên tạc lịch sử, khơi lại quá khứ đau buồn…”

Còn nhận định Dự Luật này: “chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Việt Nam” lại càng sai lầm, vì sự chia rẽ dân tộc Việt Nam không phải từ ngày 30-4-1975, mà sự chia rẽ này, phải nói cho đúng, là khởi đầu từ Cách mạng Tháng 8. Chính sách Cải cách Ruộng đất đã giết hại gần 200.000 người dân vô tội và đầy ải, khinh rẻ hàng triệu người thân nhân của các nạn nhân , đẩy họ sống ngoài lề xã hội. Hành động cướp của giết người có chính sách này đã gây đau thương và chia rẽ người dân miền Bắc.

Chính sách chia rẽ của đảng lại tái xuất hiện tại miền Nam sau ngày 30-4-75. Hành động cướp nhà, đổi tiền, đánh tư sản… để lại hậu quả tai hại là đưa cả nước trở lên nghèo đói, tụt hậu. Tệ hại hơn nữa là chính sách tù cải tạo hàng triệu quân cán chính miền Nam, gây ra cái chết cho hơn 100.000 tù nhân trong các trại cải tạo, và để lại cho họ những thương tật từ thể xác đến tinh thần. Người miền Nam không thể quên những thảm cảnh này.

Cuộc chiến 20 năm mà đảng CS gọi là “thống nhất dân tộc, giải phóng đất nước”, nhưng thực tế đã chứng tỏ, chỉ thống nhất về phương diện địa dư nhưng đã đào sâu mối hận thù Nam-Bắc. Còn ngày Giải phóng đơn thuần là một cuộc xâm lăng, cướp của giết người, khiến 20 triệu người miền Nam nhà tan cửa nát.  Sự chia rẽ càng trở lên trầm trọng trong đảng cộng sản khi Hà Nội khai tử Mặt trận Giải phóng miền Nam, chứng tỏ họ chỉ là một thứ dụng cụ được xử dụng trong giai đoạn để có chính nghĩa đánh chiếm miền Nam. Vì ông Dũng bị mê hoặc bởi chủ nghĩa cộng sản với mộng tưởng đưa cả nước tiến lên Xã hội Chủ nghĩa, nên không hiểu được mối đau thương cay đắng trong lòng người miền Nam trước hiểm họa cộng sản. Dự Luật S-219 mang tên “Ngày Hành Trình Đến Tự Do” đã diễn tả đúng sự mong đợi của Người tỵ nạn cộng sản Việt Nam, sau khi đã vượt thoát khỏi một chế độ tàn bạo.  Một cuộc “bỏ của chạy lấy người” tang thương lớn nhất lịch sử nhân loại.

Người Việt tỵ nạn cộng sản Việt Nam, mất nước là mất tất cả, chỉ mang theo trong lòng họ một mầu cờ vàng, biểu tượng của Tự do là thứ mà họ trân quý nhất. Họ đã hy sinh, đổ máu và nước mắt để bảo vệ mảnh đất thân yêu miền Nam.  Lá cờ vàng  đã theo chân người tỵ nạn đến tất cả các quốc gia trên thế giới, nơi mà lá cờ vàng được vinh danh là “Lá Cờ Chính Nghĩa”, mang tính chất “Di sản của một Dân tộc”, có một lịch sử lâu dài từ thời dựng nước, với nét kiêu hùng từ thời Bà Trưng Bà Triệu.

Trái lại, lá “Cờ Đỏ Sao Vàng” của XHCNVN, một phó sản của tỉnh Phúc Kiến xuất hiện năm 1931 mà ông Hồ Chí Minh mang về hang Pác Bó vào năm 1941.  Một mầu cờ mang thân phận tôi đòi, tay sai cho ngoại bang mà  đám tay chân kế thừa “sự nghiệp bán nước” của ông Hồ đã thay nhau bán đất dâng biển. Người Việt tỵ nạn chỉ nhìn thấy ở lá cờ đỏ sao vàng mang hình ảnh khủng bố tàn bạo, nhuộm đầy máu và nước mắt.  Vì vậy, lá cờ đỏ được gọi là “cờ máu”.

Đại sứ Việt Nam tại Canada đã phàn nàn với Bộ Ngoại giao Canada về lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa được xử dụng tại nơi công cộng vào các dịp lễ trong đó có sự hiện diện của ông Thủ Tướng Stephen Harper. Ông Tô anh Dũng cũng tuyên bố: “chúng tôi rất ngạc nhiên và quan ngại về chuyện nhiều lá cờ Vàng ba sọc đỏ của VNCH trước đây đã được treo cạnh các lá cờ Canada tại các địa điểm công cộng ở Toronto.”

Ông Jason Kenny, Bộ trưởng Lao động, đã phát biểu: “Cờ Vàng là biểu tượng mà người Canada gốc Việt đã lựa chọn…”, ông cũng khẳng định: Tuy tôn trọng sự liên hệ với Cộng hòa XHCN Việt Nam nhưng ông ủng hộ Dự luật S-219, để kỷ niệm những người liều chết trên đường đi tìm tự do đã tới được Canada. Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Canada đã được chính phủ Canada cho phép xây dựng đài kỷ niệm tại Thủ đô Ottawa với bức tượng “Mẹ Bồng Con”, một biểu tượng của thuyền nhân Việt Nam. Hơn nữa, việc Thủ tướng Stephen Haper tới dự Hội chợ Tết trong khung cảnh tràn ngập cờ Vàng với sự hiện diện của hơn 10.000 người, đã nói lên sự hỗ trợ cho Dự Luật này.

Đối với người Việt tỵ nạn CS trên toàn thế giới, dù với bất cứ danh xưng nào, ngày 30-4 luôn luôn khơi dậy hình ảnh của “Tháng 4 Đen”, cũng mang nặng ý nghĩa là “Ngày Quốc Hận” của người dân miền Nam ưa chuộng hòa bình phải rời bỏ quê hương.  Danh xưng “Ngày Hành Trình Đến Tự Do”, là kết quả của chặng đường đầy gian nan nguy khốn trên đường vượt thoát, xa lánh một chế độ đã không còn tình người, để tới được bến bờ Tự Do.

Hy vọng, Dự Luật S-219, một lần nữa, thức tỉnh những quan chức của chế độ CSVN, hầu biết rõ về ước vọng của người Việt tỵ nạn CS. Ông Dũng chắc nhớ câu nói “quan nhất thời, dân vạn đại” là một chân lý trong mọi thời đại. Trước hiểm họa Bắc thuộc, sự đoàn kết của toàn dân là một yêu cầu cấp thiết. Phải thực tâm và tức thời liên kết với các quốc gia có thế lực mạnh, mới mong thoát được vòng nô lệ ngoại bang. Tự do và Dân chủ là điều kiện tiên quyết để đưa đất nước tới phú cường, mang lại hạnh phúc cho toàn dân và hội nhập vào sinh hoạt của cộng đồng thế giới. Đất nước phải thay đổi trong tiến trình dân chủ hóa toàn cầu.

© Đàn Chim Việt

-------------------------

Dự Luật S-219 “Hành trình tìm Tự do” tại Canada
.
.
.
.
.
.
.
.




No comments:

Post a Comment