Saturday, February 14, 2015

Thỏa thuận ngưng bắn ở Ukraine có sẽ chấm dứt cuộc xung đột? (al-Pessin - VOA)





al-Pessin  -  VOA
13.02.2015

Các nguyên thủ quốc gia tham gia cuộc đàm phán về Ukraine trong thủ đô Minsk của Belarus. Từ trái: Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Nga Vlaimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, 11/2/15

Khi các nhà lãnh đạo của 4 nước hàng đầu trên thế giới triệu tập cuộc họp tại một địa điểm trung lập để mở cuộc đàm phán quan trọng nhằm chấm dứt một cuộc chiến tranh, người ta hy vọng đạt được kết quả.
Cuộc đàm phán kéo dài suốt đêm – mất tất cả 16 tiếng đồng hồ, tuy nhiên họ đã đạt đến kết quả. Các câu hỏi giờ đây là liệu họ có thể thực thi thỏa thuận đạt được và liệu thỏa thuận có đủ để kết thúc cuộc xung đột.
Có nhiều khả năng cho thấy là không thể và không đủ.
Thỏa thuận kêu gọi thực hiện một cuộc ngưng bắn, triệt thoái lực lượng các bên để thành lập một khu trái độn rộng lớn, trao đổi tù binh và cam kết theo đuổi một giải pháp chính trị.

Sự ca ngợi yếu ớt

Tuy nhiên ngay cả các nhân vật khởi xướng vòng đàm phán này cũng thận trọng về những gì họ đạt được. Tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận chi tiết toàn bộ chưa được triển khai. Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng thỏa thuận mang lại hy vọng, nhưng cũng nói mô tả một cách thờ ơ, “còn hơn là không có thỏa thuận nào.”
Điều nghịch lý là Tổng thống Nga Vladimir Putin đồng ý rút toàn bộ chiến binh nước ngoài ra khỏi Ukraine, dù ông phủ nhận đã có phái bất cứ một binh sĩ nào đến Ukraine. Ông nói bất cứ người Nga nào chiến đấu ở miền đông Ukraine đều là người tình nguyện.

Dù vậy, ông Hollande vẫn ca ngợi ông Putin đã gây áp lực để nhóm phiến quân đồng ý với thỏa thuận, sau khi tin nói rằng đàm phán suýt đổ vỡ về việc liệu phe phiến quân có sẽ được phép giữ phần lãnh địa họ chiếm được trong mấy tuần qua, sau khi vi phạm thỏa thuận ngưng bắn trước đây.

Dường như họ sẽ rút về làn ranh cũ. Tuy nhiên còn phải chờ 2 tuần nữa và nhiều điều có thể xảy ra trong thời gian đó, hoặc tạo điều kiện dễ dàng hoặc phá vỡ kế hoạch.

Giống như thỏa thuận Minsk trước đây, ký hồi tháng 9 năm ngoái, thỏa thuận này mở đường cho việc chấm dứt giao tranh và hướng đến việc giải quyết bằng giải pháp chính trị giữa chính phủ được bầu lên ở Kyiv và thành phần phiến quân được Nga hậu thuẫn. Và cũng như các thỏa thuận trước đây, sự thành công hay thất bại của thỏa thuận này phần lớn sẽ tùy thuộc vào việc liệu Tổng thống Putin có cảm thấy hài lòng rằng các mối quan ngại của ông về việc Ukraine chuyển hướng sang phương Tây có dịu bớt.   

Quan tâm lớn hơn của Nga

Phe phiến quân được ông hậu thuẫn đòi 2 vùng đất rộng lớn dọc theo biên giới Nga, nhưng chỉ kiểm soát được 1/3 khu vực này. Họ muốn độc lập, nhưng thỏa thuận này chỉ có những lời hứa cải cách và tự trị.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, đã đề nghị trao các quyền hành rộng lớn hơn cho các khu vực miền đông trong nhiều tháng qua, tuyên bố vấn đề không thể đi xa đến mức như Nga và phe phiến quân muốn.

Nhưng mối quan tâm của Tổng thống Putin còn rộng hơn nhiều. Ông muốn phục hồi ảnh hưởng của ông ở Ukraine sau khi tổng thống được Nga hậu thuẫn của Ukraine bị lật đổ cách nay một năm. Và ông muốn ngăn không cho Ukraine gia nhập khối Liên hiệp châu Âu hay liên minh NATO.

Ukraine và các quốc gia thân hữu ở phương Tây nói rằng điều đó chẳng dính dáng gì đến Nga. Những các chuyên gia nói rằng Tổng thống Putin thấy việc này như mối đe dọa liên quan đến sự tồn tại đối với nước ông.  
Vì vậy có lẽ sẽ cần đến một thỏa hiệp nào đó, có thể liên quan đến khung thời gian và mức độ liên hệ của Ukraine với các đồng minh phương Tây.

Nếu không, Nga có thể, theo dự kiến, sẽ tiếp tục hỗ trợ cho phe phiến quân và tìm cách gây bất ổn cho chính phủ Ukraine và ngăn trở các nỗ lực cải cách, cũng như phát triển kinh tế và các quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây.

Động lực chính dẫn đến các cuộc đàm phán này là cuộc thảo luận ở Washington về việc bán võ khí phòng vệ cho Ukraine nhằm giúp quốc gia này ứng phó với các cuộc tấn công của phiến quân. Điều đó có thể làm tình thế nguy hiểm hơn – có thể sẽ gây thương vong cho Nga nhiều hơn và có thể dẫn đến việc Nga sẽ can dự nhiều hơn, có thể kể cả chính thức gửi các đơn vị quân đội vào miền đông Ukraine, cũng như tấn công các lợi ích của Ukraine hay của phương Tây ở nơi khác.
Ông Hollande và bà Merkel cương quyết tránh loại hình leo thang đó, và đã dùng khả năng Hoa Kỳ có thể bán võ khí để đưa ông Putin ngồi vào bàn thương thuyết.

Ông Andrew Wilson, tác giả quyển “Ukraine Crisis, What It Means for the West” (Cuộc Khủng hoảng Ukraine Có Ý nghĩa gì với phương Tây) nói với đài VOA rằng áp lực này đã có hiệu quả. Ông nói:
“Cho dù việc võ trang cho Ukraine là đúng hay sai, mối đe dọa gửi võ khí rõ ràng làm cho Nga tập trung sự chú ý. Họ muốn giữ những thắng lợi trước khi tình hình bất định gia tăng.”
Ông Daragh McDowell thuộc công ty đánh giá rủi ro Verisk Maplecroft nói, “Nếu có một mục tiêu chiến lược chặt chẽ, nó sẽ tăng tổn thất trực tiếp về chính trị cho Putin trong việc này.”

 Nga có sẽ leo thang chiến tranh?

Nhưng vào đêm trước cuộc đàm phán, ông Putin đã chuyển một thông điệp rằng ông, cũng vậy, có thể nâng sự tổn thất. Phiến quân đã bắn nhiều tên lửa từ các địa điểm họ vào thành phố lớn Kramatorsk do chính phủ kiểm soát, giết chết 7 người và làm trên 20 người bị thương. Ông McDowell nói:
“Tôi nghĩ đó là một cảnh báo từ Nga rằng vẫn còn nhiều nấc trên chiếc cầu thang mà họ có thể đi lên.”
Lên tiếng trước khi thỏa thuận đạt được, không chuyên gia nào lạc quan rằng xung đột sẽ sớm chấm dứt, mà cũng không cho rằng các bất đồng chính trị căn bản sẽ được giải quyết. Ông Wilson nhận định:

“Một thỏa thuận xấu còn cho phép Nga tiếp tục can thiệp vào phần lãnh thổ còn lại của Ukraine thì sẽ không thật sự tiến bộ gì cả.”

Các nhà lãnh đạo họp tại Minsk hứa sẽ vẫn giao tiếp nhằm bảo đảm việc thực thi thỏa thuận. Tuy nhiên cả chính phủ Ukraine và phiến quân đều không thay đổi các yêu sách căn bản họ đưa ra – phe phiến quân đòi độc lập, trong khi chính phủ muốn đất nước thống nhất.
Tin vui giờ đây là những người dân bị bao vây cả 2 bên làn ranh ở miền đông Ukraine có lẽ nhẹ nhõm phần nào vì không còn bị pháo kích hàng ngày. Một số trong hơn 1 triệu người rời bỏ nhà cửa thậm chí còn thể quay trở về.
Nhưng tình hình về lâu dài vẫn bất định.

*










No comments:

Post a Comment