Sunday, February 1, 2015

Tăng xuất khẩu khí đốt : Mỹ quyết hạ đo ván Nga ! (Đỗ Minh Tú)





Được đăng ngày Chủ nhật, 01 Tháng 2 2015 11:40

Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật cho phép quốc gia này đẩy nhanh quá trình xuất khẩu khí đốt. Trong khi Nga thông báo đã mất 200 tỷ USD.

Đừng tưởng năng lượng là át chủ bài của mình Nga

Những ngày vừa qua, giới truyền thông nước Mỹ đã liên tiếp đăng tải thông tin về việc Hạ viện nước này đã thông qua dự luật HR351 nhằm đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các hợp đồng xuất khẩu khí đốt hôm 28/1/2015.

Theo đó, Bộ Năng lượng Mỹ trong vòng 30 ngày kể từ khi dự luật HR351 được thông qua sẽ phải xử lý các đơn đề nghị cấp phép xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng. Các cơ quan nghiên cứu, các viện chiến lược, hay các doanh nghiệp năng lượng của nước này đã hết sức hoan nghênh dự luật.

Tiêu biểu như phát ngôn của Giám đốc Viện Dầu khí Mỹ Erik Milito đã hoan nghênh rằng đây là cơ hội để tăng sản lượng nội địa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tăng cường an ninh năng lượng cho quốc gia và đồng minh.

Hiện tại, Thượng viện Mỹ vẫn chưa thông qua dự luật này, mọi thứ sẽ được quyết định sau khi phiên điều trần của ủy ban Năng lượng và Tài nguyên Thiên nhiên thuộc Thượng viện kết thúc, dự kiến vào ngày 30/1/2015. Có nhiều nhà phân tích cho rằng dự luật sẽ gặp trở ngại khi mỗi dự án mới sẽ phải xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và chi phí sẽ tốn kém nhiều tỷ USD. Trong bối cảnh giá dầu thô đã giảm tới 60% trong vòng nửa năm qua.


Tuy nhiên, có những tín hiệu lạc quan cho rằng dự luật HR351 sẽ sớm được thông qua, dù ngân sách Mỹ có phải chi đậm bởi cục diện thế giới đang trong thời kỳ nhạy cảm. Khái niệm "nhạy cảm" này nhằm hướng tới vấn đề đối đầu giữa Nga và Mỹ trong mối quan hệ địa chính trị và thể chế.

Theo thông báo của Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov hôm 28/1, kinh tế Nga sẽ tổn thất đến 200 tỷ USD từ các biến cố đến cùng một lúc. Các biến cố đó bao gồm việc phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt tới kinh tế Nga; các tổ chức tín dụng liên tiếp hạ bậc tín nhiệm tài chính quốc gia này khiến sự thoái vốn đầu tư và tăng lãi suất các khoản vay, sự mất giá đến thảm hại của đồng ruble. Và đặc biệt là việc giá dầu giảm mạnh.

Các nhà hoạch định kinh tế của Moscow đã dự tính rằng nếu giá dầu giữ mức 100 USD/thùng như thời điểm trước tháng 6/2014, kinh tế Nga sẽ giữ vững mức tăng trưởng và một loạt các chiến lược chính trị, quân sự, xã hội, kinh tế cũng vì thế được đảm bảo. Tuy nhiên, với mức 50 USD/thùng như hiện tại, kinh tế Nga đối diện với nguy cơ suy thoái trầm trọng, thậm chí là khủng hoảng kinh tế.

Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 50% ngân sách của Nga bởi vậy nền kinh tế Nga phụ thuộc trực tiếp vào các thông số cơ bản của giá dầu. Theo tính toán của Bộ Tài chính Nga thì giá dầu giữ mức như hiện tại chính là nguy cơ lớn nhất khiến lạm phát của Nga được dự đoán lên con số đáng báo động là 12,5% trong tháng 1/2015 và giữ mức 7,5% trong cả năm 2015.

Điều đáng ngại hơn, Bộ trưởng Tài chính Nga dự đoán giá dầu sẽ không thể sớm tăng trở lại trong tương lai gần. Và ông Siluanov cũng cảnh cáo quỹ quốc gia sẽ cạn kiệt trong vòng hai năm tới nếu Moscow vẫn duy trì chi tiêu ngân sách như hiện nay.

Thực tế thì Nga đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Các tham vọng của Tổng thống Putin như "phục hưng Liên Xô", hiện đại hóa quân đội... sẽ tan thành mây khói nếu giá dầu vẫn giữ hiện trạng như vậy trong vài năm tới. Chưa kể đến việc thể chế của Nga rất có thể sẽ phải thay đổi khi đời sống người dân bị ảnh hưởng trầm trọng, hoặc quốc gia có nguy cơ phá sản.

Tuy nhiên, viễn cảnh bi thảm đó của Nga chính là mục đích mà Mỹ đang theo đuổi. Cần phải nhấn mạnh rằng giá dầu không thể nhích lên bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC kiên quyết giữ nguyên sản lượng xuất ra thị trường. Lý do họ đưa ra bởi Mỹ không hề có ý định giảm sản lượng của họ.

Và với dự luật HR351, Mỹ sẽ tiếp tục bán ra nhiều dầu hơn nữa. Năng lượng vốn là quân bài mà Nga sử dụng khéo léo nhất trong cuộc đối đầu với phương Tây xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tuy nhiên vào lúc này, nó đã trở thành lá bài uy lực nhất để Washington thực hiện các mục đích chính trị của mình. Tiếp tục trừng phạt kinh tế, tiếp tục tác động kiểm soát giá dầu, Mỹ đang thực sự muốn tung đòn quyết định đối với nước Nga của Putin.

Ukraine câu giờ, chờ tin vui từ Mỹ
Liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, một diễn biến hoàn toàn bất ngờ khi ngày 29/1, Tổng thống Petro Poroshenko kêu gọi tổ chức cuộc đàm phán ngừng bắn khẩn cấp để chấm dứt tình trạng xung đột ở miền Đông. Thậm chí, ông Poroshenko còn chỉ đích danh Belarus hãy làm đại sứ một lần nữa, tương tự như thỏa thuận đã đạt được ở Minsk hồi tháng 9/2014.

Nhưng sẽ chẳng có ai trông chờ vào những gì mà Ukraine nói, hay tin tưởng vào một thỏa thuận ngừng bắn mới sẽ được tôn trọng hơn cái cũ nếu nó ra đời. Bởi ngay trong phát biểu của mình, Poroshenko không hề nhắc tới việc sẽ đàm phán với người ly khai.

Ròng rã nhiều tháng trời kể từ khi các nhóm tiếp xúc được thành lập và hoạt động, ý chí, quan điểm của Nga luôn bảo lưu việc Kiev và Donbass phải đối thoại với nhau một cách sòng phẳng. Nhưng Ukraine đã không muốn thực hiện điều đó.

Nhớ tới tháng 9/2014, khi thỏa thuận Minsk lần đầu ký kết, thực tế ly khai miền Đông đang chiếm thế thượng phong khi họ mở rộng tấn công đến thành phố cảng Mariupol. Ukraine đã dựa vào thỏa thuận ngừng bắn đó để giải nguy cho thành phố này. Và hiện tại, tình trạng vẫn tương tự, khi ly khai đang có các hành động hội quân và chuẩn bị chiến dịch quy mô lớn.

Chỉ có điều, ly khai Donbass ngày càng mạnh, càng chiến đấu có tổ chức, còn Ukraine ngày càng khánh kiệt. Một hiệp định ngừng bắn lúc này chẳng khác gì trò câu giờ, để Kiev có thể chờ đợi những tỷ USD được rót vào từ Mỹ và EU. Và để xem Nga suy sụp trước sức ép kinh tế từ phương Tây.

Dường như chính Ukraine từ quyết tâm tổng tấn công đang chuyển thành thế lưỡng lự câu giờ, chờ đợi một cơ hội để bất chiến tự nhiên thành, khi họ đã nhìn thấy rất nhiều cơ may đang bày ra trước mắt. Hơn ai hết, Kiev hoàn toàn hiểu rằng thiếu Nga, ly khai Donbass chỉ là những gã nghiệp dư biết bắn súng.

Nhưng điều đáng tiếc, ly khai đã tuyên bố họ không hòa, không đàm phán thêm bất cứ điều gì nữa. Trong khi đó, Moscow cũng đã ý thức được rằng cục diện cuộc khủng hoảng này không thể kéo dài. Bởi lẽ, càng kéo dài, các biện pháp trừng phạt ngoài việc tiếp tục được duy trì, sẽ còn có thêm những đòn trừng phạt mới. Cửa thoát của Nga là ưu thế trên chiến trường để ép phương Tây xuống nước trên bàn đàm phán. Vấn đề ở đây chỉ còn là, bao giờ sẽ là trận đánh cuối cùng?

Đỗ Minh Tú
Theo Đất Việt



No comments:

Post a Comment