Sunday, February 22, 2015

Tại sao mọi luật sư đều nên học luật nhân quyền? (The Guardian)





The Guardian
21/02/2015

Nguyễn Hoài An (lược dịch) – Hiểu biết về nhân quyền nói chung và luật nhân quyền nói riêng không chỉ quan trọng với những người làm về nhân quyền. Ở nhiều nước, nếu muốn thăng tiến trong nghề luật, người làm luật cần trang bị cho mình những hiểu biết vững chắc về nhân quyền và luật nhân quyền. Đó là những kiến thức nền tảng, quan trọng không kém kiến thức chuyên môn nội ngành giúp tiến xa trên con đường sự nghiệp.

Bài liên quan:
Một hội thảo hồi tháng 10/2014 ở trường Luật – ĐH Harvard (Mỹ) về vấn đề quyền riêng tư và hoạt động theo dõi công dân mà chính phủ Mỹ tiến hành. Hình thức hội thảo là một cuộc phỏng vấn giữa Giáo sư Lawrence Lessig với Edward Snowden, người tố cáo các hoạt động bí mật theo dõi công dân của CP Mỹ và đang trốn ở Nga. Ảnh: Harvard Magazine.

Lan tỏa khắp mọi lĩnh vực pháp lý

Luật nhân quyền có ảnh hưởng đến mọi vấn đề luật pháp, bất kể là xét ở góc độ lý thuyết hay xét ở góc độ thực hành. Tiến sĩ Carmen Draghici, giảng viên luật nhân quyền của khoa Luật, trường City University, Anh quốc, đã nhận xét như vậy khi đề cập đến tầm quan trọng của việc học luật nhân quyền. Theo bà, luật nhân quyền là kiến thức nền tảng, cần có đối với bất kỳ ai mong muốn tiến xa trong nghề luật, bất kể họ dự định đi sâu vào ngành gì.

Ở Anh, từ khi Luật Nhân quyền được ban hành, các tòa án và các nhà chức trách bắt buộc phải đối chiếu các quyết định của mình theo những luật này, để đảm bảo mọi quyết định đều tuân thủ các quyền tự do được quy định trong Công ước Nhân quyền của Liên minh châu Âu. Ngay cả những đạo luật tối cao của quốc hội cũng không được đi ngược với những quyền đã được quy định trong Công ước. Vì vậy, dù phát triển sự nghiệp theo hướng nào, người làm luật đều phải động đến các vấn đề nhân quyền.

Có hiểu biết về luật nhân quyền dễ tiến xa trong các hãng luật

Tom van der Klugt, luật sư thực tập tại hãng luật quốc tế Freshfields Bruckhaus Deringer, cho biết, kiến thức về luật nhân quyền là những kiến thức nền tảng, có rất nhiều đất dụng khi làm việc tại các hãng luật.  Các hãng không chỉ coi trọng luật nhân quyền trong các vấn đề thủ tục, mà còn trong vấn đề chống phân biệt đối xử trong tuyển dụng, và đặc biệt trong các chương trình cộng đồng, có ý nghĩa xã hội.

Trong những năm trở lại đây, các hãng luật ngày càng tham gia nhiều hơn vào các hoạt động pháp lý phục vụ công đồng, hay các chương trình thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Đối với những chương trình như vậy, nhân quyền là một trong những chủ đề nóng, luôn thu hút được sự quan tâm, chú ý từ nhiều phía.

Theo Van der Klugt, các hãng luật ngày càng coi trọng vai trò của mình trong “cộng đồng pháp lý” ngày một mở rộng hiện này. Vì vậy, thành tích tham gia các hoạt động liên quan đến nhân quyền là một lợi thế cho những ai muốn ứng tuyển hoặc tiến xa hơn trong các hãng luật.

Động chạm đến mọi khía cạnh của đời sống

Nhân quyền là những quyền cơ bản của con người. Vì vậy, lẽ đương nhiên, luật nhân quyền có ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống pháp lý, từ dân sự đến hình sự, trong vấn đề an sinh xã hội, hay thậm chí trong cả luật doanh nghiệp.

Nhiều luật sư am hiểu luật nhân quyền đã vận dụng khéo léo những luật này để tạo cho mình lợi thế vững chắc khi thương thuyết, hoặc khi tham gia tranh tụng trên pháp trường. Kiến thức về luật nhân quyền giúp người làm luật xem xét các vụ việc một cách thấu đáo hơn. Nói như Ismaila Ngum, một người vừa tốt nghiệp khoa Luật, đại học Oxford danh tiếng, luật nhân quyền giúp người ta “có cái nhìn toàn diện hơn đối với các vấn đề pháp lý.”
Cụ thể hơn, luật sư Samantha Knights của hãng luật Matrix Chambers nhận định, việc nắm vững luật nhân quyền trước khi ra nghề mang lại cho người làm luật “kiến thức về một lĩnh vực luật pháp có thể áp dụng cho các cuộc tranh chấp pháp lý trong cả lĩnh vực công cũng như lĩnh vực tư, cho các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, cũng như các vụ việc ảnh hưởng đến cá nhân.”

Công bằng mà nói, chỉ xét riêng về chiều sâu và tính thực tiễn, luật nhân quyền rất đáng để tìm hiểu, bất kể đó là quyền sống, đi đến độ buộc các nhà chức trách phải vào cuộc điều tra khi có một cái chết đáng ngờ, hay đó là quyền tự do ngôn luận, vốn có sẵn những giới hạn nhất định theo quy định của pháp luật. Kiến thức về luật nhân quyền mở ra những hiểu biết mới về các vấn đề hiện tại. Và nói cho cùng, nhân quyền là một thứ ngôn ngữ phổ quát dành cho cả người giàu lẫn kẻ nghèo.










No comments:

Post a Comment