Monday, February 23, 2015

Ngày mồng một Tết tại White House (Nguyễn Viết Kim - Việt Báo)





22/02/2015

Đây là lần đầu tiên, Bạch Cung tổ chức một chương trình đón Xuân vào ngày mồng một Tết Nguyên Đán (White House Lunar New Year), năm nay rơi vào ngày thứ năm 19 tháng hai, sau đó là một buổi tiếp tân do hai người bạn trẻ gốc Á Châu tổ chức tại một nhà hang gần đó.

Thời tiết thật lạnh, nhất là những cơn gió rét buốt đem nhiệt độ từ 17 F xuống còn 12 F khi trời có nắng và khi màn đêm buông xuống thì những cơn gió bấc thật là khốc liệt, những người bộ hành phải đi trong không khí thật lạnh khoảng 6,7 F lúc chạng vạng hoàng hôn rét buốt.


Cần nói thêm là thứ hai là ngày nghỉ cho chính quyền liên bang (presidents' day), chiều hôm đó một con bão tuyết đổ ập xuống thành phố làm tê liệt hệ thống giao thông, khiến cho công sở và trường học phải loan báo nghỉ hôm thứ ba để sở kiều lộ có cơ hội và thì giờ dọn sạch tuyết. Qua thứ năm vào mồng một Tết Nguyên Đán thì cơn gió lạnh thổi từ miền Bắc đến làm cho nhiệt độ ban ngày không lên quá 20 F và ban đêm xuống sát với không độ Fahrenheit (được định nghĩa là đông đá ở 32 F và nước sôi ở 212 F).

Giữ gìn truyền thống nên chiều thứ tư chúng tôi về sớm, ghé chợ mùa hoa quả và Đêm Giao Thừa bày một bàn với hoa quả, tách trà, bánh mứt, cốc rượu, bát nhang, ngọn nến để tưởng nhớ đến tổ tiên ông bà và những thân nhân đã khuất. Mồng một Tết thì cữ quét nhà, ăn mặc tươm tắt đi lễ, kỳ nầy dự lễ buổi trưa tại Basilica ở Hoa Thịnh Đốn. Sau đó dùng phương tiện chuyên chở công cộng (xe điện ngầm) để vào phố, ngồi ăn nhẹ tại "le pain quotidien", một hệ thống tiệm ăn phát xuất từ Bỉ Quốc, có cà phê đủ loại, rượu vang, thức ăn nhẹ kiểu Âu Châu với lối trang trí dùng nhiều gỗ thiên nhiên (mỗi lần ăn ở đây tôi lại mỉm cười vì chuyển ý và chuyển ngữ là "daily bread", làm tôi nhớ tới câu cầu nguyện mỗi lần đi lễ: cầu xin cho chúng con hàng ngày dùng đủ) chờ để vào phía Đông của Bạch Cung (Eisenhower Executive Office Building), rồi đi bộ đến South Conference Room, một phòng họp có sân khấu lớn, chỗ ngồi rộng rãi cho khoảng 200 người.

Theo thủ tục hành chánh thì "by invitation only" và phải khai báo lý lịch trước, khi đến cổng phải chờ sự kiểm soát giấy tờ và hỏi 4 số cuối của số an sinh rồi mới qua cửa đầu tiên, cửa thứ hai sẽ coi lại lý lịch trước khi cấp thẻ đeo vào người, sau đó qua sự kiểm soát như ở phi trường và rồi đi khoảng 30 thước tới nơi chỉ định.

Trời quá lạnh, lưu thông trong thành phố ngay cả lúc 4 giờ là giờ cao điểm cũng thưa thớt hơn bình thường, mọi người đều ngại ra ngoài trời, vì thế chỉ có khoảng 150 người tới và có khoảng 50 ghế trống dù các người được mời đều trả lời sẽ dự và số người được mời chỉ trong sức chức 200 của phòng họp.

Chúng tôi nhận thấy có khoảng 15 người Mỹ gốc Việt trong cử tọa, vài vị trong bản quản trị cộng đồng vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn; vài vị trong các cơ quan truyền thông; vài vị trong các tổ chức dân sự, hội đoàn ái hữu; vài vị công chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao và Giáo Dục; vài vị trong doanh thương; thêm vào đó là bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng trong phần thảo luận bàn tròn và 12, 13 phụ nữ trình diễn phần áo dài trong chương trình văn nghệ.


Phần Múa Lân (Lion Dance) chào mừng rất sôi nổi, đặc biệt người cầm Đầu Lân là một thanh niên da màu, Đuôi Lân là một thiếu nữ da trắng và 4 em trong vai Ông Địa và Phù Lân là thuộc gốc Á Châu, được cử tọa hoan nghênh nhiệt liệt tăng phần ấm cúng và không khí Tết bên trong với cái lạnh cóng bên ngoài.

Sau đó bà Aditi Hardikar đảm nhiệm phần MC, bà là phó giám đốc ủy ban giáo tế của Bạch Cung (White House Office of Public Engagement). Tổng thống Obama gửi tới cử tọa (Video Message from President Barack Obama) một video với lời chào mừng, chúc Tết, cảm tạ sự phục vụ của mọi người thuộc gốc Á Châu trong việc đóng góp vào sự thịnh vượng của Hoa Kỳ và ông mong mỏi chúng ta sẽ hoạt động mạnh hơn để có thêm sự công bằng trong mọi lãnh vực như giáo dục, công ăn việc làm, y tế ngõ hầu tạo sự ấm no hạnh phúc cho toàn dân.


Một nhân vật đặc biệt gốc Hoa, bạn học của tổng thống Obama tại đại học Harvard, sau đó là chánh văn phòng nghị sĩ Obama tại Thượng Viện, rồi bộ trưởng nội các (Cabinet Secretary) và bây giờ là phó bộ trưởng bộ Lao Động Hoa Kỳ (Deputy Secretary of US Department of Labor), đó là luật sư Chris Lu rất trẻ chưa tới 50, ông đã có những nhận xét về di dân cùng sự đóng góp của lớp người này, khởi đầu từ trên 150 năm về trước với lớp người nghèo khổ từ Trung Hoa qua đây xây dựng đường xe lửa xuyên Hoa Kỳ. Trên nền tảng của sự đóng góp nầy, kinh tế Hoa Kỳ có hạ tầng cơ sở vững chắc để tiến tới, cũng như các lớp di dân, ty nạn qua sau đó đã cần cù kiến tạo để Hoa Kỳ trở nên một cường quốc như hôm nay. Tuy nhiên trong số đồng hương di dân, ty nạn, bên cạnh các thành công cũng có những thất bại như các người Mỹ gốc Hoa, gốc Việt rất nhiều người bỏ học, cũng như trong tình trạng thất nghiệp rất lâu, cao hơn sĩ số trung bình. Vì thế ông kết luận, chúng ta cố gắng để thành đạt và khi leo lên được các bậc thang thành công thì giữ lấy thang và cố gắng khuyến khích giúp đỡ kéo các người khác cùng lên.


Sau đó là phần trình diễn văn hóa Đại Hàn với hòa tấu nhạc cụ và trống, màn múa với giải dây dài 12 thước.

Một tiết mục quan trọng là cuộc thảo luận bàn tròn với 3 tham dự viên được điều hợp bởi bà Audrey Buehring, phó giám đốc chương trình tiên khởi (White House Initiative on Asian Americans and Pacific Islanders):

- bác sĩ Nguyễn Thanh Tùng, chủ tịch ủy ban tư vấn (President's Advisory Commission on Asian Americans and Pacific Islanders)

- ông Sam Yoon, nguyên công chức cao cấp thuộc Bộ Lao Động

- luật sư Juliet Choi, chánh văn phòng (US Citizenship and Immigration Services, Department of Homeland Security)


Các vị nầy nói về xuất xứ gia đình, những ngày khởi đầu tại Hoa Kỳ, học vấn, những việc làm đầu tiên, những thất bại, kinh nghiệm và sự trải nghiệm khi phục vụ xã hội. Thí dụ như bác sĩ Tùng qua Hoa Kỳ tỵ nạn, khoa trưởng tại các cơ sở giáo dục đại học có kích thước quốc tế.ty nạn, gia đình là tiểu thương, cần cù trau dồi kiến thức, hiện giờ là bác sĩ chuyên khoa nghiên cứu tại đại học San Francisco, học hỏi những kinh nghiệm khi tiếp xúc với cộng đồng Mỹ gốc Việt, ước muốn phục vụ, thông hiểu sự tiến bước là nhờ có xã hội và nay muốn trả lại những gì đã nhận được bằng cách là mối giây liên lạc đạo đạt những sở nguyện của dân chúng lên cơ quan hành pháp.

Kết thúc phần trình diễn văn nghệ là màn biểu diễn áo dài Việt Nam qua 2 bài hát và 12 thiếu nữ trong trang phục áo dài, màn này đã được cử tọa nhiệt liệt hoan nghênh.
Bà Tina Tchen, một phụ nữ gốc Hoa, phụ tá tổng thống và chánh văn phòng đệ nhất phu nhân, đã lên nói lời tạm biệt và chúc Tết mọi người.

Chương trình kết thúc lúc 6 giờ chiều, ngoài trời bóng đêm đã đổ xuống, gió thổi mạnh và nhiệt độ chỉ còn 7 F, một số đi về nhà , một số khác tham dự Lunar New Year Reception, một cuộc tiếp tân tại nhà hàng Capitale cách White House khoảng 6 blocks đường.


Số khách ở đây không phải khai báo như khi vào White House và có khoảng 120 người uống rượu, dùng các món ăn Á Châu, quan trọng nhất là có dịp tiếp xúc, làm quen.

Nhận xét chung là trong khối gốc Á Châu, người Mỹ gốc Ấn Độ có những chức vụ dân cử rất cao như thống đốc North Carolina va Louisiana, nhiều viên chức cao cấp được bổ nhiệm tại White House, các bộ phủ, các định chế giáo dục; người Mỹ gốc Hàn là giám đốc Ngân Hàng Thế Giới, người Mỹ gốc Hoa là phó bộ trưởng bộ Lao Động, đó chỉ là một nhận xét thoáng qua chưa đi vào chi tiết.

Mong mỏi là người Mỹ gốc Việt sẽ có nhiều vị trí cao trong mọi lĩnh vực, hiện giờ chúng ta đã có phi hành gia, cựu dân biểu liên bang, cựu thứ trường Tư Pháp Hoa Kỳ, thẩm phán tòa kháng án liên bang, khoa trưởng tại các cơ sở giáo dục, đại học có kích thước quốc tế..







No comments:

Post a Comment