Tuesday, February 24, 2015

Nền kinh tế Nga: Putin và nhà nước KGB (Paul Gregory, Econlib)





Paul Gregory, Econlib
Danh Nguyễn, CTV Phía Trước chuyển ngữ
Posted on Feb 24, 2015

“Dưới thời cầm quyền của Putin, một “mafia nhà nước” đã thay thế cho các băng nhóm mafia đường phố những năm tháng hỗn loạn dưới thời Yeltsin nắm quyền.”

Sau hơn một thập niên cầm quyền của tổng thống Nga Vladimir Putin, nước Nga đã trở thành một “Chính quyền KGB”[1]. Dù cho KGB đã bị chấm dứt hoạt động vào năm 1991 sau khi Chủ tịch KGB, Vladimir Kryuchkov thất bại trong cuộc đảo chính Tổng thống Liên xô Mikhail Gorbachev, nhưng tinh thần của KGB vẫn phát triển.  Nước Nga được điều hành bởi các cựu quan chức KGB và các những đại gia (sau thời Xô Viết) thân cận với Kremlin. Họ kiểm soát các ngành công nghiệp, thương mại, truyền thông, ngân hàng, tiến hành các hoạt động bí mật trong và ngoài nước, và vận hành các nhà tù của mình. Họ điều khiển công lý (qua việc ra hiệu cho các thẩm phán nghe theo các phán quyết của họ) và thu thập thông tin nhằm uy hiếp các đối thủ. Nếu họ không trực tiếp ra lệnh ám sát, họ vẫn có thể đảm bảo rằng những người thực hiện các việc này sẽ không bị bắt. Người ngoài không biết cách thức hoạt động của Nhà nước KGB, ngay cả những nhân vật nội bộ đôi khi cũng mơ hồ.

Nhà nước KGB không nương tay với phe đối lập chính trị. KGB tước quyền của các Đảng đối lập, trừ những người cộng sản cũ, những người chỉ chống đối một cách mềm dẻo và thiếu may mắn. Họ kiểm soát và bỏ tù những nhân vật nổi tiếng của phe đối lập bằng cách vi phạm quyền tự do hội họp đã được quy định trong hiến pháp. Nga trở thành nước thường xuyên nằm trong các quốc gia nguy hiểm nhất đối với các nhà báo.[2]

Trong nhà nước KGB, các xung đột lợi ích bị tảng lờ. Cho đến giữa năm 2011, khi Tổng thống Medvedev đã loại trừ quyền tham gia công việc tư nhân, các Bộ trưởng và những nhà quản lý đất nước vẫn có thể tham gia, điều hành ban quản trị, và được trả lương bởi các công ty dưới quyền kiểm soát của mình. Mặc dù vẫn có một số phương tiện báo chí được tự do, nhưng Nhà nước và những đại gia thân cận với Kremlin lại sở hữu và kiểm soát các đài truyền hình. Tin tức truyền hình hàng đêm chiếu cảnh Putin (hoặc Medvedev) kiên trì tham dự các sự kiện yêu nước, trao thưởng, và dường như vẫn quan tâm nhiều đến y tế, an toàn và phúc lợi xã hội của người Nga.

Dưới bàn tay của Putin, một ‘mafia nhà nước’ đã thay thế mafia đường phố trong suốt thời gian hỗn loạn dưới thời tổng thống Yeltsin. Dưới đáy trật tự xã hội do loại mafia này cầm đầu, các đội quân thanh tra thuế, thanh tra hỏa hoạn và thanh tra y tế đã thay thế đám côn đồ đường phố và kẻ cướp trẻ thời Yeltsin. Chúng có thể làm khó bất kỳ doanh nghiệp vừa và nhỏ nào không hợp tác. Ở mức độ cao hơn, các quan chức thành phố và khu vực chia nhau các hợp đồng, nhận hối lộ từ các doanh nghiệp địa phương, phủi sạch trách nhiệm và bằng cớ truy tố, và chỉ công khai thừa nhận khi bị thanh tra gắt gao. Ở nấc trên cùng của dây quyền lực, các Bộ trưởng và các phó Thủ tướng thay các đại gia tư nhân ra tay kiểm soát các mỏ năng lượng và khoáng sản khổng lồ. Họ thương thảo với những nạn nhân của họ một cách lịch sự trong các khách sạn đắt tiền và văn phòng hiện đại, nhưng hành xử như đối thủ xứng tầm với mafia New Jersey.

Quan điểm của KGB đã không thay đổi gì kể từ thời thành lập tổ chức tiền thân của mình, Cheka, ra đời năm 1918.[3] Chúng ta diễn giải “Một lần là KGB, mãi là KGB” theo lời Putin nghĩa là “Một lần là KGB, luôn nghĩ theo cách của KGB”.  Trong suốt thời Xô Viết, KGB đã tự xem mình là thanh kiếm rời vỏ của nhà nước, sẵn sàng phân chia lại “công lý”. Các quy tắc và luật lệ là dành cho người dân. Tại đỉnh cao quyền lực của mình năm 1938, cán bộ KGB (sau đó là NKVD) từng tuyên bố: “Tôi là thẩm phán, bồi thẩm đoàn, và đồng thời là người hành quyết.” Ngay sau đó, Stalin đã tinh giảm bộ máy, thay đổi lãnh đạo và cắt giảm một nửa thành viên của KGB. Quan điểm của KGB được thiết lập như thể Nga luôn bị bao vây bởi các kẻ thù phải bị đánh bại. Việc hợp tác thương mại toàn cầu hóa không nằm trong từ điển của KGB.

Nga của Putin là cơn ác mộng của Stalin về một KGB không có đối trọng, có quyền quyết định “công lý” và việc phân chia lợi ích kinh tế. Ở đây không tồn tại cấp trên nào đủ thẩm quyền kiềm chế nó.

Các chính quyền KGB đã tạo ra một nền kinh tế chộp giật. Các nhà điều hành xem việc kinh doanh của họ như một hệ thống sinh lời cá nhân; họ dẹp bỏ các đối thủ cạnh tranh tiềm năng và sớm vượt qua các doanh nghiệp hợp pháp khác trước khi đủ mạnh để thu hút lợi nhuận. Các nhà điều hành của nền kinh tế KBG đã tích lũy số tài sản đáng kinh ngạc. Putin được cho là người giàu nhất trong số họ, với tài sản hơn 30 tỷ đô la.[4] Theo thống kê của tạp chí Forbes,  số tỷ phú Nga đã vượt số tỷ phú Mỹ dù cho tài sản tư nhân ở Nga chỉ bằng một phần rất nhỏ so với Mỹ.

Nhiều người ca ngợi chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc và sử dụng tốc độ tăng trưởng cao của Trung Quốc để đánh giá về nhà nước đơn đảng và chính sách đàn áp chính trị của nước này. Chúng ta có thể tuyên bố một điều tương tự với nền kinh tế KGB của Nga hay không? Liệu tỷ suất lợi nhuận có phần nào giải thích cho những tiêu cực của nền kinh tế Nga hay không?

Những người điều hành KGB ca ngợi nền kinh tế của họ như một nhà nước tư bản đang hình thành nên các “nhân vật số một trong nước” (thuật ngữ do Putin đưa ra năm 1997) như Gazprom, Rosneft và Aeroflot.[5] Họ nhắc nhở công chúng về “chủ nghĩa tư bản hoang dã” trong những năm Yeltsin nắm quyền, khi tiền hưu không được trả và lạm phát tràn lan. Họ chỉ ra các cuộc khủng hoảng của Hoa kỳ và Hy Lạp. Họ cho rằng các lãnh đạo khôn ngoan như Putin và Medvedev, cũng như các Bộ trưởng và các đại gia thân cận đều tỉnh táo, sẽ bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích kinh tế của xã hội.

Chính quyền KGB kiểm soát các đầu tàu (thuật ngữ của Lenin) về năng lượng, thương mại, khoáng sản, phương tiện truyền thông và vận tải. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể hoạt động nếu họ cố gắng tránh những rắc rối, cúi thấp đầu và chịu “chi” cho các cấp thấp hơn của nhà nước mafia.

Vào cuối thời Yeltsin, hầu hết các ngành năng lượng, giao thông vận tải, khoáng sản, phương tiện truyền thông và ngành ngân hàng đều nằm trong tay các đại gia tư nhân. Theo Putin, đầu tàu các ngành đã trở nên lớn hơn . [6] Các nhà đứng đầu quốc gia Nga đã lại một lần nữa nằm trong tay của chính quyền và các đại gia thân cận với Kremlin. Khodorkovsky, cựu sở hữu công ty Dầu khí Yukos, đã đánh giá thấp sự tàn khốc của chính quyền KGB. Công ty Yukos đã bị nghiền nát bởi nhà nước dưới vỏ bọc của một quy trình phá sản. Khodorkovsky ngồi tù sau lần kết án thứ hai với tội vu khống. Những đại gia tư nhân khác trong thời Yeltsin tháo lui khỏi Nga với số tài sản nguyên vẹn, và những người ở lại thì răm rắp tuân theo mệnh lệnh từ điện Kremlin.

Các công ty của chính quyền KGB có nghĩa vụ thực hiện hai việc: thúc đẩy lợi ích chính quyền và cung cấp lợi ích khổng lồ cho các nhà điều hành hệ thống. Gazprom, công ty độc quyền khí đốt tự nhiên của Nga, đe dọa gây hấn tại Ukraine, Belarus và Georgia khi họ “ngửi thấy” được “mùi” thân cận phương Tây của các quốc gia này. Transneft, công ty độc quyền về đường ống dẫn dầu, hủy bỏ các chuyến hàng để trừng phạt các quốc gia sản xuất dầu mỏ trái ý của Kremlin. Các máy phát điện cung cấp miễn phí cho người dân để tranh thủ sự ủng hộ cho các chính trị gia. Khi lợi ích quốc gia và tư nhân va chạm nhau, lợi ích quốc gia thường phải hi sinh. Putin đã từ bỏ mục tiêu vốn hoá  một nghìn tỷ đô của Gazprom để ưu tiên cho năng lượng quốc phòng. Sau tất cả, vốn hóa của Gazprom hóa ra không quan trọng đến thế. Dù gì, tài sản của Gazprom đã bị vắt kiệt đủ.

Mặc dù được tôn thờ bởi các nhà điều hành KGB, nền kinh tế Nga sẽ trì trệ vì ba lý do.
Thứ nhất, quyền sở hữu không được bảo đảm sẽ hạn chế môi trường kinh doanh, đầu tư và việc sẵn lòng chấp nhận rủi ro. Một công ty tư nhân, Eastline, đã biến đổi sân bay vắng vẻ và hẻo lánh Domodedovo trở thành một trong ba sân bay quốc tế lớn và có lợi nhuận nhất Mátxcơva. Eastline chấp nhận rủi ro đầu tư và áp dụng kỹ năng quản lý của mình. Sân bay Domodedovo trước đó từng đứng đầu trong trong các hệ thống giao thông của doanh nghiệp quản lý bởi nhà nước –  Sheremetova, đồng thời lại từng được xếp hạng một trong những sân bay quốc tế kém nhất trên thế giới. Vào tháng 5 năm 2014, khi Eastline có ý định phát hành cổ phiếu lần đầu ra trước công chúng, Công tố viên Nga đã tuyên bố khoản sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Eastline là “không thể chấp nhận được”, và đe dọa sẽ điều tra và truy tố, khiến Eastline phải dừng IPO lại. Sau đó, một Putin thân thiện đã đứng ra với vai trò như sứ giả hòa bình. Ông và đội ngũ của mình ra dấu hiệu dừng cho các công tố viên. Đổi lại, họ đề nghị mua lại phần lớn Eastline với giá rẻ mạt. [7]Chúng ta hãy chờ xem kết quả của “trò chơi” này.

Thứ hai, những khoản vay ngân hàng được phân bổ cho các nhóm thân cận nên không còn được sử dụng với hiệu quả tốt nhất. Ngân hàng Nga và một ngân hàng khác được kiểm soát bởi chính quyền gần đây vừa thông báo vụ thâu tóm thù địch nhằm vào Ngân hàng Mátxcơva khỏi nhóm thân hữu của thị trưởng đã bị hất cẳng của Mátxcơva, Yury Luzhkov.[8] Ngân hàng Mátxcơva đã bị buộc tội cho người thân quen vay lãi suất thấp. Người đứng đầu ngân hàng đã bày tỏ sự ngạc nhiên (khi ông này vẫn đang ở nước ngoài). Tuy vậy sau đó, ông này đã tiến hành các hoạt động ngân hàng như bình thường khi trở về Nga. Thực tế, nhà nước KGB muốn phân phối lại tài sản cho từ các nhóm đã bị hạ bệ sang những nhóm thân cận. Chủ sở hữu mới của Ngân hàng vẫn sẽ cho vay những khoản lãi suất thấp tương tự và không có thay đổi gì trong hoạt động ngân hàng. Nếu những người may mắn được cho vay này không trả nổi nợ, các ngân hàng đơn giản sẽ được khoản trợ cấp mới từ ngân hàng nhà nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp đạt mức tín dụng phải ngồi ghế dự bị mà không được vay đồng nào.

Thứ ba, đầu tư nước ngoài vẫn không an toàn ngay cả khi đã được phê duyệt ở cấp cao nhất. Shell Oil được cam kết bằng một hợp đồng từ chính phủ Nga để phát triển dự trữ khí đốt ngoài khơi ở Sakhalin mà không có đối tác nước nào khác tham gia. Sau khi Shell đầu tư 20 tỷ đô la và đang trên đà đi vào sản xuất vào cuối năm 2006, cơ quan môi trường Nga cho ngừng dự án. Họ tuyên bố, dự án này quá lớn và là mối đe dọa đến môi trường vốn đã mong manh. Sau nhiều tháng chịu sức ép, Shell đã đồng ý chấp nhận Gazprom trở thành cổ đông lớn và là nhà điều hành của dự án Sakhalin. Ngay sau đó, cơ quan quản lý môi trường Nga đã ngừng phản đối dự án. Shell đã đầu tư và đưa công nghệ của mình vào, còn nước Nga thì hưởng lợi.

British Petroleum (BP) đã ký một hợp đồng với các đối tác tư nhân người Nga để phát triển dự trữ ra nước ngoài dưới quản lý của chính BP. Chính quyền Nga hủy bỏ thị thực của giám đốc điều hành BP và quấy rối nhân viên của họ cho đến khi BP nhượng bộ kiểm soát quản lý cho các đối tác người Nga (hóa ra lại tay chân của Putin!)

Gã khổng lồ ngành năng lượng châu Âu, E.ON mua các máy phát và truyền tải điện của Nga dựa trên lời hứa rằng Nga đã loại bỏ điều tiết trên thị trường điện lực của mình. E.ON và những công ty năng lượng châu Âu khác đã đầu tư hàng tỷ USD nâng cấp cơ sở hạ tầng điện cũ kỹ của Nga. Đến tháng 7 năm 2011, Gazprom thông báo rằng họ sẽ nắm quyền kiểm soát 70% thị trường điện và cung cấp khí đốt giá rẻ hơn thị trường. E.ON và các công ty năng lượng châu Âu khác đã đầu tư vào Nga giờ đang tìm đường rút lui.

Quyền sở hữu không được đảm bảo, phân bổ vốn với mục tiêu chính trị, và việc đối xử bất công với nhà đầu tư nước ngoài giải thích lý do vì sao nền kinh tế Nga sẽ không hiện đại hóa và phát triển miễn là nó vẫn còn nằm dưới sự cai trị bởi chính quyền KGB của Putin.

Đầu tiên, miễn là quyền sở hữu không được đảm bảo, không có chỗ cho tinh thần kinh doanh và đổi mới. Làm sao có thể chấp nhận rủi ro và đầu tư nếu những người bạn thân thiết của chính quyền sẽ gửi đến bạn một điều khoản bạn không thể từ chối?

Thứ hai, nguồn cung vốn ngắn hạn của Nga là ít, nhưng lại được phân chia trong một hệ thống thân cận nhau, mà không được phân bổ để đạt được giá trị sử dụng cao nhất. Chúng ta có những nghịch lý của một quốc gia nghèo về vốn đang lãng phí đồng vốn ít ỏi của mình cho các nhóm thân cận.

Thứ ba, trong suốt giai đoạn Xô Viết, công nghệ Nga tụt hậu nhiều sau phương Tây. Đặc biệt là Đông Nam Á và Trung Quốc đã phát triển một cách ngoạn mục bằng cách tận dụng những công nghệ tồn đọng. Các nước châu Á đang phát triển nhanh biết rằng những công ty phương Tây sẽ cung cấp công nghệ riêng của họ chỉ khi họ được trao lợi nhuận phù hợp với những rủi ro. Kinh nghiệm không may của những công ty phương Tây ở Nga khẳng định rằng môi trường đầu tư nước ngoài tại Nga rất khắc nghiệt.

Thứ tư, các công ty tư nhân của Nga hiểu được mối nguy hại của việc phát triển quá lớn và quá nhiều lợi nhuận. Nếu họ thành công, sẽ có người từ chính quyền KGB đến tiếp quản các công ty này. Vì vậy, các công ty tư nhân của Nga phải giữ nguyên quy mô nhỏ và vô hình. Sẽ không có Microsofts, Googles hoặc Facebooks ở Nga. Thành công trong kinh doanh đưa tới hậu quả chấm dứt hoạt động về sau.

Các hoạt động kinh doanh của chính quyền KGB của Putin tiết lộ khoảng cách – thông thường là ngắn – giữa hành động hợp pháp của chính phủ và chủ nghĩa găng-xtơ thông thường. Những gì mà chính quyền KGB đã làm với Shell, BP, E.ON, Eastline, và vô số các công ty khác không khác nhiều so với hành động tống tiền của mafia. Sự khác biệt ở chỗ các băng đảng này LÀ chính quyền, nghĩa là, đáng sợ hơn, họ thậm chí còn mạnh hơn những tên côn đồ bình thường.

Nước Nga của Putin minh họa sức mạnh tàn khốc mà nhà nước có thể ảnh hưởng tới doanh nghiệp tư nhân. Sự tàn khốc này hầu như không bị che giấu sau những hành động tùy tiện của các cơ quan thuế, cơ quan bảo vệ môi trường, và các công tố viên. Ở những nước khác, quyền lực tùy tiện của nhà nước thường được che giấu cẩn thận hơn sau các tuyên ngôn về lợi ích công và phúc lợi xã hội – và thường bị hạn chế hơn.

Trong trường hợp của Nga, cái giá càng lúc càng rõ ràng hơn. Nền kinh tế suy thoái lớn dưới mức tiềm năng. Người dân Nga có thể trông khá giả nhưng thật ra vẫn rất nghèo. Tổn thất vô ích được sinh ra bởi hành vi tham nhũng nhằm siết chặt mức sống và chất lượng cuộc sống. Theo danh sách các nước trong Chỉ số Phát triển Con người về tuổi thọ, trình độ học vấn và thu nhập, Nga đứng thứ 65 trên thế giới. Nga tụt xuống đứng giữa Albania và Kazakhstan một cách xấu hổ. [9] Xét về thu nhập bình quân đầu người, Nga đứng thứ 51, đứng giữa Antigua và Chile.

Chúng ta không thể nói rằng tiêu chuẩn sống của Nga và phúc lợi xã hội sẽ càng cao hơn khi Nga trong một nền dân chủ, kinh tế thị trường không bị đánh giá thấp bởi chính quyền KGB. Nhưng dựa trên bằng chứng tôi đã cung cấp trên những cái giá phải trả hiển nhiên của chính quyền KGB, tôi cho rằng người dân Nga đã đang và sẽ tiếp tục chịu đựng một gánh nặng khổng lồ.

Chú thích:
1.    “The Making of the Neo-KGB State: Russia Under Putin,”The Economist, August 23, 2007.
3.    Tên và một vài chức năng của một số tổ chức đã thay đổi đôi lần trong giai đoạn 1918 – 1954 khi tổ chức này trở thành KGB
4.    Paul Gregory, Terror by Quota (New Haven: Yale University Press, 2010).
5.    Phỏng vấn Stanislav Belkovsky Warum Putin gar nicht Praesident bleiben will. Die Welt online
6.    Anders Aslund, Russia’s Capitalist Revolution: Why Market Reform Succeeded and Democracy Failed. (Washington, D.C.: Peterson Institute for International Economics, 2007)
7.    Joe Nocera, “How to Steal a Russian Airport.”New York Times, June 6, 2011.
8.    “Russia Gives Bank $14 Billion Bailout”, William Mauldin. Wall Street Journal, 2/7/ 2011.
———————————-
Tác giả: Paul Gregory là Nghiên cứu sinh tại Viện Hoover, Stanford, và Giáo sư Kinh tế học tại Đại học Houston. Tác phẩm mới nhất của ông là tiểu thuyết phi hư cấu có tựa đề “Politics, Murder, and Love in Stalin’s Kremlin: The Story of Nikolai Bukharin and Anna Larina”.
 ————————–
Copyrights © 2007-2014 TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC – www.phiatruoc.info






No comments:

Post a Comment