Sunday, February 1, 2015

Lời Nói Bay Đi, Văn Tự Còn Mãi (Đoàn Thanh Liêm)





31/01/2015

Nhan đề của bài viết này gồm 8 chữ, đó là tôi phỏng dịch từ một câu ngạn ngữ thông dụng đã trên 2,000 năm của người La mã, nguyên văn tiếng La tinh chỉ gồm có 4 chữ như sau: “Verba volant, scripta manent”. Câu này được dịch ra tiếng Anh là: “Spoken words fly away, written words remain”.

Ở Việt nam ta, thì từ xưa dân gian vẫn nói: “Khẩu thuyết vô bằng” tức là lời nói bằng miệng không thể nào được coi là bằng chứng được. Còn về chữ viết, thì cũng có câu: “Bút sa, gà chết” – tức là văn tự với chữ ký thì đã thành một chứng cứ để mà quy trách nhiệm rõ ràng rồi.

Nhà thơ Tú Xương, thì ngay từ đầu thế kỷ XX cụ đã cảnh giác người đời qua câu văn đày tính chất trào lộng như sau:

“Văn chương đâu phải là đơn thuốc,
Chớ có khuyên xằng – chết bỏ bu”.

Ngày nay, với sự phổ biến của sách báo, của truyền thanh truyền hình và nhất là của Internet – thì thông tin và kiến thức được phơi bày truyền đạt vừa mau chóng vừa rộng rãi ở khắp nơi mọi lúc. Đó là một sự thuận lợi có khả năng giúp cho cuộc sống con người mỗi ngày thêm phong phú, tốt đẹp hơn mãi. Tuy vậy, cũng vẫn có mặt trái của nó là đối với người có dã tâm độc ác, thì lúc nào họ cũng có thể sử dụng lời nói, chữ viết để gây tai họa cho bao nhiêu người khác. Ta sẽ bàn thảo cặn kẽ về khía cạnh tiêu cực này trong các mục sau đây.

I – Thủ đọan tuyên truyền dối trá mê hoặc của những chế độ độc tài chuyên chế.

Trong thế kỷ XX, trên thế giới có hai chế độ độc tài khét tiếng đã gây ra sự thảm sát của hàng trăm triệu con người. Đó là chế độ độc tài Phát xít Đức quốc xã và chế độ độc tài Cộng sản do Liên Xô đứng đầu. Cả hai chế độ này đều sử dụng thủ đọan truyên truyền dối trá, bóp méo sự thật để lừa bịp người dân – và họ đã gây ra không biết bao nhiêu tội ác, nạn đói khổ, tù tội, kể cả chiến tranh bạo lực. Chuyện này sử sách với đày đủ số liệu thống kê đã được ghi lại quá sức đày đủ rồi, ta khỏi cần nhắc lại ở đây nữa.

Mà tôi chỉ muốn ghi ra một số tài liệu điển hình tiêu biểu của chiến dịch tuyên truyền do các chế độ độc tài phát động trên thế giới trong thế kỷ XX. Và sau đó, sẽ nói về chuyện ở Việt nam.

1 – Cuốn sách được coi là nguy hiểm nhất: Sách “Mein Kampf” của Hitler.

Cuốn sách này với nhan đề là “Cuộc chiến đấu của tôi” do Hitler viết vào năm 1923 và sau này khi ông ta nắm được chính quyền trong tay từ năm 1933, thì được in ra đến hàng nhiều triệu bản để phổ biến rộng rãi ở khắp nước Đức. Nội dung để đề cao tính ưu việt của dòng giống thuần chủng Aryan của dân tộc Đức và chủ trương diệt trừ người Do Thái. Tính cách khích động quá khích của cuốn sách là nguyên nhân gây ra cuộc tàn sát đến 5 triệu người Do Thái ở Âu châu và còn gây ra đại thế chiến 1939 – 1945 nữa.

Sau khi Hitler chết và nước Đức bại trận, thì cuốn sách này bị cấm lưu hành. Nhưng vào cuối năm 2015 này, thì lệnh cấm này hết hiệu lực và hiện có dư luận cho rằng cuốn sách nguy hiểm này có thể tái xuất hiện và gây ra những xáo trộn, đặc biệt là do nhóm Tân Phát Xít ở Đức và Âu châu có thể dựa vào tài liệu này để xúi bảy những hành động liều lĩnh đem lại sự nguy hại khó lường cho xã hội.

2 – Tài liệu tuyên truyền dối trá khủng khiếp của chế độ độc tài Cộng sản.

Từ khi chế độ cộng sản bị xụp đổ ở Đông Âu và sự tan rã của Liên Bang Xô Viết từ năm 1989, thì người ta đã giải mật bao nhiêu tài liệu được giấu kín suốt bao nhiêu năm đảng cộng sản nắm giữ quyền bính tại các quốc gia này. Các tài liệu được bạch hóa này đã phơi bày thật rõ ràng tính cách dối trá và tàn bạo độc ác của giới lãnh đạo sắt máu từ Lenin, Stalin, Mao trở xuống cho đến hàng trăm hàng ngàn những lãnh tụ cộng sản khác.

Chỉ cần ghi lại một tội ác động trời này, đó là vào năm 1939 Liên Xô đã toa rập với Đức quốc xã để xâm chiếm Ba Lan. Hồng quân Liên Xô bắt giữ rất nhiều sĩ quan cao cấp của Ba Lan và ra tay hạ sát trên 20,000 sĩ quan của Ba Lan vào năm 1940 tại khu vực rừng Katyn trong nội địa nước Nga. Ấy thế mà suốt bao nhiêu năm, Liên Xô lại đổ vấy cho quân đội Đức Quốc Xã đã tàn sát số sĩ quan Ba Lan đó. Mãi gần đây, vào năm 1990, thì phía nước Nga mới phải công nhận việc tàn sát đó là do lệnh của Stalin với cả bản văn có chữ ký của nhà lãnh tụ Liên Xô hồi đó nữa. Và nước Nga đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi Ba Lan về hành động tàn ác man rợ này đã xảy ra từ 50 năm trước.

Nhân tiện, cũng nên nói qua về phong trào tự phát của nhiều nơi trong các nước thuộc Liên Xô trước đây để tìm lại tông tích của những nạn nhân bị sát hại trong các trại tù cộng sản – để con cháu các nạn nhân này biết được cha ông mình đã bị đối xử tàn tệ ra sao. Và còn để lập những bia Tưởng niệm những nạn nhân đó tại các địa phương là quê quán của họ nữa. Phong trào này có tên chung là Memorial Foundation, hiện vẫn còn họat động mặc dù bị nhóm cựu đảng viên cộng sản ở Nga tìm mọi cách ngăn cản.

II – Còn những chuyện trái khoáy lố bịch của cộng sản ở Việt nam thì sao?

Sau 70 năm cầm quyền với cuộc chiến tranh liên miên rồi đến chế độ độc tài chuyên chế tòan trị, đảng cộng sản đã và đang để lại một dấu ấn thật ảm đạm đau buồn trên đất nước ta. Bao nhiêu sách báo, văn kiện nội bộ của đảng cộng sản, v.v... đã ghi lại rõ ràng đường lối chính sách tàn bạo, dối trá của người cộng sản đối với dân tộc ta suốt từ năm 1945 tới nay. Ở đây, chỉ cần ghi ra vài tài liệu của chính nhân vật lãnh đạo chóp bu mà người cộng sản vẫn thần thánh hóa và tôn vinh là “cha già dân tộc”.

1 – Hai cuốn sách do chính Hồ Chí Minh viết mà lại ký tên khác.

Ngay trong thời kháng chiến chống Pháp vào cuối thập niên 1940, mà Hồ chí Minh đã cho xuất bản một cuốn có nhan đề là “Những mẩu chuyện về đời họat động của Hồ Chủ Tịch” với bút danh là Trần Dân Tiên.

Và vào năm 1963, thì lại cho xuất bản cuốn sách “Vừa đi đường vừa kể chuyện” với bút danh là T. Lan. Cả hai cuốn sách này đều nhằm đề cao tài trí và sự hy sinh của người lãnh đạo cộng sản cho sự nghiệp tranh đấu cho độc lập và chủ quyền của dân tộc Việt nam. Lại còn có cả bản dịch sang tiếng Hoa, Nga, Pháp, v.v... nữa.

Có thể nói Hồ Chí Minh là người họat động chính trị duy nhất trên thế giới mà lại đứng ra viết sách để tự ca tụng mình. Thật là điều lố bịch hết chỗ nói mà bây giờ các hậu duệ của ông ta thật khó lòng tiếp tục tôn vinh ông ta qua cái hành động kỳ quái này vậy.

2 – Bức thư Hồ Chí Minh gửi Stalin năm 1952 kèm theo bản Đề cương về Chính sách Cải Cách Ruộng Đất. (Phóng ảnh tài liệu này đã được in trong Phần Phụ Lục của cuốn chuyện có nhan đề là “Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất” của tác giả Trần Thế Nhân được xuất bản tại hải ngọai gần đây)

Năm 1952 cũng trong thời kỳ chiến tranh chống Pháp, thì Hồ Chí Minh có gửi một bức thư viết bằng tiếng Nga cho đàn anh Stalin kèm theo bản Đề cương về Chính sách Cải Cách Ruộng Đất do Đảng Cộng sản Việt nam sọan thảo với sự cố vấn của lãnh tụ Trung quốc là Lưu Thiếu Kỳ. Lá thư này chủ ý đệ trình lên Stalin để xin ông ta chấp thuận duyệt y cho bản Đề cương về CCRĐ do Đảng Cộng sản Việt nam sọan thảo. Và sau đó, kể từ năm 1953, chính quyền Cộng sản Việt nam đã cho phát động cả một chiến dịch sắt máu tàn bạo theo sự chỉ đạo của các cố vấn Trung quốc khiến gây ra bao nhiêu sự chết chóc, đau thương thống khổ cho hàng bao nhiêu vạn gia đình nông dân trong khu vực miền Bắc Việt nam.

Tài liệu này chứng tỏ Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt nam đã hành động hòan tòan theo sự chỉ đạo và yểm trợ của Liên Xô, Trung cộng để gây ra thảm họa cực kỳ man rợ trên đất nước ta từ bao nhiêu năm qua.

3 – Bài báo “Địa chủ ác ghê” ký tên tắt là C.B tức là Của Bác = Bác Hồ.

Cũng vào năm 1953, lúc phát động chiến dịch Cải cách Ruộng đất với việc bắn chết bà Nguyễn Thị Năm tự Cát Hanh Long, thì xuất hiện bài báo đăng trên tờ Nhân Dân có nhan đề là “Địa chủ ác ghê” với bút hiệu viết tắt là C.B. Đó là bút hiệu của Hồ Chí Minh, C.B = Của Bác, tức là của Bác Hồ. Sau này, có một số cán bộ tìm cách chạy tội cho ông Hồ bằng cách đưa ra lý giải rằng “Bác không muốn khởi đầu chiến dịch CCRĐ bằng việc xử bắn một phụ nữ. Mà đó là do áp lực của Trung quốc, v.v…” Nhưng mà bài báo ký tên C.B, thì ghi rõ những “tội ác của bà Nguyễn Thị Năm” để mà khêu gợi lòng hận thù đối với địa chủ. Vậy thì làm sao mà biện minh cho lập trường nhân ái khoan hồng của ông Hồ trong việc này được?

Trong cuốn “Đèn Cù” mới xuất bản năm 2014 của tác giả Trần Đĩnh, thì cũng có đọan ghi rằng: “Trong vụ xử bà Năm, ông Hồ lấy khăn bịt bộ râu đi, còn ông Trường Chinh thì đeo kính đen – để trà trộn vào đám đông mà theo dõi vụ xét xử đấu tố điển hình này...”

** Nói vắn tắt lại, thì giới lãnh đạo cộng sản Việt nam đã thi hành đúng theo sự chỉ đạo của Liên Xô, Trung Cộng để áp đặt chế độ độc tài chuyên chế toàn trị trên đất nước ta ngay từ năm 1945 lúc họ nắm giữ được quyền bính trong tay của mình. Và đó là căn nguyên chính yếu của mọi nỗi đau thương thống khổ tột cùng cho dân tộc Việt nam chúng ta suốt 70 năm qua.

Trong suốt 70 năm đó, giới nghiên cứu lịch sử ở nước ta đã có thể thu thập tích lũy được cả một kho tài liệu đồ sộ về những tội ác dã man tàn tệ mà đảng cộng sản đã gây ra trên quê hương ta. Đó là những tội ác mà “Trời không dung, Đất không tha”. Và đó cũng là một vết nhơ không thể nào mà tảy rửa được của tập đòan những kẻ ác nhân thất đức đang nắm quyền thống trị trên đất nước ta hiện nay vậy./

Costa Mesa California, Tháng Giêng 2015
Đoàn Thanh Liêm



No comments:

Post a Comment