Wednesday, February 18, 2015

Dấu vân tay có là bằng chứng chứng minh Hồ Duy Hải ngoại phạm? (Huyền Trang, VRNs)





Huyền Trang, VRNs
Đăng ngày: 17.02.2015

VRNs (17.02.2015) – Sài Gòn – Hồ Duy Hải bị kết án tử do Tòa cho rằng đã giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu voi. Vụ án được dư luận quan tâm nhiều bởi vì có nhiều chứng cứ, tình tiết chưa được điều tra làm rõ. Chứng cứ mà dư luận quan tâm nhiều nhất là dấu vân tay. Tại hiện trường, cơ quan Công an đã thu được nhiều dấu vân tay, nhưng kết quả giám định lại không có dấu vân tay nào thu được ở hiện trường trùng với 10 dấu vân tay của Hải. Qua đó, có hai luồng ý kiến nhận định trái chiều nhau. Thứ nhất, không có dấu vân tay ở hiện trường, chứng minh Hải không có mặt ở hiện trường, tức Hải ngoại phạm. Thứ hai, Hải có mặt ở hiện trường, nhưng Hải đã khôn khéo, hoặc vô tình không để lại dấu vân tay ở hiện trường.

Trước hai luồng ý kiến dư luận như vậy, chúng tôi xin mời quý vị tìm hiểu kỹ hơn dấu vân tay có ý nghĩa như thế nào trong khoa học hình sự, trong pháp lý và trong thực tế vụ án hình sự, qua cuộc trò chuyện giữa chúng tôi với cha Giuse Đinh Hữu Thoại, Trưởng Văn phòng Công lý và Hòa bình, DCCT Sài Gòn.

Huyền Trang, VRNs: Thưa cha, trong các vụ án hình sự thì dấu vân tay có ý nghĩa như thế nào về mặt khoa học hình sự, về khía cạnh pháp lý và trong thực tế ạ?

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Từ thế kỷ thứ 18, khoa học đã chứng minh, dấu vân tay của mỗi người là độc nhất và không thay đổi. Xác suất hai cá nhân -thậm chí ngay cả anh em hoặc chị em sinh đôi cùng trứng- có cùng một bộ dấu vân tay là 1 trên 64 tỉ người, tức dấu vân tay của mỗi cá nhân độc nhất vô nhị. Chính vì thế, khoa học hình sự đã sử dụng dấu vân tay như một chứng cứ quan trọng để nhận dạng, xác định dấu vết hành vi của một người lưu lại hiện trường đây chính  là tiêu chuẩn quan trọng trong giám định hình sự.

Bên cạnh đó, hiện nay, dấu vân tay được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, đã có trên 100 quốc gia sử dụng hộ chiếu điện tử bằng công nghệ nhận dạng vân tay, bởi vì dấu vân tay là một giải pháp bảo mật hữu hiệu và xác nhận nhân thân chính xác.

Ở VN, cũng không ngoại lệ, khi đến độ tuổi làm căn cước mọi người đều phải lăn các ngón tay, để lại dấu vân tay trong tàng thư lưu trữ của cảnh sát.

Trong các vụ án ở VN, cũng có người bị tình nghi là thủ phạm do dấu vân tay của họ lưu tại hiện trường, nhưng họ lại không phải là thủ phạm. Do các chứng cứ khách quan khác của vụ án như nhân chứng, các lời khai, tang vật… chứng minh họ không phải là thủ phạm; hoặc cơ quan tiến hành tố tụng  không đủ căn cứ kết tội họ, nên buộc phải trả tự do cho họ.

Trường hợp điển hình nhất gần đây là vụ án của công dân Trương Bá Nhàn, sống tại Sài Gòn. Vào năm 2002, ông Nhàn bị bắt tạm giam và cáo buộc về tội ‘giết người, cướp tài sản’. Cơ quan Cảnh sát điều tra tình nghi ông Nhàn giết bà Hoàng Thị Kim A -họ hàng với ông, do dấu vân tay của ông được phát hiện bên trong hộc tủ bằng gỗ ở phòng ngủ của nạn nhân. Ngoài ra, cơ quan CSĐT cũng thu được nhiều dấu vân tay của nhiều người khác. Suốt thời gian bị giam cầm, ông Nhàn liên tục kêu oan và giải thích “là anh em bà con với chồng nạn nhân nên thường qua lại như người một nhà. Khoảng một tuần trước khi xảy ra vụ án, vợ chồng bà A nhờ ông vào phòng ngủ dọn dẹp và kê giùm chiếc tủ, có thể ông đã đụng tay vào hộc tủ đựng tiền nên để lại dấu vân tay”. Thế nhưng, cơ quan điều tra đã bác bỏ. Sau đó, VKSND Tp.HCM truy tố ông về tội ‘giết người và cướp tài sản’ với mức hình phạt tử hình. Nhưng trong vụ án lại có nhiều tình tiết mâu thuẫn, chưa được điều tra làm rõ nên Tòa trả lại hồ sơ, yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra bổ sung. Sau hơn 4 năm ông Nhàn bị giam cầm oan, các cơ quan điều tra đã không có đủ bằng chứng chứng minh ông Nhàn có hành vi phạm tội ‘giết người cướp của’ -mặc dù tại hiện trường các cơ quan điều tra thu được dấu vân tay của ông- nên phải trả tự do cho ông, bồi thường thiệt hại và công khai xin lỗi ông trên báo chí.

Huyền Trang, VRNs: Thưa cha, con xin cám ơn cha đã cung cấp những thông tin cơ bản cho thấy, dấu vân tay rất quan trọng để  nhận dạng một người nào đó, và là một chứng cứ rất quan trọng trong các vụ án hình sự nhằm xác định hung thủ.
Thưa cha, con xin được phép quay trở lại vụ án Hồ Duy Hải, trong vụ án này dấu vân tay thu được ở hiện trường là chứng cứ được dư luận quan tâm nhiều nhất. Con xin được đặt một giả thiết rằng, nếu dấu vân tay của anh Hải trùng với một trong nhiều dấu vân tay đã thu được ở hiện trường, nhưng các lời khai nhận tội của anh Hải không phù hợp với các chứng cứ khách quan khác liên quan đến vụ án, vậy theo Luật, anh Hải có phạm tội giết người hay không ạ?

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Giả thiết thu được dấu vây tay của Hải ở Bưu điện, cũng chỉ có thể chứng minh Hải đã từng có mặt tại nơi xảy ra vụ án nên  lưu lại dấu vân tay. Ví dụ Hải đến Bưu điện Cầu Voi trước đó mấy ngày, hoặc đến đó trước mấy tiếng đồng hồ trước khi xảy ra vụ án, hoặc có thể Hải có mặt trong thời điểm xảy ra vụ án. Nhưng để xác định Hải là hung thủ thì còn phải dựa vào các chứng cứ khách quan khác nữa , như là, vật chứng, nhân chứng, các lời khai, …Ví dụ, như trường hợp anh Nguyễn Văn Chưởng ở Hải phòng, nhiều nhân chứng xác định lúc xẩy ra án mạng, anh Chưởng đang ở Hải Dương, nên giả định có thu được dấu vân tay của Chưởng trên xe máy của nạn nhân chẳng hạn thì cũng không đủ căn cứ xác định.

Hiện nay, dư luận nói rằng, cơ quan điều tra đã thu được nhiều dấu vân tay ở hiện trường nhưng không trùng với 10 dấu vân tay  của Hải, nên Hải không phải là hung thủ.

Còn các cơ quan bảo vệ pháp luật nói ngược lại rằng, dấu vân tay thu được ở hiện trường không quan trọng, không đủ căn cứ chứng minh Hải vô tội. Bởi vì, tại hiện trường, các cơ quan điều tra thu được nhiều dấu vân tay của nhiều người, nhưng lại không thu được dấu vân tay của Hải vì có thể Hải đã đeo găng tay gây án, sau khi thực hiện xong Hải đã khôn khéo xóa dấu vết… Hoặc, nếu như ở hiện trường chỉ thu được một dấu vân tay thì còn có thể đặt nghi vấn rằng, còn nhiều dấu vân tay khác chưa thu được ở hiện trường mà có thể những dấu vân tay này trùng với dấu vân tay của Hải. Cho nên, các cơ quan bảo vệ pháp luật khẳng định, dựa trên lời khai nhận tội của Hải thì dấu vân tay không đủ căn cứ chứng minh Hải ngoại phạm.

Cách lý luận của các cơ quan bảo vệ pháp luật nghe sơ qua có vẻ hợp lý, nhưng xét về khía cạnh pháp luật thì vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc cơ bản trong Bộ luật Tố tụng Hình sự. Bởi vì:

Thứ nhất, ‘trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng’ được quy định tại Điều 10 BLTTHS: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội…” Chính vì thế, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh Hải phạm tội giết người dựa trên các chứng cứ được thu thập theo đúng trình tự thủ tục tố tụng. Ví dụ như dấu vân tay thu được ở hiện trường có phù hợp với dấu vân tay của Hải hay không, nếu không thì phải chứng minh nguyên nhân tại sao Hải không lưu lại dấu vân tay ở hiện trường? Cần nhấn mạnh, Hải không có nghĩa vụ chứng minh mình có tội hay vô tội.

Thứ hai, cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân theo nguyên tắc suy đoán vô tội. Nếu là suy diễn thì phải suy diễn theo hướng vô tội, bởi vì “không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”, được quy định tại Điều 9 BLTTHS. Nghĩa là, Hải chưa bị Tòa án kết tội, nên phải coi là chưa có tội. Các dấu vân tay thu được ở hiện trường không trùng với 10 dấu vân tay của Hải, thì theo nguyên tắc suy đoán vô tội, phải suy diễn là Hải không có mặt tại hiện trường, tức ngoại phạm. Thế nhưng, cơ quan tiến hành tố tụng lại suy diễn theo hướng có tội rằng, trong các lời khai Hải đã nhận tội nên Hải có mặt tại hiện trường, nhưng không để lại dấu vân tay, có thể do Hải khôn khéo xóa dấu vết chẳng hạn. Chính vì vậy, các cơ quan bảo vệ pháp luật khẳng định, Hải là hung thủ.

Tuy nhiên, các cơ quan bảo vệ pháp luật nếu chỉ dựa trên các lời khai nhận tội của Hải để kết tội Hải, thì vi phạm nghiêm trọng khoản 2, Điều 72 BLTTHS: “Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng khác của vụ án”. Mà cụ thể ở đây, chứng cứ khác là Bản kết luận giám định kết luận không có dấu vân tay của Hải ở hiện trường thì Hải không có mặt ở hiện trường. Đã không có mặt thì lời khai nhận tội của Hải không được coi là chứng cứ.

Thứ ba, Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án”. Vì thế, cơ quan điều tra có thể đặt nhiều tình huống khác nhau buộc Hải có hành vi phạm tội giết người, nhưng phải phù hợp với các chứng cứ khách quan khác, phù hợp với các lời khai khác trong các biên bản. Ví dụ, cơ quan bảo vệ pháp luật cho rằng, Hải đã thực hiện hành vi giết người và xóa dấu vết bằng cách dùng găng tay để bóp cổ hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi, nhưng cơ quan điều tra lại không thu được găng tay ở hiện trường. Sau đó, họ tiếp tục suy diễn rằng, Hải đã tiêu hủy găng tay này bằng cách mang về nhà đốt, nên họ đã thu giữ các tàn tro được đốt sau nhà của Hải, đem đi giám định và kết quả cuối cùng là không có yếu tố nào cấu tạo nên chất liệu của găng tay. Không những vậy, nhiều tang vật không phải là chứng cứ có thật như, con dao và cái thớt không được thu giữ tại hiện trường, mà sau này cơ quan tiến hành tố tụng đã ra chợ mua về để làm vật chứng; các biên bản lời khai bị sửa chữa nghiêm trọng… Do đó, cơ quan bảo vệ pháp luật không được sử dụng lời khai nhận tội của Hải làm chứng cứ duy nhất quy kết Hải là thủ phạm mà bỏ qua các chứng cứ khách quan khác của vụ án chứng minh Hải vô tội.

Xoay quanh dấu vân tay trong vụ án này có một số tình tiết chưa được xác minh, điều tra làm rõ. Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, có 23 đối tượng bị triệu tập, tạm giữ, nhưng không lưu lại hồ sơ, không lưu lại dấu vân tay, và cũng không biết có giám định xem dấu vân tay của 23 người này có người nào trùng với các dấu vân tay đã thu được ở hiện trường hay không. Tại sao các cơ quan điều tra lại bỏ qua các dấu vân tay của các đối tượng này? Phải chăng dấu vân tay của đối tượng nào đó trùng với các dấu vân tay đã thu được tại hiện trường? Điều này cũng chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật xác minh, làm rõ.

Huyền Trang, VRNs: Thưa cha, theo như những gì cha trình bày, nếu như các cơ quan bảo vệ pháp luật tôn trọng pháp luật thì kết quả sẽ như thế nào ạ?

Cha Giuse Đinh Hữu Thoại: Qua vụ án của Hồ Duy Hải, tôi không đủ căn cứ để biết Hải có oan hay không, nhưng nếu dựa trên các chứng cứ, tang chứng, lời khai khách quan mà cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án không chứng minh được Hải phạm tội thì phải đình chỉ điều tra, khi đã hết thời hạn điều tra được quy định tại điều 164 BLTTHS.

Huyền Trang, VRNs: Con xin chân thành cám ơn cha và xin kính chúc sức khỏe cha.

Huyền Trang, VRNs





No comments:

Post a Comment