Saturday, February 28, 2015

CPAC 2015, Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa 2015 (Nguyễn Văn Khanh)





Nguyễn Văn Khanh
Thursday, February 26, 2015 6:34:34 PM

Hình như chẳng thiếu một ai.

Trước hàng ngàn đại biểu thuộc cánh bảo thủ Cộng Hòa từ mọi nơi đổ về thủ đô, Ðại Hội CPAC 2015 diễn ra trong bầu không khí tưng bừng, náo nhiệt. Trong 4 ngày làm việc (từ chiều Thứ Tư cho đến chiều Thứ Bảy) các thành viên tham dự có đủ mọi lý do để tay bắt mặt mừng, trong đó đương nhiên chuyện thành công ở cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 là lý do lớn nhất. Hầu hết những người có mặt đều tin rằng kết quả kỳ diệu đó là bước mở đầu cho một thành công lớn hơn mà họ trông chờ đã 8 năm qua: lấy lại Tòa Bạch Ốc từ tay đảng Dân Chủ.

Cũng chính vì thế, những chính trị gia đang nuôi mộng trở thành người lãnh đạo quốc gia đều có mặt, lần lượt lên diễn đàn trình bày quan điểm, đường lối chính trị của mình, hy vọng sẽ được lắng nghe, thành phần cốt cán của đảng ủng hộ nhận lời tiếp một tay gầy dựng hệ thống vận động tranh cử ở địa phương. Theo danh sách do Ban Tổ Chức công bố, con số các chính trị gia Cộng Hòa nói chuyện ở đại hội lên đến 17 người, trong đó bao gồm những khuôn mặt cũ như các ông Rick Perry của Texas, ông Rick Santorum của Pennsyvania, bà Sarah Palin của Alaska, hoặc những nhân vật hoàn toàn mới như ông Jeb Bush và ông Marco Rubio của Florida, ông Rand Paul của Kentucky, v.v... Tất cả các bài diễn văn đã được đọc hay sẽ được đọc đều mang chung một nội dung: cánh bảo thủ Cộng Hòa phải là lực lượng đi hàng đầu để đưa quốc gia đi đúng hướng, xây dựng lại nền tảng bảo thủ đã đưa nước Mỹ đến vị trí một siêu cường.

Bên cạnh nội dung quan trọng đó, các diễn giả sẽ dùng diễn đàn để nhắc nhở mọi người “đừng quên tôi cũng có ý định tranh cử tổng thống” (như ông Chris Christie nói trong bài nói chuyện trưa Thứ Năm, 26 Tháng Hai) hoặc dùng diễn đàn để tấn công đối thủ Dân Chủ, như bà Carly Fiorina đến từ tiểu bang California dùng diễn đàn để dõng dạc thách thức, “Bà Clinton, xin bà cho chúng tôi biết một thành quả mà bà đã làm để phục vụ đất nước,” nêu thêm thắc mắc “lúc bà vợ làm ngoại trưởng, tổ chức của ông chồng (the Clinton Global Initiative) nhận được nhiều triệu dollars đóng góp từ chính phủ những nước khác là điều có đúng với đạo đức hay không.” Cũng có người dùng ngay diễn đàn để chỉ trích Tổng Thống Barack Obama, chẳng hạn như ông bác sĩ nổi tiếng Ben Carson thẳng thừng chê bai chính sách xã hội thiên tả của vị tổng thống Dân Chủ đương nhiệm. Xin nói thêm Bác Sĩ Carson là một chính trị gia da đen đang nuôi mộng cầm chìa khóa mở cửa Tòa Bạch Ốc, ông Obama là vị tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ.

Chỉ có 2 nhân vật nặng ký của đảng Cộng Hòa vắng mặt, là ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và ông Trưởng Khối Ða Số Thượng Viện Mitch McConnell. Ðây là lần đầu tiên ông McConnell không nói chuyện trước Ðại Hội; lần cuối cùng ông Boehner tham dự là năm 2010, chỉ vài tháng trước khi lực lượng bảo thủ Cộng Hòa Tea Party giúp ông chiến thắng, lấy khối đa số từ tay đảng Dân Chủ. Phát ngôn viên Michael Steel của ông Boehner cho biết mặc dù mối quan hệ giữa ông chủ tịch hạ Viện và cánh bảo thủ trong đảng luôn luôn vững mạnh, “nhưng rất tiếc vì bận những công việc khác của Quốc Hội nên ông không thể tham dự,” văn phòng Nghị Sĩ McConnell thì đưa lý do “vẫn chưa giải quyết xong chuyện ngân sách cho Bộ Nội An,” do đó “ông trưởng Khối Ða Số không thể rời Thượng Viện cho tới khi mọi chuyện xong xuôi.”

Sự vắng mặt của 2 nhân vật đang lãnh đạo đảng ở Thượng và Hạ Viện “không phải là điều đáng quan tâm,” theo sự trình bày của ông Grover Norquist, một thành viên Hội Ðồng Quản trị CPAC. “Mục tiêu của Ðại Hội năm nay là nhằm giúp cho các địa phương làm quen với các ứng cử viên sẽ tranh cử tổng thống 2016, để cho các ứng cử viên trình bày quan điểm của họ cho mọi người biết.” Ông Norquist nói thêm “hai ông Boehner và McConnell không ra tranh cử, do đó họ có mặt hay không chẳng phải là điều quan trọng.” Chiến lược gia Ford O'Connell cũng đưa ra phát biểu tương tự, bảo thêm cả 2 ông Boehner và McConnell “đều là những người không được lòng của lực lượng bảo thủ, cách hay nhất là họ cứ ở Quốc Hội làm việc, và nhường sự chú ý của Ðại Hội cho những người có thể đại diện cho đảng tranh chức tổng thống vào năm tới.”

Như thường lệ, Ðại Hội CAPC 2015 sẽ kết thúc với cuộc bỏ phiếu để các đại biểu chọn người họ ủng hộ ra tranh cử tổng thống. Trong 2 năm vừa qua, Thượng Nghị Sĩ Rand Paul là người chiếm được cảm tình của khối cử tri bảo thủ Cộng Hòa nhiều nhất, điển hình hồi năm ngoái số phiếu đại biểu dồn cho ông lên đến 31% gần gấp 3 số phiếu của người về nhì là Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas.

Từng có lúc cuộc bỏ phiếu “straw poll” này được xem là rất quan trọng vì người chiến thắng sẽ trở thành nhân vật nổi bật của chính trường quốc gia, dễ dàng trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng, nhưng trong thời gian gần đây người thắng cuộc bỏ phiếu “straw poll” trước năm bầu cử lại là người thất bại ở vòng sơ bộ của đảng. Chẳng hạn như ông Rand Paul là người được Ðại Hội 2011 chọn, nhưng chiếc vé đại diện cho đảng dự cuộc đua 2012 lại lọt vào tay ông Mitt Romney. Hồi 2007, cánh bảo thủ dự CPAC cũng chọn ông Romney, nhưng một năm sau đó người được để cử tranh ghế tổng thống lại là ông John McCain.

Có lẽ vì thế nên theo chiến lược gia Cộng Hòa John Feehery, thế lực chính trị của Ðại Hội Bảo Thủ Cộng Hòa CPAC “không còn như xưa.” Ông Feehery cho rằng CPAC bây giờ không thực tế và cũng chẳng “nặng ký” như thủa trước, “chỉ là cuộc gặp gỡ của những người bảo thủ cực đoan hết lòng ủng hộ đường lối của ông Rand Paul hay của những người thuộc cánh Tea Party xem ông Ted Cruz là thần tượng.”








No comments:

Post a Comment