Thursday, February 26, 2015

Biểu tình: Hai văn bản vi Hiến và quyền đang trong tay Thủ tướng. (Minh Tâm - VNTB)





Minh Tâm  -  VNTB   

(VNTB) - Trong khi chờ đợi Luật Biểu tình, ngay từ lúc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần thiết có quyết định bãi bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA.

Xét ở góc độ ngôn ngữ, biểu tình là việc “dân chúng tụ họp nhau để biểu thị ẩn tình và ý nguyện”. Như vậy, về bản chất biểu tình là biểu hiện của dân chủ, là hoạt động cần thiết, không phải là một hành động chống đối.
Biểu tình là một hình thức hành động ôn hòa nhằm thể hiện mục đích, bày tỏ quan điểm ủng hộ hoặc phản đối về một vấn đề nào đó.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa nói rằng ông có thể vận động các hội viên trong Liên đoàn Luật sư góp công, góp sức để xây dựng dự thảo Luật Biểu tình đúng theo Hiến pháp. Thời gian dự kiến có thể trong khoảng từ 3 - 6 tháng.

Chia sẻ với LS Nghĩa, Nhóm Tư vấn Luật của Hội Nhà báo độc lập nhìn nhận, ngoài các chuyên gia pháp lý thì ngay các nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực họ cũng đã nghiên cứu rồi. Hiện tại chỉ cần người đứng ra tập hợp các nghiên cứu này lại là có thể xây dựng được một dự án luật biểu tình phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp.

Hai văn bản vi Hiến

Đó là Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư 09/2005/TT-BCA hướng dẫn thi hành Nghị định 38/2005/NĐ-CP quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng do Bộ Công An ban hành.

Cả hai văn bản này được xác nhận là vi phạm Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013.

Điều 69 Hiến pháp 1992 và Điều 25 Hiến pháp 2013 đã quy định, công dân có quyền biểu tình theo quy định của pháp luật. Từ quy định tại Điều 69 (Hiến pháp 1992) và Điều 25 (Hiến pháp 2013), cũng như các quy định ở trong Chương V (Hiến pháp 1992), trong Chương II (Hiến pháp 2013) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có thể rút ra một số nhận định sau: Thứ nhất, biểu tình là việc nhân dân bày tỏ chính kiến của mình nhằm thực hiện quyền làm chủ (Điều 2), quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 53, Hiến pháp 1992; Điều 28, Hiến pháp 2013) của mình, góp phần thúc đẩy sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thứ hai, biểu tình là một quyền hợp hiến ở Việt Nam. Theo Hiến pháp và pháp luật hiện hành, công dân luôn có quyền biểu tình một cách ôn hòa. Hay nói cách khác, quyền biểu tình của công dân được Hiến pháp hiện hành đảm bảo. Thứ ba, công dân hoàn toàn có quyền biểu tình ngay cả khi chưa có luật hay không có luật về biểu tình. Thứ tư, ở Việt Nam, Hiến pháp “là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp” (Điều 146, Hiến pháp 1992; Điều 119, Hiến pháp 2013).
Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 hoàn toàn không trao cho Chính phủ quyền ban hành Nghị định để hạn chế quyền công dân. Do vậy, việc chính quyền ban hành và viện dẫn Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA để ngăn cản biểu tình là vi phạm Hiến pháp.

Thứ năm, cụm từ “theo quy định của pháp luật” (Hiến pháp 1992), “do pháp luật quy định” (Hiến pháp 2013) có nghĩa là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật khi đã có hiệu lực, chứ không phải chưa có hiệu lực. Như vậy, nếu chưa có quy định của pháp luật tương ứng thì điều đó có nghĩa rằng, quyền biểu tình của công dân theo Điều 69 Hiến pháp 1992 và Điều 25 Hiến pháp 2013, không có bất cứ hạn chế nào.

Quyền đang trong tay Thủ tướng

Hiến pháp 2013, Điều 98 đã trao cho Thủ tướng quyền hạn “đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên; đình chỉ việc thi hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trái với Hiến pháp, luật và văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, đồng thời đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ” (Điều 98.4).

Như vậy, trong khi chờ đợi Luật Biểu tình, ngay từ lúc này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cần thiết có quyết định bãi bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA.
Hoặc nếu chưa thể bãi bỏ vì một lý do “nhạy cảm” nào đó, cần lưu ý là chấm dứt ngay cách suy diễn “biểu tình” là “tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự” của 2 văn bản này. Biểu tình không chỉ là để chống đối, phản đối chính quyền như cách hiểu cực đoan của một số người. Biểu tình là bày tỏ thái độ, ví dụ Chính phủ đưa ra một chính sách mới rất tiến bộ thì có những người đứng ra biểu tình để ủng hộ và kêu gọi nhiều người khác cùng ủng hộ.

Ngược lại, nếu Chính phủ đưa ra một chính sách hoặc dự thảo chính sách nào đó bị một số người phản đối thì người ta cũng đứng ra để phản đối chính sách đó. Cũng có những cuộc biểu tình chỉ để bày tỏ nguyện vọng, chính kiến…

Lưu ý, khi chưa thể bãi bỏ Nghị định số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA, thì người dân vẫn có thể thực hiện biểu tình. Và nếu bị cáo buộc vi phạm, thì những người dân chỉ phải chịu sự chế tài tại điều 44 pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính “mọi trường hợp tạm giữ người đều phải có quyết định bằng văn bản và phải giao cho người bị tạm giữ một bản”. Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm, trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài nhưng không quá 24 giờ.

Và những công dân có quyền yêu cầu được thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc hoặc học tập  của bạn biết. Nếu công dân ấy chưa đủ 18 tuổi, thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho cha, mẹ hoặc người giám hộ được biết nếu việc tạm giữ vào ban đêm hoặc tạm giữ trên 6 giờ. Luật cũng nghiêm cấm việc giữ công dân trong buồng tạm giữ, tạm giam hình sự hoặc những nơi không đảm bảo vệ sinh, an toàn cho công dân.

Họp mặt dịp mừng Xuân Ất Mùi, một số bạn bè trong ngành nội chính của người viết cũng mong có Luật Biểu tình để dễ quản lý và đáp ứng mong mỏi của người dân. Với công cụ quản lý hiện nay không phù hợp, quy định đã lỗi thời, dễ đánh đồng giữa việc người dân biểu tình chính đáng đòi hỏi quyền lợi cho mình với việc tụ tập đông người, gây rối an ninh trật tự.

-----------------------------

Cuộc Vận Động Luật Biểu Tình
.
Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam  - VNTB    26.2.15
.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam  - VNTB     26.2.15
.
Hội Nhà báo độc lập Việt Nam  - VNTB     26.2.15



No comments:

Post a Comment