Tuesday, February 24, 2015

Ba con số chấn động đầu năm (Hà Văn Thịnh)






Hà Văn Thịnh
Tuesday, February 24, 2015

"Dù là đầu xuân, tết nhất vẫn phải nói bởi nếu cứ lảng tránh bằng cách dùng các uyển ngữ để AQ hóa vấn đề, để cứ bình chân như vại thì đúng là nguy hiểm.
Từ xuống cấp đã được nói đi nói lại quá nhiều. Tại sao không tự hỏi cứ xuống cấp mãi thì sẽ xuống đến đâu mới dừng? Nếu không có giải pháp đúng về giáo dục, văn hóa, ngăn ngừa tội ác thì khi nào sẽ phải thay từ ‘xuống cấp’ bằng một từ "mới" một cách đớn đau? "

Tháng Hai, đối với người Việt là tháng của tết nhất, hội hè. Theo lẽ thường, phải đi kèm với rất nhiều niềm vui, sự thanh thản và những nụ cười… Thế nhưng, thật là đáng bàn khi ngay trong tháng Hai, 90 triệu người dân trong nước và hàng triệu đồng bào ta ở nước ngoài phải đọc, phải nghe, phải thấy không ít chuyện chẳng hề vui; trong đó ba con số dường như chẳng hề liên quan đến nhau, thật ra lại là điều đáng báo động ở cấp độ cao nhất ngay trong dịp đầu năm mới Ất Mùi…

Đầu tháng, tin cho biết cả nước đang cần đến 3.600 tỷ đồng để xây nhà tạm giam, tạm giữ vì thiếu đến 26.000 chỗ theo quy định (2m2/người, TT, 1.2.2015, 09:14 GMT+7).

Ngày 29 tết, một vụ bắt giữ ma túy lớn đến mức mọi trí tưởng tượng phải chào thua: Ngay trên đường cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội, các cơ quan chức năng bắt giữ hai tội phạm đang vận chuyển 200 bánh heroin (khoảng 70kg, CAND, 09:22, 17.2.2015).

Mồng 3 tết, một tin chấn động mọi người Việt: Tính theo tỷ lệ, người Việt ở Anh phạm tội, bị cảnh sát Anh bắt giữ, đứng đầu thế giới với 136 người bị giam, chiếm 1,36%, có nghĩa là cứ 300 người Việt ở Anh thì có tới 4 người là tội phạm (Motthegioi, 15:07, 22.2.2015).

Đó là những con số nhức nhối, dù luận suy theo bất kỳ góc độ nào. Chắc chắn nước ta là một trong những nước có lực lượng cảnh sát đông đảo (tính theo tỷ lệ dân số). Cũng chắc chắn là ít có nước nào, khi đã có đến 817 nhà tạm giam, tạm giữ mà vẫn còn thiếu đến hàng vạn chỗ để giam giữ các đối tượng chưa bị xét xử(!) Và, có lẽ, cũng là một trong những nước có tình trạng buôn bán ma túy giống như bán khoai khô…

Theo cách loại suy thông thường, người bị tạm giam, tạm giữ vì thiếu chỗ lên đến hàng vạn thì tổng các loại tội phạm, ít nhất phải là con số hàng chục vạn(!) Nếu tính theo dân số, nước ta đứng ở vị trí thứ 14; vậy mà lại đứng đầu bảng về mức độ phạm tội ở nước ngoài (trong trường hợp này là ở Anh, một trong những nước có tỷ lệ phạm tội thấp) thì quả là xót xa.

Một điều cũng rất đáng quan tâm là theo số liệu chính thức được công bố, trong thời gian qua, “Hàng chục nghìn băng nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, đường dây mua bán vận chuyển ma túy đã được triệt phá, bóc gỡ (Tạp chí Cộng sản, 0:1’, 24.9.2014); thế nhưng, “Dự báo trong giai đoạn tới, tình hình tội phạm ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm nghiêm trọng có xu hướng tăng" (TCCS, đã dẫn).

Báo cáo nghiên cứu trên của Viện Chiến lược và Khoa học Công an (Bộ Công an) không cho biết ‘thời gian qua’ cụ thể trong khoảng những năm nào; nhưng, nếu như sau khi hàng chục ngàn băng nhóm đã bị triệt phá và bóc gỡ mà tội phạm nghiêm trọng vẫn có xu hướng tăng thì, rõ ràng, cần phải có những giải pháp cấp bách để ngăn ngừa, phòng chống tội phạm hiệu quả hơn.

Có một câu hỏi cần đặt ra: Phải chăng chúng ta đang chống lại tội ác từ ngọn mà quên mất rằng cái gốc của nó là sự xuống cấp về đạo đức, văn hóa; sự gian dối trong lối sống thực dụng “đề cao” chụp giựt, vô cảm mới là căn nguyên của vấn đề?

Đi kèm với các loại tội phạm là hình ảnh của người Việt dường như đang thực sự ít đẹp hơn trong cách nhìn của cộng đồng thế giới?

Chuyện đáng buồn ở Anh không phải là hiện tượng đơn lẻ: Rất nhiều bảng cảnh báo về nạn ăn cắp bằng tiếng Việt treo ở Nhật, Hàn, Đài Loan… phản ánh rằng, chúng không nhắm vào người Mali hay Mông Cổ vì họ có biết tiếng Việt đâu(!)

Dù là đầu xuân, tết nhất vẫn phải nói bởi nếu cứ lảng tránh bằng cách dùng các uyển ngữ để AQ hóa vấn đề, để cứ bình chân như vại thì đúng là nguy hiểm.

Từ xuống cấp đã được nói đi nói lại quá nhiều. Tại sao không tự hỏi cứ xuống cấp mãi thì sẽ xuống đến đâu mới dừng? Nếu không có giải pháp đúng về giáo dục, văn hóa, ngăn ngừa tội ác thì khi nào sẽ phải thay từ ‘xuống cấp’ bằng một từ "mới" một cách đớn đau?


Hà Văn Thịnh
Nguồn: Theo Một Thế Giới Mới






No comments:

Post a Comment