Wednesday, February 25, 2015

60 triệu trẻ em Trung Quốc bị bỏ rơi (Anh Vũ - RFI)





Anh Vũ  - RFI
Đăng ngày 25-02-2015 Sửa đổi ngày 25-02-2015 16:42

Trên các trang báo Pháp hôm nay, trong khi nhiều bài viết tập trung vào thời sự kinh tế chính trị đang nóng của châu Âu như cuộc đàm phán nợ của Hy Lạp, nước Pháp trước các cải cách đầy khó khăn hay sự kiện tuần báo Charlie Hebdo ra trở lại số báo bình thường, tờ báo Le Figaro dành bài phóng sự dài nêu lên một hiện tượng xã hội ở Trung Quốc. Bài phóng sự đề tựa ngắn gọn « Những đứa trẻ Trung Quốc bị bỏ rơi » nhưng lại là một câu chuyện dài về những hệ lụy của quá trình phát triển nóng ở Trung Quốc trong hơn ba thập niên qua.

Theo Le Figaro, bị bỏ rơi đó là hoàn cảnh của hơn 60 triệu trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo ở Trung Quốc ngày nay. Chúng không phải là những đứa trẻ vô thừa nhận mà bị bố mẹ bỏ lại sống đơn côi ở quê nhà để lên các thành phố lớn kiếm sống. Theo tác giả, có những em nhỏ may mắn thì được gửi lại cho ông bà hay người bà con giữ hộ, nhưng không ít em phải tự thân vận động với cuộc sống trẻ thơ mà không có tình cảm hay sự chăm sóc của cha mẹ.

Đặc phái viên của le Figaro đưa độc giả đến thôn Thang Khê, một địa điểm khuất nẻo thuộc huyện Nghi Xuân trong tỉnh Giang Tây, một tỉnh được cho là nghèo nhất nước Trung Quốc. Theo tác giả bài viết thì đại đa số các em nhỏ ở đây đều là « những trẻ bị bỏ rơi » bởi cha mẹ chúng là những « dân công – Mingong » , từ để chỉ những người nông thôn lên thành thị lao động.

Cũng như hàng chục triệu các em bé ở Trung Quốc, mỗi khi Xuân Tiết đến ( Chunjié), tức năm mới âm lịch, những đứa trẻ ở làng Thang Khê lại phấp phỏng mong chờ được gặp lại cha mẹ dù chỉ là ít ngày. Một em nhỏ 9 tuổi tên Xiaohai kể với phóng viên Le Figaro là năm trước vì không mua được vé tàu bố mẹ em đã không về với em dịp đón năm mới và vì thế mà đã hai năm cậu bé không gặp được cha mẹ. Cậu bé cũng chẳng thể biết bố mẹ đang sống và làm việc ở đâu chỉ biết là ở rất xa và mỗi năm chỉ có thể về với em một lần.

Hoàn cảnh của em bé Xiaohai nêu trên chỉ là một trong số hơn 60 triệu trẻ nhỏ có thân phận tương tự ở Trung Quốc ngày nay. Tác giả dẫn số liệu của hiệp hội All-China Women’s Federation ( ACWF) cho biết trong năm 2013 ở Trung Quốc có 61 triệu « trẻ em bị bỏ rơi » ở nông thôn theo kiểu như vậy. Còn theo giáo sư dân số học tại Đại học Nhân dân bắc Kinh, Đoàn Thành Vinh ( Duan Chengrong), người tham gia chương trình nghiên cứu của ACWF thì con số những trẻ « bị bỏ rơi » giờ phải là từ 65 đến 66 triệu và con số người từ nông thôn lên thành thị kiếm sống phải là 250 triệu.

Phóng viên Le Figaro nhận xét : Những « nhi đồng lưu thủ - tiếng Hoa để chỉ trẻ bị bỏ rơi» nói trên chiếm 22 % thiếu nhi Trung Quốc, chính là những số phận bị hy sinh trong sự phát triển của Trung Quốc suốt hơn 30 năm qua ». Những đứa trẻ bị bỏ rơi còn phải đối mặt với bao nguy hiểm rình rập trong cuộc sống trẻ thơ không tình cảm, không có sự giám sát của cha mẹ. Đã có nhiều trường hợp các em nhỏ sống bơ vơ như vậy bị mất tích, tai nạn giao thông hay chết đuối ở trong cái làng Thang Khê thuộc huyện Nghi Xuân này.

Trong trường học ở Thang Khê, có tới 70 % học sinh không sống với cha mẹ. Theo các thầy cô giáo, những đứa trẻ lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn tình cảm cha mẹ như vậy chắc chắn sẽ bị những hậu quả tiêu cực trong tâm lý phát triển ảnh hưởng đến các hành vi của các em trong tương lai. Theo tác giả bài phóng sự, mặc dù những người làm giáo dục ở địa phương cảnh báo nhưng chính quyền ngoài hứa hẹn chẳng làm gì được hơn để thay đổi tình hình.

Để kết thúc, bài phóng sự dẫn lời một người ông đến đón cháu ở cổng trường học thổ lộ rằng : « Bây giờ chuyện này đã trở thành bình thường », còn đứa cháu gái được ông đón thì nói thêm : « Chỉ có con cái nhà giàu mới được sống với bố mẹ ».

Trung Quốc : Đám tang không thể có cho một Giám mục Giáo hội thầm lặng
Báo La Croix có bài viết với tựa đề « Đám tang không thể có của gia đình giám mục Sư Ân Tường (Shi Enxiang) ». Theo La Croix, bị chính quyền giam giữ từ năm 2001, Giám mục Sư Ân Tường, vị giám mục cao tuổi nhất của Giáo hội thầm lặng ở Trung Quốc, có lẽ đã bị chết từ đầu tháng Giêng, nhưng đến giờ chính quyền từ chối trả lại thi thể người quá cố cho gia đình.
Phóng viên của La Croix tại tỉnh Hà Bắc Trung Quốc đã gặp một người cháu trai của giám mục quá cố, ông này cho biết : « Tất cả những gì chúng tôi muốn là có thể chôn cất cho ông, họ phải trả lại xác ông cho chúng tôi ».
Ông kể lại, cuối tháng Giêng, ông trưởng làng đã đến hỏi gia đình đã nhận được xác của chú tôi chưa. Gia đình hỏi lại liệu ông còn sống không thì được trả lời « chắc là không », sau đó ông trưởng làng có quay lại hai lần xem gia đình nhận được xác Giám mục Sư chưa.
Đó là tất cả những gì gia đình có thể biết được về Giám mục Sư Ân Tường, người cai quản Giáo hội thầm lặng Trung Quốc. Ông bị mất tích năm 2001 vì không chịu nghe theo lệnh của chính quyền tiếp tục hành đạo với Giáo hội bí mật. Đến năm nay ông Sư Ân Tường đã 94 tuổi và đã có 54 năm sống trong tù và trại cải tạo.
Mặc dù tin về Giám mục qua đời đã loan truyền từ cả tháng nay chính quyền Trung Quốc vẫn làm thinh coi như không biết gì. Cộng đồng Công giáo tại Hồng Kông còn tổ chức biểu tình trước văn phòng liên lạc của Bắc Kinh đòi làm sáng tỏ số phận của Giám Mục Sư Ân Tường.

Charlie Hebdo trở lại, tranh luận về tự do báo chí lại dấy lên
Nhật báo Libération hôm nay dành quan tâm hàng đầu với sự kiện tuần báo trào phúng Charlie Hebdo hôm nay chính thức trở lại sạp báo một cách bình thường, kể từ số báo đặc biệt ra cách đây 6 tuần sau vụ tòa soạn bị tấn công khủng bố hôm 7 tháng Giêng. Libération nhận thấy suốt 6 tuần qua ban biên tập của Charlie Hebdo đã phải rất khó khăn vượt qua những hoài nghi, sợ hãi cùng những dự định trong tương lai để đưa tờ báo trở lại hoạt động bình thường.
Nhân sự kiện này diễn đàn tranh luận của Liberation có bài viết chạy tựa đáng chú ý : « Đúng, ta có quyền báng bổ ». Tác giả bài viết là bà Christine Chanet, Cố vấn danh dự của Tòa phá án, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Liên hiệp quốc. Theo tác giả thì đúng « là luật của Pháp hoàn toàn cho phép chỉ trích các tôn giáo. Nhưng luật cũng trừng phạt những hành vi gây kỳ thị và thù hằn đối với một người hay một nhóm người vì lý do tôn giáo của họ ».
Về luật điều chỉnh hành vi báng bổ, tác giả bài viết dẫn ra Tuyên bố phổ quát về nhân quyền của Liên hiệp quốc đã được 168 nước phê chuẩn có điều đề cập đến tự do ngôn luận. Tuy vậy, quyền tự do đó không tuyệt đối và có thể hàm chứa những ràng buộc. Tác giả giải thích, quyền tự do ngôn luận phải có mục địch hoặc bảo vệ uy tín của nhiều người, hoặc tuân thủ theo những mệnh lệnh lợi ích công cộng.
Theo quan điểm của Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc, những hạn chế trên không bao gồm hành vi báng bổ. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia vẫn phạt các hành vi báng bổ. Thậm chí ở một số nước châu Âu, trong một số văn bản hiến pháp hoặc luật pháp có quy định biện pháp chế tài này nhưng trên thực tế điều luật không được áp dụng nữa.
Với trường hợp nước Pháp, chuyên gia Christine Chanet cho biết luật của Pháp không thừa nhận chuyện bang bổ. Trái lại Luật của Pháp lại phạt nặng những hành vi lăng mạ và gây kỳ thị thù hằn, bạo lực đối với một người hay một nhóm người bất kể vì lý do tôn giáo hay không. Tương tự thì cổ vũ tội phạm như giết người hay hành động khủng bố cũng bị nghiêm trị. Điều này cho thấy gianh giới của tự do ngôn luận là rất mong manh và vụ Charlie Hebdo sẽ còn gây tranh luận dài ở Pháp.

Hy Lạp phải lùi trước áp lực chung của châu Âu
Trở lại cuộc thương lượng nợ nần cho Hy Lạp với cởi nút đầu tiên. Việc khối đồng tiền chung euro, tối qua (24/2) ra tín hiệu chấp thuận danh mục cải cách của chính phủ Hy Lạp để được triển hạn kế hoạch cứu trợ tài chính trong 4 tháng, đã được các báo ra sáng nay đồng thanh với nhận định : « Hy Lạp đã khuất phục trước đòi hỏi của Bruxelles ».
Le Figaro có vẻ như trút được gánh nặng ghi nhận : « Đúng một tháng sau khi giành chiến thắng trong tuyển cử, ông Alexis Tsipras, vị Thủ tướng trẻ của Hy Lạp đã phải từ bỏ những hứa hẹn chính trong chiến dịch tranh cử, dưới sức ép của bộ ba nhà tài trợ. .. Không còn có chuyện thương lượng nợ nần của Hy Lạp trên lưng những người đóng thuế Đức hay Pháp. Athènes phải trở lại với thực tại đối mặt với bộ ba chủ nợ với những điều kiện cấp tín dụng do họ áp đặt ... »
« Trở lại thực tại» cũng là tiêu đề bài xã luận báo le Monde về hồ sơ Hy Lạp. Với Le Monde : « Tai hoạ đã qua. Đối với Athènes đơn giản thoả thuận là sự quay trở về với thực tế khó khăn ...». Tờ báo nhấn mạnh thêm : « Một mình, Alexis Tsipras sẽ không thay đổi được Liên hiệp châu Âu, và đảng Syriza không phải là một phong trào cách mạng có thể gỡ khỏi các kế hoạch khắc khổ. Lúc này, khi mà Hy Lạp nhận ra lợi ích cốt lõi là ở lại trong khu vực đồng euro, thì Athènes không thể làm khác ngoài việc chịu chấp nhận những quy định tối thiểu ».
Nếu như báo chí có tỏ ra hoan hỷ với kết quả đầu tiên trên hồ sơ nợ Hy Lạp nhưng lãnh đạo châu Âu vẫn dè dặt cho rằng « nhiệm vụ khó khăn hơn mới chỉ bắt đầu », như Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định. Và chính phủ Tsipras cũng bắt đầu một thách thức mới là sẵn sàng đối mặt với phản ứng của cử tri Hy Lạp, vốn dĩ đã rất dữ dội mỗi khi họ phải thắt lưng buộc bụng và nhất là lần này họ bị thất hứa.

HSBC và hệ quả phình to không kiểm soát
Vẫn liên quan đến lĩnh vực tài chính. Sau vụ "Swissleaks " phát giác chi nhánh Thuỵ Sĩ của ngân hàng HSBC đã giúp đỡ các khách hàng trốn thuế trên quy mô lớn, Le Monde có bài viết « HSBC, ngân hàng của mọi thái quá ». Le Monde cho biết : Cuối những năm 1990 HSBC dường như mắc phải chứng mua vào vô độ. Định chế tài chính ra đời từ các thương vụ buôn bán thuốc phiện cách đây 150 năm, lâu nay vẫn đặt trụ sở chính tại Hồng Kông, vào năm 1980 mới chỉ có 30.000 nhân viên.
Đến năm 1998, con số này đã lên 136.000. Từ 1998 đến 2007, HSBC mua hàng loạt ngân hàng tại châu Mỹ Latin, Mêhicô, Thổ Nhĩ Kỳ, tại Pháp, Hoa Kỳ, Thụy Sĩ. Tổng số nhân viên của tập đoàn tăng lên 200.000 người trong vòng 9 năm. Ở thời đỉnh điểm HSBC trả lương 330.000 người. Le Monde nhận định : Khủng hoảng tăng trưởng là không thể thánh khỏi, nhất là công ty có cơ cấu mang tính tản quyền rõ rệt. Các giám đốc ở mỗi nước là những ông vua, họ có toàn quyền quản lý và quyết định công việc.
Chính vì lẽ đó, theo ông Tổng giám đốc Gulliver ngân hàng đã để các ông trùm buôn ma tuý tẩy tiền qua HSBC và bị chính quyền Mỹ trừng phạt nghiêm khắc năm 2012. Hay điều đó cũng lý giải tai sao chi nhánh Thuỵ Sĩ đã thu nạp đủ loại khách hàng, giúp họ trốn thuế, không cần đặt vấn đề nguồn gốc tài sản.
Giờ đây hai ông Gulliver và Flint cam đoan lật trang mới cho ngân hàng. Khi họ về lãnh đạo tập đoàn, họ đã áp đặt các kiểm soát chặt hơn từ trụ sở trung tâm. Chi nhánh tại Thuỵ Sĩ giờ chỉ quản lý 10.000 tài khoản, thấp hơn 70% thời đỉnh điểm của những năm 2006-2007, và các chủ tài khoản giờ chỉ sống tại năm chục nước, tức chỉ bằng 1/3 số quốc gia cách đây 8 năm.








No comments:

Post a Comment