Thursday, January 29, 2015

Trung Quốc là “Sân sau toàn cầu về rác”, theo Tân Hoa Xã (Frank Fang, Epoch Times)





Frank Fang, Epoch Times
29 Tháng Một , 2015

Vấn đề rác thải của Trung Quốc tồi tệ đến mức Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của chính quyền đã phải đăng một bài viết vào ngày 6 tháng 1 với tiêu đề  “Không phải là tin đồn, Trung Quốc chính là sân sau toàn cầu về rác”. Tân Hoa Xã đưa ra vấn đề rằng các rác thải mà bài báo lên án là được nhập khẩu từ phương Tây, tuy nhiên những người dân ở Trung Quốc đã chỉ ra rằng lỗi nằm ở phía chính quyền Trung Quốc, chứ không phải các nước phương Tây.

Tân Hoa Xã viết: “Ngay cả nếu chúng ta nghèo, chúng ta cũng không thể kiếm sống bằng việc xử lý rác được nhập khẩu từ phương Tây. Dù thế nào, chúng ta cũng không thể nhìn nhận rác thải từ phương Tây với một thái độ thiện cảm được, và khiến Trung Quốc trở thành một bãi rác toàn cầu”.

Trong khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, các phương tiện truyền thông tràn ngập các báo cáo và hình ảnh về vấn đề

Tân Hoa Xã khẳng định: “Rác thải nhựa từ Hoa Kỳ và rác thải y tế từ Anh Quốc, sau khi được vận chuyển một chặng đường dài trên đại dương, tất cả đều cập bến tại các bến tàu Trung Quốc – bởi vì những người mua Trung Quốc sẵn sàng bỏ giá gấp đôi để mua các chất thải trở lại, xử lý  và bán chúng.”

Tin tức & số liệu

Tân Hoa Xã trích dẫn số liệu từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Vương quốc Anh cho thấy rác thải của Trung Quốc đến từ các nước phương Tây.

The Telegraph đưa tin vào tháng 11 năm 2012 rằng 70% nhựa dùng để tái chế được gửi đến Viễn Đông, và rằng Trung Quốc không còn chấp nhận nhựa thấp cấp được gửi từ Anh.

Theo Báo cáo Nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung Quốc vào năm 2012, giá trị xuất khẩu chất thải và phế liệu của Mỹ sang Trung Quốc tăng hơn 15 lần, từ 740 triệu USD trong năm 2000 lên 11,5 tỷ USD vào năm 2011.

Shanghai Security News đưa tin vào tháng Giêng năm 2007 rằng các rác thải nhập khẩu như nhựa, thép, và giấy tăng tương ứng hơn 125 lần, 50 lần và 21 lần trong khoảng năm 1990-2003.

Ô nhiễm từ rác nhập khẩu

Các nhân chứng là những người cho biết rõ nhất. Làng Lian Jiao, một ngôi làng ở phía nam tỉnh Quảng Đông, được bao phủ bởi “thùng rác phương tây”, theo bài báo Tân Hoa Xã, trích dẫn một bài báo được công bố trên tờ Công nhân Nhật báo của nhà nước vào tháng Giêng năm 2007.

Phóng viên của tờ Công nhân Nhật báo mô tả ngành công nghiệp tái chế đã phát triển thịnh vượng như thế nào tại thành phố này: “Khói đen tỏa ra từ tất cả các ống khói. Rác được chất đống như núi. Các con sông thì đen như dầu”.

Tân Hoa Xã cũng trích dẫn các quan điểm của ông Wang Jiuliang. Ông Wang đã dành gần ba tháng dùng máy ảnh của mình để ghi lại thực trạng rác thải đã gây ô nhiễm cho các tỉnh ven biển Trung Quốc như thế nào. Ông đăng các bức ảnh của mình trên Weibo, một trang blog của Trung Quốc tương tự như Twitter.

Trong khi chính quyền Trung Quốc có một điều luật (Điều 25) quy định cấm nhập khẩu các chất thải y tế, một trong những bức ảnh của ông Wang cho thấy một đứa trẻ đang chơi với một ống tiêm giữa hàng tấn chất thải nhựa y tế.

Một bức ảnh khác của ông Wang cho thấy một cái ao có nước màu hồng vì bị ô nhiễm từ một nhà máy chất thải nhựa gần đó ở phía bắc tỉnh Hà Bắc.

Trong blog của mình, ông Wang đổ lỗi cho cộng đồng quốc tế về việc xuất khẩu rác thải vào Trung Quốc, khiến Trung Quốc trở thành nhà nhập khẩu chất thải nhựa lớn nhất thế giới.

Quy định không đầy đủ

Trái ngược với bài báo này của Tân Hoa Xã, vào ngày 6 tháng 1, một bài báo có tựa đề “Đừng đổ lỗi cho các nước khác khi Trung Quốc trở thành sân sau toàn cầu về rác thải” đã được công bố trên China Netease, một trong những cổng Internet phổ biến nhất của Trung Quốc.
Bài viết này đổ lỗi cho chính sách môi trường không thỏa đáng của chính quyền Trung Quốc.

Trong hai giải pháp về môi trường được công bố bởi Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2013, Tiêu chuẩn Nghiêm ngặt về Môi trường và Thực thi Quy định về Môi trường- Trung Quốc đứng thứ 67 và 63 tương ứng trong tổng số 140 quốc gia,.
Ethiopia đứng thứ 62 trong bảng xếp hạng về Thực thi Quy định, còn Philippines được xếp hạng thứ 66 về Tiêu chuẩn Nghiêm ngặt.

Về tình trạng chất thải nhựa tràn lan, ngành công nghiệp hóa chất ở Trung Quốc không thể đáp ứng được nhu cầu bình quân đầu người ngày càng tăng về nhựa – khoảng 22 kg vào năm 2005 lên đến 46 kg vào năm 2010 – điều này có nghĩa là Trung Quốc đã phải xử lý chất thải nhựa nhập khẩu từ các thị trường quốc tế như là vật liệu thô, theo như Tân Hoa Xã đưa tin vào tháng 3 năm 2011.

Trang mạng môi trường solidwaste.com.cn cho biết Trung Quốc đã nhập khẩu 58.600 tấn chất thải nhựa trong năm 2006, và tăng lên tới mức 83.800 tấn trong năm 2011.

Phản ứng từ Trung Quốc đại lục

Ông Fu Guoyong, một nhà văn Trung Quốc ở tỉnh Chiết Giang thuộc miền đông Trung Quốc phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Epoch Times: “Rác thải là một vấn đề rất lớn cả ở các thành phố và làng mạc.  Rác thải chúng ta có hiện nay khác rồi, chúng khó phân hủy hơn và không thể hấp thụ trong đất.”

Các cư dân mạng Trung Quốc đã phản ứng với vẻ phẫn nộ khi đăng các bình luận trên trang web Tài chính của Sina.
Một cư dân mạng tại Bắc Kinh với biệt danh ” 1420646015″ bình luận: “Làm thế nào mà rác thải của phương tây lại vào được nước ta? Các quan chức chịu trách nhiệm về việc này cần phải bị kết án tử hình”,
Một cư dân mạng đến từ tỉnh Hồ Bắc với biệt danh “Jia Fu Suo” viết: “Chính phủ của chúng ta ở đâu rồi?”,
Một cư dân mạng Bắc Kinh với bút danh Blueskyforme nhận xét: ” Trung Quốc Đại lục không hề có niềm tin tôn giáo. Họ không có chút giá trị đạo đức nào. Vì vậy, họ có thể làm bất cứ điều gì “.

Hãy đọc bản gốc bài viết tiếng Trung.






No comments:

Post a Comment