Saturday, January 31, 2015

Phim 'Last Days in Vietnam,' nỗi đau còn đó, người tốt còn đây ! (Linh Nguyễn/Người Việt)





Linh Nguyễn/Người Việt  
Monday, January 26, 2015 4:58:00 PM

WESTMINSTER, California (NV)Phim “Last Days in Vietnam” được trình chiếu hai xuất, lúc 2 giờ và 4 giờ chiều Chủ Nhật, 25 Tháng Giêng, thu hút hàng trăm khán giả tham dự, ngồi chật kín hội trường của phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster. Phim do đài truyền hình PBS, qua chương trình “American Experience,” hợp tác với tổ chức bất vụ lợi StoryCorps, thực hiện.

Bà Ngân Nguyễn, một trong những người lên chiếc trực thăng cuối cùng từ tòa nhà DAO. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Phim 'Last Days in Vietnam' quý vị vừa xem, do đạo diễn Rory Kennedy thực hiện. Bà là một tên tuổi lớn trong lãnh vực phim tài liệu và là ái nữ của cố Thượng Nghị Sĩ Robert Kennedy, và là cháu, gọi cố Tổng Thống Kennedy là bác ruột. Chúng tôi mong được nghe quý vị chia sẻ cảm tưởng, sau khi xem lại những hình ảnh kinh hoàng trong những ngày cuối cùng trước 30 Tháng Tư, 1975 mà người tị nạn chúng ta đã phải trải qua,” ông Đinh Quang Anh Thái, phụ tá chủ nhiệm nhật báo Người Việt, nói với khán giả tham dự.

Ông Phạm Phú Thiện Giao, chủ bút, không quên nhắc cộng đồng tham gia một dự án không kém quan trọng và hiện cần sự hợp tác của đồng hương tị nạn.

“Chúng tôi cũng mong quý vị sẽ ghi danh cho một trong ba ngày, 29, 30 hoặc 31 Tháng Giêng, 2015, để giúp nhóm làm phim này phỏng vấn và thực hiện dự án tiếp theo, ngay tại nhật báo Người Việt. Đó là dự án phim 'Những Ngày Đầu Tiên' (First Days Story Project) với mục đích thu thập, duy trì và đón nhận những câu chuyện của người tị nạn Mỹ gốc Việt cùng các cựu chiến binh Việt Nam Cộng Hòa,” ông nói.

Một phụ nữ giơ tay, cho biết bà là một trong những người trên chuyến trực thăng cuối cùng rời nóc tòa nhà tùy viên quân sự Hoa Kỳ (DAO) ở Việt Nam.

“Tôi chỉ biết nói lời cám ơn tự đáy lòng, đến ông đại sứ và nhân dân Hoa Kỳ, đã cứu gia đình tôi. Bây giờ xem lại những hình ảnh trong phim, tôi lại càng thấy mình là có phước,” bà Ngân Nguyễn, cư dân Garden Grove, nói trong niềm xúc động.

Ông Triết Nguyễn: “Đại Sứ Martin là người đầy nhân bản.” (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Từ tiểu bang Alabama đến thăm Little Saigon, ông Triết Nguyễn, 73 tuổi, qua cặp kính đen dàn dụa nước mắt, chia sẻ: “Tôi thấy cảm phục ông Đại Sứ Graham Martin. Ông là con người đầy nhân bản vì ông là người Mỹ sau cùng rời Việt Nam.”

“Tôi rất xúc động vì tôi là một trong những người được may mắn tới Mỹ trên chiếc máy bay C141. Sau 40 năm ở đây, dù thành công về mọi mặt, nhưng tôi buồn, vì mất tình quê hương, không có hạnh phúc, không có tình gia đình,” ông Vũ Hùng, 64 tuổi, cư dân Hacienda Heights, nói qua tiếng nấc đứt đoạn.

“Việt Cộng đã biến đổi mọi người, nhưng qua đây với tư cách là người tị nạn, chúng ta có bổn phận giúp những người còn ở Việt Nam. Tôi xúc động mỗi ngày khi nghĩ đến họ,” ông Hùng gay gắt nói.

Một người khác, ông Hoa Nguyễn, tâm sự: “Tôi trước đây tôi ở Bà Rịa. Tôi không sao quên được khuôn mặt của một người lính trong số 40 người chúng tôi vượt biên. Anh ấy nói anh ấy thà giết kẻ thù, còn hơn là phải mang theo nỗi buồn mất nước.”

Ông Lê Tất Giao, 78 tuổi, cư dân Garden Grove, nói: “Tôi là một đại úy y sĩ hồi xưa. Xem lại những hình ảnh tang thương tôi rất đau lòng, nhưng tôi kính phục Đại Sứ Martin vì những gì ông ấy làm, chứng tỏ ông là người tốt.”

“Tôi bực nhất là khi thấy bọn giặc cờ đỏ lái xe tăng cưỡng chiếm miền Nam. Tội ác của chúng, lịch sử sẽ phán xét. Nhân quả cho thấy rồi đó, ngày nay chúng bị Trung Cộng chiếm Hoàng Sa và cho ăn thực phẩm đầy chất độc hại,” ông Giao nhận xét.

Khán giả tham dự đông nghẹt. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Đức Trần, 68 tuổi, cư dân Santa Ana, phải vịn vào khung nhôm có bánh xe di chuyển, cùng chị và một người em đến tham dự, sớm cả nửa giờ trước khi chiếu phim.

“Chúng t ôi đến sớm để có chỗ đậu xe và có chỗ tốt,” ông Đức nói.

Cùng đi với gia đình ông là đứa cháu tên Huy Hồ, 15 tuổi, con của người em gái.
“Con học lớp 10 trường Marina High School. Con thấy phim về lịch sử nên theo mẹ đi xem, sau giờ sinh hoạt hướng đạo,” em Huy nói.

Ông Tuyến Trần, 66 tuổi, cư dân Westminster, tâm sự: “Là một phi công, phục vụ phi đoàn 116, tôi còn nhớ, cùng 12 quân nhân trong chuyến phi hành cuối cùng ngày 30 Tháng Tư, từ Rạch Giá đến phi trường Utapao, Thái Lan. Tôi xa quê hương từ đó.”

Ông cho biết một chi tiết khá lý thú về liên hệ gia đình của ông .

“Tôi là con trai lớn trong gia đình bốn anh em. Cha tôi là Tướng Trần Văn Hai. Tôi còn nhớ những lần ghé Mỹ Tho để thăm cha tôi ở Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Tôi thấy trái cây đèo đuột ông để trong tủ lạnh, tôi ra chợ mua trái cây mới cho ông. Không biết cha tôi có biết tôi sẽ phải vượt biên hay không khi ông đặt tên tôi là Trần Việt Tuyến. Tôi 'vượt tuyến' vào ngày đau buồn nhất của đất nước,” ông Tuyến bùi ngùi nhắc lại kỷ niệm xưa.

Tờ quảng cáo dự án tiếp theo, “First Days Story Project”. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Ông Trung Nguyễn, 70 tuổi, cư dân Santa Ana, bồi hồi chia sẻ: “Tôi đến đây xem để xem lại những gì đã xảy ra trong những ngày sau cùng, vì tôi đi du học ngành y khoa từ năm 1964-65 ở Anh. Lúc ấy mới 28 tuổi, tôi băn khoăn, mất nước rồi những gì sẽ xảy ra cho gia đình tôi. Năm 75, gia đình tôi 20 người vượt biên.”

Ông Liên Bùi, 70 tuổi, cư dân Westminster, kể lại quá khứ trốn trình diện đi tù Cộng Sản, vì ông từng là công chức phục vụ Bộ Chiêu Hồi. Đi đâu sau năm 75, ông cũng thấy “những người hồi chánh khi xưa, tay đeo băng đỏ, đi đầy đường.”

“Tôi mua chuộc công an cộng sản ở Hà Nội để có giấy tờ đi Úc và sang Mỹ năm 2004,” ông Liên nói.

Phim kể lại cuộc di tản 135,000 người, qua lời kể của ông Frank Snepp, cựu nhân viên phân tích tình báo trung ương Hoa Kỳ, các cựu quân nhân Mỹ trực tiếp liên quan đến cuộc di tản, như Đại Úy Stuart Herrington, sĩ quan bộ binh; ông Steve Hasty, Thủy Quân Lục Chiến canh giữ tòa đại sứ Mỹ; ông Joseph McBride, sĩ quan Bộ Ngoại Giao và những nhân chứng người Việt, như cựu Trung úy Đàm Phạm, ông Bình Phó (khi ấy là sinh viên), cựu Hải Quân Đại Tá Kiêm Đỗ.

Cuốn phim cũng chiếu lại hình ảnh của những nhân vật lịch sử gắn liền với giai đọan đen tối nhất của miền Việt Nam, như Tổng Thống Nixon, Tổng Thống Ford, Ngoại Trưởng Kissinger, Đại Sứ Martin.

Khi chiếu đến đoạn Quốc Hội Hoa Kỳ bãi bỏ viện trợ cho Việt Nam khiến Quân Lực VNCH bị bức tử, có một người bực tức nói “Thật tởm!” và bỏ ra về.

Ông Đinh Quang Anh Thái (phải) kêu gọi mọi người tham gia phỏng vấn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)

Đa số người xem xúc động khi thấy đoàn người kiên nhẫn nối đuôi lên trực thăng trên nóc tòa đại sứ Mỹ, nhất là các máy bay trực thăng bị đẩy xuống biển, sau khi hạ cánh trên chiến hạm Blue Ridge thuộc Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ ngoài khơi Thái Bình Dương, hay hình ảnh của chiếc trực thăng Chinook đáp xuống biển trước khi nổ tung và chìm sâu trong lòng biển cả.

Qua bóng tối chớp sáng, những đôi mắt long lanh xót thương cho những người lính VNCH luôn chiến đấu can trường. Những tiếng thở dài, những khuôn mặt hằn lên theo năm tháng, trải qua cuộc di tản hãi hùng, như đang xem lại hình ảnh của chính mình trong phim.

Phim “Last Days in Vietnam” tham dự Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Sundance vào đầu năm 2015.

Đoàn làm phim cho biết sẽ phỏng vấn khoảng 200 người dân và cựu quân nhân gốc Việt, với hy vọng mô tả lại được cuộc di tản khi đó cũng như cuộc sống hiện tại của cộng đồng người Việt tị nạn trong phim “First Days Story Project.”

PBS là một trong những đài TV lớn và phổ biến nhất tại Mỹ, đặc biệt được chú trọng bởi tính cộng đồng và vô vụ lợi của đài. PBS cũng nổi tiếng với các chương trình mang tính giáo dục cao.

American Experience là một chương trình phim tài liệu lịch sử của PBS, cũng là chương trình với quá trình hoạt động lâu nhất và được nhiều người xem nhất tại Mỹ. Trong 25 năm hoạt động, American Experience đoạt giải thưởng lớn nhất trong ngành, như 30 giải Emmy Award, bốn giải DuPont-Columbia, 16 giải George Foster Peabody...

Để đóng góp hoặc tìm thêm thông tin chi tiết, quý độc giả có thể vào trang mạng gây quỹ: https://www.indiegogo.com/projects/first-days-story-project-an-extension-of-the-film-last-days-in-vietnam.


---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com

-----------------------------------

Phim “Last Days in Vietnam” - Những ngày cuối cùng ở Việt Nam
.
Trần Diệu Chân    30/01/2015
.
Nguyễn-Khoa Thái Anh     30/01/15
.
Anders Wright | Trà Mi lược dịch     September 26, 20146 Comments
Nguồn: ‘Last Days in Vietnam’ personal, poignant. By Anders Anders Wright. Sept. 25, 2014.
.
.
Hoài Hương-VOA     10.02.2014
.
Bùi Văn Phú Gửi cho BBC Việt ngữ từ Hoa Kỳ
.
.
Free Vietnam .Now   24-9-2014
.
.
12-9-2014
.
Linh Nguyễn/Người Việt   26-1-2015
.
Ðiểm phim tài liệu 'Last Days in Vietnam'    -  Người Việt  30-9-2014




No comments:

Post a Comment