Saturday, January 31, 2015

Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam (Huỳnh Kim Quang)





Thứ Sáu, ngày 30 tháng 1 năm 2015

Đọc “A Gift of Barbed Wire” (Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai) Của Robert S. McKelvey


Năm nay 2015, đánh dấu 40 năm (1975-2015) ngày Cộng Sản Bắc Việt xâm chiếm Miền Nam. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cuộc chiến Việt Nam dù đã kết thúc trên chiến trường bom đạn nhưng những hệ lụy đau thương của nó còn kéo dài cho đến nay!

Trong số những hệ lụy trở thành vết hằn khó xóa trên thân phận nghiệt ngã của người dân Miền Nam là chiến dịch sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 của Cộng Sản đẩy hơn một triệu trí thức, văn nghệ sĩ và quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) vào các trại tù khổ sai mà Cộng Sản gọi một cách mị dân là “trại học tập cải tạo.” Trong những trại tù khổ sai đó, nhiều người đã bị thủ tiêu bí mật, bị xử tử công khai, bị buộc phải làm việc cật lực trong điều kiện đói khát, đau bịnh, không thuốc men, không chăm sóc, bị đối xử bất công và tàn bạo không tình người. Nhiều người đã phải ngồi tù lâu hơn 20 năm. Sau khi được thả ra, hầu hết đều mang thân tật bệnh, suy nhược, quản thúc, theo dõi, thất nghiệp, nghèo đói, và xem như bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Trong khi đó, hàng triệu thân nhân, gồm cha mẹ, vợ con của những người tù chính trị này đã phải sống trong hoàn cảnh vô cùng đau khổ bên ngoài trại tù để tranh đấu cho sự sống còn của bản thân và gia đình trong sự bức bách của chính quyền Cộng Sản và sự kỳ thị của xã hội.

Bức tranh toàn cảnh về thân phận bi đát của những người tù chính trị Việt Nam Cộng Hòa dưới chế độ Cộng Sản sau năm 1975 tại Miền Nam đã được nhiều người Việt, gồm những nạn nhân mà cũng là chứng nhân, viết lên trong nhiều thập niên qua. Nhưng số lượng sách bằng tiếng Anh do người Mỹ viết về biến cố này thì vẫn còn quá ít ỏi. Đặc biệt là loại tài liệu nghiên cứu đến nơi đến chốn, chẳng hạn, đến gặp trực tiếp, phỏng vấn và nghe chính các nạn nhân cựu tù chính trị VNCH kể lại đầy đủ chi tiết, do người Mỹ viết bằng tiếng Anh thì lại càng hiếm hơn.

Trong số tài liệu hiếm quý đó có tác phẩm “A Gift of Barbed Wire – America’s Allies Abandoned in South Vietnam” [Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai: Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam] của tác giả Robert S. McKelvey. Sách do Nhà Xuất Bản University of Washington Press ấn hành tại Seattle của Hoa Kỳ và London của Anh Quốc lần đầu vào năm 2002. Sách in bìa cứng, dày trên 260 trang.

Tựa đề tiếng Anh của cuốn sách là dịch từ câu thơ trong bài “Tặng Vật Tỏ Tình” của nhà thơ Trần Dạ Từ sáng tác vào năm 1964 tại Việt Nam:

“Tặng cho em cuộn dây thép gai
Thứ dây leo của thời đại mới.”
(I give you a gift of barbed wire,
Some creeping vine of this new age.)

Ngoài Lời Nói Đầu, Giới Thiệu và Kết Luận, tác phẩm “A Gift of Barbed Wire” của Robert S. McKelvey gồm 2 phần chính: Phần I gồm 4 truyện nói về bản thân của những cựu tù chính trị VNCH; Phần II gồm 10 truyện nói về bản thân những cựu tù chính trị và cha mẹ, vợ con của họ.

Tác giả Robert S. Mckelvey là Đại Úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam từ năm 1969 tới 1970 trong nhiệm vụ sĩ quan Dân Vụ hoạt động tại phía tây bắc thành phố Đà Nẵng, theo ông cho biết trong Lời Nói Đầu của cuốn sách. Ông hiện là giáo sư về môn tâm phân học trẻ em và thanh thiếu niên tại Đại Học Oregon Health and Science University ở Portland. Ông là tác giả của các tác phẩm “The Dust of Life: America’s Children Abandoned in Vietnam” [Bụi Đời: Những Đứa Trẻ Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Việt Nam], và “A Gift of Barbed Wire: America’s Allies Abandoned in South Vietnam” [Tặng Vật Cuộn Dây Thép Gai: Những Đồng Minh Của Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Miền Nam Việt Nam].

Mắt Thấy Tai Nghe

Để viết cuốn sách này, tác giả Robert S. McKelvey đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Việt Nam trong thập niên 1980s tiếp xúc trực tiếp và phỏng vấn cũng như chính mắt chứng kiến cuộc sống vất vả khổ cực trăm bề của các cựu tù chính trị VNCH và thân nhân ngay trên mảnh đất quê hương của họ. Trong Lời Nói Đầu của tác phẩm “A Gift of Barbed Wire,” tác giả đã kể sơ về thân thế và sự nghiệp của ông cùng với mối quan hệ của ông với đất nước và người dân Việt.

 “Giữa năm 1969 và 1970 tôi phục vụ tại Việt Nam trong nhiệm vụ một đại úy Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ. Tôi được phân công làm sĩ quan Dân Vụ, chịu trách nhiệm với “việc chiến thắng trái tim và tâm thức” của người Việt Nam trong khu vực hoạt động của chúng tôi ở phía tây bắc của thành phố Đà Nẵng thuộc miền trung Việt Nam. Công việc này đưa tôi vào việc tiếp xúc hàng ngày với thường dân Việt Nam, hầu hết là nông dân, và đã cung cấp cho tôi quan điểm khác về cuộc chiến hơn là trong trường hợp tôi ở trong trung đội bộ binh, một khẩu đội pháo binh, hay một đơn vị không quân. Trong một ý nghĩa nào đó, tôi hành xử chức năng như một binh sĩ tình nguyện Thủy Quân Lục Chiến hơn là một người lính bộ binh, làm cho tôi dễ hiểu và cảm thông với sự đau khổ của những người Việt Nam bị mắc kẹt giữa các lực lượng đánh nhau.

Sau khi rời Việt Nam vào tháng 5 năm 1970 tôi trở về nhà để bắt đầu nghề nghiệp mới của một bác sĩ. Tôi học xong trường y khoa năm 1974 và hoàn tất việc huấn luyện làm một bác sĩ tâm thần và bác sĩ nhi đồng vào năm 1979. Trong những năm bận rộn đó tôi ít suy nghĩ về các kinh nghiệm thời chiến tranh của tôi. Rồi trong thập niên 1980s nhiều cuốn sách, phim ảnh, và thảo luận nhằm khảo sát vai trò của Mỹ trong Chiến Tranh Việt Nam đã đánh thức sự thích thú của tôi, và làm cho tôi nhớ lại, Việt Nam. Tôi bắt đầu tìm kiếm cách trở lại Việt Nam và làm việc với người Việt Nam, lần này như là một bác sĩ tâm thần. Tại Thành Phố Hồ Chí Minh, tại Trung Tâm Chuyển Tiếp Tị Nạn Phi Luật Tân, và tại Hoa Kỳ, tôi nghiên cứu về đời sống của những người Mỹ Á Châu gốc Việt, từ những đứa trẻ sinh ra trong thời chiến tranh tới những người đàn ông Mỹ và phụ nữ Việt Nam.(2) Sau đó tôi nới rộng mục tiêu của mình để bao gồm những trẻ em Việt Nam tại Úc, Hoa Kỳ, và Hà Nội, thủ đô của Việt Nam.”

Cũng trong Lời Nói Đầu của “A Gift of Barbed Wire,” Robert S. McKelvey kể lại về các chuyến đi Việt Nam để sưu tập tài liệu và gặp gỡ phỏng vấn các cựu tù chính trị VNCH và ấn tượng đầu tiên khi chứng kiến tình cảnh bi thương của những cựu tù chính trị.

“Vào năm 1990, thời gian đầu tiên tôi trở lại thăm Việt Nam kể từ lúc phục vụ trong quân đội ở đó, tôi đã mua 2 bức tranh sơn mài.(3) Chúng miêu tả một cách trừu tượng những người đàn bà thanh lịch với mái tóc đen dài phủ xuống chiếc áo dài có hoa màu tím và xanh lá cây, y phục Việt Nam truyền thống. Người bán hàng nói với tôi rằng họa sĩ vẽ bức tranh đó sống gần đây. Tôi quyết định đến thăm ông ấy. Sau khi đi tìm một hay hai giờ đồng hồ qua các đường phố đông đúc và dơ dáy của Thành Phố Hồ Chí Minh, cuối cùng tôi đã tìm ra căn chung cư nhỏ hai tầng vừa là chỗ ở vừa là phòng vẽ tranh của ông ấy. Vợ ông ấy mở cửa và, sau khi xác minh rằng tôi đến đó để xem và có thể mua một vài bức tranh của chồng bà, đã mời tôi vào nhà. Bà ấy đóng vai trò như là người quản trị phòng trưng bày tranh và dẫn tôi đi xem một vòng, giải thích cách những bức tranh được vẽ và miêu tả một số chủ đề của tranh ảnh. Tôi ngưỡng mộ tác phẩm của chồng bà bao nhiêu, nhiều bức tranh mà sau đó tôi đã mua, thì tôi càng bị quyến rũ bởi cặp mắt sâu và đẹp của bà ấy bấy nhiêu. Với tôi cặp mắt ấy có vẻ được đong đầy với nỗi buồn đau vô hạn. Khi hỏi về bối cảnh hội họa của chồng bà, tôi biết được rằng ông ấy đã từng phục vụ là một sĩ quan Lục Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau chiến thắng năm 1975 của Cộng Sản, chính quyền mới đã bắt bỏ tù ông. Khi tôi hỏi tại sao, bà cho biết rằng đây đã là số phận của nhiều người từng làm việc cho chính quyền cũ. Bà cũng nói vắn tắt về cuộc đời của bà trong thời gian năm năm vắng chồng, mô tả tình cảnh nghèo khổ và bị xã hội cô lập mà bà đã phải chịu đựng và sự chiến đấu sau đó của họ để xây dựng lại cuộc sống sau khi ông được ra tù. Lắng nghe bà kể chuyện tôi bắt đầu hiểu đôi chút về nỗi buồn trong đôi mắt của bà.

Đây là kinh nghiệm đầu tiên của tôi với cựu tù chính trị Việt Nam và gia đình của họ. Tôi đã từng không biết rằng sau khi Sài Gòn sụp đổ vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, hơn một triệu người là cựu đồng minh Nam Việt Nam của chúng ta, trong số hai mươi triệu dân, đã bị đẩy vào các trại học tập cải tạo.(4) Ở đó họ bị bắt buộc đào hào và kênh dẫn nước, trồng trọt, và xây nhà làm đường. Họ được nuôi bằng những khẩu phần chết đói – hai chén cơm, một ít muối, và một chút xíu canh cải mỗi ngày. Vào ban đêm, sau một ngày làm việc cực nhọc, họ bị lên lớp về những lỗi lầm của chính quyền cũ và người Mỹ, về các lý thuyết Mác-Lê, và về những vinh quang của chế độ Cộng Sản mới, được mô tả bởi những cai tù như là “chính quyền tốt nhất thế giới.” Họ cũng bị đòi hỏi phải thú tội về những tội ác quá khứ của họ như là một phần của quá trình học tập cải tạo để lấy cớ là sẽ “chuyển” họ thành “người mới.”(5) Điều đó đã không được tiết lộ với họ cho đến về sau mà những thú tội này tạo thành cơ bản cho những buộc tội thêm nữa để chống lại họ và ngay cả bỏ tù họ lâu hơn.

Cuối cùng được thả từ những trại học tập cải tạo sau khi đã bị bỏ tù từ một tới hơn hai mươi năm, các cựu tù nhân trở về nhà như những người đàn ông chỉ còn da bọc xương. Họ kiệt sức, bệnh tật, và chán ngán sâu sắc chính quyền mới và những ý định thực sự của nó. Có rất ít người, như nhà họa sĩ mà tôi đã gặp, tìm ra được công việc làm đúng với nghề nghiệp mà họ đã từng được đào tạo. Tuy nhiên, hầu hết đã phải sinh sống bằng bất cứ công việc gì mà họ có thể tìm ra, một thứ giai cấp thấp bị khinh khi của những người đàn ông có học thức cao và thông minh với không còn triển vọng cho một tương lai phát đạt tại Việt Nam với chính họ hay với con cháu của họ.

Tôi đã gặp một trong nhiều cựu tù chính trị kém may mắn trong thời gian chuyến thăm Việt Nam sau này. Ông ấy đã từng là một thiếu tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng vào lúc tôi gặp ông năm 1993 thì ông là một người đạp xích lô tại Thành Phố Hồ Chí Minh. Công việc của ông là đạp xích lô chở những du khách Tây Phương từ các khách sạn sang trọng quanh khu vực thương mại trung tâm qua những chuyến mua sắm hay tham quan. Trong thời gian thực hiện cuốn phim Pháp Indochine (Đông Dương) ông đã là một phu xích lô cho nữ tài tử điện ảnh Catherine Deneuve. Nếu được hỏi, ông sẽ đưa ra một tờ giấy copy được ép nylon của hình bìa tạp chí Paris Match mà ông đã được chụp trong lúc chở nữ tài tử Deneuve trên chiếc xe xích lô của ông. Ông ấy cùng tuổi tôi, và mỗi ngày khi tôi quan sát cái tướng gầy gò mà phải ráng gân cốt để đẩy chiếc xe nặng chở những du khách Mỹ và Pháp to con qua các con đường đông nghẹt người của thành phố, tôi suy nghĩ về những khác biệt trong số phận của chúng ta.

Trong những năm sau khi họ được thả từ các trại học tập cải tạo hầu hết cựu tù nhân đều quyết định rời Việt Nam. Một số đã vượt biên như thuyền nhân hay đi đường bộ xuyên qua Cam Bốt và Thái Lan, trong khi những người khác thì rời khỏi nước theo Chương Trình Ra Đi Trật Tự (ODP).(6) Đến được Hoa Kỳ thì họ lại đối diện thử thách, đặc biệt khó khăn với người già, về việc thích ứng với một quốc gia với các truyền thống văn hóa khác nhau quá lớn. Họ thường không nói được tiếng Anh nhiều và cũng hay bị kỳ thị chủng tộc, định kiến, và kỳ thị trong việc làm. Không như các cựu chiến binh Việt Nam của chúng ta, có ít người Mỹ biết hay quan tâm đến những câu chuyện của họ. Chẳng có cuốn phim nào nói về cuộc đời họ. Những cuốn sách mà họ đã viết về các kinh nghiệm của  họ thì không nằm trong các danh sách bán chạy nhất.(7) Không có phim Miss Saigon để giúp chúng ta hiều sự đau khổ của họ. Ngay cả tài liệu khoa học cũng chỉ viết vài trang trình bày về các vấn đề của họ.(8) Tôi tự hỏi, bằng cách nào họ và những người vợ của họ có thể chịu đựng nhiều thập niên đau khổ kéo dài và lập đi lập lại như thế? Sự đau khổ đó ảnh hưởng đến phát triển nhân cách, sức khỏe tâm thần và triển vọng cuộc sống của họ ra sao? Cái gì còn lại của hy vọng và ước mơ thời trai trẻ của họ? Đây là một số nghi vấn mà tôi tìm kiếm câu trả lời trong tác phẩm này.

Khi tôi bắt đầu tìm hiểu về những cựu tù chính trị của Việt Nam tôi đã biết trước rằng tôi sẽ gặp những người tuyệt vọng và đau khổ đang đau buồn đối với quá khứ và phẫn uất vì tất cả những gì họ đã mất mát. Sau nhiều giờ gặp họ, lắng nghe những trải nghiệm của họ, và rồi suy ngẫm và viết về họ tôi đã, với sự ngạc nhiên của mình, phát giác điều gì đó khác hẳn. Trong khi một vài người trong số mà tôi biết là đau khổ, không có vẻ gì tuyệt vọng, và hầu hết tất cả đều cho thấy khả năng hồi phục rất lớn trên gương mặt của những người dường như bị chấn thương nặng nề.” (Robert S. McKelvey, A Gift of Barbed Wire, University of Washington Press,  Seattle and London, 2002, Lời Nói Đầu, trang XI, XII, XIII, XIV)

Đó chỉ là sơ lược về tình cảnh sống của vài cựu tù chính trị VNCH trong số rất nhiều người mà tác giả Robert S. McKelvey đã gặp trong những chuyến đi Việt Nam để chuẩn bị cho cuốn sách này. Phần nội dung dày hơn 260 trang sau đó của cuốn sách mới là những câu chuyện về người thật và việc thật của các cựu tù chính trị VNCH từ lúc gia nhập Quân Lực VNCH chiến đấu bên cạnh đồng minh Mỹ để bảo vệ tự do, dân chủ, cho đến khi Miền Nam sụp đổ, rồi vào tù Cộng Sản sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, ra tù, sống lây lất khổ sở, sau cùng đi Mỹ và đối diện những va chạm khắc nghiệt của cuộc sống mới.

Robert S. McKelvey nêu ra 7 trường hợp tiêu biểu cho hàng trăm ngàn cựu tù chính trị VNCH để kể chuyện về họ và thân nhân của họ trong tác phẩm “A Gift of Barbed Wire” gồm, cuộc đời của một bác sĩ, một kỹ sư, một thợ hớt tóc, một gián điệp, một phi công, một thầy giáo, và một chính trị gia. Vì tôn trọng một vài trường hợp mà trong đó người được McKelvey phỏng vấn không muốn nêu danh tánh thực và cũng để giữ sự an toàn cho những người còn lại trong nước, đặc biệt tình hình an ninh khắc nghiệt của người dân tại Việt Nam vào thập niên 1980s, tác giả đã chọn cách không nêu danh tánh thật của tất cả cựu tù chính trị VNCH được kể trong sách này.

Ngày 30 Tháng 4 và Lời Hứa Cuội Của Cộng Sản

Người dân miền Nam, đặc biệt những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa, những người còn ở lại Việt Nam và chứng kiến sự kiện miền Nam bị Cộng Sản chiếm, có cảm nghĩ như thế nào trong ngày 30 tháng 4 năm 1975? McKelvey thuật lại lời kể của một cựu phi công Không Quân VNCH tên là Trà kể rằng, “Đó là một ngày kinh hoàng. Chúng tôi mất mọi thứ. Chúng tôi không biết phải làm gì. Một số đơn vị đã chiến đấu đến cùng; những đơn vị khác không tuân lệnh tổng thống Nam Việt Nam [Dương Văn Minh để đầu hàng]. Tôi không biết hàng xóm của tôi là Cộng Sản hay không và không biết họ sẽ làm gì, vì vậy tôi quyết định ở lại với một người bạn ít ngày trước khi về nhà chỉ để thấy điều gì đã xảy ra. Tôi nói với vợ tôi là nơi nào tôi nên ở để vợ tôi không lo ngại. Đêm 30 rất là yên lặng -- thật đáng sợ.” Đêm trước thì có nhiều hỏa tiễn và tiếng nổ, nhưng cái đêm đó thì không có hỏa tiễn. Im lặng đáng sợ bởi vì chúng tôi không biết cái gì xảy ra. Sau hai ngày vợ tôi khuyến khích tôi về nhà. Không có gì xảy ra. Tôi không biết làm gì. Tôi không hiểu phải giúp gia đình tôi bằng cách nào.” (Sách đã dẫn, trang 112)

Bi kịch làm thay đổi cả cuộc đời của các quân cán chính VNCH trong các trại tù lao động khổ sai kéo dài hàng chục năm bắt đầu với lời hứa gian dối của chế độ Cộng Sản về thời gian đi học tập cải tạo từ 3 ngày đến 30 ngày. McKelvey thuật lại lời kể của cựu phi công VNCH Thọ như sau:

“Có thông báo [trên đài phát thanh và những cái loa chát chúa] rằng tất cả quân nhân của chế độ cũ đểu phải đi học tập cải tạo. Bạn đựợc cho biết đến văn phòng chính quyền hay trường học và viết lý lịch của bạn, một loại sơ yếu lý lịch. Rồi bạn về nhà và chờ. Sau một tháng có thông báo khác bảo bạn trình diện đi học tập cải tạo. Các sĩ quan, hạ sĩ quan, và những cấp bậc thấp hơn thì được cho biết việc học tập cải tạo của họ sẽ kéo dài 3 ngày và họ có thể về nhà mỗi đêm. Các sĩ quan cấp bậc cao hơn, cấp tá tới tướng, và viên chức chính quyền cao hơn được cho biết việc học tập cải tạo của họ kéo dài lâu hơn và họ phải trình diện tại trường trung học hay đại học gần đó với đầy đủ lương thực và quần áo cho 30 ngày.” (Sđd., trang 112, 113.)

Nhưng rồi hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH đã phải ngồi tù lao động khổ sai tới cả chục năm, có người ở tù tới 21 năm, như trường hợp nhà tình báo Sang đã bị bắt ở tù học tập cải tạo từ tháng 3 năm 1975 cho đến năm 1996 mới được thả (Sđd., trang 71).

Những Năm Tháng Trong Tù

Ở tù là một khổ nạn, nhưng ngồi tù Cộng Sản thì lại càng là cực hình khốn khổ không thể tả! Những năm sau 1975 cho đến giữa thập niên 1980s, Việt Nam là một đất nước nghèo đói, lạc hậu và khép kín với thế giới bên ngoài. Vì vậy, chế độ Cộng Sản đã cai trị dân bằng luật rừng, đặc biệt là chế độ đối với các tù chính trị. Các cựu tù chính trị VNCH phải tự xây cất nhà tù để giam cầm chính họ, tự canh tác hoa màu đủ thứ và sung túc nhưng lại bị buộc sống chết đói, và gánh chịu bao nhiêu tàn ác, dã man của chế độ tù Cộng Sản.

Nói về việc ăn uống trong tù McKelvey thuật lời kể của cựu phi công VNCH Thọ như sau: “Trong thời gian năm đầu tại miền Nam chúng tôi ăn cơm độn bo bo. Đó không phải là bo bo bình thường, mà chỉ là loại thô cũ. Chúng tôi cố nấu cho mềm, nhưng nó không ngon chút nào. Qua năm thứ hai tại miền Bắc chúng tôi ăn cơm độn với bắp. Năm thứ ba chúng tôi có sắn khô và đôi khi ăn cơm vào những lễ lớn như Tết. Năm 1978 và 1979 là tệ nhất. Thiếu thực phẩm trên cả nước và nhiều người chết. Vì thiếu thực phẩm họ bắt đầu để gia đình đến thăm nuôi chúng tôi tại các trại tù để họ có thể bổ sung khẩu phần ăn của chúng tôi. Các thân nhân đã mang cho tù gạo, lương khô, và thuốc men.” (Sđd., trang 117)

Ở trong tù, các cựu tù chính trị VNCH không những làm việc cực nhọc, ăn uống thiếu thốn khổ sở mà còn bị đánh đập, hành hạ, và thậm chí giết chết. McKelvey ghi lại lời của cựu phi công Thọ như sau: “Họ nhốt tù trong “chuồng cọp” [một hộp thiết nhỏ giống như cái thùng chở hàng hóa], để nó ra giữa trời dưới ánh nắng mặt trời, và chỉ cho tù một chút thức ăn – 2 ca nước và một tô sắn 2 lần một ngày. Hay họ còng tù vào tường ở cổ tay và mắt cá. Thật là không thoải mái chút nào!” (Sđd., trang 116)  

Cựu phi công Thọ còn chứng kiến 2 lần Cộng Sản giết tù chính trị VNCH. McKelvey thuật lại lời Thọ như sau: “Hai lần. Lần thứ nhất là lúc ở trong Nam tại Biên Hòa. Một ông cố trốn trại ban đêm nhưng bị bắt. Ngày hôm sau họ đã xử tội ông. Họ buộc chúng tôi phải nghe phiên xử qua tiếng loa bự. Một giờ sau chấm dứt họ bắn chết ông ấy. Lần thứ hai lúc đã ra Bắc. Ba hay bốn người trốn trại. Sau vài ngày họ bị bắt lại và bị mang trở về trại. Họ đánh một trong những người đó tới chết. Những  người khác thì bị đưa đi trại khác.” (Sđd., trang 116)

McKelvey thuật lại lời của cựu tù chính trị là nhà chính trị VNCH tên Hung (tác giả không đánh dấu) kể rằng, “Tôi hỏi có người nào chết trong tù không. “Nhiều! Đói khát và làm việc nặng nhọc làm cho nhiều người bị bệnh. Rất dễ chết. Không phải là tình trạng tinh thần hay cá tính của người tù. Chỉ là không có đủ để ăn và không có thuốc men.” (Sđd., trang 187)

Cựu tù chính trị VNCH là nhà chính trị Hung còn kể chuyện Cộng Sản cực kỳ hung ác hơn nữa với tù chính trị VNCH. Mckelvey thuật lại lời kể của Hung rằng, “Lúc đó chúng tôi ở trại không xa biên giới Cam Bốt. Đó là thời gian Chiến Tranh Việt-Miên. Việt Cộng đặt mìn Claymore [mìn chống cá nhân] chung quanh trại tù. Chúng tôi nghĩ là họ bảo vệ chúng tôi, nhưng họ nhắm mục tiêu mìn Claymore vào chúng tôi! Họ cho biết rằng nếu Cam Bốt tấn công, họ sẽ giết chúng tôi trước bởi vì chúng tôi cũng là kẻ thù của họ.” (Sđd., trang 208, 209)

Sự bức bách và tàn ác của chế độ tù Cộng Sản đã khiến cho người tù chính trị VNCH có lúc không thể im lặng chịu đựng và đứng lên chống lại. McKelvey thuật lại lời kể của một cựu tình báo VNCH là cựu tù chính trị tên Sang về tình trạng nghiêm trọng tại trại tù Hàm Tân vào những năm từ 1976 đến 1980, như sau: “Một ngày kia chúng tôi đi ra ngoài lao động trong một nhóm 40 người tù với một cai tù và 2 người lính. 12 người chúng tôi khống chế cai tù và lấy vũ khí của họ. Chúng tôi có 2 khẩu súng M-16 và một khẩu K-54. Chúng tôi vào rừng đế đến mật khu của những nhóm chống chính quyền đã xây dựng căn cứ cho chúng tôi. Cộng Sản phái 2 trung đoàn lính tới và công an tủa ra 2 tỉnh, Thuận Hải và Đồng Nai, để tìm chúng tôi. Sau 6 ngày tôi bị bắt đầu tiên. 4 ngày sau 9 người khác bị bắt và 2 người bị bắn chết.” (Sđd., trang 85)

Hoàn Cảnh Vợ Con Người Tù Chính Trị VNCH

Các quân cán chính VNCH bị Cộng Sản bắt đi tù học tập cải tạo tất nhiên là chịu rất nhiều thống khổ và đau thương trong những nhà tù nhỏ, nhưng vợ con và thân nhân của họ ở bên ngoài cũng không khác gì một nhà tù lớn với vô vàn gian nan, khổ cực và tủi nhục. Họ vừa phải gánh vác trách nhiệm thế cha và làm mẹ nuôi dạy con cái và buôn bán tảo tần, vừa phải đối mặt với những áp bức của chế độ Cộng Sản và sự kỳ thị của xã hội.

Tác giả Robert S. Mckelvey đã trực tiếp phỏng vấn và ghi lại nhiều trường hợp rất thương tâm của những người vợ con của cựu tù chính trị VNCH. McKelvey thuật lại lời của người vợ của một chính trị gia tên Hung là bà Tho (tác giả cũng không bỏ dấu) kể tình cảnh gia đình sau khi chồng bị bắt đi học tập cải tạo như sau:
“Sau khi ông nhà tôi đi tù tôi phải chăm sóc 7 đứa con của chúng tôi và tiệm chụp hình. Cửa tiệm làm ăn không khá. Chồng tôi là người chính yếu gánh vác việc ấy trước đây, và sau khi ông ấy đi không ai trong chúng tôi biết làm sao để tiếp tục điều hành. Người ta cũng sợ không dám ủng hộ cửa tiệm bởi vì chồng tôi là người đi tù học tập cải tạo. Ngay cả những thân nhân của chúng tôi và người bạn thân nhất của chồng tôi cũng tránh xa. Nó giống như là chúng tôi mắc bịnh nguy hiểm, một thứ bệnh lây nhiễm, và người ta sợ chúng có thể lây lan họ. Họ không muốn dính dáng tới và vướng vào phiền phức với chính quyền.” (Sđd., trang 196)

Những người vợ con cựu tù chính trị VNCH còn phải bị bắt học tập cải tạo tại địa phương. Bà Tho kể với McKelvey rằng, “Mỗi tháng tất cả những bà vợ của những người đàn ông bị tù học tập cải tạo bị đòi hỏi phải đến họp. Mục đích là để cải tạo chúng tôi tại nhà. Họ bảo chúng tôi không được buôn bán và tận dụng lợi thế của người dân. Thực tế họ muốn chúng tôi ở nhà và làm ruộng.” (Sđd., trang 197)
Những người vợ cựu tù chính trị VNCH khóc hết nước mắt hàng đêm vì hoàn cảnh bế tắc và vì Cộng Sản áp bức người quá đáng.  Bà Tho kể với McKelvey rằng, “Mỗi đêm tôi đợi mấy đứa con đi ngủ và không thể nghe được, thì tôi khóc bởi vì chúng tôi không có đủ tiền cho tôi đi thăm nuôi chồng tôi. Một ngày sau khi chồng tôi đi tù những người từ chính quyền đến và liệt kê mọi thứ chúng tôi có. Họ lấy một số đồ đạc như máy truyền hình và quần áo của thằng con trai đi lính của chúng tôi. Họ nói rằng đó là “tài sản của nhân dân.” Khi chồng tôi là người chủ gia đình đi rồi, tôi đã bán những gì chúng tôi có để nuôi gia đình. Tôi bán nồi và chảo trước nhà. Ngay cả vậy mà cũng không có gì nhiều để ăn. Thịt và cá thì hiếm khi có. Chúng tôi trộn cà chua với cơm chỉ để làm đầy bao tử.” (Sđd., trang 197)

Điều cực kỳ bất công mà Cộng Sản đã làm với những gia đình cựu tù chính trị VNCH là không cho con cái họ đi học. McKelvey thuật lại lời bà Tho kể rằng, “Thực tế con cái không được phép đi học bởi vì địa vị của cha chúng nó trong chính quyền cũ. Chẳng hạn, con gái của tôi học rất giỏi ở trung học. Sau khi tốt nghiệp cháu muốn vào đại học. Ở đó có danh sách ưu tiên để quyết định ai được nhận. Nếu gia đình bạn là Cộng Sản, bạn đứng đầu danh sách. Nếu họ làm việc cho chính quyền cũ, thì bạn đứng đội sổ. Bởi vì cha và anh của cháu đều đi tù học tập cải tạo, nên cháu đã không được nhận.” (Sđd., trang 198)

Ra Tù, Về Nhà, Đi Vượt Biên

Ra khỏi những nhà tù nhỏ là các trại tù học tập cải tạo, các cựu tù chính trị VNCH tường có thể bước qua được khúc quanh nghiệt ngã này để bắt đầu làm lại cuộc đời. Nhưng, không, họ chỉ mới bước chân vào cái nhà tù lớn của xã hội Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản với vô số khổ sở và trớ trêu khác đang chờ chực.

Đúng vậy, như lời kể của một cựu kỹ sư và thầy giáo thời  VNCH đi tù học tập cải tạo về mà McKelvey thuật lại như sau: “Ngày đầu về nhà tôi lo sợ về an ninh. Tôi phải đem giấy chứng nhận ra tù học tập cải tạo đến văn phòng an ninh phường, văn phòng hành chánh phường, và ty an ninh tỉnh để ký xác nhận. Trong tháng đầu sau khi tôi về nhà tôi cũng phải có mặt ở những buổi họp trong xóm mỗi đêm. Chúng giống y chang những buổi họp trong trại tù. Tôi phải đứng dậy và thú tội trước 15, 20 người láng giềng của tôi đang có mặt trong buổi họp. Mỗi lần như thế tôi đều phải bắt đầu bằng câu, “Tôi biết ơn Cộng Sản.” Sau một tháng như vậy tôi mới nhận được giấy nói rằng tôi đã trở lại làm công dân Việt Nam. Rất là quan trọng để tờ giấy đó được ký chứng nhận bởi công an địa phương. Nếu bạn phạm trọng tội, thì họ sẽ lấy lại [giấy tờ và quyền công dân của bạn].” (Sđd., trang 47)

Một cựu tù chính trị VNCH khác là cựu đại tá và chỉ huy Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn tên Bích kể cho McKelvey nghe ngày từ trại tù trở về nhà như sau: “Hơi là lạ. Ban đầu, mấy đứa con không nhận ra tôi bởi vì tôi rất ốm. Tôi đi lại khó khăn bởi vì vấn đề dinh dưỡng. Tôi rất yếu. Tất cả trừ đứa con trai út của tôi đều đã đi thăm nuôi tôi ở ngoài Bắc với vợ tôi. Trải qua 2 năm đầu chúng tôi không được phép nhận thư từ gia đình, và qua 3 năm đầu chúng tôi không được thăm nuôi. Sau đó họ có thể thăm nuôi mỗi 6 tháng, nhưng vợ tôi không có tiền để đi thăm nuôi tôi đều như thế. Bà chỉ đi thăm tôi mỗi năm 1 lần hay 2 năm một lần.” (Sđd., trang 65)

Còn cựu tù chính trị VNCH là nhà tình báo Sang thì kể như sau, theo McKelvey, “Khi tôi trở về nhà một số người sợ tôi và không muốn liên hệ với tôi. Những người khác thì thông cảm, nhưng tôi không muốn họ gặp rắc rối vì tôi gần gũi với họ, do đó tôi sống rất cô độc. Sauk hi trở về nhà nhiều cựu tù chính trị sống cô độc. Nhiều bà vợ bỏ  họ trong lúc họ còn trong tù. Nhiều người khác về nhà bị rồi loạn thần kinh mà một thời gian ngắn sau đó họ đã ly dị. Hầu hết họ đều không có việc làm. Những nào người ở tù nhiều năm có con lớn lên và khó hiểu biết chúng. Những đức con độc lập, và không có sự gần gũi giữa chúng và người cha đi tù. Khi những cựu tù ly di với các bà vợ thì những đứa con cảm thấy vô vọng.” (Sđd., trang 95) 

Giáp mặt với cuộc sống khó khăn mọi mặt ở nhà như thế, nhiều cựu tù chính trị VNCH đã tìm đường vượt biên.
Nhà tình báo Sang kể tiếp cho McKelvey nghe, “Hầu hết mọi người tù trong các trại tù cải tạo đều hy vọng trở thành những người tị nạn tại một quốc gia khác.” (Sđd., trang 95)  

Cựu tù chính trị VNCH nguyên là phi công tên Tra (tác giả không bỏ dấu) kể về chuyện vượt biên của ông cho McKelvey nghe rằng, “Tôi cố vượt biên bằng thuyền nhiều lần, nhưng đều bị gạt, họ bỏ tôi ở lại. Lần cuối cùng tôi cố vượt biên với mấy người bạn và tôi mua thuyền. Kế hoạch là chúng tôi phải neo thuyền ngoài khơi. Chúng tôi đi ra thuyền đó bằng ghe nhỏ. Nhưng người lái ghe nhỏ của tôi đã bị lạc, và tôi không bao giờ thực hiện được việc đó. 2 người bạn khác của tôi thì đã thành công lái tàu tới Mã Lai Á.” (Sđd., trang 120) 

Qua Mỹ Và Những Khó Khăn Của Cuộc Sống Mới

Ra khỏi Việt Nam đối với các cựu tù chính trị VNCH là một nhu cầu để được sống tự dọ và hạnh phúc, nhất là qua Mỹ. Nhưng trước khi tới Mỹ, không một cựu tù chính trị VNCH nào hình dung ra được những hoàn cảnh thế nào mà họ sẽ phải đối diện mỗi ngày. Vì thế, qua Mỹ là một trong những bước ngoặc lớn trong cuộc đời của một cựu tù chính trị VNCH.

Chúng ta hãy nghe lại lời kể của cựu phi công Tra về những khó khăn nào mà ông gặp phải khi qua Mỹ, “Chúng tôi có nhiều khó khan. Đôi khi tôi nghĩ chúng tôi không tạo nên nó. Sau khi chúng tôi gặp lại nhau vài năm thì bà [vợ] nói với tôi, “Anh biết đó, chúng ta vẫn còn đang thích nghi. Vẫn còn khoảng cách giữa chúng ta.l” Tại Việt Nam, là người chồng, tôi chăm sóc mọi thứ. Ở đây tôi không có gì, không việc làm và không tiền bạc. Bà ấy cho tôi mọi thứ. Tôi cảm thấy bị coi thường. Bà ấy nói rằng, “Hãy ở nhà và nghỉ ngơi.” Tôi nói, “Không, tôi muốn đi làm ngay nếu được.” Vì thế bà đi và bảo với người quản trị của hãng xưởng nơi bà ấy làm việc. Ông ấy cho tôi một việc làm lắp ráp điện tử vào năm 1991, và từ đó tôi làm việc ở đó tới nay.” (Sđd., trang 121)

Trường hợp của bà Oanh là vợ của cựu phi công Tra là một điển hình của những người vợ cựu tù chính trị VNCH đã đến Mỹ trước và phải đấu tranh sinh tồn rất khổ cực để vừa nuôi con vừa nuôi chồng trong một đất nước hoàn toàn xa lại. Bà Oanh kể với McKelvey như sau:
“Tôi không biết mặt mũi của tôi ra sao trong thời gian đó. Tôi rất bận rộn đến nỗi không có thì giờ để soi gương. Điều duy nhất mà tôi nghĩ về là kiếm tiền. Tôi có việc làm trong khâu dây chuyền lắp ráp. Tôi chỉ kiếm được 3.25 đô la một giờ, và vì vậy tôi tới sở xã hội để xin giúp đỡ. Người phụ nữ ở đó cũng là một người Việt. Bà ấy rất khinh khỉnh. Bà nói rằng, “Bạn kiếm được 3.25 đô la một giờ, vậy mà bạn vẫn còn đi xin giúp đỡ hà? Tiền nhà của cô chắc là quá cao. Tại sao bạn không dời tới [một chương trình trợ cấp nhà ở rõ rang mà nơi đó có nhiều người tị nạn Việt Nam mới tới ở]? Tôi rất giận. Tôi không biết phải nói gì. Tôi chỉ khóc và bỏ đi.” (Sđd., trang 127)

Còn một khó khăn khác mà nhiều cựu tù chính trị VNCH khi qua Mỹ gặp phải đó là sự cách biệt giữa cha mẹ và con cái lớn lên bên này đã trở thành xung đột khó giải kết trong gia đình. Tác giả Robert S. McKelvey nêu ra trường hợp con cái trong gia đình của cựu phi công là cựu tù chính trị VNCH qua lời kể của người con gái tên Phuong (tác giả không đánh dầu), như sau:
“Tôi nhớ căng thẳng giữa ba tôi và người em gái của tôi. Lúc đó em gái út của tôi và tôi ở nhà và 2 đứa em gái khác ở đại học. Tôi không nhớ căng thẳng nhiều tới mức nào giữa ba tôi và tôi, nhưng ba tôi bị bực mình với em gái út của tôi bởi vì nó quá bướng bỉnh. Họ không hạp nhau. Ba tôi thì rất truyền thống và đối xử với con cái theo cách ở Việt Nam. Em gái út tôi là con gái Mỹ. Nó nói những gì nó suy nghĩ và hành động độc lập. Ông còn nhớ sự kiện ba mẹ tôi kể cho ông nghe về việc em gái tôi lái xe lui ra quá nhanh? Ba tôi nói rằng, “Tôi rất giận đứa con gái đó.” Tại Việt Nam bạn không thể hành động như vậy, ngay dù bạn đang giận dữ. Bây giờ em gái tôi cho rằng, “Ba không thích em – Em là đồ rác.” (Sđd., trang 139)

Kết Luận

Ông Quyet (tác giả không đánh dấu) là một học giả có bằng thạc sĩ tại Hoa Kỳ và dạy tiếng Anh tại Học Viện Quân Sự Quốc Gia Việt Nam (VNCH) trước năm 1975. Sau năm 1975 Quyet đi tù học tập cải tạo. Quyet đã trình bày bằng văn bản ba điều với McKelvey về quan điểm của ông đối với chế độ Cộng Sản Việt Nam. Trong đó ông chỉ trích chính sách tàn ác của Cộng Sản đối với dân quân miền Nam và cho rằng chính quyền CSVN còn nợ người dân miền Nam lời xin lỗi.

Điều thứ ba của văn bản của Quyet viết rằng, “Thứ ba, các anh [Cộng Sản] lớn tiếng kêu gọi mọi người “tha thứ và quên đi.” Hãy để tôi nói rõ rằng chúng tôi đã không, và đang không, mắc nợ các anh bất cứ điều gì [đối với những gì chúng tôi đã làm]. Hầu hết chúng tôi chiến đấu dũng cảm đơn giản là để tự bảo vệ. Không có gì sai với điều đó cả. Khi chiến tranh chấm dứt quá khứ nên để lại sau. Chúng tôi có thể đã là bạn bè của các anh và cùng nhau làm việc với các anh để xây dựng đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta, nhưng các anh đã chọn ôm giữ ác cảm chống lại chúng tôi và đối xử với chúng tôi tồi tệ hơn với thú vật. Các anh mới chính là người nợ chúng tôi một lời xin lỗi [cho điều đó] và đặc biệt đối với việc [các anh] làm ô nhiễm nơi an nghỉ thiêng liêng của những chiến sĩ đã nằm xuống của chúng tôi.” (Sđd., trang 168)

Trong phần kết luận cuốn sách, tác giả Robert S. McKelvey rút ra 5 nhận định từ những kinh nghiệm và bài học của chiến tranh Việt Nam, của các cựu tù chính trị VNCH mà người Mỹ và chính quyền Mỹ cần đặc biệt quan tâm. Một, nạn nhân của chiến tranh là những con người nhạy cảm, tế nhị và dễ bị tổn thương nên, người Mỹ cần đối xử công bằng với các đồng minh của mình. Hai, sự đau khổ của các nạn nhân chiến tranh không chấm dứt sau khi ký hiệp định hòa bình và rút quân [Mỹ] về nước. Do vậy, việc điều trị vết thương chiến tranh cần thời gian dài sau đó. Ba, Hoa Kỳ cần cẩn thận cách can thiệp trên thế giới, mà cụ thể là cần lắng nghe nguyện vọng của các đồng minh. Bốn, Hoa Kỳ cần có trách nhiệm với các đồng minh hay quốc gia mà mình can thiệp bằng chiến tranh. Và năm, người Mỹ cần nhận thức rõ là họ chiến tranh vì cái gì. Nên nhớ, chuyện mở cuộc chiến tranh không giống như chuyện trong phim, vì nó sẽ để lại nhiều đau khổ cho vô số người trong nhiều thập niên sau đó.

Dù cuốn “A Gift of Barbed Wire” đã được xuất bản cách nay 13 năm, nhưng những điều mà tác phẩm này nói đến vẫn còn là các bài học giá trị mà các chính quyền tại Việt Nam và Hoa Kỳ cần phải học lại kỹ lưỡng để tránh gây đau thương cho cả một dân tộc. Đối với người Việt trong và ngoài nước, tác phẩm này chắc chắn là một kho tàng ký ức sâu đậm của một thời lịch sử không thể quên. Khi có dịp gợi lại thì thấy rằng nó vẫn còn nguyên ở đó.

Xin cám ơn tác giả Robert S. McKelvey.

Chú thích:
(2) R. S. McKelvey, The Dust of Life: America’s Children Abandoned in Vietnam [Bụi Đời: Những Đứa Trẻ Mỹ Bị Bỏ Rơi Tại Việt Nam] (University of Washington Press, Seattle, 1999).
(3) Tranh sơn mài là hình thức hội họa truyền thống Việt Nam được đưa tới Việt Nam từ Trung Quốc vào thế kỷ thứ 15. Sơn mài màu cứng được dung cho gỗ mềm, được đánh bóng cho thật là láng như đồ sứ, và rồi được trang trí hay sơn với những sơn mài màu sắc khác nhau (P. Huard và M. Durand, Viet Nam: Civilization and Culture [Việt Nam: Văn Minh và Văn Hóa], tái bản lần thứ 2 [École Francaise d’Extréme Orient, Hà Nội, 1994], trang 204-7).
(4) N. L. Jamieson, Understanding Vietnam [Hiểu Việt Nam] (University of California Press, Berkeley và Los Angeles, 1993), trang 363.
(5) Sách đã dẫn trên, trang 364.
(6) Chương Trình ODP là sự thỏa thuận song phương đạt được và tháng 7 năm 1979 giữa chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam cho phép sự nhập cư của người Việt vào Hoa Kỳ hợp pháp và an toàn.
(7) Chẳng hạn, xin xem, T. T. Vu, Lost Years: My 1,632 Days in Vietnamese Reeducation Camps [Những Năm Mất Mát: 1,632 Ngày Của Tôi Trong Các Trại Học Tập Cải Tạo Của Việt Nam] (Institute of East Asian Studies, University of California, Berkeley, 1988); T. V. Doan và D. Chanoff, The Vietnamese Gulag [Trại Tù Chính Trị Việt Nam] (Simon and Schuster, New York, 1986).
(8) Thí Dụ, xin xem, M. C. Smith-Fawzi, E. Murphy, T. Pham, L. Lin, C. Poole, và R. F. Mollice, “The Validity of Screening for Post-Traumatic Stress Disorder and Major Depression among Vietnamese Former Political Prisioners” [Giá Trị Của Việc Kiểm Tra Đối Với Chứng Bất An Và Trầm Cảm Nặng Do Căng Thẳng Bởi Hậu Chấn Thương Trong Số Những Cựu Tù Chính Trị Việt Nam], Acta Psychiatrica Scandinavica (1997: 96): trang 87-93; R. F. Mollica, K. McInnes, T. Pham, M. C. Smith-Fawzi, E. Murphy, và L. Lin, “The Dose-Effect Relationships between Torture and Psychiatric Symptons in Vietnamese Ex-Political Detainees and a Comparison Group” [Các Mối Quan Hệ Hiệu Quả Liều Lượng Giữa Tra Tấn và Các Triệu Chứng Tâm Thần Trong Các Cựu Tù Nhân Chính Trị Việt Nam và Một Nhóm So Sánh], Journal of Nervous and Mental Disorder (1998: 186): trang 543-53.



No comments:

Post a Comment