Saturday, January 31, 2015

Hoa Kỳ chấp thuận khai thác dầu khí ở Đại Tây Dương (Hà Tường Cát/Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt
Thursday, January 29, 2015 7:33:43 PM

HOA KỲ - Vào thời điểm giá xăng trung bình xuống tới dưới $2.50 một gallon, dự án của chính quyền liên bang cho phép khai thác dầu khí ngoài khơi duyên hải Đại Tây Dương không phải là tin tức được mọi người dân Mỹ bình thường chú ý tới. Đây chỉ là quan tâm của các giới kỹ nghệ dầu khí, bảo vệ môi trường, chính trị và một số địa phương liên hệ.

Hơn nữa, chuyện này hãy còn là tương lai, chưa phải ngay bây giờ. Bộ trưởng nội vụ Hoa Kỳ, bà Sally Jewell, hôm Thứ Ba cho biết dự trù từ 2017 đến 2022, các công ty dầu khí có thể đấu thầu các lô cách bờ biển 50 dặm ngoài khơi các tiểu bang Virginia, North Carolina, South Carolina, Georgia, để bắt đầu khai thác từ năm 2021.

Thăm dò dầu khí ngoài bờ biển Đại Tây Dương đã được thực hiện từ 1947 đến đầu thập niên 1980. Các công ty dầu khí đã khoan 5 giếng khai thác trong hải phận tiểu bang Florida và 51 giếng khoan dò ngoài thềm lục địa duyên hải Đại Tây Dương thuộc lãnh hải liên bang. Chưa có giếng nào trong số đó được hoàn thành tới mức là giếng sản xuất và sau đó chính quyền thâu hồi tất cả các lô cho thầu. Hiện nay, ở Đại Tây Dương, chỉ có một số giếng dầu khai thác còn đang hoạt động xa bờ biển bên ngoài lãnh hải Hoa Kỳ từ Canada đến Cuba.

Mỗi tiểu bang dọc bờ biển Đại Tây Dương có hải phận 3 hải lý (3.45 dặm) và có thẩm quyền quyết định cho phép hay không cho phép khai thác dầu khí, cũng như quy định điều kiện chia lô đấu thầu. Liên bang có quyền hạn và sở hữu các tài nguyên ở vùng biển bên ngoài hải phận đó cho tới 200 hải lý cách bờ biển, nghĩa là vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) theo công ước quốc tế về luật biển của Liên Hiệp Quốc (UNCLOS).

Trong nhiều năm, Hoa Kỳ có một chính sách không tuyên bố công khai. Đó là để các công ty khai thác dầu ở nước ngoài và để dành trữ lượng dầu trong nước chưa sản xuất. Nhưng vì là nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới, nhu cầu dầu khí ngày một tăng, các mỏ trong nước dần dần cũng được phép khai thác nhưng phải chịu giới hạn bởi luật lệ của quốc hội và sắc lệnh của Tổng Thống, nhất là ở vùng biển. Từ đầu thập niên 1980, không lô dầu nào trong vùng biển thuộc liên bang được cấp phép cho các công ty khoan dò và khai thác.

Trữ lượng dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế Mỹ ở Đại Tây Dương ước lượng khoảng 3.30 tỷ thùng dầu thô và 31,280 tỷ feet khối khí đốt, chiếm khoảng 4% và 8% dầu và khí có thể sản xuất được trên tất cả các vùng biển thuộc sở hữu liên bang.

Tuy nhiên, lợi ích kinh tế của việc khai thác nguồn tài nguyên khổng lồ này có thể đưa đến nhiều hậu quả tai hại lớn cho môi trường và kinh tế địa phương, cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Khi giá dầu trên thị trường quốc tế ngày một lên cao vào cuối thập niên đầu thế kỷ, chính quyền liên bang có dự án cho thầu khai thác một số lô ngoài khơi Virginia và Tổng Thống Obama công bố ý định này. Nhưng vụ chảy dầu ở giàn khoan Deepwater Horizon của BP, lớn nhất từ xưa đến nay, khiến dự án này phải ngưng lại và tháng 5 năm 2010 bộ trưởng nội vụ Ken Salazar loan báo lệnh cấm khoan dò ngoài duyên hải Đại Tây Dương cho tới năm 2017.

Kevin Book, phân tích gia của hãng Clearview Enegy Partners nói với tờ New York Times: “Sự kết hợp chính sách môi trường với chính sách năng lượng như quan niệm của chính quyền Obama từ nhiệm kỳ đầu có thể coi là phương cách hành động hợp lý, quân bình trong một số trường hợp nhưng đôi khi kết quả lại chỉ là nhờ may mắn.”

Theo Institute for Southern Studies, một số Thống Đốc tiểu bang trong nhóm mang tên Liên Minh các Thống Đốc về vùng biển ngoài thềm lục địa (Outer Continental Shelf Governors Coalition - OCSGC), với sự hỗ trợ tài chính của các đại công ty dầu khí, đã tích cực vận động (lobbying) trong ba năm để chính quyền liên bang chấp thuận dự án. Ngoài Thống Đốc Terry McAuliffe tiểu bang Virginia ở đảng Dân Chủ, các thành viên khác đều là Cộng Hòa, bao gồm các Thống Đốc Pat McCrory – North Carolina, Robert Bentley – Alabama, Bobby Jindal – Louisiana, Phil Bryant – Mississipi và Rick Perry – Texas nhưng Perry mới mãn nhiệm tuần trước.

McCrory, trưởng nhóm, trong thời gian tranh cử, nhận được ủng hộ $229,000 từ các giới kỹ nghệ dầu khí, sau khi dự án khai thác dầu Đại Tây Dương được công bố hôm Thứ Ba, đưa ra thông cáo “cám ơn bà bộ trưởng Jewell đã đi đúng hướng.” Tuy nhiên OCSGC cũng có lời phàn nàn rằng vùng trái độn 50 dặm từ bờ biển là không cần thiết và hạn chế mất nhiều khả năng.

Institute for Southern Studies cho rằng các đại công ty dầu khí đã tung tiền ra và OCSGC chỉ hành động theo ý họ. Trong mùa tranh cử 2014, giới kỹ nghệ dầu khí đóng góp trên $29.5 triệu cho ban vận động của các ứng cử viên Quốc Hội và Thống Đốc, chi phí lobbying với liên bang trong năm này lên tới $140 triệu, sử dụng 763 chuyên viên vận động - lobbyists.

Cùng lúc các đại công ty dầu khí và OCSGC vận động cho việc khai thác dầu khí Đại Tây Dương, các tổ chức môi trường cũng vận động chống. Những giới này khẳng định rằng khai thác dầu khí ở biển gây nhiều hậu quả tai hại cho môi sinh, biển cũng như bờ biển, và luôn có nguy cơ xảy ra rò rỉ dầu như trường hợp BP. Khoảng 20 cộng đồng dọc bờ biển miền Đông, từ Florida tới Maine, đã thông qua nghị quyết chống khoan tìm dầu khí vì kỹ thuật nổ mìn dưới đáy biển có thể kích thích các tầng địa chất và gây ra động đất. Họ cũng cho rằng các công tác khai thác dầu khí sau này sẽ tạo ra nhiều xáo trộn trong sinh hoạt và gây thiệt hại cho kinh tế địa phương.

Một nghiên cứu được công bố tháng trước trên tạp chí khoa học Nature nói rằng các mạch dầu ở các tầng hóa thạch trên toàn thế giới cần phải để nguyên dưới lòng đất, nếu không sẽ có tác động làm biến đổi khí hậu địa cầu.

Những tranh luận về việc cho khai thác dầu khí ở Đại Tây Dương sẽ còn kéo dài. Bà bộ trưởng nội vụ Sally Jewell khi công bố dự án cho khai thác dầu ở Đại Tây Dương nói rằng Tổng Thống Obama hy vọng việc này trong tương lai sẽ giúp Hoa Kỳ giảm hơn nữa sự lệ thuộc vào dầu ngoại quốc, đồng thời tạo ra thêm nhiều việc làm. Theo bà, Tổng Thống Obama là người rất chú trọng đến vấn đề môi trường và sự biến đổi khí hậu địa cầu, mạnh mẽ chủ trương sử dụng những nguồn năng lượng sạch và có thể tái sinh; do đó nếu  ông chấp thuận dự án thì cũng đã qua những cân nhắc kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, bà nói thêm rằng kế hoạch mới chỉ là dự thảo, chưa phải chung quyết, các lô cho đấu thầu có thể thay đổi, thu nhỏ hoặc bãi bỏ hẳn, căn cứ trên thông tin khoa học mới và ý kiến của công chúng.

------------------------

Người Việt
Friday, January 30, 2015 6:02:20 PM

NEW YORK (AP) - Giá dầu tăng 7% trước chỉ dấu cho thấy việc sản xuất dầu ở Mỹ chậm lại, sau một thời gian giá hạ liên tiếp từ Tháng Sáu năm ngoái.

Dầu thô ở Mỹ tăng $3.18 lên thành $47.71 cho mỗi thùng.

Ông Baker Hughes báo cáo, số giàn khoan ở Mỹ bớt đi 94 giàn trong tuần qua, xuống còn 1,223 giàn. Như vậy là giảm bớt 199 giàn so với cùng thời gian năm ngoái.

Giá dầu hạ khoảng 60% từ Tháng Sáu 2014 vào lúc mức cung trên toàn thế giới tăng nhanh hơn so với mức cầu.

Tổ chức các quốc gia sản xuất dầu hỏa, OPEC, từ chối không giảm sản lượng, tạo áp lực lên các công ty Hoa Kỳ buộc họ phải bớt khai thác dầu.

Điều này khiến giá dầu xuống đến mức nếu tiếp tục khai thác họ sẽ không còn thu lợi được nữa.

Giá sỉ của xăng và dầu sưởi nóng cũng tăng mạnh theo, lên hơn 5%. (TP)



No comments:

Post a Comment