Friday, January 30, 2015

Biểu tình phản đối Riverside kết nghĩa với Cần Thơ (Viễn Đông / VOA)





Thanh Phong
VienDongDaily.Com - 29/01/2015

RIVERSIDE, Nam California - Hưởng ứng lời kêu gọi của Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản & Tay Sai, 8 giờ sáng thứ Năm, hơn 300 đồng hương tại Quận Cam đã tập trung trước Tượng Đài Đức Trần Hưng Đạo trên khu phố Bolsa để làm lễ xuất phát, và lên đường đến thành phố Riverside biểu tình phản đối Hội Đồng Thành Phố Riverside quyết định kết nghĩa với thành phố Cần Thơ tại Việt Nam.

Sau khi cử hành nghi thức chào quốc kỳ Việt – Mỹ và phút mặc niệm, ông Phan Kỳ Nhơn, Chủ Tịch Liên Ủy Ban Chống Cộng Sản & Tay Sai và cũng là Trưởng Ban Tổ Chức Biểu Tình nhắc nhở đồng hương, “Chúng ta biểu tình trong ôn hòa, những gì cần nói thì đã có trên biểu ngữ, trên banner, và mặc dù trên đó có hình cờ đỏ sao vàng, chúng ta cũng không nên bạo động, tôn trọng luật pháp và bày tỏ thiện cảm với cư dân Riverside.”

Hơn 300 đồng hương tụ tập ngay trước cửa chính Tòa Thị Sảnh Riverside biểu tình, hô vang các khẩu hiệu chống việc kết nghĩa với thành phố Cần Thơ và sáng thứ Năm, 29 tháng Giêng, 2015. (Thanh Phong/Viễn Đông)

Sau đó mọi người tuần tự lên ba xe bus lớn, một số người đi xe riêng trực chỉ Riverside. Lúc 9 giờ 30 đoàn xe đến trước Tòa Thị Chính Riverside ở số 3900 Main Street; mọi người xuống xe và trương các biểu ngữ, cờ Hoa Kỳ và cờ VNCH. Sau đó tất cả cùng nghiêm chỉnh chào quốc kỳ VNCH và Hoa Kỳ, bản quốc ca VN được mọi người hát vang cả một khu phố.

Điểm đáng lưu ý là Hội Đồng Thành Phố Riverside đã để cho đoàn biểu tình đứng ngay trước cửa chính Tòa Thị Sảnh, dùng những loa với công xuất lớn hô vang khẩu hiệu. Khi thấy đoàn người đông đảo với rừng cờ và tiếng hô vang dội, một số cư dân địa phương đã kéo đến cùng một số đài truyền hình, truyền thanh địa phương.

Cảnh Sát Riverside xuất hiện nhưng chỉ đứng nhìn không có hành động gì và có vẻ rất tôn trọng và nể phục tinh thần kỷ luật của đồng hương Viêt Nam. Trong số những người đứng biểu tình và hô vang khẩu hiệu, có hai cựu chiến binh Hoa Kỳ và một bà vợ cựu chiến binh Mỹ cầm theo biểu ngữ chống kết nghĩa với Cần Thơ.

Hai người cựu chiến binh rất hăng hái, trả lời các câu hỏi của báo chí và cùng hô các khẩu hiệu bằng Anh ngữ, phản đối việc Hội Đồng Thành Phố Riverside kết nghĩa với một thành phố mà ở đó tự do, dân chủ và nhân quyền không được tôn trọng.

Trong số hơn 300 người Việt dự biểu tình chúng tôi ghi nhận có bác sĩ Võ Đình Hữu, Chủ Tịch Cộng Đồng Việt Nam Liên Bang Hoa Kỳ, hai nghị viên Phát Bùi và Chris Phan, các ông Nguyễn Văn Cừ, Chủ tịch Hội Đồng Giám Sát Hạt Los Angeles, các ông Khanh Nguyễn (Đại sứ thiện chí của Santa Ana), Phan Ngọc Lượng, Trần Vệ, Bùi Đẹp, Phan Như Hữu, Lê Địch Hữu, Đinh Quang Truật, bác sĩ Mindy Hà (Hội Trưởng Hội Thân Hữu Cần Thơ và Hội Cựu Học Sinh Phan Thanh Giản – Đoàn Thị Điểm), bà Hồng Lan (Đảng Cộng Hòa Việt Mỹ), niên trưởng Trần Quan An, anh Lý Vĩnh Phong đại diện Dân Biểu Liên Bang Alan Lowenthal, Mục sư David Huỳnh, Ni Sư Thích Nữ Như Như cùng nhiều vị trong các hội đoàn, đảng phái chính trị, đặc biệt có rất đông các bà, các chị mang khăn quàng cổ màu cờ VNCH.

Bác sĩ Võ Đình Hữu, Nghị viên Phát Bùi và Nghị viên Chris Phan đã dùng loa chĩa thẳng vào Tòa Thị Chính nói bằng Anh ngữ lý do có cuộc biểu tình hôm nay và nguyện vọng của cộng đồng người Việt tỵ nạn.

Nhiều người thay phiên nhau phát biểu, tất cả đều nói lên nguyện vọng yêu cầu Hội Đồng Thành Phố Riverside rút lại quyết định kết nghĩa chị em với thành phố Cần Thơ.

Nghị viên Steve Asams của Riverside ra ngoài tiếp xúc với đồng bào Việt Nam. Trả lời câu hỏi của giới truyền thông, ông cho biết, ông là một trong số ba nghị viên bỏ phiếu trắng, không đồng ý thành phố Riverside kết nghĩa với thành phố Cần Thơ.

Ông Steve Asams nói rằng đồng bào Việt Nam nên đến tham dự buổi họp của Hội Đồng Thành Phố Riverside vào tuần tới để bày tỏ nguyện vọng, và ông tin rằng, nếu có đông người Việt phản đối, Hội Đồng phải rút lại quyết định kết nghĩa.

Viễn Đông đã phỏng vấn anh Đinh Quang Truật, chị Xuân Mai (Santa Ana), bà Đinh Thị Hải (81 tuổi), chị Võ Anh (Westminster), nữ nhân sĩ Trúc Minh; Ni sư Thích Nữ Như Như (chùa Quan Âm), cô Linda (cư dân Riverside), cụ Phan Thị Quỳnh Hoa (cháu của cựu Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu), ông Nguyễn Văn Cừ (HĐGS /Cộng đồng Los Angeles). Các vị trên đều có chung một câu trả lời giống nhau là nhận thấy hôm nay là ngày thường, nhiều người phải đi làm nhưng đã xin nghỉ.

Một số người từ Bắc Cali khi nghe đài Little Saigon Radio loan báo đã thức suốt đêm lái xe xuống Nam Cali tham dự biểu tình, khí thế rất mạnh, tinh thần chống cộng rất cao.

Riêng Ni Sư Như Như khi được phỏng vấn, vị tu sĩ này đã khóc, khóc vì thấy thương đồng bào mình quá, và khóc vì thấy hôm nay đồng hương đòan kết, đi biểu tình rất đông nên cô cảm động không cầm được nước mắt.

Nghị Viên Phát Bùi, Nghị Viên Chris Phan, ông Phan Kỳ Nhơn, ông Nguyễn Văn Khanh, bác sĩ Võ Đình Hữu được mời vào Tòa Thị Chính gặp đại diện Thị Trưởng. Các ông đã trao kháng thư có chữ ký của hàng trăm đồng hương, và kháng thư của Dân Biểu Alan Lowenthal, kháng thư của Hội Đồng Thành Phố Santa Ana cho Hội Đồng Thành Phố Riverside. Vị đại diện đã vui vẻ đón nhận, cám ơn và hứa sẽ đem việc này ra trước Hội Đồng để thảo luận.

Sau khi trở ra, đoàn biểu tình đã tuần hành đến nơi có dựng các tấm bảng ghi tên các thành phố kết nghĩa với Riverside . Trên cùng của cây cột tại một góc đường vào Tòa Thị Chính có gắn các tấm bảng ghi “Sister Cities”. Dưới hàng chữ đó có những bảng hình chữ nhật ghi tên bảy thành phố đã kết nghĩa là Sendai (Nhật), Cuautla (Mễ Tây Cơ), Hyderabad (Ấn Độ), Obuasi (Ghana) Erlangen (Đức), Gangnam (Nam Hàn), Ensenda (Mễ Tây Cơ),góc trên của mỗi tấm bảng có hình cờ quốc gia đó.

Theo lời ông Trần Vệ cho mọi người biết, tối hôm qua ông và một số anh em chạy lên địa điểm này xem thì thấy tấm bảng Cần Thơ, góc trên có hình cờ đỏ sao vàng vẫn đang gắn dưới tấm bảng Gangnam (Nam Hàn) nhưng bây giờ đã gỡ đi, chỉ còn những dấu vết màu trắng, chứng tỏ cuộc biểu tình của đồng hương đã đạt thắng lợi một nửa, một nửa còn lại là làm sao để Riverside hủy bỏ quyết định kết nghĩa đã ký với Cần Thơ.

Trước khi giải tán, Nghị Viên Phát Bùi, bác sĩ Võ Đình Hữu và ông Phan Kỳ Nhơn đã trả lời phỏng vấn của Viễn Đông; cả ba ông hết sức vui mừng, xúc động thấy tinh thần của đồng hương thật đáng thán phục. Mong trong tương lai, tinh thần này vẫn được duy trì thì chắc chắn không có thành phố nào dám kết nghĩa với các thành phố của Việt Nam Cộng Sản.

-------------------

30.01.2015

Đoàn biểu tình, ngoài cư dân của thành phố Riverside còn có nhiều cư dân gốc Việt từ khu vực Little Sài Gòn của quận Cam, tập trung trước Tòa Thị Chính, giương cờ Mỹ và cờ Việt Nam cộng hòa.

Cộng đồng người Việt hải ngoại phản đối một thành phố Mỹ có đông người Việt sinh sống kết nghĩa với một thành phố ở đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam.

Hàng trăm người Việt hôm 29/1 tề tựu về thành phố Riverside, bang California, biểu tình chống lại mối quan hệ hợp tác vừa ký kết với thành phố Cần Thơ vì thành tích nhân quyền xuống cấp của Việt Nam.

Đoàn biểu tình, ngoài cư dân của thành phố Riverside còn có nhiều cư dân gốc Việt từ khu vực Little Sài Gòn của quận Cam, tập trung trước Tòa Thị Chính, giương cờ Mỹ và cờ Việt Nam cộng hòa.

Những người biểu tình cũng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ tự do-dân chủ, phản đối sự cai trị độc tài và vi phạm nhân quyền của chính phủ Hà Nội.

Tờ Los Angeles Times tường thuật rằng Hội đồng thành phố Riverside đã bỏ phiếu tán thành việc kết nghĩa với thành phố Cần Thơ từ tháng 3 năm ngoái, nhưng giới hoạt động bảo vệ nhân quyền không được biết thông tin này cho tới khi phái đoàn giới chức của Việt Nam bay sang chính thức ký văn kiện kết nghĩa trong tháng này.

Bản tin trên trang web Sở Ngoại vụ Cần Thơ hôm qua cho hay phái đoàn do Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, Lê Hùng Dũng, dẫn đầu đã đến làm việc và ký bản hợp tác với thành phố Riverside trong chuyến thăm từ ngày 20 đến 22/1/2015.

Với việc ký kết này, Cần Thơ trở thành thành phố kết nghĩa thứ 9 của Riverside trong nỗ lực tăng cường các mối quan hệ về văn hóa, giáo dục, và thương mại giữa hai thành phố Việt-Mỹ.

Cộng đồng gốc Việt tại Mỹ, đa số là những di dân phải rời bỏ đất nước đi tị nạn chính trị sau khi chế độ cộng sản lên nắm quyền tại Việt Nam từ năm 1975, cho rằng hành động kết nghĩa mang thông điệp của một sự ủng hộ đối với chính quyền độc tài toàn trị tại Việt Nam, đi ngược lại nguyện vọng của người Mỹ gốc Việt, những nạn nhân của chế độ cộng sản chấp nhận mọi gian nguy để mưu tìm tự do.

Họ yêu cầu chính quyền thành phố Riverside phải xem lại việc kết nghĩa này. Người biểu tình nói họ lên tiếng vì quan tâm đến sự phát triển lành mạnh cho Việt Nam mà qua đó người dân phải được hưởng dân chủ và các quyền con người căn bản thay vì phải chịu đựng một sự cai trị tàn bạo, độc đoán. 

Các hình ảnh video được phổ biến trên mạng internet cho thấy đoàn người biểu tình ở thành phố Riverside hôm qua đã tố cáo chính phủ Việt Nam tham nhũng và dùng các chính sách đàn áp khắc nghiệt để trừng phạt những người bất đồng quan điểm.

'Tôn trọng mọi quan điểm'

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Việt ngữ, bà Lanney Trần, một cư dân gốc Việt ở California, chia sẻ:
“Chúng ta là những người Việt tị nạn cộng sản, chúng ta không chấp nhận những kẻ độc tài. Thứ hai, Việt Nam là nước vi phạm nhân quyền gần như hàng đầu trên thế giới với những vụ đàn áp, bắt bớ, đánh đập, hành hung, tra tấn vẫn diễn ra ngay sau khi Việt Nam được gia nhập Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Chúng ta không làm bạn hay anh chị em với một thể chế độc tài, tàn ác như vậy.”

Chính quyền thành phố Riverside ra thông cáo nói họ tôn trọng mọi quan điểm và quyền bày tỏ ý kiến của mọi người.

VOA Việt ngữ liên lạc với bà Trần Thị Ngọc Dung, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Cần Thơ, để hỏi thăm phản hồi của giới chức tỉnh trước sự phản đối của cộng đồng người Việt tại Mỹ, nhưng bà Dung từ chối bình luận:
“Người phát ngôn của cơ quan là giám đốc. Tôi không được giao trách nhiệm phản hồi thông tin. Chỉ có một mình giám đốc là được phép trả lời với báo đài thôi. Theo phân công trong cơ quan, ông ấy là người phát ngôn của cơ quan.”

Người đứng đầu Sở Ngoại vụ Cần thơ đảm nhiệm vai trò phát ngôn chính, Giám đốc Phạm Thế Vinh, hồi đáp yêu cầu bình luận của chúng tôi như sau:
“Tôi sẽ cho chị email để chị gửi câu hỏi vì tôi phải xin ý kiến Ủy ban, ý kiến sếp tôi mới được. Chị thông cảm ở đây phải xin ý kiến sếp mới được. Chị hỏi tôi chưa trả lời được.”

Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày cuộc chiến Việt Nam kết thúc và đánh dấu 20 năm Việt-Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao. Kết nghĩa giữa thành phố Riverside và Cần Thơ là một trong những hoạt động thắt chặt mối quan hệ này.

Giới hữu trách thành phố Riverside nói mối quan hệ kết nghĩa sẽ mở ra cơ kênh đối thoại trực tiếp giữa người dân hai bên về các vấn đề cùng quan tâm và thành phố mong phát triển hơn nữa mối thâm tình này với người dân Cần Thơ.

Trở ngại chính lâu nay trong quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước Việt-Mỹ là thành tích nhân quyền Việt Nam vốn bị quốc tế chỉ trích là đáng quan ngại và đi ngược lại các Công ước chuẩn mực mà Hà Nội đã ký với thế giới.

Năm ngoái, các cuộc biểu tình của cộng đồng người Việt ở Mỹ đã ngăn cản thành công kế hoạch kết nghĩa tương tự giữa thành phố Irvine với thành phố Nha Trang.

Tháng 2 năm 2013, Santa Ana, một trong những thành phố ở Hoa Kỳ có đông người Việt sinh sống nhất, thông qua nghị quyết 55B cấm quan chức nhà nước cộng sản Việt Nam du hành hoặc ghé ngang qua thành phố này cho đến khi nào Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hoặc các tổ chức quốc tế xác định hay chứng nhận rằng nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam cải thiện thành tích nhân quyền và tôn trọng các quyền căn bản của công dân.

Trước Santa Ana, hai thành phố Garden Grove và Westminster cũng đã thông qua các nghị quyết tương tự.

Năm 1999, một cuộc biểu tình rầm rộ của người Việt tại thành phố Westminster kéo dài gần 2 tháng, quy tụ hơn 15.000 người tham gia khi cờ cộng sản và ảnh của ông Hồ Chí Minh được treo trong tiệm video của ông Trần Trường. Thành phố Westminster lúc bấy giờ đã tiêu tốn gần 200.000 đô la cho công tác giữ gìn trật tự trong các vụ biểu tình đó.

---------------



Bảng tên Cần Thơ có cờ đỏ đã bị gỡ xuống     (Việt Vùng Vịnh  -   29 Jan 2015)

   



No comments:

Post a Comment