Tuesday, December 30, 2014

Viện Khổng Tử tại Việt Nam (Mặc Lâm - RFA)





Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-12-30

Lễ gắn biển "Học viện Khổng Tử" tại trường ĐH Hà Nội vào sáng 27/12/2014.
Photo courtesy of VNExpress

Vào sáng 27/12, ông Nguyễn Thiện Nhân Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông Du Chính Thanh Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc cùng tham dự lễ gắn biển "Học viện Khổng Tử" tại  trường ĐH Hà Nội. Sau buổi lễ này là một loạt chống đối nổi lên khắp nơi trong giới nhân sĩ trí thức Việt Nam.

Cơ quan tuyên truyền cho Đảng CSTQ?

Chuyến đi của ông Du Chính Thanh sang Việt Nam kết thúc với món quà mà Bắc Kinh mang đến Hà Nội là Học viện Khổng Tử với tiêu chí là quảng bá văn hóa và dạy ngôn ngữ Trung Quốc.

Dư luận ngay sau đó đã lo ngại về sự xuất hiện này của Viện Khổng Tử và không ít người cho rằng Viện này chỉ là một cơ quan tuyên truyền cho Đảng cộng sản Trung Quốc không hơn không kém, nó chỉ mượn Khổng Tử làm chiếc bình phong và việc làm thật sự của nó rất khác tôn chỉ mục đích mà nó tuyên bố.

Ông Dương Danh Dy một viên chức ngoại giao đặc trách vấn đề Trung Quốc trong nhiều năm nay đã nghỉ hưu cho biết ý kiến của ông:
“Tôi nhớ tôi đã viết bài về Viện Khổng Tử khi lần đầu tiên Trung Quốc bắt đầu tuyên truyền và trong đó tôi đã nói rõ đấy là hình thức thì họ dạy tiếng Trung Quốc nhưng chính ra là để kềm chế, tìm hiểu thông qua con đường văn hóa, văn học và họ đi sâu vào buộc các nước cho họ đặt Viện Khổng Tử phải đi theo khuynh hướng của họ. Mấy năm trước tôi đã nói rồi nhưng bây giờ tôi vẫn thấy là đúng.”

Nếu theo mục tiêu giảng dạy tiếng Trung Quốc thì Đại Học Hà Nội, đã thiết lập quan hệ hợp tác với 50 trường đại học của Trung Quốc, trong đó có ĐH Sư phạm Quảng Tây và do đó mở thêm Viện Khổng Tử trong khuôn viên của trường là không cần thiết.

Nếu vì mục đích quảng bá văn hóa thì trong hoàn cảnh Việt Nam hiện nay khó thuyết phục được người dân. Sau hơn một ngàn năm nô lệ có lẽ người Việt đã thấm nhuần văn hóa ấy đến nỗi còn hơn cả người Trung Quốc.

Giáo sư Ngô Đức Thọ hiện công tác tại viện Hán Nôm Hà Nội cho biết:
“Nếu nói về đạo Khổng Tử thì có hai cái mảng. Mảng lý thuyết có một phần giá trị chủ yếu người ta gọi là giá trị thực tiễn thì nó ăn vào cuộc sống tức là vào phong tục tập quán, tín ngưỡng, thờ cúng …thì nó ăn rất sâu và nay nó đã trở thành phẩm chất văn hóa của người Việt rồi và điều đó đã tồn tại mấy nghìn năm nay.
Nhưng phải nói rằng tư tưởng của Khổng Tử là những tư tưởng lạc hậu. Những tư tưởng ấy phục vụ cho giai cấp phong kiến mà trước hết là phục vụ cho phong kiến Trung Hoa chúng tôi từ xưa đã hiểu như thế chứ không bao giờ nhầm lẫn cả.”

Người Việt thấm nhuần từ những bài học lịch sử trong đó không hiếm những lần bị xâm lược, bị cướp phá, bị đồng hóa và nhất là các cuộc chiến tranh biên giới cũng như ngoài Biển Đông vẫn còn mỗi ngày ám ảnh.

Viện Khổng Tử mở ra từ tháng Sáu năm 2004 và cho đến nay nó đã có 480 viện nằm rải rác trên khắp các lục địa. Đối với Việt Nam sự xuất hiện vào năm 2014 của nó là quá chậm.

Ông Dương Danh Dy khi được hỏi phải chăng trong chuyến đi Hà Nội lần này ông Du Chính Thanh đã mang một thông điệp nào đó khiến Việt Nam cởi mở hơn và chấp nhận sự có mặt của Viện Khổng Tử hay chăng, Ông Dương Danh Dy cho biết:
“Theo tôi thì chẳng có hòa hoãn hay hiểu nhau hơn gì cả mà Việt Nam đành phải chịu. Bướng bằng ấy năm rồi không được thì bây giờ phải nhận một cái. Các nước chung quanh đã có hàng mấy chục cái, tất cả đã có mấy trăm cái trên thế giớ rồi chứ có ít đâu bây giờ Việt Nam mới là cái đầu tiên, nước ở gần mà như thế thì thôi cũng phải làm một cái chứ.”

Cung cấp thông tin một chiều?

Trong 10 năm hoạt động Viện Khổng Tử đã lần lượt có mặt trong khuôn viên nhiều trường đại học EU và tràn sang Hoa Kỳ lẫn Canada. Tuy nhiên lúc gần đây một loạt các cuộc chống đối do các giảng sư đại học tại các trường Hoa Kỳ, Canada đã mang hình ảnh thật của nó ra công luận khiến giới học thuật chú ý tới mục đích và cách hoạt động của nó rõ hơn những gì nó tuyên bố.

Từ việc cấm giảng dạy hay nhắc đến các đề tài như Thiên An Môn, từ Đức Đạt La Lạt Ma cho tới Lưu Hiểu Ba. Từ  Tây Tạng, Tân Cương cho tới Đài Loan. Từ Pháp Luân Công, tới hình ảnh tệ hại của Đảng cộng sản Trung Quốc hoàn toàn bị cấm ngặt trong Viện Khổng Tử, trong khi nó được nói là quảng bá văn hóa Trung Quốc và sinh viên theo học nó chỉ biết một chiều những gì nó muốn cho biết.

Trung Quốc lấy tiền tài trợ cho các trường Đại học để thu hút sự đồng ý trên tiêu chuẩn hai bên cùng có lợi. Thế nhưng đối với giới học thuật Tây phương thì cái lợi lớn nhất là tự do trao đổi tư tưởng. Trung Quốc không thể dùng tiền để khuynh loát các trường cho phép họ mở Viện Khổng Tử cho nên sau khi bị tố cáo nhiều đại học đã đóng cửa các Viện Khổng Tử trong khuôn viên trường của họ.

Các đại học McMaster, Waterloo, Manitoba của Canada hay Chicago, Pennsylvania của Mỹ đã mời Viện ra khỏi trường trong khi các đại học khác đang chuẩn bị để trả lời dư luận về những điều kiện mà Viện Khổng Tử đặt ra cho nhà trường trong các hợp đồng được ký kết. Những điều khoản ấy trước đây được xem là bí mật nhưng với luật pháp của Mỹ và nhiều nước Tây phương khác không có gì được gọi là bí mật trong giáo dục ngoại trừ sự bí mật ấy là các thỏa thuận bất chính.

Ở Việt Nam những vấn nạn vừa nêu hoàn toàn không đáng lo ngại vì hai nước đã có cùng những ưu tư nên không cần sự xuất hiện của Viện Khổng Tử thì nhà nước Việt Nam cũng đã hành xử tương tự để tự bảo vệ mình.

Các phong trào đòi độc lập của người Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng không hề thấy báo chí Việt Nam loan tin, bình luận. Lưu Hiểu Ba, Đức Đạt La Lạt Ma cũng chẳng người dân Việt Nam nào biết. Việt Nam làm ăn với Đài Loan nhưng có chuyện xảy ra giữa hai người đồng chủng thì Hà Nôi luôn đứng bên ngoài và luôn luôn lớn tiếng bảo vệ Trung Quốc.

Cái còn lại mà nhân sĩ trí thức Việt Nam rất sợ Viện Khổng Tử là Trung Quốc sẽ lợi dụng nó để hoạt động tuyên truyền cho các vấn đề lãnh thổ, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Năm 2009, ông Lý Trường Xuân, nguyên cục trưởng Cục Tuyên truyền trung ương Trung Quốc, đã chính thức thừa nhận rằng Viện Khổng Tử là một phần quan trọng trong chiến lược tuyên truyền ở hải ngoại của Chính phủ Trung Quốc.

Ai theo dõi được hoạt động của họ khi các giáo sư đến từ Trung Quốc dùng bản đồ được Bắc Kinh  in ấn và những bài học mang tính nhồi sọ sẽ tác động thế nào lên sinh viên ngoại quốc theo học tiếng Trung tại Việt Nam?

TS Vũ Cao Phan, nguyên Phó chủ tịch hội Hữu nghị Việt Trung, Cố vấn Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại học Bình Dương chia sẻ sự lo ngại của ông về vấn đề này:
“Viện Khổng Tử khi được thành lập tại Việt Nam thì Trung Quốc sẽ rất khôn khéo đưa các vấn đề liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông một cách nào đó qua cách quảng bá của họ thông qua tuyên truyền.Vì thế cho nên việc thành lập Viện Khổng Tử để quảng bá văn hóa là hoan nghênh nhưng đối với Việt Nam nó không thích hợp. Không phải vì chúng ta chống văn hóa Trung Quốc mà chúng ta rất cần văn hóa Trung Quốc và vì Việt Nam rất quen thuộc với văn hóa Trung Quốc và với Khổng Tử rồi nhưng với việc Khổng Tử được thành lập tịa đại học Hà Nội thì Trung Quốc sẽ tuyên truyền những cái khác ngoài văn hóa.”

Giáo sư Ngô Đức Thọ cũng cùng lo lắng về cái mà ông gọi là sai lầm rất lớn của chính quyền:
“Còn mặt tiêu cực thì rõ ràng bởi vì trong khi tuyên truyền vấn đề văn hóa Trung Hoa thì họ lồng tất cả những tư tưởng của chủ nghĩa bành trướng hiện đại để mà ca ngợi không những ngày xưa mà còn ca ngợi chủ nghĩa bành trướng hiện nay của Tàu thì tôi thấy đây là một điều rất mất cảnh giác.
Chúng ta nói là chống diễn biến hòa bình nhưng đây là đồng ý đưa tư tưởng của quân thù địch vào đất nước. Vấn đề Hoàng Sa Trường Sa tuy là rất lớn nhưng xảy ra ngoài biển Đông nhưng bây giờ không còn là chuyện Biển Đông mà mang ngay tư tưởng bành trướng đại hán cắm giữa thủ đô Hà Nội thì tôi cho đó là một sự sai lầm rất lớn đối với tư tưởng dân tộc, bảo vệ chủ quyền Việt Nam chưa cân nhắc kỹ càng. Nhà nước cứ làm những chuyện tréo ngoe như thế thì quần chúng nhân dân, giới trí thức phải có những tình cảm ngược lại thôi.”

Sự lo ngại về cách mà Trung Quốc có thể dùng tới trong khi vấn đề biển đảo đang là mối nguy thường xuyên cho thấy vấn đề không đơn giản là mua chuộc hay xâm lăng văn hóa.

Sợ hãi và tiên lượng những gì hơn thế không phải lúc nào cũng đúng nhưng đối với kinh nghiệm ứng phó với Trung Quốc thì sự lo lắng này không phải là thừa.

------------------------

Viện Khổng Tử ở Việt Nam


Nguyễn Văn Tuấn  (FB Que Diêm)
29-12-2014   

Trần Quang Đức
Posted on Dec 29, 2014





No comments:

Post a Comment