Saturday, December 27, 2014

Vị trí của SÁNG TẠO trong sự phát triển Văn Học Miền Nam sau 1954 (Trương Vũ - Tiền Vệ)





[chuyên đề  HỘI THẢO VỀ 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975]
25.12.2014

Bài tham luận của nhà văn/hoạ sĩ Trương Vũ
trong HỘI THẢO VỀ 20 NĂM VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975,
tại California, ngày 7 tháng 12 năm 2014.

Trương Vũ

Tháng 10 năm 1956, tạp chí Sáng Tạo ra đời, đóng góp vào sự phát triển của nền văn học miền Nam trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước. Trong suốt hơn 20 năm, từ 1954 đến 1975, có rất nhiều nỗ lực khác nhau, cá nhân hay tập thể, trong hay ngoài văn giới, đóng góp vào sự phát triển này. Thế nhưng, đóng góp của Sáng Tạo, như một tạp chí, một vận động văn học, và như một tập thể, vẫn có một tính cách đặc biệt, và giữ một vai trò quan trọng.

Những trình bày sau đây nhằm nhìn lại và đánh giá vị trí đặc biệt đó của Sáng Tạo trong sự phát triển của văn học miền Nam sau 1954.

MIỀN NAM TRƯỚC KHI SÁNG TẠO XUẤT HIỆN
Để nhận định công bình và đứng đắn về vị trí của Sáng Tạo, không thể không nhìn lại bối cảnh của miền Nam trước khi tạp chí này ra đời. Một bối cảnh chằng chịt với những biến cố dồn dập tại Việt Nam, cùng lúc với những đổi thay vùn vụt trên thế giới.

Miền Nam, một bộ phận quan trọng của Quốc Gia Việt Nam, cho đến 1954 vẫn chưa thật sự là một quốc gia độc lập. Quân đội được đặt dưới quyền chỉ huy tối cao của bộ tổng tư lệnh Pháp. Các giáo phái có quân đội riêng, kiểm soát một số địa phương riêng. Lực lượng Bình Xuyên nắm công an cảnh sát, làm chủ sòng bạc Kim Chung và khu ăn chơi Đại Thế Giới. Dinh Độc Lập, biểu tượng cho uy quyền quốc gia, trực thuộc Cao ủy Pháp. Viện Đại Học cũng do người Pháp quản lý.

Một khúc quanh lớn của lịch sử bắt đầu vào tháng 7 năm 1954 khi hiệp định đình chiến Genève được ký kết, chia đôi đất nước dọc vỹ tuyến 17. Chỉ một tháng sau đó, cuộc di cư của gần một triệu đồng bào miền Bắc bắt đầu. Tháng Chín, Pháp giao trả Dinh Ðộc Lập về chính phủ miền Nam. Tháng Mười, lực lượng Pháp rút ra khỏi Hà Nội. Tháng 12, Hoa Kỳ tuyên bố viện trợ cho miền Nam. Tháng Giêng năm sau, thủ tướng Ngô Ðình Diệm ra lệnh đóng cửa sòng bạc Kim Chung và khu ăn chơi Ðại Thế Giới. Tháng Tư, chính phủ miền Nam dẹp tan lực lượng Bình Xuyên và thống nhất quân đội. Cũng trong tháng Tư, Viện Ðại Học được Pháp chuyển giao. Tháng Bảy, Hồ Chí Minh (ở miền Bắc) công du Trung Quốc, Liên Xô, và tiếp nhận viện trợ của hai nước này. Tháng Mười, Thủ tướng Ngô Ðình Diệm tổ chức trưng cầu dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Ðại, thành lập Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 12 năm đó, miền Bắc cho thi hành chính sách cải cách điền địa và mở chiến dịch đấu tố địa chủ trước các tòa án nhân dân.

Tháng Hai năm 1956, tại Ðại hội Cộng sản lần thứ 20, Khrushchev kịch liệt đả kích cá nhân và sai lầm trong chính sách của Stalin. Tháng Sáu, chính phủ miền Nam tuyên bố các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Cũng trong tháng đó, thợ thuyền ở Poznan (Ba Lan) biểu tình bạo động, bị lực lượng nội an thẳng tay đàn áp. Tháng Bảy, Ai Cập quốc hữu hóa kinh đào Suez. Tháng l0 năm đó, cuộc chiến giữa Ai Cập với Do Thái và Anh-Pháp xảy ra. Ðồng thời, cuộc các mạng Hung Gia Lợi bùng nổ.

Những biến cố trên đây, cùng với nhiêu biến cố dồn dập khác, ảnh hưởng mạnh vào tâm tư các thành phần thanh niên và trí thức trẻ ở miền Nam, đặc biệt là thành phần mới di cư từ miền Bắc. Những sự kiện mang ảnh hưởng tiêu cực từ phe xã hội chủ nghĩa đã củng cố niềm tin vào sự chọn lựa chính trị và vào đời sống con người ở vùng đất mới của quê hương. Thanh niên miền Nam cũng choàng tỉnh sau một thời gian sống khá lặng lẽ giữa những mâu thuẫn về lý tưởng và thực tế phát sinh từ biến động Mùa Thu 1945. Sự va chạm giữa đồng bào miền Nam với đồng bào di cư từ miền Bắc hay những đồng bào trở về từ các vùng do Việt Minh kiểm soát chỉ xảy ra trong một thời gian rất ngắn, sau đó lại là những hội nhập vừa có tính bổ sung vừa có tính kích động. Những mặc cảm lệ thuộc trước đây cũng không còn nữa. Những ý thức mới trong văn học và nghệ thuật và không khí hồi sinh của thế giới phương Tây sau thế chiến bắt đầu đánh thức họ.

Trong khi đó, ở lãnh vực văn học nghệ thuật và báo chí, miền Nam có một hụt hẫng rõ rệt. Tờ tạp chí có nhiều ảnh hưởng đối với thành phần trí thức và thanh niên Sài Gòn là tờ Ðời Mới của Trần Văn Ân, với sự cộng tác của Hồ Hữu Tường, Nguyễn Ðức Quỳnh, thì vì liên hệ của các ông Ân, Tường với nhóm Bình Xuyên nên bị đóng cửa. Mà thật ra, đến thời điểm đó, nội dung Ðời Mới cũng không còn thích hợp với những suy nghĩ mới của quần chúng. Một số nhà văn miền Nam được ưa chuộng như Vũ Anh Khanh chẳng hạn, thì ra Bắc tập kết.[1] Nhà văn được trọng vọng như Nhất Linh thì hoàn toàn im lặng. Lớp trẻ học bài nói về ông ở trung học rất hâm mộ ông, nhưng không hề biết là ông đang ở đâu. Nhà văn Ðỗ Ðức Thu làm chủ tịch Văn Bút Việt Nam nhưng chẳng có sinh hoạt hay công trình sáng tác văn học nào đáng kể. Cho đến nay, chẳng mấy ai nhớ là vào lúc đó ông làm những gì.

Trong một hoàn cảnh như vậy, một bên là không khí sôi động về tâm lý và xã hội nơi quần chúng và nhất là nơi giới trẻ, một bên là thái độ lặng lẽ nơi đa số trí thức và văn nghệ sĩ đã thành danh, tạp chí Sáng Tạo ra đời. Thật ra, vào lúc đó, cũng có một số nỗ lực tương tự xuất hiện, như trường hợp của các tạp chí Mùa Lúa Mới hay Thế Kỷ Hai Mươi, nhưng chỉ được vài số và ảnh hưởng không đáng kể. Chỉ có sự xuất hiện cũng như cách xuất hiện của Sáng Tạo mới có thể được xem là “điểm đổi hướng” trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam.

Ðiều đáng để ý là cũng vào thời điểm này, miền Bắc chứng kiến sự bùng nổ của phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm. Không biết những phản ứng của văn nghệ sĩ và trí thức đối với thực tại ở hai miền chỉ là ngẫu nhiên hay thật ra, cả hai đều chịu sức đẩy chung của thời đại và lòng khao khát đưa nghệ thuật vươn tới trước. Thế nhưng, nhìn sâu hơn, cách dấn thân của văn nghệ sĩ và trí thức ở hai miền quả có khác nhau, và, như mọi người đều biết, phản ứng của quần chúng và, đặc biệt, của giới cầm quyền thì hoàn toàn trái ngược.

ĐÓNG GÓP CỦA SÁNG TẠO

Số đầu tiên của Sáng Tạo ra mắt vào tháng 10 năm 1956. Trước đó, những khuôn mặt chính của Sáng Tạo như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyên, Duy Thanh, Ngọc Dũng v.v. đã có một số công trình tạo cho họ một vị trí khá đặc biệt trong văn học và nghệ thuật ở miền Nam. Mai Thảo xuất bản Ðêm Giã Từ Hà Nội vào năm 1955. Duy Thanh, Ngọc Dũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm hội họa. Thanh Tâm Tuyền đã hoàn thành tập thơ tự do Tôi Không Còn Cô Ðộc và ra mắt cũng trong tháng 10 năm đó.

Người chủ trương cũng là người đứng đầu nhóm Sáng Tạo là nhà văn Mai Thảo, lúc đó chưa tới 30 tuổi. Trong một bài viết trên báo Văn (Sài Gòn) vào 1970, Mai Thảo có ghi lại về thời kỳ này như sau:

Bấy giờ là vào khoảng hai năm 1956-1957. Những dấu chân một triệu của vượt tuyến kín trùm đất nước, vừa đặt xuống những ruộng đồng và những rừng núi mênh mông bát ngát của miền Nam. Những hành trình trong đêm tấp nập cập bến lúc ngày dựng. (...) Lịch sử và chuyển đổi tàn nhẫn đột ngột của thời thế đẩy trọng tâm đời sống từ một vùng trời này tới một vùng biển khác. Nhưng cái hướng xô đẩy đích thực là từ sau lưng đẩy về trước mặt, quá khứ đẩy vào tương lai. (...) Không khí cũ, không thở cùng được nữa. Nhưng khuôn vàng thước ngọc xưa không còn đo lường được những kích thước bây giờ. Và đời sống là đi tới. Không lùi, không giậm chân một chỗ.

Trong một thực tại đầy đặc những chất liệu của sáng tạo và phá vỡ như vậy, văn học nghệ thuật mặc nhiên không thể còn là tả chân Nguyễn Công Hoan, lãng mạn lối Thanh Châu, những khái niệm Xuân Thu, những luận đề Tự Lực. Mà vươn phóng từ một thoát ly để đưa tới một hình thành, hóa thân từ một chặt đứt, bằng những thí nghiệm và những khám phá, chứng minh rằng cái bây giờ ta đang sống tuyệt đối không còn một đồng dáng một đồng tính nào với cái hôm qua đã tách thoát đã lìa xa. Chất nổ ném vào. Cờ phất. Xuống núi, xuống đường. Ra biển ra khơi. Và cuộc cách mạng tất yếu và biện chứng của văn chương đã bắt đầu.[2]

Trong suốt 31 số liên tiếp, Sáng Tạo đã không ngừng cổ võ cho những thí nghiệm và khám phá trong nghệ thuật. Ðiển hình nhất cho những thí nghiệm và khám phá này là những sáng tác của Thanh Tâm Tuyền và Duy Thanh.

Thanh Tâm Tuyền xuất hiện như một hiện tượng trong thi ca. Ông được đón nhận khá vồn vã. Có thể vì là hiện tượng hơn là sự cảm nhận thật của độc giả đối với thơ của ông. Nhu cầu có một cái gì mới quá lớn vào thời kỳ đó. Cả một thời gian dài, khi nói đến sự khám phá hay phá vỡ trong văn học, người ta nghĩ đến Thanh Tâm Tuyền hơn là Mai Thảo. Mặc dầu Mai Thảo đứng đầu nhóm Sáng Tạo và chủ trương khám phá trong nghệ thuật với tất cả nhiệt tình, văn của ông và cả thơ của ông cũng không hàm chứa một phá vỡ thật sự như vậy. Ðêm Giã Từ Hà Nội của Mai Thảo là tác phẩm đầu tiên và cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, không có tính phá vỡ đó. Nhiều bài thơ của ông khá hay. Cũng không có tính phá vỡ đó. Trong một bài thơ ông chép tặng cho Ðinh Cường vào 1956, có những câu như thế này:

Tôi đứng hoàng hôn trong cửa tối
Nhìn người bình minh vào cuộc đời
Người đi ánh sáng qua đêm tối
Người đi ánh sáng qua thời gian
          (Mai Thảo, “Ngày mai vui”)

Thanh Tâm Tuyền hoàn toàn khác. Ông đến với độc giả Việt Nam -- đa số vào lúc đó chỉ quen thuộc với cách làm thơ của Xuân Diệu, Huy Cận, hay những nhà thơ tiền chiến nói chung -- một cách đột ngột, vừa phũ phàng vừa hấp dẫn. Bằng những câu như:

một câu thơ hay tự nhiên như lời nói
bài thơ hay là cái chết cuối cùng
 
giã từ cái giường cái bàn cái ghế
một người hai người và ba người
 
một người hai người và ba người
          (Thanh Tâm Tuyền, “Ðịnh nghĩa một bài thơ hay”)
hay:

tôi thèm giết tôi
loài sát nhân muôn đời
tôi gào tên tôi thảm thiết
thanh tâm tuyền
bóp cổ tôi chết gục
để tôi được phục sinh
          (Thanh Tâm Tuyền, “Phục sinh”)

Những bài thơ của ông, cùng với cách trình bày những bài thơ đó trong Sáng Tạo, quyến rũ nhiều độc giả. Hiểu được hay không, cảm được hay không, qua thơ Thanh Tâm Tuyền, họ bắt đầu tin rằng thi ca có một cái cõi khác, ngoài cái cõi thi ca mà họ vốn biết. Ðiều đó khích động sự tìm tòi của nhiều người. Những người mới làm thơ sợ những nét ước lệ hơn trước. Ðồng thời, miền Nam cũng bắt đầu có nhiều thi sĩ làm thơ thật lạ lùng, so với trước đây. Có nhiều bài thơ hay cũng như có rất nhiều bài thơ dở. Thơ dở không ai nhớ, nhưng những bài thơ hay đã làm giàu cho nền văn học ở miền Nam, thật ra còn khá nghèo so với nhiều nền văn học khác trên thế giới.

Một điều cần ghi nhận là mặc dầu thường được nói đến như một nhà thơ, Thanh Tâm Tuyền viết nhiều truyện dài đặc sắc. Truyện đầu tay là Bếp Lửa, xuất bản năm 1957, lúc ông hai mươi mốt tuổi.

Duy Thanh là một họa sĩ, cùng với các họa sĩ khác thuộc nhóm Sáng Tạo hay gần gũi với Sáng Tạo như Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ... có rất nhiều nỗ lực tạo sức sống mới cho hội họa Việt Nam. Theo Huỳnh Hữu Ủy, trong vòng 5 năm, từ 1955 đến 1960 “những cuộc triển lãm của Duy Thanh, Ngọc Dũng, Thái Tuấn, Tạ Tỵ liên tục mở cửa, đã gây được nhiều hào hứng, đặt thành vấn đề suy nghĩ cho anh em sáng tác cũng như giới nghiên cứu, phê bình và thưởng ngoạn”.[3]

Duy Thanh cũng là một nhà văn. Các truyện ngắn của ông thường được xây dựng trên những cảm xúc thật, mãnh liệt và thầm kín, và trên một quan niệm về cái đẹp và về tính nhân bản có thể rất khác với những quan niệm đương thời. “Giấc ngủ” là truyện ngắn tiêu biểu và thành công của ông. Truyện là lời kể của một cô gái quê, nghèo, xấu xí, tàn tật, suốt ngày chỉ bò lê la quanh quẩn trong vài chục thước đất. Ngoại trừ lòng thương của bà mẹ, nghèo khổ và kém may mắn, cuộc đời chẳng có gì để dành cho cô. Một hôm, chợt bất ngờ, một thanh niên vì quá “túng bấn”, làm ẩu với cô. Cô mang thai, làm ngạc nhiên và xấu hổ cả làng. Kể từ đó, cô bắt đầu cảm nhận được sự hiện hữu của mình, cảm nhận được tình yêu, ý nghĩa của sự sống, và bắt đầu có hy vọng. “Ðêm ấy tôi mơ thấy tôi đi về làng như một người thường. Bằng hai chân. Ai nấy đều chào hỏi tôi như chính tôi cảm thấy từ trước mình vân là người thường. Ðến nhà thì có một thằng nhỏ ra đón với mẹ tôi. Trông tôi thằng bé chỉ cười. Mẹ tôi dắt nó đến và bảo: Sao không chào mẹ mày đi. Tôi giơ tay bế nó hôn, rồi hai mẹ con dong chơi trong vườn. Giữa lúc đang đùa với con và đang sống tràn trề hạnh phúc thì tôi hãi hùng chợt thấy cảnh vật như lớn lên và tôi nhỏ dần, nhỏ dần lại. Một cảm giác ớn lạnh suốt sống lưng và tôi chợt thức dậy. Bấy giờ còn là đêm”.[4]

Những cây viết nổi bật khác của Sáng Tạo như Doãn Quốc Sỹ, Quách Thoại, Tô Thùy Yên v.v. không đặt nặng lắm về những phá vỡ.

Doãn Quốc Sỹ là một nhà giáo. Thế giới văn chương của ông là thế giới rất nhân hậu. Ông không thích tạo dựng nhân vật ác. Nếu phải tạo dựng, cái ác chỉ có tính biểu tượng, ông không làm cho nó sống động. Bộ trường thiên Khu Rừng Lau gồm 5 cuốn, là một công trình lớn. Ông xây dựng mẫu người yêu quê hương, yêu con người, và rất hết lòng với văn hóa. Qua tác phẩm của ông, văn chương gần gũi với giáo dục. Qua con người thật của ông, nhà văn không xa cách với những điều được viết ra trong văn. Ông trở thành biểu tượng của một loại trí thức dấn thân, kiên trì với lý tưởng, quyết liệt với cái xấu mà vẫn nhân ái và độ lượng. Ðối với thành phần sinh viên và trí thức trẻ ở miền Nam, ảnh hưởng tích cực đó của ông không nhỏ.

Tô Thùy Yên cũng làm thơ tự do nhưng khác với Thanh Tâm Tuyền, thơ ông không khó hiểu hay không làm ra khó hiểu. Ông khong tỏ ra quyết liệt trong nỗ lực phá vỡ những khuôn sáo cũ. Thế nhưng, thơ của ông vẫn có nét riêng, sâu sắc và vẫn có nhạc, vẫn ngang tàng, cô đơn, và rất dễ len vào tâm hồn của người đọc.

tôi mang khắp hình hài những vết bỏng
đi suốt hoàng hôn không hỏi chào ai
          (Tô Thùy Yên, “Tội trạng”)

giữa tầng trời cao chim giục giã
từng giàn như những thủy triều sôi
bạn có nghe, này bạn có nghe
trên đỉnh non nhòa, mây xôn xao
về nơi hẹn nào không hẹn trước
bạn có nghe, này bạn có nghe
vũ trụ miên man chuyển động đều
chim đã bay quanh từ vạn cổ
gió thật xưa, mây thật già nua
...
bìm bịp chiều chiều kêu nước lớn
đi, đi đâu, chèo chống mỏi mê
đến ngã ba, đành theo một lối
tiếc ngẩn không cùng theo lối kia
          (Tô Thùy Yên, “Ðãng tử”)

Trước 1975, Tô Thùy Yên chưa xuất bản tập thơ nào. Thật khó để viết về ông cho đầy đủ. Mặc dầu vậy, những người phê bình thi ca miền Nam đứng đắn đều dành cho ông những lời lẽ thật trang trọng.

Quách Thoại cũng là một tài hoa của nhóm. Ông mất sớm. Thơ ông quằn quại nhưng vẫn không cầu kỳ, và gần với thơ cổ điển.

ta thức một đêm trắng
tỏ tình với trăng hoa
ta chết nằm liêu vắng
không bóng người đi qua
          (Quách Thoại, “Liêu vắng”)

Ngoài những cây viết nêu trên, Sáng Tạo thường xuyên có sự góp mặt của những tên tuổi khác như Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sĩ Tế, Nguyên Sa, Thanh Nam, Thạch Chương, Lý Hoàng Phong v.v. Ðặc biệt trong suốt thời gian tạp chí này hiện diện, nó là một môi trường khích động, làm phát sinh nhiều tài năng của văn học Việt Nam.

Sáng Tạo ra được 31 số thì tạm đình bản. Sau đó tái xuất hiện (Sáng Tạo Bộ Mới) được một thời gian nữa thì ngưng hẳn. Thế nhưng, ảnh hưởng của Sáng Tạo đối với sự phát triển của văn học miền Nam thì quả thật đã vượt xa cái đời sống ngắn ngủi của tạp chí này.

NHỮNG CỌ XÁT

Cách xuất hiện của Sáng Tạo cùng với chủ trương “những trào lưu cạn dòng phải nhượng bộ dứt khoát cho những ngọn triều lớn dậy thay thế”, nếu nó lôi cuốn được thành phần thanh niên và trí thức trẻ, thì ngược lại đã làm buồn lòng rất nhiều người, đặc biệt là những nhà văn đã thành danh hay những người chịu ảnh hưởng nặng của văn chương tiền chiến. Theo Võ Phiến, “cuộc ‘cách mạng’ của Sáng Tạo như vậy động chạm đến sự có mặt đầy uy tín của một dĩ vãng: Nhất Linh. Sau đó hai năm, Nhất Linh ‘xuống núi’...”[5]

Ðiều cần nhớ là vào lúc “xuống núi”, Nhất Linh được gần như cả nước kính trọng như một thần tượng đầy quyền uy trong văn học Việt Nam hiện đại. Tạp chí Văn Hóa Ngày Nay của ông ra mắt ngày 17 tháng Sáu 1958 bán hết sạch ngay lập tức và sau đó phải in thêm cho đủ tiêu thụ. Một hiện tượng chưa từng thấy.

Trên số đầu tiên, trong bài nhan đề “Văn Hóa Ngày Nay với văn hóa Việt Nam”, ông viết:
Văn nghệ Việt Nam hơn mười năm nay vẫn ở trong một tình trạng ngưng đọng, chưa tìm được lối đi. (...) Sở dĩ ngày nay văn nghệ chưa rung cảm được độc giả vì văn nghệ chưa nói được lòng người. Văn nghệ cần phải tìm chân giá trị của nó ở lòng người, và vĩnh viễn sống với loài người. (...)

Khi Nhất Linh viết những dòng chữ trên đây, tạp chí Sáng Tạo đã liên tiếp xuất hiện trong suốt gần hai năm. Nhất Linh chủ trương “đăng những bài và truyện có giá trị bất cứ thời nào nơi nào.”

Như vậy, vào lúc đó, miền Nam chứng kiến hai vận động văn học đối nghịch nhau. Sự cọ xát giữa hai vận động đó không nhỏ và cũng đồng thời biểu trưng cho sự cọ xát giữa hai quan điểm, hai tâm tình khác nhau của quần chúng thưởng ngoạn.

Không biết rõ trong thực yế phản ứng của nhóm Sáng Tạo như thế nào đối với Văn Hóa Ngày Nay, nhưng sự cọ xát phải lên đến một mức độ trầm trọng đến nỗi Nhất Linh đã cho đăng những bài công kích hay chế giễu Sáng Tạo. Một cách không công khai như bài viết của Thu Vân trên Văn Hóa Ngày Nay số 3, hay tương đối công khai như bài viết của Duy Lam trên số Văn Hóa Ngày Nay Giai Phẩm Xuân 1959:

... đến gần mới biết đó là một họa sĩ của nhóm Sáng Tác (...) Họa sĩ vẽ tài thật, tác phẩm của họa sĩ thật thể hiện được hết tinh thần và tinh túy nội ngoại của đống rác (...) Bước chân vào tòa báo Sáng Tác tôi lấy làm lạ vì thấy mỗi người đứng một góc phòng trước một bàn thờ nhỏ treo một bức ảnh bán thân. Họ làm đèn khấn vái rất thành kính và lễ luôn tay. (...) Tôi đến sau lưng văn sĩ M.T. người chủ trương nhóm S.T. anh cũng không hay biết. Lắng tai tôi nghe thấy anh khấn:

“Trời ơi! Người là một người siêu phàm! Người là tất cả. Người ngự trị trên thế giới này! Ta kính phục người, trọng người vô vàn!...”

Tò mò tôi nhìn lên bàn thờ thì chợt giật mình kinh hoảng vì lạ thay anh M.T. đang lễ ảnh anh M.T.! Qua thăm những bàn thờ khác thì đại loại đều thế cả (...)[6]

Thực tế, mặc dầu được sự đón nhận vô cùng nồng nhiệt từ lúc đầu, trong sự cọ xát đó, người đọc hờ hững với Văn Hóa Ngày Nay. Tạp chí Văn Hóa Ngày Nay kéo dài không được hai năm thì đình bản. Văn Hóa Ngày Nay quy tụ được rất nhiều cây viết có thực tài. Thế nhưng, nếu nhìn Văn Hóa Ngày Nay như một vận động văn học thì ảnh hưởng của nó trong sinh hoạt văn học nghệ thuật của miền Nam lại rất khiêm nhường.

Ghi lại những cọ xát đó cùng với cách kết thúc đó chỉ để nói lên một điều: miền Nam đã thay đổi nhiều lắm. Mặc dầu rất kính trọng Nhất Linh, người đọc sách ở miền Nam không còn muốn thu mình trong cái thế giới văn chương của ông nữa. Họ gần với Sáng Tạo hơn. Không có gì sai trong chủ trương “văn phải dựa vào thời gian và dựa không gian để vượt không gian”. Rất đúng là đằng khác. Tuy nhiên cái thế giới văn chương của Nhất Linh ở Văn Hóa Ngày Nay vẫn còn quẩn quanh trong văn chương của trường ốc. Ngoài văn chương cổ điển Việt Nam và Trung Hoa, nó thu hẹp trong ảnh hưởng văn chương Pháp của thế kỷ 19 cộng với Leo Tolstoi và Dostoievski của Nga. Trong suốt các số Văn Hóa Ngày Nay, người đọc không thấy sự hiện hữu của thế kỷ 20, cũng như không thấy có dòng văn học nào khác ở thời đại này.

Vào thời điểm đó, sự khao khát sống vượt ra ngoài cái thế giới nhỏ bé của miền Nam đã rất lớn. Những ý thức về độc lập và bình đẳng cũng đã bắt đầu ăn sâu. Có lẽ vì vậy mà tính cách của xã hội miền Nam và của văn học miền Nam gần với Sáng Tạo hơn là với Văn Hóa Ngày Nay.

VÀI NHẬN XÉT THÊM VỀ NHÓM SÁNG TẠO

Bên cạnh những đóng góp như đã trình bày trên đây, khi nói về Sáng Tạo không thể không nói đến một vài khía cạnh khác, tiêu cực hay tích cực, rất đặc thù của Sáng Tạo.

Những cọ xát với Văn Hóa Ngày Nay có lẽ không phải chỉ phát sinh từ sự khác biệt về quan điểm, và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, mà có thể còn do những yếu tố rất con người. Nếu cái đẹp của nhóm Sáng Tạo, ngoài chuyện làm văn chương nghệ thuật, là ở tình bằng hữu của họ, thì có thể cũng chính cái tình bằng hữu đó cũng đã bủa vây họ để tạo thành tinh thần phe nhóm. Không biết sự thật như thế nào, nhưng khi nghĩ đến Sáng Tạo, không mấy ai không cảm thấy điều này. Nếu những phản ứng của Nhất Linh hay của Duy Lam chỉ hoàn toàn phát sinh từ vấn đề nghệ thuật, những điều được viết ra về Sáng Tạo chắc phải khác đi. Tinh thần phe nhóm trong sinh hoạt văn học nghệ thuật không là điều mới lạ. Tự Lực Văn Ðoàn chắc cũng có tinh thần đó. Thế nhưng trong những bài viết của họ, những sự xưng tụng lẫn nhau không nhiều, và không có những chữ “quá lớn”.

Một khía cạnh tiêu cực của nhóm Sáng Tạo là sự thiếu vắng những cây viết nữ nòng cốt, khác với trường hợp của Văn Hóa Ngày Nay, cũng như của các tạp chí văn học khác xuất bản về sau này. Bên cạnh đó, mặc dầu cổ võ cho những trào lưu tiến bộ, những sáng tác văn học ở Sáng Tạo vẫn chưa bao gồm được những sắc thái liên hệ đến người nữ ở những khía cạnh có tính thời đại, xã hội và trí thức, như thấy rõ trong văn học Nhật Bản từ thế kỷ 19.

Sáng Tạo đưa ra những tiêu chuẩn rất cao cho văn học nghệ thuật, nói nhiều đến những phá vỡ, những thử nghiệm, những xông tới. Thế nhưng, ngoại trừ Thanh Tâm Tuyền, hầu hết những văn nghệ sĩ của nhóm đã không đi trọn con đường nghệ thuật của họ theo tinh thần đó. Không phải là tác phẩm sau này của họ tầm thường. Nó chỉ đi không đúng tinh thần đó. Mai Thảo, có công lớn trong vận động văn học của Sáng Tạo, bắt đầu sự nghiệp của ông bằng những tác phẩm hay. Sau đó, ông viết nhiều và tạo một thế giới riêng của ông. Thế giới đó phần lớn lại nặng về tánh cá biệt ở phong cách hành văn, sử dụng ngôn từ. Ở độ sâu của nghệ thuật, văn chương của ông không thực sự mới theo cái nghĩa phá vỡ. Sáng tác của ông hầu hết cũng không đủ lớn để tồn tại lâu với thời gian, như nhiều tác phẩm của Tự Lực Văn Đoàn trước 1945, hay của Võ Phiến, ở cùng thời với ông. Duy Thanh cũng vậy, ông viết được một vài truyện ngắn hay và có thể xem là rất mới ở thời điểm đó. Ông cũng được xem là một họa sĩ có khả năng tiên phong, được mến chuộng về cả tài năng lẫn tánh tình. Không hiểu vì sao, sau đó không thấy ông tiếp tục theo chiều hướng như vậy. Sau này, không mấy ai còn thấy những sáng tác mới của ông, cả trong văn chương lẫn hội họa.

Sau biến cố 1975, Sáng Tạo có nhiều người ở tù, và ở tù rất lâu. Như Doãn Quốc Sỹ, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền.v.v. Ðặc biệt, những nhà văn, nhà thơ này vẫn tiếp tụ sáng tác, ở trong tù, cũng như sau khi ra khỏi tù. Có một số bài đặc sắc, như bài thơ “Ta về” của Tô Thùy Yên. Điều đáng tiếc là nói chung sáng tác của họ không nhiều, không lớn để biểu trưng đúng mức nỗi đau kinh hoàng của dân tộc và của cả chính họ. Ðiều đáng ghi nhận, văn chương của họ không mang chút oán hờn nhỏ bé. Riếng về Thanh Tâm Tuyền, sáng tác của ông có những nét đặc biệt cần được trình bày ở đây.

Trước 1975, đọc thơ Thanh Tâm Tuyền, người ta thấy ở nơi ông nhiều ý tưởng lạ. Người ta thấy ông đặt tiêu chuẩn cao cho thơ. Người ta biết ông có một quan niệm về thơ không giống rất nhiều người, ông có một cõi thơ riêng. Tuy nhiên, ngoại trừ một ít bài, thơ ông khó gần với người đọc. Sau này, đọc thơ ông xuất hiện ở hải ngoại dưới bút hiệu Trần Kha hay những bài trong tập thơ mới xuất bản năm 1990,[7] sự xa cách đó không còn nữa. Nhiều bài thơ sau này của ông thì tuyệt vời. Bây giờ ông là một nhà thơ tự do đúng nghĩa. Ông không tránh né thơ cổ điển. Ông làm thơ lục bát, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn... và dĩ nhiên rất nhiều thơ tự do. Gần như bài nào cũng đặc sắc. Và, vẫn là thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi cho rằng ông là người duy nhất trong nhóm vẫn tiếp tục đi tới trên con đường rất khó mà ông đã chọn.

Trông lên đồi núi mờ sương
Mưa bay tất tưởi mưa rong tần ngần
Tiêu điều ngơ ngác trại quân
Ðất lầy bùn đỏ gánh chân ghê người
          (Thanh Tâm Tuyền, “Ngày đến”)

Tuột dốc té nhào trên hẻm núi
Chết điếng toàn thân trong giây lâu
Mưa rơi đều hạt mưa phơi phới
Ngày đang tàn hiu quạnh rừng sâu
          (Thanh Tâm Tuyền, “Ngã trên núi Việt Hồng ở Yên Báy khi đi vác nứa”)

Em, em có hay kẻ tội đồ biệt xứ
sớm nay về ngang cố quận
Xao xuyến ngây ngô hắn dọ hỏi
bóng tối sâu thẳm
 
Ðêm vây hãm lụn dần
Thủ thỉ mưa ru ngày khốn đốn
          (Thanh Tâm Tuyền, “Bài nhớ thi sĩ”)

Cho đến nay, giữa những bài thơ tù đã được xuất bản của Việt Nam, khó tìm những bài thơ hay hơn.

KẾT LUẬN

Những trình bày trên đây chỉ nên được xem như một cố gắng đánh giá công bình về sự đóng góp quan trọng của một nhóm văn nghệ sĩ cho văn học, nghệ thuật Việt Nam. Dù sống trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, dù sống tha hương, dù trong tù tội.

Nhận định những công trình cũ cũng có thể được xem như một cách thưởng ngoạn hay như một hồi tưởng. Quan trọng hơn cả, đó cũng là một cách để nhìn, đế đánh giá hiện tại và tương lai. Văn Học Miền Nam phát triển trong hoàn cảnh một đất nước bị chia đôi và chỉ có năm năm vắng tiếng súng. Ðất nước chúng ta ngày nay đã thống nhất và trải qua gần bốn mươi năm thanh bình, theo cái nghĩa không có bắn giết nhau bằng súng đạn. Qua cái thời gian dài đó, văn học chúng ta, ở trong hay ngoài nước, đã vượt đi những chặng đường nào?
Bài biết này không nhằm trả lời câu hỏi đó. Chỉ xin ghi lại những dòng chữ của Mai Thảo, viết 45 năm trước đây tại Sài Gòn:

Nghệ thuật hôm nay phải nói được chúng ta, trình bày được tâm trạng, đời sống lớp người chúng ta, nếu không nó sẽ chẳng bao giờ nói được gì hết. (...) Ðời sống không dừng lại. Nghệ thuật thì không ngừng đổi thay theo đời sống đi tới, và nhà văn luôn luôn đứng trước những vấn đề mới đặt ra, từng phút từng giây (...) nghệ thuật ta đã và vẫn còn phải là một lên đường. bằng những thí nghiệm không ngừng. Bằng những khám phá không mỏi.[2]

Trương Vũ

____________

Chú thích:
[1]Vũ Anh Khanh là tác giả bộ truyện Nửa Bồ Xương Khô, trong đó có bài thơ nổi tiếng “Tha La xóm đạo”. Theo nhà văn Võ Phiến, Vũ Anh Khanh sau 1954 vượt tuyến vào Nam bị bắn chết trên sông Bến Hải. Xem Văn Học Miền Nam: Tổng Quan của Võ Phiến, nhà Văn Nghệ (California) xuất bản.
[2]Mai Thảo, “Ðứng về phía những cái mới”, in lại trong Tuyển Tập Sáng Tạo, Sống Mới xuất bản (California, 1980).
[3]Huỳnh Hữu Ủy, “Nghệ thuật tạo hình Sài Gòn trước năm 1975”, tạp chí Hợp Lưu số 10 (California, 1993).
[4]Duy Thanh, “Giấc ngủ”, in lại trong Tuyển Tập Sáng Tạo, sách đã dẫn.
[5]Võ Phiến, sách đã dẫn, trang 185.
[6]Duy Lam, “Ðầu năm xông đất”, Văn Hóa Ngày Nay số 8, Giai Phẩm Xuân (Sài Gòn, 1959).
[7]Thanh Tâm Tuyền, Thơ Ở Ðâu Xa, Trầm Phục Khắc xuất bản (California, 1990).


---------------------------

HỘI THẢO VỀ VĂN HỌC MIỀN NAM 1954-1975
.
Phùng Nguyễn       Thứ Tư, ngày 24 tháng 12 năm 2014
.
Trần Doãn Nho     23.12.2014
.
Ngự Thuyết    12/12/2014
.
Bùi Vĩnh Phúc     12.12.2014
.
Nguyễn Hưng Quốc    12.12.2014
.
Trịnh Thanh Thủy     Tuesday, December 09. 2014  11:30:49AM
.
Đặng Phú Phong     Cập nhật: 11/12/2014 10:52
.
Đặng Phú Phong         Cập nhật: 08/12/2014 12:19
.
.
Du Tử Lê     07/17/2012 06:07 PM
.
Nguyễn Hưng Quốc    07.12.2014
.
Phạm Quốc Bảo   Wednesday, December 03, 2014 6:20:29PM
.
Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam (ngày thứ nhì)
Kalynh Ngô/Người Việt   Monday, December 08, 2014 6:51:41PM
.
Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam (ngày thứ nhất)
Kalynh Ngô/Người Việt  Saturday, December 6, 2014 8:19:21PM
VIDEO : Hội Thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam, 1954 – 1975  (ngày thứ nhất)
.
Da Màu     05/12/2014
.
Việt Báo    03/12/201400:05:00
.
Nguyễn Hưng Quốc          03.12.2014
.
Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt Tuesday, December 02, 2014 7:25:10PM
.
Người Việt Books tái bản, 2014    Thứ Năm, ngày 27 tháng 11 năm 2014
.
Nguyễn Hưng Quốc      Thứ Bảy, ngày 29 tháng 11 năm 2014
.
Đinh Quang Anh Thái/Người Việt Wednesday, November 26, 2014 3:00:42 PM
.
Nguyễn Hưng Quốc     25.11.2014
.
Tiểu Muội (thực hiện)     Thứ Sáu, ngày 21 tháng 11 năm 2014
.
Kalynh Ngô/Người Việt (thực hiện)     22.11.2014
.
Huy Phương      Chủ Nhật, ngày 23 tháng 11 năm 2014






No comments:

Post a Comment