Monday, December 29, 2014

Về nhận định của nhà phê bình Vương Trí Nhàn (Bùi Vĩnh Phúc - Da Màu)





29.12.2014


Tôi đã được đọc bài viết của nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn (VTN) ở trong nước, với tựa đề là "Nhân Một Hội Thảo về Văn Học Miền Nam" (*). Bài viết tương đối ngắn nhưng cho thấy có những thiện chí trong việc thắp sáng niềm tin vào sự tất yếu của một sự kết hợp văn học hai miền trong thời gian hai mươi năm chiến tranh 1954 – 1975, và của văn học trong và ngoài nước.

Dù sao, trong bài viết này của Vương Trí Nhàn, tôi cũng thấy có những nhận xét nên được xem xét lại, vì có lẽ chúng đã được phát biểu khi chưa có đủ thông tin; qua đó, chúng sẽ dẫn đến một vài nhận định có thể tạo sự hiểu lầm về thiện chí giữa những người đã cùng chung tay đóng góp cho những điều tốt đẹp chung.

1.
Anh VTN bảo là anh hơi thất vọng vì cuộc hội thảo này. Tôi hiểu. Thật sự, khi người ta đặt niềm tin vào một điều gì đó, vào một đối tượng mà người ta quan tâm hay quý mến, người ta dễ bắt gặp cảm giác như thế, khi một số kỳ vọng không được đáp ứng. Hay, không được đáp ứng đúng mức. Thất vọng có thể đến từ nhiều nguồn, nhiều lý do. Thứ nhất, có thể vì ta đã đặt kỳ vọng quá cao. Thứ hai, có thể vì ta đã không nhìn đúng được hiện tượng từ vị trí nhìn ngắm, tiếp cận của mình. Và, thứ ba, khi ta vội vã, xem xét hiện tượng một cách nhanh gọn để có thể sớm đi đến kết luận, và ta thất vọng vì kết luận ấy.

Anh VTN trách là "các đồng nghiệp của tôi ở hải ngoại vẫn bị cảm xúc chi phối quá nặng". Tôi đề nghị nhìn lại vấn đề như thế này: Hãy thử nghĩ, khi người ta nói về một nền văn học bị cố tình tẩy xoá khỏi ký ức con người, một nền văn học bị buộc tội, bị truy diệt, bị đẩy cho trôi dạt trên dòng lịch sử, chưa nói đến việc người ta là một người đã sống và lớn lên trong dòng văn học ấy, chắc chắn người trình bày vấn đề sẽ không khỏi ít nhiều bị cảm xúc chi phối. Còn cảm xúc ấy chi phối người ta như thế nào, đến mức độ nào, hoặc theo hướng nào, thì người quan sát nên có một cái nhìn bình tĩnh và kiên nhẫn hơn. Họ nên để tâm thu thập tài liệu. Cần đọc kỹ và tìm hiểu ý nghĩa của chúng trước khi đưa ra kết luận.

Trong bài nhận định của mình, anh VTN cho biết là cảm tưởng, ý kiến của anh được đưa ra "sau khi đã đọc tất cả các bài tham luận". Thật sự, vào thời điểm anh đưa ý kiến (ngày 21 tháng Mười Hai, 2014, trên diễn đàn Văn Việt, và còn sớm hơn nữa trên trang blog của VTN, ngày 19-12-14—Văn Việt sử dụng lại bài đã có trên trang blog đó), tất cả các báo chí (trên giấy và trên mạng), trong và ngoài nước, chỉ mới phổ biến được một vài bài trong nhiều bài tham luận hoặc thuyết trình từ cuộc hội thảo này. Thật sự, đây là một cuộc hội thảo khá quy mô, được tổ chức trong vòng hai ngày, với 16 diễn giả. Theo tôi biết, Ban tổ chức đã để cho các diễn giả quyền tự do chọn lựa đề tài riêng của mình. Mỗi diễn giả chỉ được phép trình bày tối đa trong vòng 30 phút. Cộng thêm 10 phút cho phần đặt câu hỏi, thảo luận và đưa ý kiến từ phía những người tham dự. Bởi thế, gần như tất cả các bài thuyết trình hay tham luận này, theo tôi biết như một người trong cuộc, đều phải rút gọn lại. Đa số các anh chị diễn giả cũng đều cho biết như thế trên diễn đàn hoặc trong những khung cảnh khác ở ngoài diễn đàn. Và họ hứa sẽ cho phổ biến tham luận của mình sau đó, trên các phương tiện truyền thông, một cách đầy đủ hơn. Tôi nghĩ, anh VTN, vào thời điểm anh viết bài nhận định, giống như nhiều độc giả khác, ở trong và ngoài nước, mới chỉ được đọc một vài bài tường thuật trên báo chí, cũng như có thể mới được theo dõi một vài phần phát biểu của một vài thuyết trình viên từ các video clips.

Tôi nghĩ, từ những quan sát, theo dõi ấy, người ta chỉ có thể có được một ấn tượng nào đó về cuộc hội thảo mà thôi. Người ta khó có thể đưa ra được một nhận định có cơ sở và đáng tin cậy về nó khi chưa được đọc hết nguyên văn các bài tham luận. Cũng như để phê bình một tác phẩm, người ta không thể chỉ đọc phần tóm lược nội dung tác phẩm. Thậm chí, nếu có đọc thêm một vài bài phê bình, nhận xét về tác phẩm đó, người ta cũng không thể đưa ra những nhận định khách quan và có giá trị về tác phẩm. Người ta, tôi nghĩ, phải tự mình thâm nhập vào tác phẩm, phải sống với nó, rung động với nó, đồng thời, tỉnh táo theo dõi, xem xét nó. Ở cuối hành trình ấy, người ta mới có thể hy vọng đưa ra được một vài suy nghĩ, một vài ý tưởng khả dĩ tạo được dấu ấn cho những nhận xét của mình. Cố gắng đó sẽ giúp cho người đọc mở rộng thêm cái nhìn về tác phẩm, mở rộng biên độ cảm xúc cũng như rung động của họ đối với tác phẩm.

2.
Có vẻ như nhà phê bình VTN không chấp nhận phát biểu, được đưa ra trong buổi hội thảo, về "sự bất hạnh" của văn học miền Nam. Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, trong phần mở đầu bài thuyết trình của mình, cho rằng: “Văn học miền Nam, 1954-1975, là một trong những nền văn học bất hạnh nhất trong lịch sử văn học Việt Nam”. Anh VTN cho rằng "Nếu muốn dùng chữ bất hạnh, tôi nghĩ tới cả nền văn học dân tộc nói chung, bao gồm cả văn học miền Bắc. Nhưng hiểu theo nghĩa này, thì cứ gì văn học VN. Mà văn học Trung Hoa lục địa cũng bất hạnh, văn học Nga xô viết cũng bất hạnh." Tôi không chắc ý kiến của anh VTN sẽ được tất cả mọi người cùng chia sẻ (nhất là, ở đây, khung quy chiếu chỉ thu hẹp trong "lịch sử văn học Việt Nam"), nhưng rõ ràng ý kiến ấy, ở một khía cạnh nào đó, cho thấy một sự nhạy cảm sâu sắc, mang đậm nét nhân bản, cùng với sự cộng cảm trong nỗi đau xót và thiết tha về nền văn học của dân tộc nói chung trong khoảng thời gian hai mươi năm chia cắt. Tôi nghĩ, nếu có sự bất hạnh, thì nó vẫn còn đó, không biến mất đi, cho dù có những sự bất hạnh khác được mang ra so chiếu. Cùng mang một thuộc tính "bất hạnh", nhưng mỗi nỗi đau có một số những đặc điểm, "đường nét" riêng. Không phải vì nhiều đối tượng cùng chia sẻ một thuộc tính nào đó mà thuộc tính ấy có thể triệt tiêu lẫn nhau và biến mất.

Ngoài ra, trong cái nhìn của tôi, nếu có nói về "sự bất hạnh" thì chỉ là để xác định một hoàn cảnh, một thế sống, để từ đó tiếp tục vươn lên. Anh VTN nói đúng, và thật thiết tha, "May mà những năm ấy, còn có văn học miền Nam!". Vâng, và cả những người con của nó. Chủ đề của buổi hội thảo là nói về hai mươi năm văn học miền Nam. Những gì đã xảy ra với dòng văn học này nên và cần được nhìn lại. Còn cái khung cảnh văn học hiện tại ở quê nhà có thể cho thấy đã có một số những cởi mở, tháo gỡ, thông cảm ở một mức độ giới hạn nào đó, chúng ta rất nên ghi nhận, để có lòng tin vào tương lai. Nhưng việc nhìn lại, xem xét và đánh giá lại mọi sự đã xảy ra là một điều cần thiết. Những bài học lịch sử cũng vẫn nhắc nhở con người phải làm điều đó.

3.
Về vấn đề áp dụng những phương pháp tiếp cận văn học mới mẻ để tìm hiểu, phát huy những khía cạnh đặc thù của văn học miền Nam, nói riêng, văn học Việt Nam, nói chung, điều này cần phải được tiếp tục thực hiện. Và ta có thể áp dụng bất cứ hướng tiếp cận nào thích hợp. Một cuộc hội thảo, lại là cuộc hội thảo đầu tiên, có thể chưa cho ta cái cơ hội để nhìn ngắm rõ những nỗ lực ấy. Dù sao, khi chúng ta chưa có cơ hội đọc và tham khảo hết các bài tham luận, có lẽ chúng ta cũng chưa nên phán đoán vội.

Trong cái nhìn của tôi, riêng về mặt này, ta có thể để ý đến hai bài tham luận của nhà nghiên cứu Đinh Từ Bích Thuý và nhà văn Đặng Thơ Thơ. Ở một mức độ nào đó, hai tham luận này, theo tôi, đã có những nỗ lực khá tốt để, qua việc nhìn lại một vài tác phẩm trong dòng văn học miền Nam trước đây, phần nào đóng góp một cái nhìn mang tính khai phá về những khía cạnh giao lưu văn hoá, di sản hậu thuộc địa, tính dị hoá/xa lạ hoá như một căn cước, v.v. Tuy nhiên, tôi nghĩ, văn học miền Nam, nói riêng, trong vòng hai mươi năm chiến tranh, và văn học cả nước nói chung, tính đến thời điểm hiện tại, là những khu vườn rộng lớn. Chúng cần được ta gìn giữ, chăm bón, tìm hiểu để tiếp tục phát huy những hương thơm và sắc màu tươi đẹp của chúng, không riêng cho sự thẩm thức, thưởng ngoạn của chúng ta, trong thế hệ này, mà còn cho những thế hệ nối tiếp nữa. Ta không nên chỉ mong mỏi và dừng lại ở một cuộc hội thảo duy nhất. Và, có lẽ, cũng không nên chỉ chăm chắm trông chờ để nhìn vào những cái mới. Cái mới, nói chung, là tốt. Và cần thiết. Nhưng ngoài cái mới, có thể chúng ta cũng nên quan tâm đến việc đào sâu vào những giá trị cốt lõi, nhưng có thể chỉ mới được thăm dò một cách khái quát hay trên bề mặt. Sự đào sâu theo bề dọc và xới tung ra bề ngang cũng có thể là những điều có ích cho cái học và cái hiểu của ta. Hơn là chỉ nhắm vào việc áp dụng cho bằng được những phương pháp mới. Có khi điều ấy chỉ đem lại sự khiên cưỡng.

Dù sao, mong mỏi làm mới, có được cái mới, vẫn là một mong mỏi chính đáng và đầy thiện chí. Nó thúc đẩy chúng ta tiếp tục làm mới sự thẩm thức, mở rộng địa lý của cái hiểu, cái biết về văn học của mình.

4.
Cuối cùng, anh VTN phát biểu: "Làm sao trong khi đề cao VHMN 54-75, các anh có thể sổ toẹt cái phần thành tựu theo một cách riêng của văn học miền Bắc trong thời gian đó." (phần gạch dưới là theo nguyên văn trong văn bản của VTN). Và anh cho rằng "Đối lập và tuyệt đối hóa những khác biệt văn học giữa hai miền chẳng những là bất cận nhân tình mà còn là phản khoa học."

Trong cái nhìn của tôi, buổi hội thảo này, về văn học miền Nam, bao gồm nhiều đề tài nhỏ, do các diễn giả tự chọn, trong đó có những đề tài không có những gắn bó rõ rệt với văn học miền Bắc để có thể đặt chúng trong thế đối sánh. Nhưng có những trường hợp, khi trình bày về hệ thống này, người ta phải nói đến hệ thống khác; và khi nói về nền văn học miền Nam, có những lúc có lẽ cũng khó tránh để không đưa nó vào thể đối sánh với văn học miền Bắc.

Cũng xin nói thêm, chủ đề của cuộc hội thảo là nói về văn học miền Nam, nên chắc chắn ta phải nhấn mạnh đến nó. Độ nhấn, dấu nhấn và hướng nhấn là ở nơi mỗi diễn giả với mỗi đề tài cụ thể. Tuỳ theo cách nhìn nhận và cách diễn đạt, trong bối cảnh cần thiết của chủ đề, mỗi diễn giả có một cách trình bày, tiếp cận vấn đề của mình. Và sự đánh giá là ở nơi người đọc, người đón nhận.

Về phần mình, tôi cũng chia sẻ cái nhìn của nhà phê bình VTN là cả hai nền văn học đều có cái bối cảnh và những nét đặc thù riêng của chúng. Chúng có những đặc tính và giá trị riêng. "Dù phân lượng không đồng đều", như cách mà anh VTN nói. Cả hai cần được nhìn ngắm trong một toàn bộ của nền văn học Việt Nam giai đoạn hai mươi năm chiến tranh. Tôi đã nhắc đến ý này không phải chỉ một lần trong bài tham luận của mình. Tạm trích: "(…) [V]ăn học miền Bắc trong giai đoạn ấy cũng có những đường nét riêng của nó. Nó phản ánh một gương mặt của chiến tranh. Và gương mặt ấy có thật. Ở một mức độ nào đó, và trong những góc nhìn nào đó, dù bị chỉ đạo, nền văn học ấy, ngoài âm vọng sử thi, ngoài những tấu tụng về chiến công, về vinh quang, nhiều khi được tô mầu một cách khá thô sơ, vụng về, cũng nói lên được cái đời sống, cả tinh thần lẫn vật chất, của cả một xã hội, của những con người, với những tâm trạng, những hy sinh và những đớn đau riêng. Và, như thế, nó cũng đã đóng góp những đường nét của mình để vẽ nên khuôn mặt chung của văn học Việt Nam giai đoạn ấy. Khuôn mặt của văn học Việt Nam thời chiến. "

Và, ở một chỗ khác: " Văn học miền Bắc, trong bối cảnh và chủ trương riêng của mình, trong hai mươi năm của cuộc chiến, đã có những nét vẽ riêng, những bảng mầu, những cung bậc, tiếng nói riêng, để, phần nào, định dạng và định tính xã hội và con người miền Bắc. Qua đó, cũng cho thấy một khuôn mặt cần được nhìn ngắm của cuộc chiến, của lịch sử Việt Nam."

Ngoài ra, trước khi bài nhận định của VTN được phổ biến, trong một thảo luận trên mạng, với cương vị của một người sống tại miền Nam, nói riêng, được cưu mang bởi nền văn học miền Nam, gắn bó với những giá trị nhân bản, công bằng và bình đẳng mà nền văn học ấy luôn xiển dương, và với cương vị của một người Việt Nam, nói chung, tôi cũng có dịp nói rõ: "(…) Trong cái lý tưởng của riêng họ, những người đã đóng góp vào nền văn học miền Bắc, nói chung, họ cũng đã nhìn cuộc chiến đấu và hy sinh của những con người miền Bắc là một cuộc chiến đấu để bảo vệ đất nước. (…) Dĩ nhiên, nền văn học miền Bắc có một giá trị riêng của nó khi ta nhìn toàn bộ nền văn học Việt Nam trong bối cảnh 20 năm chiến tranh. Còn nền văn học miền Nam, như tôi đã trình bày, là một nền văn học rất phong phú. (…) Hai nền văn học đó rất khác nhau. Chúng có những đặc tính riêng và những giá trị riêng của chúng."

Để kết, với tính cách cá nhân, tôi muốn nói rằng tôi nhìn bài nhận định của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, nói chung, là một phản ánh tốt, với thiện chí, về cuộc hội thảo "Hai Mươi Năm Văn Học Miền Nam". Tôi quý sự thiết tha của anh VTN khi anh nhận định: "[T]rong sự phát triển của mình, văn học hai miền thời gian 1954-75 đã có sự nhìn vào nhau, đối thoại ngấm ngầm với nhau. Việc nghiên cứu trở lại cuộc đối thoại xảy ra trong những năm đó là một trong những  phương cách thiết yếu để đẩy tới cuộc đối thoại giữa văn học trong nước và văn học hải ngoại hôm nay."

Mặc dù không lạc quan, tôi vẫn hy vọng là chúng ta đang bắt đầu có những nỗ lực để, trong những điều kiện và hoàn cảnh khả thi, thực hiện điều cần thiết đó. Và, cũng trong tinh thần ấy, tôi tin tưởng vào sự phát triển tốt đẹp của nền văn học Việt Nam, nói chung, ở cả trong lẫn ngoài nước.

Bùi Vĩnh Phúc
24. XII. 2014

(*) Tựa đề lấy theo bản của Văn Việt: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/nhn-mot-hoi-thao-ve-van-hoc-mien-nam/ . Bản trên blog của Vương Trí Nhàn, truy cập ngày 23-12-14, có tựa đề là "Nhân một cuộc hội thảo về văn học miền Nam 1954-75".

---------------------------

4 bình luận

nam dao viết:
Chia sẻ và cám ơn hai anh BVP & VTN. Có lẽ đề tài văn học trong và ngoài nước sẽ là một đề tài rất thú vị. Hiện nay, có chút it giao thoa, nhưng lực cộng sinh thì chỉ lẻ loi, nhợt nhạt!
- 29.12.2014 vào lúc 7:29 am

black raccoon viết:
Trong cái nhìn của tôi, buổi hội thảo này, về văn học miền Nam, bao gồm nhiều đề tài nhỏ, do các diễn giả tự chọn (BVP)
Nhà văn Bùi Vĩnh Phúc là người trực tiếp tham dự thuyết trình trong cuộc hội thảo này nên tôi tin những gì ông viết. “đề tài nhỏ do các diễn giả tự chọn”; đó chính là ý nghĩa của tất cả. Nó thể hiện gần như tuyệt đối của sự tự do trong văn học. Không phải sao, thử tưởng tượng, đến với một cuộc hội thảo (có chủ đề), và người ta hoàn toàn được tự do chọn lựa đề tài để tự trình bày. Thú vị chứ. Mà đề tài nhỏ nữa. Theo tôi hiểu, nhỏ không phải là chi li vụn vặt, nhỏ là riêng, là một khía cạnh nào đó mà người diễn giả nhìn thấy. Và, chính nhiều cái nhỏ sẽ làm cái lớn. Biết đâu.
- 29.12.2014 vào lúc 9:50am

Thiệp Hằng viết:
Vài ba năm gần đây, nhiều hội thảo nghiên cứu chuyên đề về khoa học trên tầm mức quốc tế đã được tổ chức tại Việt Nam trong đó các tham dự viên là những nhà nghiên cứu, những giáo sư đại học từ các quốc gia khắp trên thế giới được mời tham dự. Ông VTN có đề nghị những nhà phê bình văn học VN trong và ngoài nước nên ngồi với nhau nghiên cứu về Văn Học Miền Nam 54-75. Ý rất tốt! Tại sao hội nhà văn VN không tổ chức một hột thảo như thế tại một trường đại học ở Saigon, như trường đại học Văn Khoa cũ, và mời những nhà văn, nhà phê bình VN ở ngoài nước về tham gia và đóng góp trên tinh thần khai phóng với những tham dự viên có tằm cỡ trong nước? Mong lắm thay!
- 29.12.2014 vào lúc 11:10 am

Lê Minh Hà viết:
Từ anh Vương Trí Nhàn và anh Bùi Vĩnh Phúc, cảm nhận được sự trân trọng và thiện chí dành cho nhau, trong mối quan tâm chung về văn học nước nhà thời chúng ta đã và đang sống.
Hi vọng đây không giản đơn là thái độ của hai cá nhân làm chữ nghĩa dành cho nhau, mà là thái độ phổ biến từ hai phía người viết của một nền văn học khốn khổ.
- 29.12.2014 vào lúc 11:31 am


---------------------

TIN LIÊN QUAN :






No comments:

Post a Comment