Monday, December 29, 2014

Thêm một blogger bị bắt tại Việt Nam (Trà Mi - VOA)





29.12.2014

Công an Việt Nam vừa bắt giữ thêm một blogger vì những bài viết độc lập thể hiện quan điểm trái chiều với nhà nước.

Vụ bắt giữ blogger Nguyễn Đình Ngọc tại Sài Gòn hôm thứ bảy nâng tổng số blogger bị bắt trong vòng 1 tháng nay lên thành 3 người.

Đây là một trong những chiến dịch ‘truy quét’ mạnh tay của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam giữa các nỗ lực vận động cả trong và ngoài nước kêu gọi Hà Nội hủy bỏ điều 258 về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước,’ một điều luật bị xem là có nội dung bao quát nhắm bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của công dân.

Báo Công An Nhân dân loan tin Cơ quan An ninh Điều tra Công an TP Hồ Chí Minh ngày 27/12 khám xét tư gia, bắt khẩn cấp, và tạm giữ hình sự blogger Nguyễn Đình Ngọc, 48 tuổi.

Nguồn tin này nói rằng cơ quan An ninh Điều tra đang tiến hành ‘làm rõ hành vi vi phạm của Nguyễn Đình Ngọc để xử lý theo quy định của pháp luật’ nhưng không tiết lộ chi tiết nào về các cáo buộc dẫn tới lệnh bắt giữ này.

Trong mấy tuần qua, công an thành phố đã bắt giữ 2 ngòi bút phản biện ôn hòa khác là nhà văn Nguyễn Quang Lập, tức blogger Bọ Lập (58 tuổi), chủ trang Quê Choa và blogger Hồng Lê Thọ, 65 tuổi, tác giả trang blog Người Lót Gạch, cáo buộc họ đăng tải các bài viết chống nhà nước, chiếu theo điều 258 Bộ Luật Hình sự.

Việt Nam lâu nay bị cộng đồng quốc tế và giới bảo vệ nhân quyền trên thế giới mạnh mẽ chỉ trích việc bỏ tù công dân chỉ vì các hoạt động thực thi quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến ôn hòa.

Phó Giám đốc phụ trách khu vực Châu Á thuộc tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch, ông Phil Robertson, nói với VOA Việt ngữ:
“Thật sự đáng phẫn nộ. Một lần nữa chính phủ Việt Nam chứng tỏ họ không hề dung chấp các ý kiến độc lập và quyền tự do ngôn luận của dân chúng. Đây cũng là một chỉ dấu thêm cho thấy nhân quyền tại Việt Nam đang đi trái hướng và rằng Hà Nội không hề coi trọng chính những cam kết của họ với quốc tế qua Công ước Nhân quyền Liên hiệp quốc mà họ tự tay ký kết.”

Human Rights Watch khuyến cáo rằng các nhà tài trợ và cộng đồng quốc tế không thể để mặc những vi phạm nhân quyền ngày càng trầm trọng tại Việt Nam. Ông Phil Robertson nói:
“Hoa Kỳ dĩ nhiên có vai trò hết sức quan trọng trong việc áp lực Hà Nội phải tôn trọng quyền con người. Nhưng ngoài Mỹ, các nước khác cũng phải đóng vai trò của họ. Như Australia, Canada, các nước thành viên của Liên hiệp Châu Âu chẳng hạn, đều phải dùng áp lực và ảnh hưởng của mình đòi hỏi Việt Nam chấm dứt các chính sách vi phạm nhân quyền. Cộng đồng quốc tế, những nước tham gia hỗ trợ các dự án kinh tế-xã hội cho Việt Nam, phải hợp lực thúc đẩy điều này.”

Ông Robertson cho biết Human Rights Watch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực vận động đa dạng để các điều luật lạm dụng an ninh quốc gia trấn áp nhân quyền của người dân tại Việt Nam phải được hủy bỏ:

“Chúng tôi dự định tháng giêng này sẽ mở một trang web đặc biệt về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, tập trung vào các tù nhân lương tâm. Chúng tôi vạch trần thực tế rằng Việt Nam trong tư cách thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc phải có trách nhiệm phải nỗ lực hơn để tiến bộ về nhân quyền chứ không phải để thụt lùi. Đáng tiếc là kể từ khi bước vào Hội đồng này, Hà Nội vẫn tiếp tục các kế sách đàn áp nhân quyền thường xuyên. Trang web của chúng tôi có nội dung bằng cả hai ngôn ngữ Anh-Việt sẽ nêu bật các trường hợp cụ thể bị tù đày vì thể hiện chính kiến tại Việt Nam và kêu gọi mọi người góp sức vận động trả tự do cho họ. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những tiếng nói ôn hòa thực thi nhân quyền căn bản tại Việt Nam không bị quốc tế lãng quên. Chúng tôi cũng tiếp tục vận động các nhà ngoại giao nước ngoài trong các cuộc hội đàm với giới chức Việt Nam phải nêu bật vấn đề nhân quyền tồi tệ của Hà Nội và yêu cầu họ cải thiện nếu muốn các quyền lợi từ quốc tế.”

Làn sóng bắt bớ về tội danh ‘lạm dụng quyền tự do dân chủ’ vẫn tiếp diễn tại Việt Nam, theo cảnh báo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp, và dường như có phần liên tục, mạnh tay hơn sau khi Hà Nội được Washington tháo dỡ một phần lệnh cấm vận võ khí hồi tháng 10 năm nay.

Trước phản ứng của quốc tế, chính phủ Việt Nam nhiều lần khẳng định không có tù nhân lương tâm, không bắt giam người bất đồng chính kiến, mà chỉ có những ai vi phạm pháp luật Việt Nam mới bị xử lý.



No comments:

Post a Comment