Saturday, December 27, 2014

Nguyễn Văn Chưởng bị tòa án VN kết án tử hình trái pháp luật (Ts Cù Huy Hà Vũ)





Ts Cù Huy Hà Vũ
Tác giả gửi tới Dân Luận
Thứ Bảy, 27/12/2014

Cũng như bất cứ chế độ độc tài nào, chính quyền cộng sản Việt Nam tồn tại dựa trên đàn áp các quyền con người. Điều này có nghĩa oan, sai mà chính quyền gây ra cho người dân là chuyện đương nhiên, kể sao cho xiết. Vấn đề ở chỗ những người có lương tri không thể chỉ bằng lòng với việc lên án sự tàn bạo của chế độ cộng sản mà cần phải ra tay đẩy lùi để đi tới triệt tiêu nó, mỗi người theo cách của mình. Chỉ còn một tuần nữa thôi, khi cả thế giới hồ hởi đón Giáng Sinh và Năm mới 2015 trong đầm ấm của gia đình xum họp thì ông Nguyễn Trường Chinh và bà Nguyễn Thị Bích - bố mẹ của tử tù Nguyễn Văn Chưởng - rất có thể sẽ buốt giá giữa lòng Hà Nội mà đón nhận hung tin vì họ đã được các cơ quan tư pháp báo là Chưởng sẽ bị hành quyết vào cuối tháng 12 này, cho dù họ đã gào oan cho đứa con của họ bằng máu của mình trong đơn gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho dù phản đối bản án tử hình này đã dậy sóng từ trong nước ra ngoài nước...

Tối ngày 14/7/2007, một thiếu tá công an tên Sinh bị chém chết tại Hải Phòng. Công an sau đó đã bắt Nguyễn Văn Chưởng và hai người khác tên Hoàng và Trung vì cho rằng những người này là thủ phạm của vụ giết viên công an này. Thế nhưng đã có một số người xác nhận rằng vào tối xảy ra án mạng Chưởng đang có mặt tại quê nhà ở Hải Dương, cách Hải Phòng 40 km. Mặc dầu vậy, cả tòa án sơ thẩm lẫn tòa án phúc thẩm đều tuyên tử hình đối với Chưởng với tư cách là chủ mưu vụ giết người.

Quan điểm của tôi là mọi tội ác phải bị trừng trị thích đáng và tôi có lời chia buồn với thân nhân của công an Sinh. Tuy nhiên kẻ thủ ác chỉ có thể được xác đinh trên cơ sở luật pháp. Nói cách khác, kết tội ai đó không theo pháp luật chính là tội ác. Tôi khẳng định tòa án Việt Nam đã tuyên tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng trái pháp luật, cụ thể là trái Hiến pháp và Bộ Luật tố tụng hình sự (BLTTHS) với chí ít năm căn cứ sau đây.

Thứ nhất, các cơ quan tiến hành tố tụng đã sử dụng lời nhận tội của Nguyễn Văn Chưởng được thu thập trong quá trình Chưởng bị công an điều tra tra tấn để làm chứng cứ kết tội.
Điều 64 BLTTHS quy định: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định”.

Điều 6 BLTTHS quy định: “Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình”. Đó cũng là tinh thần của Điều 71 Hiến Pháp 1992 (Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình công dân) và Điều 20 Hiến Pháp 2013 hiện hành (Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe).

Như vậy, cho dù nghi can không nhận tội nhưng với những chứng cứ được thu thập một cách khách quan, theo đúng quy định của BLTTHS các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền xác định nghi can phạm tội. Ngược lại những lời khai hay nhận tội của nghi can hoặc của những người khác được thu thập trong khi những người này bị tra tấn (nhục hình) hoàn toàn không có giá trị pháp lý đồng nghĩa không thể được sử dụng làm chứng cứ.

Tại cả phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm, Chưởng và hai bị can khác đều khai họ đã bị công an điều tra ép cung, dụ cung, đặc biệt đánh đập gây thương tích và họ đã phải nhận tội do chịu đau không nổi. Để chứng minh bản thân đã bị tra tấn, Chưởng khai là giám thị trại giam Trần Phú đã lập Biên bản xác định thương tích trên người Chưởng với sự chứng kiến của y sĩ trại giam. Hoàng khai bị công an điều tra đốt bộ phận sinh dục. Vụ Nguyễn Thanh Chấn bị công an tra tấn đến mức phải nhận tội giết người mà bản thân không là thủ phạm để rồi sau đó bị kết án tử hình vẫn sờ sờ kia!

Do đó việc các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng những lời khai, lời nhận tội của Chưởng và của các bị can khác để kết tội những người này là hoàn toàn trái với quy định về thu thập chứng cứ của BLHS, đồng nghĩa những lời khai, nhận tội này không có giá trị pháp lý và vì vậy không thể được sử dụng làm chứng cứ.

Thứ hai, Tòa án xác định Nguyễn Văn Chưởng đã nhận tội trong khi Chưởng đã phản cung.
Tòa án đã “căn cứ vào sự phù hợp giữa lời khai của các bị cáo với lời khai người làm chứng, phù hợp với vật chứng” để kết tội Nguyễn Văn Chưởng. Tuy nhiên nhận định này của Tòa án là hoàn toàn mang tính áp đặt bởi lẽ lời nhận tội của Chưởng thu thập trong quá trình Chưởng bị tra tấn không phải là chứng cứ như trên vừa chứng minh. Hơn thế nữa, tại tòa Chưởng đã phản cung, khẳng định mình không có hành vi phạm tội, điều này có nghĩa lời nhận tội trước đó của Chưởng đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn.

Thứ ba, Tòa án đã không triệu tập những người xác nhận ngoại phạm cho Nguyễn Văn Chưởng đến tham dự phiên tòa.

Điều 10 BLTTHS quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.

Khoản 1 Điều 55 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”.

Điều 65 BLTTHS quy định: “1/ Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án; 2/ Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”.

Như vậy, người làm chứng có thể là người làm chứng buộc tội và người làm chứng gỡ tội. Do đó việc tòa án đã không triệu tập Trần Quang Tuất, Lục Thị Nhiễu, Vũ Thị Mến, Trịnh Xuân Trường, Phạm Văn Khương, Trịnh Xuân Rình là những người xác nhận sự ngoại phạm của Chưởng tham gia tố tụng là hoàn toàn trái các quy định pháp luật nói trên.

Hẳn là để biện minh cho việc không triệu tập những người làm chứng gỡ tội cho Chưởng nên tòa sơ thẩm đã liệt luôn những người này vào hàng “tội phạm” khi tuyên bố “Đối với Trần Quang Tuất, Lục Thị Nhiễu, Vũ Thị Mến và Trịnh Xuân Trường, có hành vi cùng Nguyễn Trọng Đoàn viết giấy xác nhận để cung cấp tài liệu sai sự thật cho bị cáo Chưởng ngoại phạm, Cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ xử lý sau”. Thế nhưng quan điểm này của tòa án là phản pháp luật vì tòa án không có quyền xác định việc cung cấp tài liệu chứng minh ngoại phạm của Chưởng là “cung cấp tài liệu sai sự thật” một khi hành vi này không được làm rõ tại phiên tòa đồng nghĩa sự có mặt tại phiên tòa của những người cung cấp tài liệu nói trên là bắt buộc. Đó là chưa nói tới việc bị can, bị cáo hay tù nhân đi chăng nữa thì cũng đều có quyền ra tòa làm chứng.

Cũng cần nói thêm rằng việc các cơ quan tiến hành tố tụng bắt giam, truy tố và xử tù Nguyễn Trọng Đoàn là em ruột của Chưởng về hành vi “che dấu tội phạm” của Chưởng trong cùng vụ án với Chưởng là hoàn toàn trái pháp luật. Thực vậy, Điều 9 BLTTHS quy định: “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật”, điều này có nghĩa Đoàn chỉ có thể bị truy cứu về “Tội che dấu tội phạm” sau khi Chưởng đã bị tòa phúc thẩm xác định là có tội. Để nói việc truy cứu hình sự Đoàn không nằm ngoài ý đồ của công an đe dọa những người đã xác nhận ngoại phạm cho Chưởng để họ rút lời khai có lợi này cho Chưởng.

Tóm lại, việc tòa án loại bỏ những người xác nhận ngoại phạm cho Chưởng ra khỏi tố tụng chỉ có thể là hành vi khép Chưởng vào tội cho bằng được.

Thứ tư, công an điều tra đã không cho luật sư thực hiện việc bào chữa Nguyễn Văn Chưởng đúng thời hạn như luật định.

Khoản 4 Điều 56 BLTTHS quy định: “Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của người bào chữa kèm theo giấy tờ liên quan đến việc bào chữa, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án phải xem xét, cấp giấy chứng nhận người bào chữa để họ thực hiện việc bào chữa. Nếu từ chối cấp giấy chứng nhận thì phải nêu rõ lý do”. Thế nhưng các luật sư bào chữa cho Chưởng là luật sư Nguyễn Đức Quang, luật sư Hà Thị Thanh, luật sư Chu Văn Chiến, luật sư Phạm Hoàng Việt, luật sư Hoàng Văn Quánh đã không được công an điều tra cấp giấy bào chữa trong thời hạn 3 ngày mà phải ít nhất hai tháng sau mới được cấp. Rõ ràng việc công an điều tra cấp giấy bào chữa cho luật sư của Chưởng quá chậm trễ như vậy chỉ có thể là nhằm kéo dài thời gian tra tấn Chưởng để không những lấy được lời “nhận tội” của Chưởng mà còn triệt tiêu ý muốn phản cung hay kêu oan của Chưởng khi gặp luật sư.
Thứ năm, các cơ quan tiến hành tố tụng cố ý để lọt tội phạm

Điều 1 BLTTHS quy định: “Không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội”. Điều 10 BLTTHS còn quy định: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội”.

Do đó việc các cơ quan tiến hành tố tụng đã cố ý không làm rõ đôi dép cỡ 42 và một khẩu trang bỏ lại ở hiện trường là của ai chẳng những đã “không xác định sự thật một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ” mà còn là hành vi “cố ý để lọt tội phạm” hay cố ý loại bỏ những chứng cứ về khả năng vô tội của Nguyễn Văn Chưởng.

Vấn đề còn lại là cần tìm hiểu tại sao tư pháp Việt Nam lại bất chấp pháp luật, tức quyết tâm tử hình Nguyễn Văn Chưởng đến như vậy.

Báo Đời sống và Pháp luật số ra ngày 05-11-2014 trong bài “Tướng Đỗ Hữu Ka kể chuyện phá án và ngày ăn một gói mỳ” ghi lại lời kể của người đứng đầu cơ quan điều tra vụ sát hại thiếu tá công an Sinh cho biết: “Nhìn lại vụ án trên, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ka tâm sự: ‘Sau ngày xảy ra vụ án, tôi mất ăn mất ngủ, có ngày chỉ ăn một gói mì tôm. Cả tháng trời, tôi nhốt mình trong phòng làm việc, không về nhà. Đó không còn là ý thức điều tra tội phạm, mà là tình anh em. Nếu không tìm ra hung thủ thì đó là một món nợ với chính cấp dưới của mình’”! Thế là quá rõ: mong muốn trả thù cho “người anh em” cùng sắc phục công an đã khiến tướng công an Ka đạp lên pháp luật về điều tra tội phạm để sớm tìm và buộc tội một ai đó, mà trong trường hợp này là Chưởng, làm vật tế “người anh em”!

Nếu như tướng công an Ka vì “thù nhà” mà dùng các thủ đoạn bất hợp pháp như tra tấn để khép tội Nguyễn Văn Chưởng cho bằng được thì tại sao viện kiểm sát cũng như tòa án cũng bất chấp pháp luật như vậy? Hỏi tức trả lời: hai cơ quan tư pháp này nói riêng, chính quyền Việt Nam nói chung, đều chịu “sự lãnh đạo” của Đảng cộng sản Việt Nam trong khi đảng này cưng công an hơn thảy bởi công an “chỉ biết còn Đảng còn mình”!

Bất luận thế nào thì “Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật” như Hiến pháp Việt Nam hiện hành quy định tại Điều 19. Vì vậy, bản án tử hình trái pháp luật đối với Nguyễn Văn Chưởng phải bị hủy bỏ ngay lập tức để điều tra lại vụ án.

Tôi tin rằng Công Lý và Quyền Con Người sẽ chiến thắng, ông Chinh và bà Bích sẽ còn được gặp Nguyễn Văn Chưởng của ông bà sau giao ban sắp tới giữa năm cũ và năm mới.



No comments:

Post a Comment