Friday, December 26, 2014

CÙNG TRẢ NỢ “NHÂN TÂM” CHO BỌ LẬP (Trần Quí Cao - Nhật Báo Ba Sàm)





Trần Quí Cao
Posted by adminbasam on 26/12/2014

Bài của tác giả Võ Thị Hảo “Lẽ Nào Người Việt Nam Không Nợ Tiền Đò Sự Thật?” (1) viết về sự kiện nhà văn Nguyễn Quang Lập, tức Bọ Lập, bị bắt, và về các phản ứng của xã hội sau sự kiện đó, đối với tôi, là một bài chuyển tải nhiều lí lẽ và cảm xúc.

Chị Võ Thị Hảo, cùng quan điểm với một số tác giả khác, cho rằng Bọ Lập bị nhà cầm quyền bắt vì ông đã tình nguyện lấy trang Blog Quê Choa của mình làm “con thuyền chuyên chở Sự Thật”. Và chị hỏi, có ai trong số trên một trăm triệu lượt người đọc trang Quê Choa thấy mình nợ tiền đò Sự Thật của Bọ Lập hay không. Những người này đã làm gì để trả món “nợ nhân tâm” này?

Sau khi Bọ Lập bị bắt, đã có các bài viết trên mạng, và các thể hiện khác, của nhiều người, đòi trả tự do cho Bọ Lập hay phân tích nguyên nhân của việc bắt bớ. Nhìn chung, các bài viết này cho rằng Bọ Lập vô tội, Bọ Lập là người hiền lành, lương thiện, có dũng khí, có sĩ khí, có trách nhiệm, có tâm huyết với đất nước, dân tộc… Lược qua các trang mạng ôn hòa và không thuộc chính phủ, người ta thấy sự bất bình đã lan rộng hơn và được nâng lên một mức độ cao hơn.  

Đã lại có những phong trào, những vận động chữ kí đòi trả tự do cho Bọ Lập. Cho tới ngày 23/12/2014 phong trào Yêu Cầu Trả Tự Do Cho Nhà Văn Nguyễn Quang Lập Tức Blogger Quê Choa đã thu thập trên 1.400 chữ kí. Chú ý rằng trong chế độ độc đảng và toàn trị, báo chí, luật pháp, công an, quân đội nằm trong tay đảng độc tài, đã có biết bao các bắt bớ đàn áp vô lí một cách ngang nhiên, biết bao cái chết khi bị công an bắt về trụ sở, biết bao bản án bỏ túi sẵn, biết bao truy bức, tận diệt cơ hội làm việc, cơ hội cư trú, truy bức tới tận con cái của họ, những người bất đồng ý kiến chính trị ôn hòa… thì con số những người tham gia kí tên công khai đòi trả tự do cho Bọ Lập là một hành vi can đảm, rất can đảm.

Nếu chúng ta tính rằng một người kí tên giữa lòng xã hội bị khủng bố bởi chế độ độc tài toàn trị, về mặt số lượng, tương đương với một ngàn chữ kí trong lòng xã hội dân chủ pháp trị, thì con số chữ kí thu thập được đã là trên một triệu bốn trăm ngàn (1.400.000) đòi tự do cho Bọ Lập (thực lòng tôi tin rằng con số này có thể nhiều lần hơn thế nữa nếu sự thu thập chữ kí được tiến hành trong một xã hội thực sự Dân Chủ và Văn Minh).

Như vậy, ngoài những người can đảm kí tên công khai, tôi tin rằng có rất nhiều người không kí tên nhưng đồng tình rằng chính quyền không tôn trọng luật pháp (vốn đã rất mù mờ và thiếu lí lẽ của Việt Nam), rằng việc bắt bớ thể hiện tính bất nhân, bất nghĩa, bạo ngược với người dân lương thiện. Các bàn tán xôn xao trong quán cà phê, ngoài sân trường, trong văn phòng làm việc… tại các thành phố lớn như Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Biên Hòa…

Như vậy, dù Bọ Lập không yêu cầu trả tiền đò, số người sẵn sàng góp sức cho Bọ Lập không ít. Tôi tin rằng đây là số đông có ý nghĩa. Nó tạo nên một cái biển mênh mông nâng đỡ trên mặt nước của nó những con người dũng cảm lao tới như những con tàu xung kích. Bất Mãn, Phê Phán, Lí Luận của số đông đó sẽ thấm sâu, lan rộng để tới ngày kia thành Quan Điểm Công Chúng. Quan Điểm Công Chúng sẽ tạo nên Phong Trào Công Chúng, Hành Động Công Chúng xóa bỏ bất công để thiết lập công bằng, xóa bỏ chậm tiến để thiết lập văn minh, xóa bỏ phi nhân để thiết lập nhân bản, xóa bỏ độc tài toàn trị để thiết lập dân chủ pháp trị…

Cũng xin thưa rằng, dù khâm phục lòng can đảm của những người kí tên công khai, người viết không hề cho rằng những người không kí tên là không can đảm hay hèn nhát. Mỗi người lựa chọn cho mình cách thức phản ứng mà họ thấy hữu hiệu nhất, hay thích hợp với hoàn cảnh của họ nhất. Nếu chúng ta cùng trân trọng một mục tiêu chung, chúng ta sẽ trân quí các ủng hộ cho mục tiêu đó, dù mỗi ủng hộ có các chiến lược khác nhau, hình thức khác nhau.

Tôi tin rằng đối với đa số các người đấu tranh, mục tiêu trước mắt của phong trào là vì Bọ Lập. Vì một con người vì đấu tranh cho các giá trị Tự Do, Dân Chủ, Pháp Trị một cách quả cảm và lương thiện mà bị đàn áp vô lý và tàn nhẫn. Mục tiêu xa hơn là góp sức bảo vệ các con thuyền chuyên chở Sự Thật. Càng có đông những con thuyền này thì trình độ Dân Trí càng được nâng cao, dân chúng không dễ bị bịt mắt hay bị lừa dối nữa. Lúc đó sự nghiệp xây dựng xã hội Tự Do, Dân Chủ, Pháp Trị thực sự chính danh mới đạt các mục tiêu quan trọng hơn.

Cho nên tôi rất vui đọc các bài viết của các tác giả như Phạm Chí Dũng, Hà Sĩ Phu, Mai Tú Ân, Nguyễn Thị Từ Huy, Huy Đức… Và tôi cũng rất được khuyến khích khi theo dõi các hoạt động yêu cầu trả tự do cho Bọ Lập như của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền Thế Giới hay của phong trào thu thập chữ ký Yêu Cầu Trả Tự Do Cho Nhà Văn Nguyễn Quang Lập Tức Blogger Quê Choa. Trong tinh thần đó, tôi đón nhận lá thơ ngỏ của các GS. Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, Vũ Hà Văn như một góp sức cho phong trào này.

Mỗi người, mỗi nhóm có văn phong riêng, có chiến lược trình bày riêng, chiến lược tranh đấu riêng… Xin cùng hoan nghênh tất cả các góp sức hướng tới mục tiêu chung. Lá thơ ngỏ của ba GS nói trên có thể dùng một văn phong, một lập luận không giống văn phong và lập luận của những người khác thì cũng xin đừng vì đó mà công kích, mà suy đoán và qui chụp. Mục tiêu của lá thơ rất rõ ràng: yêu cầu trả tự do cho Bọ Lập.

Lúc này, trong tâm trạng của một người mong mỏi sự công bằng cho Bọ Lập, tôi cảm nhận một niềm vui thêm khi có thêm một người lên tiếng cho mục tiêu này, và cảm nhận một nỗi buồn, nỗi lo khi có những công kích lẫn nhau giữa những người bênh vực Bọ Lập. Có là phung phí nguồn lực không, khi những người cùng mục tiêu, thay vì hợp lực, lại tự tạo nên đối lực khiến phong trào không đủ sức mạnh như mong muốn?

Thực ra, vấn đề Bọ Lập không chỉ nằm trong cá nhân Bọ Lập. Một nhà văn, một thư sinh đau yếu, có quan điểm chính trị xã hội độc lập và ôn hòa, nổi tiếng vì văn tài và trang blog có nhiều người truy cập. Nếu không tiềm chứa mối nguy hiểm thật sự thì không nhà cầm quyền nào động tới con người như vậy.

Mối nguy hiểm đó là gì?

Là Sự Thật trang Blog chuyên chở?

Là số lượng độc giả rất đông đảo đang đọc, thảo luận các Sự Thật đó?

Là số lượng dân oan mất đất đang gào thét khắp nơi? Là những án oan, những bức cung, những nạn nhân bị đánh chết trong đồn công an ngày càng nhiều và càng khó giấu diếm hơn?

Là những tổ chức xã hội, dù yếu ớt vì bị cấm đoán và đàn áp, đang lớn mạnh về số lượng và chất lượng hoạt động, đang lên tiếng nói và hành động vì tiến bộ xã hội, phản kháng đàn áp, bênh vực bất công, đòi các quyền tự do căn bản cho dân chúng?

Là các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ, biển đảo của Việt Nam, là các giàn khoan ngang ngược đã và sẽ cắm thêm nữa vào thềm lục địa tổ quốc, là đường lưỡi bò chín đoạn, là các căn cứ quân sự Trung Quốc xây dựng trên lãnh thổ Việt Nam họ vừa chiếm được còn tươi màu máu quân ta, là oan hồn 64 chiến sĩ đảo Gạc-Ma chết tức tưởi vì lệnh buông vũ khí khi giặc tràn tới, là nỗi uất ức của hàng chục ngàn chiến sĩ và dân chúng biên thùy phía Bắc bị quân Trung Quốc xâm lăng sát hại dã man và đau đớn thay, bị chính những kẻ đồng bào cam tâm thần phục giặc, vùi chôn, xóa sạch dấu tích bi hùng của Việt Nam trước sự tàn ác của giặc dữ?

Là các tin tức ngày càng phơi bày trước công chúng về công hàm nhượng đất của thủ tướng Phạm Văn Đồng, về các thỏa thuận Thành Đô mà những chứng nhân ghi lại rằng qua đó lãnh đạo Việt Nam quì gối trước thiên triều Trung Cộng, mà căm phẫn thay, trước những câu hỏi quang minh chính đại của các tầng lớp nhân dân, tới nay chính quyền Việt Nam vẫn không thèm và không dám lên tiếng trả lời?

Là tin tức và hình ảnh của các tài sản hoành tráng và sang trọng, của các vụ tham nhũng ngày càng lớn hơn và càng ngang ngược một cách công khai hơn của những quan chức nhà nước và đảng viên ở tất cả các cấp độ từ xã, huyện, tới tỉnh, trung ương, bộ chính trị đảng Công Sản Việt Nam…?

Là xu hướng chung của thế giới ngày càng liên kết nhau trên các tiêu chuẩn chung về Dân Chủ, Tự Do và Pháp Trị, về Quyền Con Người?

Là các khó khăn dồn dập của những chế độ độc tài mang hơi hướm hay khoác bộ áo Xã Hội Chủ Nghĩa còn sót lại trên thế giới mà chính quyền Công Sản Việt Nam đang mong muốn dựa dẫm, cầu viện? Các chế độ mà bên ngoài thì hung hăng lấn chiếm lân bang, thực thi chính sách ngoại giao tráo trở, bên trong thì áp đặt nền cai trị độc tài áp bức? Là sự rung rinh của chế độ Putin và các nguy cơ phản kháng xã hội tiềm ẩn của chế độ Cộng Sản Trung Hoa?

Người viết nghĩ rằng mỗi thứ một chút, tất cả các điều nói trên đều góp phần vào quyết định bắt giam Bọ Lập. Bởi vì những điều đó đang là nỗi sợ hãi ngày càng lớn của chính quyền.
Chị Võ THị Hảo ơi, những người đọc blog Quê Choa đang trả tiền đò đây. Công khai hay thầm lặng, thụ động hay chủ động. Dân chúng thì xôn xao, cười chê, khinh bỉ. Người đấu tranh cho Tự Do Dân Chủ thì quyết tâm hơn. Nhiều đảng viên bình thường bàn tán chê bai và xa lánh đảng Cộng Sản Việt Nam. Nhiều đảng viên cao cấp đang có tiếng nói từ bên trong, không chỉ đòi trả tự do cho Bọ Lập mà còn đòi môt đất nước dân chủ hơn, đoàn kết dân tộc hơn để phát triển tổ quốc giàu mạnh và bảo vệ chủ quyền trước họa xâm lược rất rõ ràng của Trung Hoa.

Những người đang trả tiền đò, trong cuộc sống bình dị và thầm lặng, bằng cách thảo luận và vạch rõ rằng chính thể độc tài và toàn trị này, chính thể đã bắt giam Bọ Lập, đã từ rất lâu ở vị trí đối lập với Nhân Dân, phản bội lại Tổ Quốc, đi ngược chiều tiến hóa Dân Chủ Văn Minh. Và, trong khi tầng lớp cầm quyền căm ghét và thù địch với các biến chuyển đương nhiên xã hội, thì con số đảng viên tin rằng diễn biến hòa bình sẽ tự nhiên đến như một phát triển tất yếu đang ngày càng đông đảo! Đó chẳng phải là món “tiền đò” mà nhà văn Nguyễn Quang Lập mong muốn thu lại nhay sao?

(1) Võ Thị Hảo. Lẽ Nào Người Việt Nam Không Nợ Tiền Đò Sự Thật?. Trang AnhBaSam, posted ngày 19/12/2014.



No comments:

Post a Comment