Monday, December 29, 2014

Bất an của nhân dân và sợ hãi của nhà cầm quyền (Kính Hòa - RFA)





Kính Hòa, phóng viên RFA
2014-12-25

Bất an

Vinh danh thiên chúa trên trời,
Bình an dưới thế cho người thiện tâm
.

Hai câu cầu chúc trong ngày lễ giáng sinh được Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn trích dẫn, để sau đó dẫn tới sự tán thán về một nỗi buồn của ông trên trang FB:
Viết ra câu thứ hai làm tôi chợt phân vân… Trên trời thì không biết sao, chứ ở dưới đất (dưới trần) thì tôi thấy sao những người thiện tâm, đặc biệt là ở VN, có khi chẳng được bình an.

Mặc dù sự bình an là điều mong muốn của tất cả mọi người, như cây bút Trịnh Khả Nguyên viết trên trang blog Bauxite Việt Nam:
“Bình an dưới thế” là mong ước chung của mọi người. Ai cũng muốn có một cuộc sống an lành, một gia đình hòa thuận, một xã hội công bình, một môi trường trong sạch. Không ai muốn bị bệnh hiểm nghèo, bị hoạn nạn, bị đối xử bất công, bị vu oan giá họa. Ngay những người ít thiện tâm, hay làm điều ác cũng muốn mình, gia đình mình, người thân của mình được an khang thịnh vượng.”

Những người lo lắng cho sự bất an đang đổ dồn ánh mắt về người tử tù Nguyễn Văn Chưởng mà bản án vốn gây nhiều tranh cãi. Theo bản án này thì ông Chưởng sẽ bị tử hình vào cuối năm nay. Cha mẹ và gia đình ông thì cứ nhất mực kêu oan rằng ông vô tội. Các lời buộc tội, các tang chứng tại tòa đều không mang tính thuyết phục là ông Chưởng đã phạm tội giết người.

Một vụ án tử hình khác cách đây không lâu được dừng lại. Người tử tù Hồ Duy Hải may mắn được công luận chú ý và vụ án bị ngưng để tái điều tra, cũng vì lý do những chứng cứ rất mù mờ, không thuyết phục được rằng ông Hải đã gây án.

Hai nghi án được các blogger bàn đến trong thời gian chưa đầy một tháng làm tăng nỗi bất an trong một xã hội mà nhiều người cho rằng có sự song hành giữa sự mất hiệu quả của nền công lý, và sự gia tăng bạo lực trong xã hội. Người ta vẫn còn nhớ câu chuyện hồi năm ngoái người dân tại một ngôi làng nhỏ bắt giữ năm viên công an vì không hài lòng cái cách mà cơ quan công quyền quản lý địa phương họ. Nhiều người dân bị chết do sự bạo hành của công an, và ngay cả lực lượng công an cũng không khỏi bị đe dọa bởi bạo lực.

Nhà văn Phạm Đình Trọng có nói với chúng tôi trong một lần trao đổi rằng xã hội Việt Nam đang bị đe doạ bởi bạo lực khi người ta đối xử với nhau bằng bạo lực vì người ta không còn tin ở công lý, và một phần quan trọng hơn là cơ quan công quyền hay dùng bạo lực để hành xử. Người ta nói nguyên nhân của điều đó không ở đâu xa lạ mà xuất phát từ nguyên tắc sử dụng bạo lực cách mạng.

Tính bạo lực đó được blogger Cánh Cò nhớ lại trường hợp của nhà văn Nguyễn Quang Lập vừa bị bắt, cũng như trường hợp viên tướng công an tên là Thanh bị đưa ra trước tòa dù đang bị trọng bệnh:
Người cộng sản rất giỏi nói tiếng nhân đạo nhưng việc làm thì ngược lại hoàn toàn. Khập khiễng như Bọ nhưng vẫn còn đi được thì còn vào tù. Nằm liệt trên cáng như tướng Thanh vẫn bị khiêng ra tòa nghe xử án. Đây là cách chứng tỏ quyền lực tuyệt đối, tuyệt đối đến vô nhân đạo của chế độ vốn đi lên từ bạo loạn.

Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn thuật lại những điều buồn lòng của ông khi ông là nạn nhân của những bạo lực ngôn từ của những người dân bình thường, đến nổi ông phải trích một câu nói của người xưa rằng Bạc như dân, bất nhân như lính!

Ông Vương Trí Nhàn có lẽ là một trong những cây bút hiếm hoi nói ngược lại cái mỹ từ nhân dân vốn được ngôn ngữ chính thống nâng niu bấy lâu nay. Ông nêu nguyên nhân của việc đó là từ sự suy thoái của chính cơ quan công quyền:
Trước mặt người dân lúc ấy, lý tưởng như bị xúc phạm. Người ta không thể thờ ơ và dễ bảo mãi. Về mặt triết học có thể bảo con người bắt đầu rơi vào hư vô. Chúa đã chết rồi! Ai muốn làm gì thì làm! Bởi cảm thấy trên đời này không còn cái gì là thiêng liêng, họ rơi vào liều lĩnh phá phách một cách hung hãn. Những cái xấu sẵn có mà bấy lâu họ kìm nén, được lúc vùng lên quẫy lộn. Tự cho phép mình hư! Nhìn nhau để yên tâm mà hư! Khuyến khích nhau hư thêm, càng đông người hư càng thích! Sự bùng nổ lúc này là theo lối dây chuyền, không gì có thể giữ con người lại nữa.

Quyền lực

Bàn về những người cầm quyền hiện nay, Blogger Cánh Cò viết rằng các vị chức sắc chính quyền hiện nay phát biểu như thánh, nhưng lại rỗng như một chiếc giếng khô. Còn giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thì nhận định về những lời phát biểu gần đây của các quan chức hàng đầu Việt Nam:
Họ không nói được cái gì cụ thể, mà chỉ xoay quanh các khẩu hiệu quen thuộc, kiểu như ‘dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…’ những bài nói chuyện của lãnh đạo VN rất khó gần với người dân do ngôn ngữ cứng đơ và kém thân thiện, và cách họ triển khai bài nói chuyện quá xa rời công chúng.

Đằng sau những lời nói đó lại đang diễn ra một cuộc đấu đá quyền lực khốc liệt bên trong đảng cầm quyền được mô tả trong bài nhận định tình chính trị mới nhất của blogger Kami. Theo blogger này thì hội nghị trung ương của đảng cộng sản Việt Nam năm nay diễn ra rất muộn màng. Lẽ ra nó đã được tổ chức trước kỳ họp quốc hội để có thể ra những chỉ đạo theo nguyên tắc đảng lãnh đạo. Nhưng nay Quốc hội đã bế mạc phiên họp thường kỳ mà dường như việc họp hội nghị trung ương vẫn chưa ngã ngũ. Trong một lần trao đổi với chúng tôi mới đây, Giáo sư Vũ Tường có nhận định rằng quyền lực trong đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam hiện nay rất chia rẽ với những phe nhóm lợi ích khuynh đảo chính trường và lợi ích của quốc gia.

Sợ hãi

Nhạc sĩ, blogger Tuấn Khanh khi viết về người tử tù Nguyễn Văn Chưởng có đề cập đến một chuyện trớ trêu là ông Chưởng bị giam trong một trại giam mang tên Trần Phú, người Tổng bí thư đầu tiên của đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trần Phú bị thực dân Pháp dùng nhục hình giết chết. Nay Tuấn Khanh thấy rằng giờ đây người Việt lại đang thừa kế những gì mà họ lên án, và những điều đó đã từng được dùng như duyên cớ để lật đổ một chế độ là chế độ thực dân Pháp.

Giải thích điều trớ trêu đó Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng vì những người cầm quyền sợ sự thật như kẻ gian sợ ánh sáng. Đó cũng là điều mà nhiều blogger cho là nguyên nhân mà ông Nguyễn Quang Lập bị bắt vì ông mong làm người chuyên chở sự thật đến cho người đọc.

Facebooker Mai Tú Ân viết rằng chính nỗi sợ ấy làm cho hố ngăn cách giữa những người cai trị và những người bị trị ở Việt Nam ngày càng xa cách:
Không dám đối diện với người dân của mình, chính quyền ngày càng tỏ ra khinh thường người dân của mình, cùng với nỗi sợ hãi hoang tưởng đặc trưng của một kẻ có lỗi với người dân của chính mình.
Chính quyền đang tự mở ra cái hố sâu ngăn cách, hay một mặt trận đối nghịch, đối đầu vô lý giữa lòng một quốc gia đang cần sự đoàn kết và hòa giải hơn là sự đối đầu.

Vì đâu nên nỗi

Đi tìm kiếm nguyên nhân của sự bất an của người dân, và sự sợ hãi của nhà cầm quyền, nhà khoa học Tô Văn Trường viết:
Quản trị một quốc gia, thực ra có yếu kém, bê bết thì mới “sợ dân chủ” – người cha trong gia đình khi không còn có thể tương thích với con cái bằng lời thì sẽ dùng roi vọt – khác nào là đã “tự thú” về sự bất lực của mình!

Những nhà lãnh đạo Việt Nam không phải không nói đến những yếu kém của hệ thống điều hành đất nước hiện tại, nhưng họ lại cho rằng chẳng qua là do cán bộ đã không thực hiện được một cách đúng đắn, chủ nghĩa cộng sản, hay những nguyên tắc của Lenin. Giáo sư Tô Văn Trường phản bác điều đó:
Vấn đề không phải là hiểu sai hay không thực hiện đúng chủ nghĩa Lênin mà ở chỗ chọn chủ nghĩa Lênin là sai lầm. Đi theo chủ nghĩa Lênin là từ bỏ Đệ nhị quốc tế, để theo Đệ tam quốc tế, và thực tế là theo chủ nghĩa Lênin-Stalin với những hệ luỵ độc tài, toàn trị tai hại. Mấy thập kỷ qua cho thấy các nước xây dựng chủ nghĩa xã hội theo xu hướng Đệ nhị quốc tế tức là trên nền tảng dân chủ như Thụy Điển thì trái lại đều thành công.
Trong bất kỳ một cuộc lột xác thay đổi nào đều không tránh khỏi nỗi đau đớn về thể xác và tinh thần. Mục tiêu tối thượng phải tránh được đổ máu làm hao tổn hiền tài và nguyên khí quốc gia. Muốn tránh được điều này, phải thay đổi thể chế, đoàn kết dân tộc và thực hiện dân chủ.

Yêu cầu của ông Tô Văn Trường cũng được nhiều trí thức Việt Nam lên tiếng trong thời gian gần đây. Nhưng cũng có những lời đồn đoán rằng chính những đề nghị thay đổi tận gốc đó đã làm đảng cộng sản không hài lòng và kết quả là nhiều nhà những vụ bắt bớ đã xảy ra.
Khi không chấp nhận sự thay đổi thể chế, dường như nhà cầm quyền lại đang loay quay, bế tắc. Một ông Thứ trưởng đương chức lên tiếng với báo giới rằng Chúng đa đi mà không biết đi về đâu!

Trong không khí bất an và dường như bế tắc đó, blogger, nhạc sĩ Tuấn Khanh khuyên mọi người nên hy vọng:
Nhưng tôi và bạn không thể không nói, không thể không hy vọng. Phần nhân tính ít nhất mà bạn có, dù bất lực, là phải ghi nhớ. Ít ra, mai sau chúng ta vẫn có thể đứng dậy và trở thành nhân chứng đáng giá của thời cuộc. Nhân chứng của sự thật dù trãi qua rêu phong. Dù chỉ làm một tiếng chuông cô độc, vẫn hơn là hoà tan mình, thoả hiệp trong đêm tối vô tận không thức tỉnh.

Hy vọng những oan án được cởi bỏ, hy vọng xã hội thoát khỏi sự bất an, hy vọng nhà cầm quyền đừng sợ hãi người dân, hy vọng họ biết con đường phải đi là đâu.

Hy vọng là lời chúc tốt lành đến với mọi thính giả trong mùa Giáng sinh và năm mới.





No comments:

Post a Comment