Saturday, November 8, 2014

Từ sự sụp đổ của Bức tường Berlin đến sự tan rã của Liên bang Xô viết : những cột mốc đáng nhớ (Lâm Bình Duy Nhiên)



Lâm Bình Duy Nhiên
Thứ Bảy, 08/11/2014

Bức tường Berlin là một vết nhơ trong lịch sử nhân loại. Nó là biểu tượng của một cuộc chiến về ý thức hệ giữa hai khối tư bản và cộng sản. Trong cuộc Chiến tranh Lạnh ấy, ngoài những gì xảy ra tại Việt Nam, Triều Tiên hay Afghanistan thì bức tường chia cắt thành phố Berlin là một ví dụ tiêu biểu cho sự ngu muội, tàn nhẫn của một chế độ độc tài. Không đơn thuần là những viên gạch, bê tông hay rào sắt đã chia rẽ Berlin, mà chính là bạo quyền chính trị đã chia rẽ cả một dân tộc, đã chia rẽ cả thế giới. Dường như, không có sự chọn lựa cho những công dân xấu số trong một chế độ cộng sản. Sự tư do, dân chủ và tiến bộ bị chà đạp, nhường chỗ cho một học thuyết phi nhân bản, phi khoa học. Nhưng, bức tường Berlin không thể tồn tại lâu dài như thầm hy vọng những kẻ đã chủ mưu «sinh» ra nó, đơn giản vì khát vọng tự do, dân chủ và quyền con người đã chiến thắng mọi sự sợ hãi hay đàn áp của bạo lực. Có thể nói, sau cùng công lý cho một dân tộc chuộng tự do đã được tái lập. « Bức tường ô nhục » đã bị xoá bỏ, kéo theo sự sụp đổ của chính Liên bang Xô Viết, thành trì kiên cố của cách mạng, của nền chuyên chính vô sản, của chủ nghĩa cộng sản. Sự sụp đổ của bức tường Berlin vào đêm 9/11/1989 là một thời khắc quan trọng nhưng chắc chắn, sự cáo chung của Liên Xô mới chính là một biến cố vĩ đại nhất trong thế kỷ 20.
Trước những cơn sóng thiết tha đòi dân chủ của quần chúng trong năm 1989, chủ nghĩa cộng sản đã bị cuốn phăng tại các nước cộng sản Đông Âu. Bóng ma trên quảng trường Thiên An Môn hay sự đàn áp đẫm máu của quân đội Trung Quốc trước những cuộc biểu tình của sinh viên đã bóp chết mọi hy vọng gia nhập thế giới tự do của đất nước đông dân nhất hành tinh này, qua đó nhấn chìm khát vọng đổi mới tại Việt Nam. Những nhà lãnh đạo CSVN đã không biết nắm lấy thời cơ để đổi mới đất nước, ngược lại họ trở thành một thứ nô lệ hèn yếu của Bắc Kinh. Cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều chọn con đường độc tài để củng cố và bảo vệ chế độ thối nát, bất chấp những xu hướng tiến bộ hay đòi hỏi dân chủ của người dân. Như Gorbatchev đã từng nói với Erich Honecker : « Ai chậm chân, sẽ bị cuộc sống trừng phạt ». Chậm chân trong công cuộc dân chủ hoá sẽ bị trừng phạt bởi sự bất bình và phẫn nộ của dân tộc.
Bức tường Berlin sẽ mãi là một bài học vô giá cho nhân loại. Ở đó sự thông minh và sáng suốt của những nhà lãnh đạo, trong thời khắc quan trọng, đã biết thay đổi vận mệnh của cả một dân tộc. Bên cạnh đó, sẽ không có gì có thể chia rẽ hay ngăn chặn khát vọng Sống của nhân dân một đất nước, một khát vọng chân chính và hợp pháp.
Chắc chắn rằng Việt Nam sẽ không thể là một ngoại lệ. Một ngày không xa, « bức tường bảo thủ » của nhà cầm quyền cộng sản sẽ bị đập tan bởi chính lòng quả cảm của nhân dân Việt Nam.
Những cột mốc đáng nhớ

11/3/1985

Mikhaïl Gorbatchev, 54 tuổi, được bầu Tổng bí thư đảng cộng sản Liên bang Xô viết.


Mikhaïl Gorbatchev

8/12/1987
Mỹ và Liên Xô ký Hiệp ước giải trừ quân bị. Đây là lần đầu tiên, Liên Xô chấp thuận nhượng bộ thông qua việc tháo bỏ các tên lửa SS-20 được hướng về phía Tây Âu.

12/6/1987

Trong một bài diễn văn đọc tại Cổng Brandenburg (Tây Đức) cạnh Bức tường Berlin, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã nói : « Hãy phá đổ bức tường này ». Đây là câu nói có chủ ý nhắn nhủ Gorbatchev hãy mang lại tự do cho các quốc gia bù nhìn cộng sản Đông Âu.

2/1988

Gorbatchev quyết định rút quân ra khỏi Afghanistan. Một cuộc chiến được bắt đầu từ năm 1979 giữa chính phủ Afghanistan được ủng hộ bởi Liên Xô và lực lượng Mujahideen. Phe đối lập được sự hậu thuẫn của Mỹ. Đây cũng được xem như một cuộc xung đột vũ trang lớn sau cùng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Quân đội Liên bang Xô viết thực sự rút quân vào ngày 15/2/1989.

22/5/1988
János Kádár, người đã lên nắm quyền tại Hungary sau khi cuộc nổi dậy năm 1956 bị dập tắt, đã bị mất ghế Tổng bí thư đảng bởi Károly Grósz, một nhân vật trẻ trung, được ví như Gorbatchev của Hungary.

6/12/1988
Trước Liên Hiệp Quốc, Gorbatchev tuyên bố rút 50'000 Hồng quân ra khỏi Đông Âu. Tuyên bố trên được xem như một tín hiệu quan trọng trong việc không can thiệp bằng vũ lực của Liên Xô để bảo vệ các quốc gia vệ tinh tại Tây Âu.

19/1/1989
Tổng bí thư và Chủ tịch nước CHDC Đức, Erich Honecker đã tuyên bố tại Berlin : "Bức Tường sẽ đứng trong 50 thậm chí 100 năm, nếu các lý do cho nó không được giải quyết."


Erich Honecker

6/4/1989
Hội nghị Bàn tròn giữa chính phủ cộng sản Ba Lan và Công đoàn Đoàn Kết (Solidarnosc) đã đi đến những kết quả quan trọng như chấp thuận tính hợp pháp của Công đoàn Đoàn Kết và những cuộc bầu cử tự do sẽ được tổ chức.
2/5/1989
Hungary dỡ bỏ một phần biên giới với Áo. Đây được xem như một lỗ hổng đầu tiên trên Bức tường Sắt, biểu tượng của Chiến tranh Lạnh, qua đó nhân dân Hungary đã đưa ra một bức thông điệp mạnh mẽ trước thế giới tiến bộ : họ mong muốn tự do, dân chủ và những giá trị nhân bản.


Tháo bỏ biên giới Hungary-Áo

4/6/1989
Cuộc biểu tình của sinh viên Trung Quốc tại Quảng trường Thiên An Môn đã bị đàn áp đẫm máu bởi nhà cầm quyền cộng sản.

Quân đội đàn áp biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn

24/8/1989
Công đoàn Đoàn Kết đã giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tự do được tổ chức lần đầu tại Ba Lan. Tadeusz Mazowiecki trúng cử và trở thành vị Thủ tướng không cộng sản đầu tiên tại một quốc gia cộng sản Đông Âu.

8/1989 – 9/1989

Hàng chục ngàn công dân Đông Đức lợi dụng đi nghỉ hè tại Hungary để tràn vào phương Tây, phía bên kia của Bức tường Sắt. Qua đó cho thấy khát vọng tìm tự do của công dân Đông Đức sau hàng chục năm sống trong một chế độ cộng sản độc tài.

6 & 7/10/1989
Chuyến đi thăm chính thức của Gorbatchev nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Cộng hoà Dân chủ Đức. Ông đã ra lệnh cho chính phủ Đông Đức từ bỏ việc dùng quân đội để trấn áp những cuộc biểu tình của dân chúng. Ngày 7/10, Gorbatchev đã được đón chào như một người giải phóng tại Đông Berlin. Quần chúng đã hướng về phía ông và hô vang : « Chúng tôi là một dân tộc, Gorbi, Tự do ! – Wir sind das Volk, Gorbi, Freiheit ! ».


M. Gorbatchev và E. Honecker tại Berlin, 6/1989

7/10/1989
Ngày 7/10/1989, Đại hội Đảng Công nhân XHCN Hungary quyết định tự giải tán và thành lập Đảng Xã hội Hungary “không cộng sản“. Mọi quy chiếu về chủ nghĩa cộng sản đều bị chối bỏ và thể chế chính trị đa đảng cũng được tái lập. Đây là bước ngoặc quan trọng trong việc hình thành nước “Cộng hòa Hungary“.

18/10/1989

Erich Honecker, Chủ tịch nước CHDC Đức bị ép từ chức.

30/10 – 4/11/1989

Hơn 1'400'000 người dân Đông Đức (8% dân số) đã tham gia các cuộc biểu tình chống nhà cầm quyền cộng sản, được bắt đầu từ tháng chín tại thành phố Leipzig.

9/11/1989
Một sự kiện quan trọng đã xảy ra khi Günter Schabowski, tuyên bố trực tiếp trên truyền hình lúc 18g57 rằng mọi công dân Đông Đức, nếu có nhu cầu, sẽ được cấp hộ chiếu tức khắc để di chuyển tự do ra nước ngoài mà không cần các giấy tờ chứng minh. Ngay lập tức, hàng chục ngàn người dân tại Berlin đã đổ xô về bức tường và bắt đầu đập nó. Bức tường “ô nhục“ sụp đổ, hiệu ứng domino, kéo theo sự tan rã của toàn khối cộng sản tại Đông Âu.

10/11/1989
Todor Jivkov, nhân vật đã lãnh đạo Bulgaria từ năm 1954, bị cách chức. Phe chủ trương cải cách trong đảng cộng sản lên nắm quyền.

25/12/1989

Tại Rumania, vợ chồng nhà độc tài Ceaucescu đã bị phe nổi dậy hành quyết. Chính phủ do các nhân vật thuộc đảng cộng sản cũ điều hành.


Vợ chồng Ceaucescu bị hành quyết

29/12/1989
Nhân vật bất đồng chính kiến, cựu tù nhân Václav Havel được bầu vào làm Tổng thống Tiệp Khắc sau “cuộc Cách mạng Nhung“ kéo dài một tháng rưỡi. Đảng cộng sản đã hoàn toàn thất bại trong việc kiểm soát các cuộc biểu tình của quần chúng.

Václav Havel

3/10/1990
Nước Đức được thống nhất sau khi Bức tường Berlin bị sụp đổ. Chấm dứt những năm tháng bị chia cắt trong nhục nhã.

Bức tường Berlin bị sụp đổ

9/12/1990
Lech Walesa, người đồng sáng lập Công đoàn Đoàn Kết, được bầu làm Tổng thống Ba Lan.

Lech Walesa, 10/1990

25/6/1991
Slovenia và Croatia tuyên bố độc lập. Ba tuần sau, Nam Tư công nhận nền độc lập của Slovenia. Trong khi đó, chiến tranh đã xảy ra giữa quân đội Nam Tư và quân đội Croatia.

21/8/1991

Cuộc đảo chính của nhóm Uỷ ban Khẩn cấp Nhà nước tại Moscou bị thất bại. Đây là tổ chức do những nhà lãnh đạo cộng sản thủ cựu, chống lại đường lối cải cách của Gorbatchev.

6/9/1991
Liên bang Xô viết bước đầu công nhận nền độc lập của ba nước cộng hoà Baltic là Estonia, Lithuania và Latvia, sau khi các quốc gia này đã tự tuyên bố độc lập vài tháng trước.

8/12/1991

Các nhà lãnh đạo Nga, Belarus và Ucraina đã ký kết Hiệp ước về việc thành lập Cộng đồng các quốc gia độc lập.

25/12/1991

Gorbatchev từ chức Tổng thống Liên bang Xô viết, đánh dấu chấm hết cho sự sụp đổ của một đế chế cộng sản. Các quốc gia thành viên của Liên bang lần lượt tuyên bố độc lập. Liên Xô, chính thức không còn tồn tại trên bản đồ thế giới !


Tượng đài của Lenine bị hạ xuống

Lâm Bình Duy Nhiên, 8/11/2014

----------------------------------

Nước Đức tưng bừng kỷ niệm 25 năm mở tường Berlin












No comments:

Post a Comment