Thursday, October 16, 2014

Những người “muốn biết” đã nhận được “câu trả lời” (Nguyễn Tường Thụy)





Thứ Năm, ngày 16 tháng 10 năm 2014

Câu trả lời thể hiện ở sự việc những người đến gặp Ban Dân nguyện của Quốc hội để trao bản Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô đã được “đón tiếp” như thế nào. Đó là một rừng máy quay của an ninh, một lực lượng thanh niên mặc áo đỏ sao vàng đến gây rối và lực lượng bảo vệ xua đuổi.

Việc những người hưởng ứng phong trào “Tôi muốn biết” do mạng lưới Blogger Việt Nam phát động đến trao cho Quốc hội bản yêu cầu nói trên đã được thông báo rộng rãi trên mạng từ những ngày trước.

“Để tiếp tục thực hiện điều "Chúng Tôi Muốn Biết", một văn bản "Yêu cầu Quốc hội bạch hóa Hội nghị Thành Đô" sẽ được trao cho Quốc hội vào ngày:

Thứ Tư, ngày 15 tháng 10 năm 2014, tại:

Ban Dân Nguyện - 22 Hùng Vương, quận Ba Đình, Hà Nội

Văn phòng Quốc hội - 56-58 Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận, Sài Gòn.

Cho đến thời điểm này, tại Hà Nội và Sài Gòn đã lựa chọn ra một số đại diện để trực tiếp đi trao bản yêu cầu cho Ban Dân Nguyện và Văn Phòng Quốc Hội vào ngày 15/10 sắp tới.

Quyền Được Biết là một quyền phổ quát của mọi công dân và Hội nghị Thành Đô có những ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận mệnh của dân tộc. Do đó, chúng tôi xin kính mời mọi người hưởng ứng tham gia vào việc trao yêu cầu này.

Thời gian tập trung tại 2 địa điểm nêu trên là vào lúc 9 giờ sáng”

Khi yêu cầu Quốc hội bạch hóa một vấn đề, những người “muốn biết” cũng bạch hóa luôn kế hoạch của mình. Và chính vì thế, vô hình trung tạo điều kiện cho nhà cầm quyền chuẩn bị đón tiếp họ một cách khá “chu đáo”.

Từ tối hôm qua đến sáng nay, nhiều người bị canh, chặn không thể ra khỏi nhà.

Sự việc hôm nay tưởng chừng rất bình thường: một nhóm người đến Ban Dân nguyện của Quốc hội – cơ quan được coi là đại diện cho quyền lực của nhân dân gửi một bản yêu cầu. Nghĩ rằng việc xử lý cũng hết sức đơn giản: mời họ vào nghe nguyện vọng (Ban Dân nguyện cơ mà). Không có nhiều thời gian thì nhận văn bản, hứa sẽ xem và trả lời.

Hoặc là nói rằng ở đây chỉ làm việc, không tiếp cử tri, đơn từ này nọ thì mang đến chỗ nọ chỗ kia nộp thì cũng đã sao.

Đằng này, bố trí sẵn không biết bao nhiêu là máy quay (để khủng bố tinh thần chăng?), lại bố trí một lũ thanh niên mặc áo đỏ sao vàng (tạm gọi là hồng vệ binh – HVB) quấy nhiễu, nói năng hỗn láo với cả những người bậc cha, chú, bác chúng, cuối cùng thì xua đuổi một cách quyết liệt.

Xin kể vài chi tiết:

Khi một đứa HVB ném một tập biểu ngữ về phía tôi (chứ không đưa) nên nó rơi xuống vỉa hè, một tên bảo vệ sừng sộ với tôi rằng tôi vứt biểu ngữ xuống. Tôi cự lại: “Anh xác định được tôi ném thì hãy hay”. Tôi chỉ một thằng HVB nói chính thằng này ném, nó mới thôi, chứ nó không sừng sộ với thằng HVB kia. Mà rơi một vài tờ giấy xuống vỉa hè thì đã sao.

Khi bị cự tuyệt, xua đuổi, chúng tôi đi về nhưng những tên HVB vẫn lẵng nhẵng bám theo. Ít nhất có 3 tiếng liên tục kêu: “Ông Nguyễn Tường Thụy đâu?”. Một thằng dí cả tập biểu ngữ vào mặt tôi. Tôi đập tay vào tập biểu ngữ (tránh động vào người nó phòng nó ăn vạ) lấy lối đi, tập biểu ngữ rơi xuống đất. Chỉ chờ có thế, một thằng xông vào đánh tôi. Tất nhiên, tôi được mọi người bảo vệ nên nó không làm gì được.

Đứng giữ vòng vây của an ninh, HVB, bảo vệ, tôi bảo Lê Hồng Phong trông chừng tôi phía sau và hai bên để tôi quay phòng chúng cướp điện thoại. Tôi quay hai vòng 360 độ rồi nhét điện thoại vào túi laptop, kẹp chặt vào người vì sợ mất đi những tư liệu.

Nhưng đến lượt Lê Hồng Phong giơ máy lên thì anh bị chúng bắt. Chúng bảo Lê Hồng Phong: “Ai cho anh chụp ảnh?” rồi lôi anh đi. Ơ hay, Quốc Hội mà sợ chụp ảnh. Đại biểu Quốc hội nói gì, làm gì, tiếp dân ra sao không cho chụp ảnh thì còn bảo rằng họ sợ. Nhưng chụp cái cổng cũng sợ nốt là sao?

Chúng tôi đến Ban dân nguyện của Quốc hội với hy vọng được biết điều mà chúng tôi quan tâm. Nhưng sự việc xảy ra là như thế.

Hôm nay là lần đầu tiên, tôi bước chân đến tòa nhà VP Quốc Hội. Tưởng Quốc hội thế nào chứ những việc xảy ra sáng nay trước cổng có khác gì một cái chợ lắm kẻ lưu manh.

Nếu quả thật Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, quả thật 500 đại biểu quốc hội khóa 13 đại diện cho lợi ích của cử tri thì chắc chắn họ sẽ phải điều tra những kẻ nào làm xấu mặt Quốc hội sáng nay.

Hay là Quốc hội quá bí trước yêu cầu của những công dân đòi bạch hóa Hội nghị Thành Đô nên đã thống nhất với đảng, nhà cầm quyền (và cả mặt trận nữa?) cách đối phó như trên?

Trên mạng facebook có ý kiến cho rằng: Phong trào "Chúng tôi muốn biết" đang gặp phải sự ngăn cản quyết liệt của phong trào "Chúng tao muốn giấu". Tôi cho rằng đó là một nhận xét xác đáng

Clip chúng tôi được an ninh “đón tiếp” tại ngã tư Trần Phú – Hùng Vương: 

Clip quay tại cổng tòa nhà VP Quốc hội lúc 9h30 ngày 15/10/2014:

15/10/2014

NGUYỄN TƯỜNG THỤY
Việt Nam Thời Báo

Được đăng bởi Nguyễn Tường Thụy vào lúc 10/16/2014 09:11:00 SA

------------------------------------






No comments:

Post a Comment