Posted
on Tháng Mười 14, 2014
Những người theo Do
Thái giáo chính thống chống lại chủ nghĩa Zion và nhà nước Israel
Cuộc
chiến hiện nay tại khu vực Gaza với hậu quả tàn khốc và bất cân xứng đã khiến
ngày càng nhiều các thành phần Do Thái giáo tại nước ngoài phản đối chính sách
của nhà nuớc Israel. 1000+ (còn đang tiếp tục đếm) người thiệt mạng phía
Palestine, trong đó 70% là dân sự và 20% là trẻ em, 10% hơn là phụ nữ. Phía
Israel thiệt hại ba tá quân nhân và 2 thường dân khiến cảnh bù lu bù loa cố hữu
(“tôi bị đe dọa, eo ơi sợ quá”) của chính quyền Israel ngày càng khó nuốt mặc
dù vẫn thường xuyên được truyền thông thân hữu của họ tống thẳng vào cổ họng
quần chúng.
Nếu
nghe xem đài và tin tức sơ sài thì ta được biết “Israel chấp nhận đề nghị hưu
chiến nhưng Hamas lại từ chối”. Hỏa lực và quân đội Israel mạnh gấp 1.000 lần
Hamas. Hamas không có quân đội, không có hải quân, không quân, chỉ có dân quân
tự vệ và tên lửa lèm bèm tự chế, sao lại ngang ngược như vậy?
Gaza
bị Israel phong tỏa hoàn toàn từ 7 năm nay. Là một dải đất dài 40km ngang 10km
(diện tích 360km2) với 2 triệu dân và mật độ dân cao nhất thế giới (5.000
người/km2). Mặt còn lại, giáp Ai Cập, cũng bị bế quan nốt từ khi chính quyền
Anh em Hồi giáo (thân Hamas) bị quân phiệt lật đổ. Tình trạng mới này tại Ai
Cập lại càng tồi tệ khi Hamas ủng hộ quân nổi loạn chống Assad tại Syria và đặt
mình vào vị thế đối lập với Iran và Hezbollah tại Lebanon. Trở thành người yêu
cô đơn (“Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn”) Hamas đã phải lại gần với
chính quyền Palestine của tình địch PLO (Fatah, cầm quyền tại Tây Ngạn) trong
một chính phủ thống nhất.
Đây
là điều Israel không thể chấp nhận vì vẫn muốn duy trì mâu thuẫn giữa hai thành
phần chính trị và hai khu vực Palestine. Lấy cớ ba thiếu niên bị ai đó giết
(một nhóm quá khích ngoài kiểm soát của Hamas), Israel bèn trừng phạt Gaza.
Hamas bị vây khốn như đã nói từ 7 năm liền là cùi chẳng sợ hủi, bẻn trả đũa
bằng tên lửa loại bèo nhèo, đằng nào thì cũng chết, không chết bom thì cũng
chết ngạt.
Trở
lại đề nghị hưu chiến nói trên, điều kiện là Israel đóng quân tại 45% lãnh thổ
của Gaza làm trái độn thì hỏi sao Hamas chấp nhận được? Hôm 26/7, truyền thông
cho biết Israel nhân nhượng kéo dài ngưng bắn thêm 24 tiếng, Hamas cũng lại xấc
xược từ chối, bắn ba viên bích kích pháo và hai tên lửa sang Israel (các con số
3 và 2 ở đây là con số chính xác, không phải là một cách nói). Lý do là vì mở
rộng chiến dịch đánh bộ, Israel cần thời gian ngưng bắn này để trưng binh trừ
bị và chỉnh đốn đội ngũ!
Dư
luận Do Thái tại nước ngoài vào lần này, trước những tội ác của Israel đã lên
tiếng phê bình nhiều hơn trước. Nhưng hiện diện tiên phong, từ lâu ồn ào và dễ
nhận diện nhất trong các thành phần Do Thái giáo chống Zion chủ nghĩa và chống
nhà nước Israel là phong trào ‘siêu chính thống’ Neturei Karta. Danh xưng này
bằng cổ ngữ (nhưng không phải là tử ngữ) Aramaic, tiếng sử dụng bởi Giê Su Ki
Tô tại địa phương, mang nghĩa là “Những người giữ thành (Jerusalem)”. Trang
phục và tóc tai đúng kiểu Do Thái truyền thống; tuy ít ỏi nhưng họ nổi bật khi
có mặt trong tất cả các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine độc lập, mặc dù giáo
phái này chắc chỉ chiếm dưới 1% của các thành phần Do Thái giáo chính thống. Để
phân biệt, ngoài trang phục chính thống, họ mang trên vai khăn quấn của người
Palestine Ả Rập.
Được
coi là ngoài lề cộng đồng Do giáo và hơi bị hâm, một số Neturei Karta giờ chủ
trương bạo động ném đá, khiến có tư tưởng tại Israel đòi xếp tổ chức này vào
loại tổ chức ‘khủng bố’ như là Hamas.
Vào
cuối thế kỷ 19, người Do chính thống (Haredi) sang định cư tại Palestine (lúc
đó thuộc đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ) vì lý do tôn giáo (Thánh địa Jerusalem). Thành
phần này từ Đông Âu (Hungary, Lithuania) khi đó sống hiền hòa và an lành cạnh
các cộng đồng Hồi giáo và Ki tô cho đến khi phong trào Zion chủ nghĩa bắt đầu
chủ trương định cư người Do tại đây với lý do chính trị là thành lập một nhà
nước Israel. Tuy phải sử dụng chiêu bài tôn giáo Do (vì không có gì khác định
nghĩa được người Do ngoài tôn giáo) nhưng Zion chủ nghĩa là một phong trào quốc
gia và xã hội thế tục và mâu thuẫn với cộng đồng người Do chính thống.
Lúc
đầu thì họ còn làm ngơ mặc kệ nhưng đến 1938, khi người Do theo Zion tại Palestine
tăng trưởng thì một số người Do chính thống chịu không được và Neturei Karta
chính thức ra đời. Nói nôm na thì tao trở về đất Thánh thờ phượng, sinh hoạt cổ
truyền theo Do Thái giáo, chẳng có vấn đề gì với người bản xứ như trong hàng
chục thế kỷ qua, tự nhiên mày đến đây đòi lập nước chiếm đất lăng nhăng.
Lập
trường của Neturei Karta là một quốc gia và nhà nước Palestine, kiểu như là một
nhà nước và quốc gia Hoa Kỳ hay Anh quốc vậy thôi, tại đó có người đạo Do sinh
sống, sinh hoạt và thờ phượng theo đạo Do, có gì đâu và chẳng chết ai hết. Xin
nhắc lại, chết ai và áp bức người Do là tại Âu châu, tại Ba Lan, tại Đức, tại
Nga, trước đó trong lịch sử tàn sát họ là tại Tây Ban Nha chứ không phải tại
Palestine, Iran, Ma-rốc. Hiềm khích lịch sử trước ngày Israel lập quốc là giữa
người Ki tô giáo với lại người Do thái giáo và người Hồi chứ không phải là giữa
người Do và người Hồi. Như vậy quốc gia Israel mới là vấn đề, và tôi đây ngoan
đạo, không thể nhân danh tôi và tôn giáo Do mà cướp đất đuổi dân (người ta).
Những người Neturei
Karta gặp Phó thủ lĩnh Haniyeh của Hamas (Palestine)
Mâu
thuẫn tôn giáo chính thống và Do Thái thế tục này được giải quyết bằng cách
thành phần tôn giáo lo việc tôn giáo và thành phần thế tục lo việc nhà nước.
Thỏa hiệp này giữa đại đa số cộng đồng Haredi truyền thống và Zion chủ nghĩa
đến gần đây mới xảy ra lục đục, điển hình là khi nhà nước Israel đòi bắt các tu
sĩ Do thái giáo phải thực thi nghĩa vụ quân sự và cộng đồng lớn này tại Israel
bất phục tòng, có giỏi thì bắt hết bỏ tù đi!
Lý
do là từ thập niên 90 trở đi, một số lớn người gốc Do từ khối Liên Xô cũ di dân
sang Israel. Thành phần này nguồn gốc Do thì nhập nhèm, đức tin tôn giáo thì
không có, lại chưa từng sinh hoạt hay chung sống, cảm thông với người Ả Rập bản
địa. Người mới đến thường lại hay máu hơn kẻ ở lâu, đối với họ người Palestine
là kẻ thù và giờ thì chính trường Israel bị họ chi phối bởi con số, một phần
nhờ vào việc những người trước kia sinh trưởng tại chính Israel hễ có cơ hội là
vượt biên sang Âu sang Mỹ rất nhiều.
Tóm
lại, mâu thuẫn tại Israel là ở giữa ba cộng đồng Do Thái.
Cộng
đồng chính thống có mặt lâu nhất và từng sinh sống với láng giềng Ả Rập, bên
nhau khi tối lửa tắt đèn từ nhiều thế kỷ là một. Họ, Do và Hồi, cùng bị tàn sát
và trục xuất khỏi Tây Ban Nha Ki tô.
Cộng
đồng gốc Âu của phong trào Zion lập quốc, thế tục và có khuynh hướng thiên tả
Xã hội là hai, từ đầu thế kỷ 20 sang lập ấp và đến Thế chiến thứ Hai ồ ạt. Cộng
đồng này là cộng đồng rường cột, đã dựng nên hình ảnh của một Israel hiện đại
và văn minh, bé nhỏ nhưng kiên cường v.v., nạn nhân cần sự bao bọc của Tây
phương.
Cộng
đồng chót là từ khối Liên Xô cũ mới sang Israel từ khi khối này tan rã. Về
chính trị cộng đồng này cực đoan và cực hữu, nguồn gốc Do của họ lại mập mờ
khiến họ lại càng lính mới hăng say (người Nga gốc Do, sang Israel định cư được
mang theo cả dâu rể nội ngoại dù họ có hay không nguồn gốc Do Thái). Nhờ bức
tường ngăn cách và chính sách phân biệt, cộng đồng mới này cả đời chưa hề gặp
một người Palestine. Họi là những người hiện nay đi chơi dã ngoại, lên đồi ngắm
cảnh ném bom Gaza vui như Tết mà miệng nhai dồi lợn (là món kiêng của đạo Do).
Người Israel rủ nhau
lên đồi xem pháo bông tại Gaza trong khi tuyên truyền của nhà nước là họ đang
sống trong sợ hãi dưới pháo của Hamas
Neturei
Karta thuộc thành phần thứ nhất, là một thiểu số nhỏ trong thành phần này không
chấp nhận thỏa hiệp với nhà nước Israel và chủ nghĩa Zion từ 1938 như đã nói.
Đâm sau lưng các chiến sĩ Israel thì họ không đâm mà đâm ngay trước mặt, thế
mới khó chịu chứ, vì không ai chối bỏ được tư cách Do Thái giáo của họ, cũng
như họ chính là những người Do định cư lâu đời nhất tại Palestine.
Cho
nên đến giờ họ được coi như là mấy thằng sãi hâm, Do giáo chính thống mà lại đi
đưa ma Arafat và khóc như là cha chết, hay là đến gặp (Tổng thống Iran)
Ahmadinejad và ủng hộ ông ta (theo Neturei Karta “Iran không phải là hiểm hoạ
của người Do Thái. Hiểm họa của người Do Thái là Zion chủ nghĩa”)!
Người Neturei Karta
đưa tang Arafat
Nhưng
vào lúc này khi quốc gia Israel tại Gaza đi vào bế tắc của bạo lực thì cũng
không hẳn là mấy ông thày chùa Neturei Karta điên đâu. Sau 7 năm phong tỏa giải
đất này, thỉnh thoảng đánh bom giết một mớ mà vẫn chưa giải quyết được cốt lõi
của vấn đề, ngày càng bị thế giới và ngay cả đồng minh Anh Mỹ đằng hắng, thì
Neturei Karta hay là chính quyền Israel, ai mới là rồ dại đây? Vấn đề có thể
giải quyết được bằng giết thêm vài mớ nữa hay không? Trừ phi, như đại biểu xinh
đẹp của Quốc hội Israel (Ayeled Shaked) phát biểu, là ta giết hết các bà mẹ
Palestine
để họ khỏi đẻ ra bọn khủng bố nữa!
Ayeled Shaked
Sống
còn của Israel là nhờ ở sự ủng hộ của người Do trên thế giới, tức là ở Tây
phương Âu Mỹ, xe tăng tàu bò và sức mạnh quân sự của họ cũng từ đó mà ra. Nhưng
nỗi đe dọa đối với họ là ngoài Neturei Karta – thành phần tiên phong, tiên tri
và ‘hề’ vui mắt – người Do ở ngoài nước trong dịp Gaza 2014 này đã lên tiếng
phản đối như trước đây chưa từng thấy.
Phản đối chiến tranh
tại Hoa Kỳ bởi người Do Thái Mỹ, Hai người mang băng rôn đeo cờ Palestine (trên
cổ tay và trên ngực) Biểu ngữ đề “Tiếng nói Do Thái cho Hoà Bình: Người Israel
và người Palestine. Hai dân tộc. Một tương lai”
Bài
liên quan:
- Huyền thoại Do
Thái trở về nhà: Đố ai dám cãi nào
- Ai mới là người Do Thái chính hiệu?
- Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang
- Tiền đề thứ ba: huyền thoại (khổng lồ) tự vệ trước hiểm họa (của tí hon)
- Ái phi Israel: nặc nô thừa thông minh nhưng thiếu công bằng
- Neturei Karta: những người Do Thái “hâm” chống lại nhà nước Israel
- Ai mới là người Do Thái chính hiệu?
- Huyền thoại thứ nhì: 2000 năm nếu quay lại, đất nào cũng phải là đất hoang
- Tiền đề thứ ba: huyền thoại (khổng lồ) tự vệ trước hiểm họa (của tí hon)
- Ái phi Israel: nặc nô thừa thông minh nhưng thiếu công bằng
- Neturei Karta: những người Do Thái “hâm” chống lại nhà nước Israel
-------------------------
XEM THÊM :
Lịch sử xung đột giữa Israel và các quốc gia Ảrập Tháng Mười 4,
2012
Lý do Mỹ ủng hộ Israel Tháng Hai 7,
2013
Vấn đề lập quốc của Palestine Tháng Một 9,
2013
No comments:
Post a Comment