Wednesday, October 15, 2014

Một cái nhìn về vấn đề kiềm chế Trung Quốc (Hà Tường Cát - Người Việt)





Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)
Tuesday, October 14, 2014 2:18:12 PM

Hoa Kỳ, siêu cường số 1 thế giới, cần phải có một chiến lược thích ứng để đương đầu với sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc, đang tiến lên tới vị trí cạnh tranh hay vượt qua mình. Chính sách kiềm chế đơn giản đã thành công với Liên Xô trước kia sẽ không có hiệu quả, vì Trung Quốc ngày nay đã hiện diện sâu rộng trong nền kinh tế toàn cầu.

Như vậy phương cách kiềm chế thích đáng nhất là phải đưa Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quốc tế và tuân thủ những giá trị của nó. Khéo léo kiềm chế, Trung Quốc sẽ thành bạn của mọi quốc gia. Kiềm chế vụng về, Trung Quốc sẽ là một lực lượng vô cùng nguy hiểm cho sự ổn định và nền hòa bình thế giới.

Ðể làm được như vậy, Ashley J. Tellis thuộc viện nghiên cứu đối ngoại Carnegie Endowment for International Peace, trong một phúc trình nói rằng Hoa Kỳ cần củng cố vị trí trong cũng như ngoài nước để bảo đảm sự thịnh vượng và vai trò lãnh đạo.

Trong một bài nói chuyện về đề tài này cũng như trong cuốn sách mang tựa đề “Ðùng đợi đến cuộc chiến tranh tới: Một chiến lược cho Hoa Kỳ về phát triển và lãnh đạo toàn cầu,” Ðại Tướng Wesley Clark, cựu tư lệnh NATO và ứng cử viên tổng thống năm 2004, cũng đồng ý rằng để chế ngự Trung Quốc, trước hết Hoa Kỳ cần củng cố chính mình.

Theo Tướng Clark, việc Trung Quốc ngăn chặn và trấn áp đối lập chính trị từ Hồng Kng đến Tân Cương, đồng thời với sư thắt chặt bang giao với Nga, Iran, Bắc Hàn, đã làm tan vỡ giấc mộng của nhiều giới lãnh đạo Tây Phương từ thập niên 1990 rằng “một sự hợp tác xây dựng” cuối cùng sẽ đưa quốc gia đông dân nhất thế giới này đến dân chủ và khai phóng hơn. Thực tế đã đi ngược lại: Trung Quốc tự tin hơn quả quyết hơn và khép kín hơn. 35 năm sau khi Ðặng Tiểu Bình cải cách nền kinh tế, đảng Cộng Sản Trung Quốc dùng sự phồn vinh vật chất và lý tưởng dân tộc để duy trì tính hợp pháp trong một xã hội chuyển biến.

Chính sách đối ngoại của Trung Quốc dựa trên những tính toán tư lợi không cần tôn trọng chuẩn mực và nghĩa vụ đối với các cơ chế quốc tế. Trung Quốc chỉ chú trọng tới mục tiêu tiến lên vị trí siêu cường hàng đầu thế giới, và trong hướng ấy càng ngày Trung Quốc càng xem Hoa Kỳ như một thế lực cạnh tranh với tiềm năng là đối thủ đáng ngại hơn hết.

Trung Quốc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trong thập niên 1970, lúc ấy Bắc Kinh muốn Washington là một đối tác chiến lược để răn đe mối đe dọa tiềm tàng từ Liên Xô. Thập niên kế tiếp, Trung Quốc không còn nỗi lo ngại ấy nhưng hãy còn muốn học hỏi nhiều điều từ Hoa Kỳ, đặc biệt là lãnh vực quân sự, cuộc. chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất gây ấn tượng mạnh cho họ.

Trong thập niên đầu thế kỷ 21, Trung Quốc vẫn còn ngưỡng phục Hoa Kỳ nhưng họ đã có niềm tự hào cao hơn. Một lãnh đạo trẻ Trung Quốc trong cuộc nói chuyện với Tướng Clark vào năm 2005, nêu lên nhận định: “Trung Quốc biết rằng Mỹ và Anh là bạn tốt. Anh để Mỹ lãnh đạo thế giới. Trung Quốc cũng muốn Mỹ là bạn tốt và như thế các ông sẽ để cho chúng tôi lãnh đạo thế giới.”

Cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008 và những hậu quả kế đó, bao gồm cả những tranh chấp trong chính trị, đã làm giảm giá trị của hệ thống nhà nước Hoa Kỳ. Trung Quốc tự hào là vượt qua khủng hoảng không chịu nhiều khó khăn xáo trộn và chế độ của họ không bị trục trặc như hệ thống chính trị dân chủ tự do.

Năm 2011, một cộng tác viên của Tướng Clark cảnh báo rằng Trung Quốc muốn khống chế khu vực Biển Ðông và những đối thủ khu vực, như Việt Nam, nếu không chịu khuất phục sẽ được “dạy cho một bài học.” Cùng lúc người ta thấy Trung Quốc gia tăng phát triển quân sự về lực lượng cũng như kỹ thuật. Các xưởng đóng tàu Trung Quốc hạ thủy hơn 30 chiếc tàu mới trong thời gian từ tháng 10, 2012 đến tháng 4, 2013. Trung Quốc đã có một hàng không mẫu hạm và dự trù tới 2019 thêm 4 chiếc. Không Quân Trung Quốc chuẩn bị nhận máy bay chiến đấu không người lái. Trung Quốc có hệ thống vệ tinh GPS và nói rằng có khả năng bắn hạ vệ tinh GPS của đối phương trong trường hợp chiến tranh.

Thật ra thì Trung Quốc không chủ trương gây xung đột lớn mà muốn thực hiện được mục tiêu bằng sự phối hợp ngoại giao với kinh tế và quân sự chỉ là phương tiện răn đe. Trung Quốc vẫn phải nhìn nhận rằng để lực lượng quân sự của họ lên ngang bằng với Hoa Kỳ sẽ còn phải một thời gian rất dài và họ không nhắm tới mục đích ấy. Mới đây, truyền thông Trung Quốc loan tin là giới lãnh đạo Quân Ðội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc vừa gởi tới các đơn vị một tài liệu vạch rõ 40 điểm yếu kém trong công tác huấn luyện và như vậy chưa đủ điều kiện để thắng trong một cuộc chiến tranh quy mô.

Nhưng Ðức và Nhật đã từng gây nên cuộc Chiến Tranh Thế Giới Lần Thứ Nhì do những bế tắc vì tình trạng phát triển kinh tế. Ngày nay nền kinh tế Trung Quốc lớn mạnh hơn gấp nhiều lần và có thể buộc phải giải quyết theo đường lối ấy nếu như tới một lúc nào đó gặp khó khăn không lối thoát và đó hiển nhiên là mối đe dọa cho nền hòa bình thế giới.

Tướng Clark cho rằng Hoa Kỳ không thể hoang tưởng về tương lai chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn. Trong hai thập niên vừa qua, chính sách của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc nằm giữa hai dường lối “hợp tác” và “chế ngự.” Chiến lược chuyển trục về Châu Á mà chính quyền Obama công bố năm 2011 được coi như một phần của đường lối chế ngự. Ðồng thời TPP, hiệp ước mậu dịch xuyên Thái Bình Dương đang được Hoa Kỳ vận động với 11 nước không bao gồm Trung Quốc. Những việc này sẽ lôi kéo Hoa Kỳ vào những tranh chấp khu vực và có thể buộc phải can dự nếu cần bênh vực Nhật Bản, Nam Hàn, Philippines hay Việt Nam dù rằng Hoa Kỳ sẽ không tránh khỏi tổn hại.

Tuy nhiên theo Tướng Clark, Trung Quốc có thể không lo ngại sự can thiệp của Hoa Kỳ và đang quan sát tình hinh Ukraine để thẩm định khả năng hành động tại Á Châu. Ông cho rằng nếu Hoa Kỳ tỏ ra yếu kém ở Âu Châu thì sẽ là sai lầm lớn trong sự thi hành chính sách Á Châu.

Cũng theo nhận xét của Tướng Clark, Hoa Kỳ có thể hy vọng là Trung Quốc sẽ đi đến dân chủ và tôn trọng nhân quyền nhưng đó là chuyện lâu dài. Trong ngắn hạn, chúng ta phải chấp nhận Trung Quốc có quyền chọn lựa hệ thống chính trị hợp ý họ. Nhưng Hoa Kỳ cần làm sao để Trung Quốc hiểu rằng nguyên tắc “không can thiệp vào nội bộ của nước khác” mà họ vẫn bảo vệ, không có nghĩa là không tôn trọng những quyền căn bản của con người, những nghĩa vụ quốc tế chung và bổn phận bảo vệ các quy tắc sinh hoạt của những cơ chế sinh hoạt trên thế giới.


Ghi chú:

Ðại Tướng Wesley Clark, hồi hưu sau 34 năm trong quân ngũ, sinh năm 1944, 69 tuổi, hiện nay là một nhà nghiên cứu và cố vấn chính trị ngoại giao. Ông tham dự chiến tranh Việt Nam từ 1969 đến 1970, sĩ quan Sư Ðoàn 1 Bộ Binh Hoa Kỳ, bị thương nặng vì trúng 4 phát đạn AK-47 khi đang là đại đọi trưởng chỉ huy binh sĩ trong một trận đánh. Tướng Wesley Clark giữ chức vụ tư lệnh NATO từ 1997 đến 2000 và trong thời gian đó là tư lệnh chiến dịch không quân đồng minh tại Kosovo, Serbia. Năm 2004, Tướng Clark tranh cử ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Chủ, nhưng rút lui sau 14 cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang, trong đó ông chỉ thắng tại Oklahoma.




No comments:

Post a Comment