Sunday, October 19, 2014

Kinh nghiệm Nigeria trong việc đối phó với Ebola (Lê Phan)





Lê Phan
Saturday, October 18, 2014 4:07:31 PM

Khi nhà tư vấn về phát triển cho Liberia Patrick Sawyer ngã gục khi đến phi trường Lagos với triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Ebola hôm tháng 7, phản ứng đầu tiên, ở cả bên trong lẫn bên ngoài Nigeria, là vô cùng hoảng sợ.

Người ta sợ là hệ thống y tế quá tải, khập khiễng sẽ không làm sao giới hạn được virus này. Một chỉ dấu cho sự căng thẳng mà hệ thống đó đang chịu đựng là vào cái ngày mà ông Sawyer vào đến phi trường Lagos, các bác sĩ đang đình công đòi tăng lương.

Ấy vậy mà không ai ngờ, các viên chức y tế công cộng của một trong những quốc gia rối loạn nhất thế giới đã cung cấp một bài học cho thế giới về phương thức đối phó với Ebola. Nó là một bài học mà có thể rất cần thiết cho các quốc gia Tây phương đang vội vàng tìm một phương thức để đối phó.

Đối với các chuyên gia về y tế công cộng, chỉ nghĩ là Ebola có thể xâm nhập và bành trướng ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất và là nền kinh tế lớn nhất Phi Châu, đã là cơn ác mộng kinh hồn nhất. Có 170 triệu người dân sống ở Nigeria, tám lần tổng dân số của Guinea, Sierra Leone và Liberia, nơi căn bệnh đang hoành hành. Giai cấp lãnh đạo thích lang thang và những nhà buôn tài ba của xứ này có liên hệ trên toàn địa cầu.

Ấy vậy mà Nigeria đã dẹp được dịch bệnh không cho trở thành đại dịch, và nay chỉ còn một tuần lễ nữa là có thể không còn trường hợp nào đang nhiễm bệnh trong 42 ngày, thời gian đòi hỏi của Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO trước khi họ chính thức tuyên bố Nigeria hoàn toàn không bị nhiễm Ebola.

Bác Sĩ Simon Mardel, chuyên gia toàn cầu về những căn bệnh mới xuất hiện, diễn tả ảnh hưởng của một căn bệnh như vậy như là một loạt các vòng luẩn quẩn. Căn bệnh sẽ tấn công cá nhân trước, rồi xã hội chung quanh cá nhân đó. Và ở cả hai lãnh vực Nigeria có vẻ như là đều sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Kết quả, mà lúc đầu đã không ai dám tiên đoán, là nhờ một cố gắng toàn quốc hiếm có trong đó chính quyền tiểu bang Lagos, các định chế liên bang, khu vực tư và các tổ chức phi chính phủ toàn cầu tất cả đều hướng về một hướng để đánh bại căn bệnh. Cùng với nhau họ cung cấp hy vọng vào lúc mà niềm tin của dân chúng vào nhà nước đang bị lung lay với những vụ scandal tham nhũng khổng lồ và thành tích không mấy vẻ vang của quân đội trong việc chống lại đám phiến quân Hồi Giáo ở phía Bắc nước này.

Bác Sĩ Benjamin Ohiaeri, giám đốc bệnh viện First Consultant, một bệnh viện tư nơi ông Sawyer được đưa tới hôm 20 tháng 7 và qua đời ở đó, nhắc lại, “Tổng Thống Clinton, khi ông đến đây cách đây 14 năm, nói là theo chỗ ông thấy không có vấn đề gì mà Nigeria không giải quyết được nếu họ đoàn kết với nhau.”

Cũng như trường hợp hiện nay ở Texas, vụ ở Nigeria là kết quả của một khách đơn độc đến từ Liberia. Bệnh viện của Bác Sĩ Ohiaeri đã là nạn nhân chính của tấm thảm kịch sau đó, và cũng một phần nhờ sự can đảm của các nhân viên của ông, cương quyết không cho ông Sawyer đi nơi khác nên bệnh đã không lan ra. Mười một nhân viên của ông và gia đình họ nhiễm Ebola, nhiều người chỉ 48 giờ trong khi ông Sawyer nhập viện và khi kết quả thử nghiệm từ phòng thí nghiệm xác nhận ông bị Ebola. Bốn người trong số nhân viên bệnh viện thiệt mạng. Nhưng ngay sau đó Nigeria bắt tay vào nhanh chóng đối phó.

Một nghị định khẩn cấp của tổng thống cho phép các viên chức lục soát các cú điện thoại di động và cho họ quyền ép các cơ quan an ninh khi cần thiết truy nã những người có nguy cơ nhiễm bệnh. Sau đó, một hệ thống theo dõi khắt khe tất cả những trường hợp có thể bị nhiễm bệnh được đặt dưới quyền của chính phủ tiểu bang Lagos.

Bác Sĩ Eilish Cleary, một chuyên gia về y tế công cộng được WHO thuê để theo dõi những người sống sót ở Nigeria giải thích, “Họ tổ chức rất hệ thống. Họ bỏ hết sức ra truy cho được mỗi liên lạc. Ở Hoa Kỳ, bà vợ (của ông Duncan) đã phải chịu đựng năm ngày trong đống đồ đạc bị nhiễm virus. Ở đây họ tẩy trùng ngay tức khắc.”

Tổng cộng có 20 người Nigeria bị nhiễm bệnh, trong đó tám người chết. Những toán viên chức tiểu bang và người tình nguyện truy cho ra hơn 800 người đã có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp với trường hợp ông Sawyer. Những người này bao gồm cả hai nhà thờ ở thành phố Port Harcourt nơi mà ông ta thường đi lễ. Đó là theo Bác Sĩ Tochi Okwar, người điều khiển chiến dịch phổ biến kiến thức cho tiểu bang Lagos.

Thêm vào đó, nhiều trăm bệnh xá tư và phòng mạch được huấn luyện trong việc nhận diện bệnh nhân bị Ebola, và cách ly họ ra khỏi cộng đồng cho đến khi họ được đưa tới các khu cô lập. Một chiến dịch trên các địa chỉ liên lạc xã hội, thành lập tự nguyện bởi những chuyên gia tin học, theo dõi và trả lời Twitter, websites, và các đường dây hướng dẫn để bổ túc cho các cố gắng của chính phủ.

Trong tiến trình này, theo Bác Sĩ Cleary và các viên chức WHO khác, Nigeria đã cho thấy sự quan trọng của thông tin cho quần chúng hiểu biết cộng với những cố gắng y tế để giới hạn căn bệnh lây lan.

Nigeria đã may mắn là ông Sawyer đến quốc gia này qua phi trường, đến ngay thủ đô thương mại của Nigeria và bước vào một trong những clinic tư hàng đầu ở Lagos. Họ sẽ có nhiều khó khăn hơn, theo Bác Sĩ Mardel, nếu một trường hợp khác đến bằng đường bộ và rơi vào tay điều trị ở một bệnh viện công ở một tỉnh lẻ.

Nếu Ebola lại đến Nigeria lần nữa, tuy vậy họ đã có chuẩn bị hơn. Bác Sĩ Okwor giải thích, “Ai cũng cương quyết là họ không muốn có Ebola ở Nigeria. Chúng tôi có thể có mức tử vong cao hơn. Nhưng trong vài tuần lễ chúng tôi cũng vẫn sẽ đối phó được.”

Nigeria còn cho thế giới thêm một bài học nữa về chữa trị Ebola. Trông Bác Sĩ Ada Igonoh ngày nay khó ai biết bà vừa qua hai tuần lễ chống cự với Ebola ở một khu cô lập ở Lagos. Trông hết sức khỏe mạnh, bác sĩ, một trong những người nhiễm bệnh từ clinic nơi ông Sawyer đến khám bệnh, cả quyết là không có gì màu nhiệm hay phép lạ cứu bà cả. Bà nói chỉ có mỗi một điều, uống thật nhiều nước và ý chí cương quyết sống, đó là những cái giúp bà chống lại căn bệnh chết người này.

Kinh nghiệm của bà cũng không khác gì những người sống sót khác ở Nigeria, tất cả đều trải qua một giai đoạn kéo dài tự tiếp nước cho mình ngay khi định bệnh, uống đến 5 lít của một dung dịch nước và chất khoáng mỗi ngày.

Bác Sĩ Simon Mardel giải thích, “Bệnh đụng vào hệ thống cơ thể nhẹ thôi. Nhưng khi đến việc mất nước thì thật là một cú shock. Nó tạo ngạc nhiên mỗi lần. Đằng sau mỗi người sống sót là một câu chuyện anh hùng về tái lập số nước bị mất.”

Bác Sĩ Mardel, người đã khám bệnh cho nhiều bệnh nhân Ebola hơn ai hết, tin là có một bài học về y tế công cộng quan trọng mà chúng ta có thể học được từ những người sống sót ở Nigeria. Ông lý luận, trong một bài sắp được đăng trên tập san y khoa nổi tiếng của Anh, the Lancet, là cần phải chú ý thêm vào việc tái cung cấp dịch truyền cho bệnh nhân hơn là cách điều trị hiện nay ở các nơi bị nặng nhất. Việc này có nghĩa là bảo đảm các bệnh nhân uống một dung dịch dịch truyền suốt giai đoạn đầu của cơn bệnh. Sau đó thì khó hơn nhiều.

Bác Sĩ Mardell giải thích, “Với Ebola mọi sự là cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng. Nếu mất nước một ngày thì phải cung cấp gấp đôi hôm sau.” Ông cũng thêm là “Thay đổi khái niệm một bệnh dịch chết người không có cách gì chữa trị sang một bệnh dịch có thể cứu sống được là điều chính trong việc đánh bại được dịch bệnh.”

Tâm lý bệnh nhân là điều quan trọng nhất. Ở Nigeria, các viên chức của WHO nói là những nạn nhân nào tin tưởng là chỉ có thuốc từ Tây phương mới cứu họ được, hầu hết đã chết vì chưa có thuốc. Những người sống sót đã không thể sống sót nếu không có nước H2O cộng với dịch truyền.

Bác Sĩ Eilish Cleary, một chuyên gia về Ebola nhắc nhơ, “Tất cả những người đó quyết định họ sẽ sống. Bởi họ muốn sống họ buộc mình uống các dịch truyền. Tinh thần của chúng ta có quyền hành rất lớn đối với cơ thể. Và điều đó không được nói đến đủ khi chúng ta nói đến Ebola.”

Nigeria như vậy đã dạy cho thế giới hai bài học về Ebola. Bài học thứ nhất là muốn chống lại Ebola thì hoảng sợ, đổ lỗi cho nhau sẽ chỉ làm cho tình hình thêm trầm trọng. Bình tĩnh, phổ biến kiến thức, hợp tác với nhau để tìm cho ra và cô lập những người có tiềm năng truyền bệnh sẽ giúp chặn đứng căn bệnh. Thứ nhì là sự quan trọng của nước và dịch truyền đối với căn bệnh. Một bác sĩ Việt Nam hiện sống ở hải ngoại, đã nhiều năm kinh nghiệm điều trị sốt xuất huyết ở Việt Nam bảo đó cũng chính là cách điều trị căn bản của sốt xuất huyết, mà Ebola thực ra cũng chỉ là một hình thức sốt xuất huyết.





No comments:

Post a Comment