Saturday, October 18, 2014

Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam gặp mặt Tháng Mười (Tôn Phi - Việt Nam Thời Báo)






Tôn Phi   -     Việt Nam Thời Báo

Thứ Bảy, ngày 18 tháng 10 năm 2014

Sáng 17/10/2014, các hội viên của hội nhà báo độc lập Việt Nam tới gặp mặt thường kỳ tại quán cà phê Saigon Steakhouse, 45 Đinh Công Tráng, quận 1, TP.HCM theo lời mời của chủ tịch hội Phạm Chí Dũng. Nhưng chủ tịch Dũng không thể tới dự vì bị ngăn chặn từ phía cơ quan an ninh nhà nước. Vì vậy, phó chủ tịch hội nhà báo độc lập, “trưởng lão” Bùi Minh Quốc 73 tuổi, người vượt ba trăm cây số từ Đà Lạt xuống Sài Gòn tham dự được chỉ định làm chủ trì cuộc gặp gỡ ngày hôm nay. Các hội viên tới gặp mặt nhưng tất cả đều đúng giờ và nhiệt tình thảo luận. Điều đặc biệt là cây bút kỳ cựu của hội là nhà báo Phạm Đình Trọng tưởng chừng sẽ bị cầm chân ở nhà thì lại tới được mà không gặp bất kỳ sự cản trở nào.

Chủ đề chính mà hội trao đổi sáng ngày hôm nay là thảo luận để tìm ra những sáng kiến để hội phát triển mạnh hơn. Cuộc trò chuyện tập trung vào chất lượng hội viên và chất lượng bài viết, đồng thời đề xuất các biện pháp để nâng cao dân trí của quần chúng về tự do, dân chủ trong chừng mực cho phép.

Hiện tại, hội nhà báo độc lập đã có gần 80 hội viên, trong đó có 21 hội viên ở hải ngoại. 80 hội viên, nhưng chỉ có 15,16 người thường xuyên viết bài cho báo. Hội đang rất cần những bài báo chất lượng và có tính phản biện xã hội sâu sắc để thúc đẩy đất nước tiến bộ. Vì vậy, Việt Nam thời báo, diễn đàn của hội, đang rất cần những bài viết từ mọi thành phần trong xã hội, những người có tâm huyết với đất nước, không phân biệt quan điểm chính trị. Những bài viết, kể cả của đảng viên đảng Cộng sản, nếu góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ thì cũng sẽ được hoan nghênh và đăng lên trang ijavn.org, trang web của tờ báo.

Thủ tục, quy trình kết nạp hội viên cũng là đề tài được thảo luận sôi nổi. Nhà báo Phạm Đình Trọng đề xuất phương án bỏ phiếu để quyết định một người có được vào hội hay không. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với tính mở của một tổ chức xã hội dân sự nên mọi người thiên về ý kiến thứ hai, đó là một người sẽ được dễ dàng kết nạp vào hội nếu được ban lãnh đạo hội đồng ý và không có ai có ý kiến phản đối .

Lúc ra về, tôi bắt gặp một vài ánh mắt “hình viên đạn”. Cuộc gặp mặt nào của hội chúng tôi cũng bị theo dõi, và lần nào người ta cũng cản chủ bút Phạm Chí Dũng tới dự vì họ chưa quả quyết được rằng chúng tôi không chống phá, không tuyên truyền bạo loạn. Dẫu sao lần này họ đã tôn trọng cuộc họp của chúng tôi và để yên cho tất cả mọi người, trừ chủ tịch hội, tới chỗ họp.

Mục đích của Hội Nhà báo Độc lập được tuyên bố trước hết là: “Phản ánh trung thực và sâu sắc những vấn đề nóng bỏng của xã hội và đất nước; Phản biện đối với những chính sách bất hợp lý của nhà nước liên quan đến quản lý xã hội và tự do báo chí và Tổ chức trao đổi, đối thoại với các cấp chính quyền về tự do báo chí và quản lý xã hội khi có điều kiện, đồng thuận với những chính sách, giải pháp hợp lòng dân và có lợi cho đất nước”. Thành lập vào ngày 4/7/2014, trải qua hơn ba tháng, cho đến hôm nay, 17/10/2104, hội vẫn chưa có dấu hiệu gì gọi là tan rã. Sắp tới, theo gợi ý của cây bút trẻ Nguyễn Thiện Nhân, hội nhà báo độc lập Việt Nam dự định xuất bản một cuốn cẩm nang về nghề báo cho những bạn trẻ quan tâm đến truyền thông và tình hình đất nước. Chính quyền đã nhìn nhận đúng đắn khách quan hơn về hoạt động của hội. Đó là làm thế nào để báo chí và các nhà báo cất được tiếng nói theo đúng nghĩa của hai từ “tự do”? Làm thế nào để báo chí được làm đúng thiên chức của mình, phản biện và xây dựng một xã hội công bằng, một đất nước thật sự độc lập tự chủ, không cúi đầu hoặc run sợ trước hiểm họa ngoại xâm đang quá cận kề?

Nhà báo kỳ cựu Phạm Đình Trọng đề xuất một ý tưởng xưa nay chưa từng có trong trên dưới hai chục tổ chức dân sự tại Việt Nam. Đó là tổ chức một nhóm chuyên theo dõi và ghi lại hồ sơ những vụ án tham nhũng của quan chức và những phiên tòa xét xử các nhà đấu tranh xã hội, giống như những nhà sử học vẫn thường làm.

Mọi người nhiệt liệt tán thành đề xướng này. Đáng lẽ ra một nhóm với sứ mệnh đầy ý nghĩa với dân tộc như thế phải được lập ra từ lâu.

Kết thúc cuộc hẹn tại quán cà phê Steaky Sài Gòn, mọi người bắt tay chào nhau ra về. Tôi cùng một số hội viên tới thăm chủ tịch Phạm Chí Dũng, người chủ bút thiệt thòi không được uống cà phê với chúng tôi trong cả hai cuộc gặp gần đây nhất của trang Việt Nam thời báo. Cùng với hai thành viên còn lại của Việt Nam Thời Báo là Bùi Minh Quốc và Nguyễn Tường Thụy, ông đang góp phần nâng cao chất lượng của trang báo: Mang đến những góc nhìn phản biện xã hội mới mẻ và trí tuệ, không chửi bới, không tuyên truyền bạo lực và theo sát tình hình đất nước, nhất là trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Trong số gần tám mươi hội viên, Tôn Phi là người trẻ nhất, năm nay mới hai mươi mốt tuổi. Chỉ mình tôi đại diện cho thế hệ 9x, cho nên cảm xúc của tôi về cuộc gặp gỡ với những nhà báo dày dặn kinh nghiệm và tâm huyết với tương lai dân tộc là rất khó tả. Người trẻ tuổi thứ hai, cũng là đại diện duy nhất cho thế hệ 8X, một bạn trẻ đến từ Đà Nẵng làm việc trong lĩnh vực truyền thông, tên là Lê Tuấn. Hai tháng gia nhập hội nhà báo độc lập Việt Nam, những cây viết trẻ như tôi và Lê Tuấn đã được các đàn anh trong hội giúp đỡ rất nhiều về nghề báo. Về chính tả, ngữ pháp, kỹ năng nghiên cứu vấn đề, kỹ năng lập luận và phương pháp viết bài. Sau này, như chủ tịch hội nói, chúng tôi có thể mỗi người lập một tổ chức dân sự thúc đẩy tiến bộ xã hội, nhưng sẽ mãi nhớ về những kỷ niệm khó quên cùng Hội nhà báo độc lập Việt Nam, nhất là cuộc gặp gỡ ngày hôm nay.


Được đăng bởi Nguyễn Tường Thụy vào lúc 10/18/2014 09:42:00 SA





No comments:

Post a Comment