Thursday, October 30, 2014

Ai bảo kê cho tra tấn ? ( Võ Thị Hảo / RFA)





Võ Thị Hảo, viết từ Hà Nội
Thu, 10/30/2014 - 17:21 — autum

Công ước cấm việc tra tấn, và yêu cầu các bên ký kết phải có biện pháp hữu hiệu để phòng chống tra tấn ở bất kỳ lãnh thổ nào dưới thẩm quyền pháp lý của mình. Việc cấm này là tuyệt đối và không được vi phạm. Không có bất cứ trường hợp đặc biệt nào có thể được viện dẫn để biện minh cho tra tấn. (Quy định của  của Liên hợp quốc về chống tra tấn)

  • Ngày càng nhiều “quan tài diễu phố”

"Đến nơi, mấy chú dắt cháu vào phòng, bắt cháu đứng trước bàn và liên tục nạt nộ. Sau đó hai chú công an vừa quát vừa đánh cháu. Một chú lấy cái gậy đen ngắn (dùi cui) đánh liên hồi vào mông và đùi cháu, còn chú kia dùng chân đạp và đá cháu. Cháu càng kêu đau các chú ấy càng đánh mạnh”, Phát – cháu bé 11 tuổi, bị mấy công an thành phố Huế đánh như tra tấn trong khoảng 30 phút - kể lại khi đang nằm cấp cứu ở một bệnh viện tại Huế.

"Sợ quá, cháu ngã quỵ xuống nền nhà nhưng hai chú công an vẫn bắt cháu đứng tựa vào bàn làm việc và tiếp tục đánh”, cậu bé kể rồi òa khóc.(theo VnExpress- 20/6/2011, bài “Cậu bé 11 tuổi nhập viện sau khi vào đồn công an”).

Ngày 30/8/2012, ông Nguyễn Mậu Thuận trú tại thôn Đoài xã Kim Nỗ Đông Anh Hà Nội đã bị 4 công an canh gác cho nhau tra tấn ông đến chết. Ông bị trói quặt vào lưng ghế, ghế này bị đánh gãy, công an liền thay ghế khác để đánh tiếp. Ông bị đánh nứt vỡ cả đùi, toàn thân bầm tím, gãy 3 xương sườn, tụ máu dưới da đầu, mười ngón tay bị kẹp bằng bút bi bóp nát... Ông chết chỉ vài giờ sau khi bị bắt vào đồn công an. Con trai ông đã ngất xỉu tại chỗ khi chứng kiến thi thể đầy thương tích của bố.
Xem ảnh về ông, không ai không công phẫn khi thấy ông bị tra tấn tàn bạo đến thế. Vụ án xử những kẻ giết ông đã hoãn đi hoãn lại, cho đến hai năm sau - tháng 9/2014 vẫn còn tiếp diễn và luật sư phát hiện có bỏ lọt tội phạm.
Ngày 21/10/2014, nạn nhân Lê Thanh Hải ở TPHCM tố cáo và đưa ra chứng cứ anh bị công an đánh mù mắt trong khi đang điều khiển phương tiện giao thông,
Những vụ công an hành hung dân ngày càng dồn dập. Liên tiếp trong hai ngày gần đây nhất đã xẩy ra hai vụ gây căm phẫn cho người dân.
Theo báo Pháp luật, đêm 27/10/2014, ông Nguyễn Văn Hạbị công an phường Tân An, thị xã La Gi tỉnh Bình Thuận bắt đưa đi. Đến 7 h sáng ngày 28, người nhà đến tìm ông để lấy chìa khóa thì thấy ông đã chết trong đồn và hỏi thì mới được thông báo rằng ông “ bỗng nhiên treo cổ tự tử chết”!
Cái chết của ông Hạ đặc biệt đáng ngờ, nếu nói rằng ông chết do tựtreo cổ. Người nhà ông tố cáo, khi trong quá trình khám nghiệm tử thi thì thấy từ phía cổ lên mặt ông bầm tím, sườn trái bầm tím, khiến người ta ngờ rằng ông chết do bịđánh đập hoặc bóp cổ chứ không phải do treo cổ tự sát. Sợi dây treo cổ tại hiện trường chỉ là sợi dây rút nhỏ ở quần và ông đứng sát vào song cửa sắt, chân chỉ cách mặt sàn 10 cm!
Trưa ngày 29/10/2014, cũng tại Hà Nội, lại xuất hiệnvụ công an hành hung nhà báo. Công an ấy đã “lôi phóng viên Hoàng Văn Đức của báo Đại đoàn kết vào bốt, vừa vào tới nơi, anh Đức rút giấy giới thiệu ra thì đã bị cảnh sát lao và giật điện thoại, đồng thời có hai cảnh sát khác lao vào giữ tay, chẹn cổ, đánh đấm liên tiếp vào đầu, mặt và ngực ngay trước sự chứng kiến của phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật và nhiều người đi đường. Anh Đức kêu la và vùng chạy nhưng không thoát ra được. Đức bị hành hung dã man chỉ vì anh và đồng nghiệp đang ngồi uống nước ở chân cầu vượt Mai Dịch, Hà Nội thì thấy cảnh sát giao thông chặn một người đi đường, có sự giằng co và người điều khiển phương tiện bị ngã xuống đường nên anh muốn tìm hiểu tình hình. Nếu không có sự chứng kiến và can ngăn củaPV báo Kinh doanh và pháp luật cùng nhiều người dân đi đường, tính mạng của PV Đức liệu có được bảo toàn trước “đòn thù” chỉ vì anh là nhà báo. (Theo Một thế giới).
Trong một thống kê chưa đầy đủ, từ 3/1 đến 8/8/2014 đã có ít nhất 17 vụ người dân bị chết trong đồn công an hoặc liên quan đến công an, trong đó có tới khoảng 7 vụ được công an nói rằng họ “tự treo cổ chết”, mặc dù khám nghiệm tử thi thì thấy trên mình họ đầy thương tích của sự tra tấn hết sức tàn bạo, chưa kể những vụ “tự ngã”, “nhảy lầu”, “sốc ma túy” , “vì súng cướp cò”...
Căn cứ danh sách những cái chết bất thường trong trụ sở công an do cộng tác viên của Pro&contra cung cấp, từ 8/8/ 2010 đến 18/8/2014 đã có tới 67 người chết theo dạng nói trên, trong đó có tới 36/67 trường hợp “tự tử”, trong đó có 29 người “treo cổ” ngay tại trụ sở công quyền hoặc trong buồng tạm giam của công an.
Thực trạng cho thấy sự tra tấn, dùng nhục hình , bức cung với công dân tại VN ngày càng tăng nặng và mang tính côn đồ, thậm chí trong một số vụ còn mang tính chất tàn bạo, thích tra tấn như trong cơn say máu.
Ngay cả trong ác mộng, người VN cũng không thể hình dung đượctrong đội ngũ những người ăn lương mồ hôi nước mắt của dân, tồn tại chỉ với lý do bảo vệ an ninh trật tự cho dân, mà lại có những công an đang tâm tra tấn, dùng nhục hình dã man với dân đến như vậy. Nguy hiểm thêm bởi sự ngang nhiên, thách thức dư luận của họ bởi họ được một hệ thống bao che thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật.

  • Còn tra tấn vì còn được bảo kê
Vì sao ngày càng có thêm nhiều công an dùng tra tấn, bức cung, nhục hình với dân?

Những công an độc ác với dân ấy ban đầu họ vốn không phải người xấu. Họ bắt đầu thay đổi khi cuộc sống đã dạy họ rằng cứ mặc sức làm việc ác, miễn là có lợi và được cấp trên cũng như hệ thống hành pháp bao che. Vì họ nắm súng và dùi cui trong tay nên họ là kẻ mạnh muốn đánh giết ai thì người đó phải chết , họ rất ít khi bị trả giá. Mặtkhác, tình trạng bạo lực, tội phạm xã hội ngày càng nhiều, khiến họ phải nhận nhiều vụ việc bắt bớ ngăn chặn, trong khi họ không được đào tạo, kiểm soát đúng mức, thiếu hiểu biết về pháp luật nên họ bất chấp luật pháp.

Ai cũng biết, lực lượng tham gia tra tấn, bức cung...trong ngành công an thường được bảo kê, bao che trước hết bởi đồng nghiệp và cấp trên của họ. Khi một vụ việc xẩy ra, thường là cấp trên đổ tội cho nạn nhân và những nguyên nhân khác để thoát tội, thay vì điều tra làm rõ và khắc phục hậu quả. Đồng nghiệp biết cả, nhưng hoặc đồng lõa, ngại, sợ làm chứng hoặc nói lên sự thật thì bị trả thù. Chưa kể là việc dung túng của cơ quan điều tra – người cùng hội cùng thuyền với họ - khiến cho họ khi khoác chiếc áo đồng phục, cầm chiếc dùi cui trong tay là coi mạng dân như cỏ rác. Ngành kiểm sát và tòa án cũng nương tay xử nhẹ, chưa nói là thường xuyên bỏ lọt tội phạm.

Họ còn có thể tra tấn và giết dân nếu thích, bởi đa phần cấp trên của họ hết sức bao che vì đã ăn hối lộ, tay đã nhúng chàm, hoặc vì sợ trách nhiệm. Như thế, lợi ích cá nhân và lợi ích cục bộ của một nhóm người đã hình thành một thứ “quả bóng tuyết”, càng vận hành càng thêm tội trạng.

Và nguyên nhân lớn nhất của mọi nguyên nhân, chính thể chế độc tài đã vô hiệu hóa sự giám sát và thực thi pháp luật trong mọi ngành mọi lĩnh vực trong xã hội. Từ đó, hệ thống lập pháp, tư pháp và hành pháp VN tuy ba nhưng chỉ là một, vô hình trung những lỗ hổng của nó cũng bảo kê cho những kẻ tra tấn và dùng nhục hình với dân.

Vì thế, không ngạc nhiên khi ngày càng nhiều vụ “quan tài diễu phố”. Thật đắng cay cho phận người dân. Nhà có người chết đã phải chịu nỗi đau tột cùng, Mang quan tài diễu phố là điều hết sức khốn khổ  mà người dân thấp cổ bé họng buộc phải làm để đánh động dư luận, thức tỉnh các nhà chức trách vô cảm, mong trả lại chút công bằng cho người đã khuất mà thôi.

Bao giờ dân VN hết nạn bị tra tấn, bức cung nhục hình và quan tài  người chết oan không còn phải mang diễu phố, như một hình thức “kêu trời nhưng xa”?

VTH


---------------------------------

Người Việt
Wednesday, October 29, 2014 4:05:50 PM

* Nạn nhân thứ 19 chết trong tay công an năm 2014

ÌNH THUẬN (NV) .- Một người đàn ông bị Công an phường tại thị trấn La Gi dẫn đi điều tra khoảng sau nửa đêm, đến sáng có tin ông ta “bỗng nhiên treo cổ chết” trong trụ sở công an phường này.

Bà Huỳnh Thị Sen, vợ nạn nhân Nguyễn Văn Hạ, vô cùng thắc mắc về cái chết bất thường của chồng mình tại trụ sở Công an. (Hình: Người Lao Động)

Theo tờ Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Hạ (SN 1967) nhà tại khu phố 2, phường Tân An, thị xã La Gi, bị Công an phường Tân An, thị xã La Gi, bắt dẫn di khoảng sau nửa đêm 27 sang ngày 28/10/2014.

Vợ ông, bà Huỳnh Thị Sen, 48 tuổi, được báo Người Lao Động thuật lại rằng “vì sợ người ta đến đòi nợ nên bà Sen kêu chồng đi lánh mặt. Ông Hạ không đồng ý nên một mình bà đến nhà chị Mười hàng xóm để trốn chủ nợ. Khoảng 19 giờ, ông Hạ sang nhà chị Mười gọi vợ về nhưng bà Sen không chịu về. Đến 00 giờ, bà Sen về kêu cửa thì bị ông Hạ lấy chổi quét nhà quất đuổi đi.”

Vì vậy, tờ Người Lao Động kể tiếp: “Bà Sen tiếp tục tới nhà hàng xóm tá túc. Đến khoảng 1 giờ ngày 28-10, bà Nguyễn Thị Thu (SN 1961, chị ruột ông Hạ) chạy lên nói với bà Sen là ông Hạ vừa đốt xe máy của hàng xóm. Tuy nhiên, đến 5 giờ sáng 28-10, bà Sen mới dám về. Lúc này bà Sen nghe người khác nói chồng bà bị công an phường đưa đi trong đêm. Do bà Sen không có chìa khóa vào nhà nên bà đã đến Công an phường Tân An gặp ông Hạ để lấy chìa khóa thì được công an viên yêu cầu “lát sau quay lại lấy”.

Đến 7 giờ sáng 28-10-2014, nguồn tin trên nói bà Sen được bà Bùi Thị Hiệp (tổ trưởng tổ tự quản tổ 4, khu phố 2) báo tin “ông Hạ đã treo cổ chết ở công an phường”.

Con gái của ông Nguyễn Văn Hạ là chị Nguyễn Thị Diễm (21 tuổi) nói với nhà báo: “Lúc tôi lên thì thấy bố chết trong tư thế đứng treo cổ vào song cửa sắt, mặt quay ngược ra hướng cửa, chân cách nền 10 cm. Sợi dây treo cổ là sợi dây rút nhỏ ở quần, trong phòng không hề có ghế để đứng. Với tư thế đó rất khó để tự treo cổ”.

Chị Nguyễn Thị Diễm (bên phải), con gái nạn nhân, cũng cho rằng cái chết của bố chị có vấn đề. (Hình: Người Lao Động)

Còn bà Nguyễn Thị Thu thuật lại với nhà báo cho biết, lúc bà được mời đến xem quá trình khám nghiệm tử thi thì thấy “từ phía cổ lên đến mặt ông Hạ bầm tím, bên sườn trái cũng bị bầm tím”. Không những vậy “trong phòng nơi ông Hạ thắt cổ có 1 cái quần xà lỏn vứt ở giữa nền. Lúc cởi đồ để khám nghiệm, bà Thu lại thấy ông Hạ mặc một chiếc quần dài, bên trong còn mặc 1 cái quần lửng” tờ NLĐ kể.
“Tôi không biết tại sao lại có chiếc quần thứ 3 này, vì em tôi không thể mặc một lúc 3 chiếc quần được” – bà Thu thắc mắc.

Khi được nhà báo hỏi về những bất thường trong cái chết đầy nghi vấn ông Hạ bị Công an phường Tân An tra tấn nhục hình đến chết, ông Nguyễn Long, Trưởng công an thị xã La Gi chỉ nói: “Hiện cơ quan công an đang điều tra nên không thể cung cấp thông tin gì cho báo chí”.

Ông Nguyễn Văn Hạ là nạn nhân thứ 19 chết trong tay công an CSVN sau khi bị bắt về trụ sở chỉ vài tiếng đồng hồ từ đầu năm 2014 đến nay.  Ông Hạ cũng là nạn nhân thứ 6 bị Công an khai là “tự tử” dù trên thân thể có nhiều dấu vết của tra tấn, nhục hình. Năm nay là năm có số nạn nhân chết trong tay Công an vì bị tra tấn, nhục hình nhiều hơn hẳn các năm trước dù chế độ Hà Nội ký tham gia Công ước Chống Tra Tấn từ hồi tháng 11 năm ngoái.

Vu cho nạn nhân "tự tử" là cách giản dị nhất, dễ nhất để cho Công an chối tội giết người. Không thấy các vụ khám nghiệm tử thi có đòi hỏi chụp quang tuyến, trước khi giải phẫu và các loại xét nghiệm khác để xác định nguyên nhân cái chết. Các vụ khám nghiệm tử thi do pháp y của công an làm theo chỉ thị để đưa ra các kết luận theo nhu cầu “ở trên”, không phải từ quan sát chuyên môn và khách quan.

Chế độ Hà Nội dự trù cho quốc hội phê chuẩn Công ước Chống Tra Tấn vào kỳ họp đang diễn ra. Tuy nhiên, ông Trương Tấn Sang, chủ tịch nước CSVN rào đón trước rằng “Không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước LHQ chống tra tấn và các hình thức đổi xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.”

Ông này còn diễn giải thêm là “Việc thực hiện các quy định của Công ước này sẽ theo nguyên tắc Hiến pháp và pháp luật thực định của Việt Nam trên cơ sở thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương với nước khác và nguyên tắc có đi, có lại”. (TN)

-----------------------


Danh sách những cái chết bất thường trong trong trụ sở công an tổng hợp từ pro&contra
1. Lê Hoài Thương (21 tuổi), ngày 18/8/2014 tại TP Pleiku, Gia Lai: tự gây tai nạn giao thông dẫn đến tử vong khi bị CSGT truy đuổi vì không đội mũ bảo hiểm;
2. Bùi Tấn Hoàng (27 tuổi), ngày 18/8/2014 tại TP HCM: tự ngã dẫn đến tử vong sau khi vào trụ sở công an cầu cứu;
3. Nguyễn Tiến Thọ (29 tuổi), ngày 16/8/2014 tại Sơn Tây, Hà Nội: nhảy xuống sông chết đuối khi bị công an giải về trụ sở;
4. Trần Giang Nam (43 tuổi), ngày 5/8/2014 tại huyện Hưng Hà,Thái Bình: treo cổ tự tử trong đồn công an sau khi bị bắt vì nghi án ăn trộm 21 con gà;
5. Nguyễn Văn Tuấn (39 tuổi), ngày 5/8/2014 tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang: tự ngã dẫn đến tử vong khi bỏ chạy do không đội mũ bảo hiểm, bị CSGT kiểm tra và đánh bằng dùi cui;
7. Phạm Duy Quý (21 tuổi), ngày 4/8/2014 tại Hải Dương: treo cổ tự tử trong trại tạm giam của công an tỉnh sau khi đến đầu thú về vụ giết 4 người trong gia đình;
8. Nguyễn Văn Chín (44 tuổi), ngày 25/6/2014 tại TP HCM: bị “người lạ” đánh đến chết sau khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn;
9. Lê Văn Nam, ngày 19/6/2014, tại TP Phan Thiết, Bình Thuận: chết đuối khi chạy trốn khỏi nhà tạm giữ của công an;
10. Nguyễn Thị Gái (30 tuổi), ngày 17/6/2014 tại TP HCM: chết chưa rõ nguyên nhân khi bị tạm giữ tại công an phường;
11. Trần Đình Toàn (54 tuổi), ngày 11/6/2014 tại TP Nam Định: chết do sốc ma tuý tại trụ sở công an phường;
12. Bùi Thị Hương (42 tuổi), ngày 18/3/2014 tại Thị xã Đồng Xoài, Bình Phước: treo cổ tự tử trong trụ sở công an phường;
13. Huỳnh Nhất Trung (20 tuổi), ngày11/3/2014 tại huyện Vân Canh, Bình Định: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an huyện;
14. Trịnh Hoàng Dương (23 tuổi), ngày 7/2/2014 tại TP Hòa Bình: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an thành phố;
15. Nguyễn Văn Hải (44 tuổi), ngày 20/1/2104 tại huyện Thanh Hà, Hải Dương: nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an huyện;
16. Lầu Nguyên Sầu (39 tuổi), ngày 4/1/2014 tại huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai: bị bắn chết vì súng của cảnh sát bị cướp cò trong khi vây sòng bạc;
17. Nguyễn Văn Pha (60 tuổi), ngày 3/1/2014 tại Phú Yên: chết do nhồi máu cơ tim trong trại tạm giam của công an tỉnh;
18. Đỗ Duy Việt (48 tuổi), ngày 23/12/2013 tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công huyện;
19. Đinh Ngọc Hóa (36 tuổi), ngày 21/12/2013 tại thị xã Dĩ An, Bình Dương: treo cổ tự tử tại trụ sở công an phường;
20. Y Beo Ksơr (17 tuổi), ngày 14/12/2013 tại Đắk Lắk: chết vì bệnh tim trong nhà tạm giam của công an tỉnh;
21. Trần Mạnh Viễn (26 tuổi), ngày 26/10/2013 tại Hà Nội: bị hai công an đánh chết trong một vụ ẩu đả tại quán nhậu;
22. Trần Thị Hải Yến (31 tuổi), ngày 7/10/2013 tại huyện Tụy An, Phú Yên: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an huyện;
23. Lê Duy Định (46 tuổi), ngày 23/9/2013 tại Hà Nội: chết chưa rõ nguyên nhân sau khi bị công an bắt về đồn;
24. Nguyễn Đăng Cự (41 tuổi), ngày 12/5/2013 tại huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an huyện;
25. Lê Hoàng Triệu Khang (15 tuổi): ngày 19/8/2013 tại TP Bảo Lộc, Lâm Đồng: treo cổ tự tử sau khi bị công an lấy cung;
26. Trần Kim Phụng (59 tuổi), ngày 14/4/2013 tại TP HCM: chết vì phù phổi cấp trong nhà tạm giữ của công an quận;
27. Lê Quốc Đạt, ngày 13/4/2013 tại TP HCM: chết trong trại giam của công an vì tiêu chảy kéo dài do bệnh AIDS;
28. Trần Văn Hiền (42 tuổi), ngày 09/4/2013 tại TP HCM: bị “người lạ” đánh chết sau khi cãi vã với CSGT;
29. Nguyễn Văn Quệ (47 tuổi), ngày 7/4/2013 tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: chết vì bệnh tim khi bị công an vây bắt;
30. Trần Bá Lộc (24 tuổi), này 04/1/2013 tại thị trấn Sông Đốc, Cà Mau: treo cổ tự tử tại trụ sở công an tỉnh;
31. Đoàn Vũ Hòa (33 tuổi), ngày 19/12/2012 tại TP Hải Phòng: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an thành phố;
32. Phạm Thế Hiền (28 tuổi), ngày 18/9/2012 tại huyện Tiểu Cần, Trà Vinh: treo cổ tự tử tại trụ sở công an huyện;
33. Nguyễn Trung Giảng, ngày 11/9/2012 tại Lâm Đồng: tự tử trong trại giam;
34. Hồ Long Giang (27 tuổi), ngày 14/9/2012 tại thị xã Long Khánh, Đồng Nai: treo cổ tự tử tại nhà tạm giam của công an thị xã;
35. Dương Mỹ Linh (54 tuổi), ngày 6/8/2012 tại Cà Mau: treo cổ tự tử trong trại tạm giam của công an tỉnh;
36. Lê Thanh Tuấn (49 tuổi), ngày 2/5/2012 tại Vĩnh Long: treo cổ tự tử trong nhà tạm giam của công an tỉnh;
37. Phan Thanh Dương (18 tuổi), ngày 6/4/2012 tại Cần Thơ: tự tử (không rõ bằng cách nào) trong trại giam của công an;
38. Tăng Hồng Phúc (26 tuổi), ngày 2/4/2012 tại TP HCM: chết do tràn dịch màng phổi trong trại tạm giam của công an thành phố;
39. Hoàng Gia Đạt Phước (35 tuổi), ngày 19/2/2012 tại TP HCM: chết do phù thủng cấp tính trong trại tạm giam của công an thành phố;
40. Võ Tấn Tâm (27 tuổi), ngày 1/2/2012 tại TP Đà Nẵng: chết do bệnh lý về tim mạch, có dấu hiệu bị đánh;
41. Ngô Tuấn Khanh (22 tuổi), ngày 30/12/2011 tại huyện Cần Đước, Long An: chết trước phiên phúc thẩm trong trại giam, chưa rõ nguyên nhân;
42. Nguyễn Văn Nhẫn (20 tuổi), ngày 19/12/2011 tại huyện Yên Định, Thanh Hóa: treo cổ tự tử tại nhà tạm giữ của công an huyện;
43. Nguyễn Minh Tâm (29 tuổi), ngày 23/11/2011 tại huyện Tiên Phước, Quảng Nam: chết trong nhà tạm giam của công an huyện vì bệnh tim;
44. Đoàn Văn Chí (36 tuổi), ngày 8/11/2011 tại huyện Bù Gia Mập, Bình Phước: chết khi bị công an giam giữ, không rõ nguyên nhân;
45. Nguyễn Văn Hận (19 tuổi), ngày 23/10/2011 tại TP Biên Hòa, Đồng Nai: chết trong nhà tạm giữ của công an thành phố, chưa rõ nguyên nhân;
46. Ngô Văn Cường (43 tuổi), ngày 12/10/2011 tại huyện An Dương, Hải Phòng: chết sau một phát súng chỉ thiên của công an xã;
47. Nguyễn Văn Sậm (62 tuổi), ngày 10/10/2011 tại TP Cần Thơ: chết không rõ nguyên nhân trong nhà tạm giữ của công an;
48. Trương Mạnh Tuấn (51 tuổi), ngày 5/10/2011 tại TP Nha Trang, Khánh Hòa: chết do nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an phường;
49. Nguyễn Gia Trung (29 tuổi), ngày 11/9/2011 tại huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng: đập đầu tự tử trong trại giam;
50. Trần Thị Vượng (49 tuổi), ngày 8/8/2011 tại TP Thái Bình: nhảy lầu tự tử tại trụ sở công an thành phố;
51. Đặng Phi Vũ (35 tuổi), ngày 17/7/2011 tại TP Cà Mau: treo cổ tự tử tại phòng tạm giữ của công an thành phố;
52. Lê Anh Thắng (34 tuổi), ngày 25/4/2011 tại Phú Yên: treo cổ tự tử trong nhà tạm giữ của công an thành phố;
53. Đặng Ngọc Trung (48 tuổi), ngày 15/3/2011 tại thị xã Đồng Xoài, Bình Phước: treo cổ tự tử tại trụ sở công an xã;
54. Ngô Quang Phái (59 tuổi), ngày 6/3/2011 tại huyện Tân Lạc, Hòa Bình: treo cổ tự tử tại trại giam của công an huyện;
55. Nguyễn Lập Phương (46 tuổi), ngày 6/3/2011 tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: chết vì bệnh tim tại trụ sở công an huyện;
56. Trần Văn Trường (30 tuổi), ngày 25/2/2011 tại Bắc Giang: chết trong trại tạm giam của công an tỉnh vì suy thận và suy gan nặng;
57. Võ Đức Duy (28 tuổi), ngày 23/2/2011 tại TP Đà Nẵng: chết vì bệnh lý trong trại tạm gaim của công an thành phố;
58. Lê Bá Thụ (25 tuổi), ngày 27/1/2011 tại huyện Như Xuân, Thanh Hóa: treo cổ tự tử tại trụ sở công an huyện;
59. Đặng Văn Đen (32 tuổi), ngày 17/12/2010 tại TP Long Xuyên, An Giang: chết vì bệnh lý tim, phổi cấp tính sau khi ở trụ sở công an về;
60. Nguyễn Văn Thăng (33 tuổi), ngày 3/12/2010 tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng: nuốt bả chó tự tử tại trụ sở công an xã;
61. Nguyễn Nam Hà (33 tuổi), ngày 24/11/2010 tại Khánh Hòa: treo cổ tự tử trong trại tạm giam của công an tỉnh;
62. Trần Minh Tình (27 tuổi), ngày 20/10/2010 tại Phú Yên: treo cổ tự tử trong trại giam của công an tỉnh;
63. Bùi Đinh Thanh Huy (20 tuổi), ngày 17/10/2010 tại TP Mỹ Tho, Tiền Giang: treo cổ tự tử tại trụ sở công an phường;
64. Liên Triều Ân, ngày 12/10/2012 tại TP Phan Thiết, Bình Thuận: treo cổ tự tử tại trụ sở công an thành phố;
65. Huỳnh Văn Thâm (32 tuổi), ngày 9/10/2010 tại huyện Châu Thành, Tiền Giang: treo cổ tự tử tại trụ sở công an xã;
66. Lê Vĩnh Lân (21 tuổi), ngày 2/10/2010 tại TP Đà Nẵng: chết tại trụ sở công an quận do bệnh lý;
67. rần Ngọc Đường (52 tuổi), ngày 9/9/2010 tại huyện Trảng Bom, Đồng Nai: treo cổ tự tử tại trụ sở ủy ban xã;
68. Trần Duy Hải (32 tuổi), ngày 8/8/2010 tại huyện Châu Thành A, Hậu Giang: treo cổ tự tử tại nhà tạm giữ của công an huyện;



No comments:

Post a Comment