Saturday, April 7, 2012

VIỆT NAM THÈM KHÁT SỪNG TÊ GIÁC, MẶT HÀNG ĐẮT GIÁ HƠN CẢ COCAIN (Mike Ives, Mercury News)



Mike Ives
Mercury News   Ngày 03-04-2012

Người dịch: Phạm Xuân
Posted by basamnews on 07/04/2012

Hà Nội, Việt Nam – Nguyễn Hương Giang rất khoái tiệc tùng nhưng cô lại ghét say xỉn, vì thế cô thường kết thúc những trận rượu linh đình bằng mấy ngụm nước pha với sừng tê được cạo ra bằng một chiếc đĩa sứ đặc biệt.
Bố của Giang tặng cho cô một miếng sừng màu nâu dài 4 inch (khoảng 10cm), và giải thích rằng nó có thể chữa lành mọi bệnh tật từ đau đầu cho tới ung thư. Người Việt Nam hiện nay đang rất bị ám ảnh bởi thứ vật chất giống móng tay mà giá bán còn đắt hơn cả ma tuý này.

“Tôi không biết chính xác giá của nó là bao nhiêu,” Giang, năm nay 24 tuổi, nói với chúng tôi sau khi cho chúng tôi xem miếng sừng tại căn hộ chung cư của cô, nơi có thể ngắm nhìn toàn cảnh Thủ đô Hà Nội, “Tôi chỉ biết là nó rất đắt tiền.”

Các chuyên gia cho biết nhu cầu ngày một tăng cao tại Việt Nam đang đe doạ sẽ xoá sổ số lượng tê giác còn lại trên thế giới, những con tê giác đã may mắn kịp thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng sau những chiến dịch bảo tồn từ thập niêm 1970 của thế kỷ trước. Săn bắn bất hợp pháp tại châu Phi được ghi nhận ở mức độ cảnh báo cao nhất vào năm 2011 và vẫn tiếp tục ra tăng vào năm nay. Tuần này, Nam Phi kêu gọi khôi phục lại những hợp tác với Việt Nam sau những con số “gây sốc” về số lượng tê giác đã bị giết trong năm nay.

Trung Quốc trong một thời gian dài đề cao sừng tê giác vì giá trị y học mặc dù chưa hề được chứng minh. Tuy nhiên các cơ quan Mỹ và các chuyên gia về thiên nhiên hoang dã thế giới hiện nay cho rằng nhu cầu tăng cao tại Việt Nam, một phần lý do bởi quan niệm cho rằng sừng tê có thể chữa lành ung thư, đang tạo nên những áp lực chưa từng có đối với số lượng được ước tính là khoảng 28.000 cá thể tê giác trên toàn cầu đang tồn tại mà chủ yếu là ở Nam Phi.

“Tình hình hiện nay thật kinh khủng,” ông Dan Ashe, Giám đốc Cơ quan Dịch vụ Thuỷ sản và Động vật hoang dã Mỹ, nói qua điện thoại. “Chúng ta có rất ít vùng đệm cho những quần thể này trong thiên nhiên.”

Mặc dù số liệu về mua bán sừng tê toàn cầu rất hiếm, nhưng tình trạng săn bắn trái phép ở châu Phi mở rộng trong vòng 2 năm qua, các cơ quan của chính phủ Mỹ cho biết Trung Quốc và Việt Nam đang làm chủ sự buôn bán với một thị trường rất vô nghĩa ở nước Mỹ.

Những người bảo vệ tự nhiên nói rằng trong vòng 2 thập kỷ qua, sừng tê trở thành một món đồ sang trọng phải có trong nhà của các đại gia giàu có ở Việt Nam bên cạnh những chiếc túi Gucci hay những chiếc xe Maybach đắt tiền.
Trong khoảng từ năm 2006 tới năm 2008, 3 cán bộ ngoại giao tại Đại sứ quán Việt Nam ở Pretoria đã liên quan tới những vị bê bối về buôn bán tê giác trái phép – trong đó có một người đã bị bắt quả tang trực tiếp. Vào tháng Hai, các nhân viên an ninh Mỹ đã bắt được một tổ chức được cho là hoạt động buôn bán sừng tê trái phép với kẻ đầu sỏ là một người Mỹ gốc Việt.

Những lời khai mà nguồn tin đảm bảo cung cấp cho AP cho biết một trong những kẻ bị bắt trong vụ án tại Mỹ, Felix Kha, đã tới Trung Quốc 12 lần trong khoảng từ năm 2004 tới năm 2011 và tới Việt Nam 5 lần trong năm ngoái.
“Vẫn có một số lượng sừng tê được đưa vào Trung Quốc nhưng Việt Nam lại là quốc gia đang “cầm cương” sự ra tăng việc săn bắn trái phép sừng tê,” ông Chris R.Shepherd, giám đốc uỷ quyền khu vực Đông Nam Á của tổ chức bảo vệ thiên nhiên hoang dã TRAFFIC cho biết. “Chính phủ Việt Nam cần đẩy mạnh thực sự những nỗ lực để vạch trần kẻ đứng sau hoạt động buôn bán trái phép sừng tê… và chấm dứt công việc làm ăn phi pháp của chúng.”
Sự tin tưởng vào tác dụng của sừng tê đem lại giá trị lợi nhuận lớn hơn các sản phẩm tự nhiên quý hiếm khác như mật gấu hay cao hổ. Các cơ quan của Mỹ nói rằng bột sừng tê đã tán có giá hơn 55.000 đôla một kg ở châu Á (tức là khoảng 25.000 đôla một pound) – cái giá vượt qua cả giá trị của ma tuý bán trên các đường phố ở Mỹ, khiến cho thứ vật chất ở thể sừng này đắt như vàng đúng theo nghĩa đen.

Kinh khủng hơn, bọn trộm giờ đây còn ăn cắp sừng tê từ các bảo tàng và cửa hàng kinh doanh thú nhồi ở châu Âu, nhiều trường hợp chúng đập nát sừng bằng búa trước khi trộm đi. Theo thống kê của Europol, cơ quan thi hành luật pháp của châu Âu, 72 chiếc sừng tê giác đã bị ăn cắp tại 15 quốc gia châu Âu trong năm 2011, năm đầu tiên số liệu này được ghi nhận.

Bọn săn trộm ở Nam Phi tường sử dụng cưa máy để cắt sừng ra khỏi đầu con tê giác, làm tổn thương những con vật khổng lồ đó kể cả khi chúng chưa chết hẳn và để lại những lỗ hổng đầy máu trên đầu những con còn may mắn sống sót.

Nhiều khi là một phát súng đơn giản, con vật chết ngay mặc dù sừng có thể mọc trở lại trong vòng 2 năm mà không hề làm hại con vật nếu như cắt một cách cẩn thận. Các cơ quan và tổ chức phi lợi nhuận ở Nam Phi được ưu tiên cho phép cắt sừng của một số con tê giác với mục đích bảo vệ chúng, nhưng một số kẻ săn trộm vẫn đang hàng ngày tìm mọi cách giết một con tê giác đôi khi chỉ vì một mẩu sừng nhỏ mới nhú.

Việt Nam đã chính thức bị xoá sổ loài tê giác Java năm 2010, mặc cho những nỗ lực bảo vệ ban đầu của quốc gia này. Những con cuối cùng trong quần thể loài này được tìm thấy xác trong một khu vườn quốc gia, chúng bị bắn xuyên qua chân và sừng đã bị cưa mất.

Ông Trần Đăng Trung, người đang quản lý một vườn thú ở ngoại thành Hà Nội nơi đã nhập về 4 con tê giác trắng từ Nam Phi, nói rằng ông lo lắng cho sự an toàn của các con vật mặc dù vườn thú này được bảo vệ 24 trên 24.
“Nếu muốn, bọn trộm thừa khả năng giết các con vật và ăn cắp những bộ phận có giá trị trên cơ thể chúng,” đứng bên ngoài khu vực bãi quây ngoài trời có diện tích bằng một sân bóng rổ dành cho mấy con tê giác, ông Trung nói.
Luật pháp ở Việt Nam xoay quanh vấn đề kinh doanh nhập khẩu sừng tê rất tù mù và những chế tài còn nhẹ mặc dù chính phủ đã cam kết sẽ bóc tận gốc những kẻ buôn bán trái phép.

Một cách chính thức, không hơn 60 chiếc sừng tê giác đã được đóng gói nhập khẩu hợp pháp vào Việt Nam từ các khu bảo tồn động vật tại Nam Phi với mục đích làm đồ lưu niệm mỗi năm, nhưng theo các chuyên gia về thiên nhiên hoang dã thế giới đánh giá thì con số thực tế lượng sừng mà các kiều dân Việt Nam đưa ra khỏi Nam Phi mỗi năm lên tới hơn 100.

Đầu tuần này, chính phủ Nam Phi nói rằng họ đang làm việc với phía Việt Nam để ngăn chặn sự lạm dụng khai thác giấy phép săn bắn. Hà Nội cũng được yêu cầu phải kiểm duyệt nghiêm ngặt để đảm bảo những sản phẩm từ tê giác được nhập khẩu từ Nam Phi được ghi nhận đầy đủ trong sở hữu của người săn có giấy phép.

Theo các chuyên gia về thiên nhiên hoang dã thì việc kiểm soát những chiếc sừng tê được đưa vào Việt Nam theo cách khác là không thể, nhưng họ chỉ ra rằng một số báo cáo của truyền thông trong nước ngụ ý về các cán bộ ngoại giao Việt Nam vướng vào việc buôn bán quốc tế đã bị cấm đăng tải rộng rãi từ năm 1976.

Năm 2006, một vị cán bộ ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi đã bị án tù vì buôn bán sừng tê trái phép, trong khi một người khác đã bị quay phim đang thực hiện việc buôn bán ngay bên ngoài cổng sứ quán. Vị cán bộ thứ ba đã bị thẩm vấn cùng trong năm đó sau khi người ta tìm thấy 18kg (tương đương 40 pound) sừng tê trong chiếc xe của ông ấy bên ngoài một sòng bạc.

Trong một phát biểu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nói rằng những sự việc xảy ra đã gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh của Việt Nam và những cán bộ ngoại giao hiện nay đang phải chịu những sức ép về kỷ luật nghiêm ngặt.

Trong khi đó, tình trạng giết hại tê giác trái phép tại Nam Phi đang tăng vọt – từ 122 năm 2009 lên 333 năm 2010 và ghi nhận 448 năm 2011. Báo cáo của quốc gia này tuần trước cho biết 150 con tê giác đã bị săn bắn trái phép trong năm nay, gần 60% đã bị tiêu diệt ở Vườn Quốc gia Kruger. Ở Hà Nội, người Việt Nam có thể mua được sừng tê trên những con phố của khu phố cổ, nơi mà những người kinh doanh các loại thuốc cổ truyền gần đây nói với phóng viên AP rằng một đơn thuộc trung bình giá 200 ngàn đồng (tương đương khoảng 10 đôla).

Các bác sĩ ở Hà Nội báo cáo rằng một số bệnh nhân của họ thường sử dụng bột sừng tê như một phương thuốc đông y hỗ trợ, họ tin rằng nó giúp chữa khỏi sốt và một số bệnh thông thường khác. Một số khác sử dụng nó như nỗ lực cuôí cùng để chống chọi với căn bệnh ung thư.

Ông Nguyễn Hữu Trường, bác sĩ tại Bệnh viện Lâm sàng Hà Nội nói rằng mỗi năm vẫn có một số bệnh nhân tới thăm ông và than phiền về chứng phát ban mà họ bị mắc trong khi sử dụng sừng tê.

“Rất nhiều người Việt Nam tin rằng cái gì đắt là tốt, nhưng nếu anh đổ rất nhiều tiền để mua sừng tê thì cũng có thể người lại anh sẽ liên tục… cắn móng tay,” ông nói. Thành phần của sừng tê có keratin, một loại protein có trong tóc và móng tay người.

Giang, cô gái Viêt Nam trẻ tuổi, người thường uống nước pha bột sừng tê như một cách để chống lại những cuộc say xỉn, nói rằng cô không “xi nhê” gì với cảnh báo đó của bác sĩ về hiệu quả của chất liệu này và không quan tâm cha mình kiếm đâu được miếng sừng.

Các chuyên gia cho biết một số sừng tê buôn bán ở Việt Nam là đồ giả, phóng viên AP thì không thể kiểm chứng chất lượng miếng sừng tê của Giang, thứ mà cô thường cạo trên bề mặt chiếc đĩa sứ để lấy ra một chút bột. Cô ấy uống vào bụng dạng chất lỏng gồm nước pha với sừng tê khi bị di ứng hay sau khi nốc quá nhiều rượu mạnh.

Bởi vì chỉ dùng tới thứ “thần dược” này một tới hai lần trong vòng 3 tháng nên Giang ước tính miếng sừng của mình sẽ sử dụng được trong khoảng 10 thậm chí 15 năm nữa. Nhưng cho tới khi cô ấy dùng hết miếng sừng của mình, có thể sẽ chẳng còn con tê giác nào tồn tại trên Trái đất này để tiếp tục thoả mãn những mong muốn của cô ấy.

Bài viết trên có sự đóng góp của Donna Bryson, hãng thông tấn AP tại Johannesburg, Nam Phi.

Nguồn: Mercury News


Bài báo tham khảo:



- Cuộc chiến tê giác (National Geographic/ Tia Sáng).

Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Bản tiếng Việt © Phạm Xuân
.
.
.

No comments:

Post a Comment