Sunday, April 1, 2012

TRUNG QUỐC CÓ ĐÁNG SỢ ĐẾN THẾ KHÔNG ? (Song Chi)



Song Chi

Trên Foreign Policy ngày 20.3.2012 có bài “The Loneliest Superpower” (Siêu cường cô đơn nhất) viết về Trung Quốc của tác giả Minxin Pei, Giáo sư, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và chiến lược Keck tại Claremont McKenna College.

Bài viết cho thấy, Trung Quốc ngày nay mặc dù đã trở thành một cường quốc hùng mạnh có quan hệ làm ăn với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có những quốc gia phụ thuộc vào sự trợ giúp của TQ về kinh tế và quân sự như Pakistan, phụ thuộc về kinh tế như Myanmar, Campuchia, Lào, Nepal, hay Bắc Triều Tiên-Myanmar hay Bắc Triều Tiên còn có thể xem như các nước chư hầu của TQ; nhưng thật ra, TQ lại không có đồng minh chiến lược thật sự. Còn những nước gọi là bạn bè thì lại có chế độ độc tài không được thế giới thiện cảm như Venezuela của Hugo Chávez, Zimbabwe của Robert Mugabe, Cuba của anh em nhà Castros. Và khi một thế hệ chính trị gia khác theo đường lối dân chủ lên nắm quyền thì chưa chắc mối quan hệ giữa TQ với những nước này còn nồng ấm.

Tác giả Minxin Pei kết luận, để cải thiện tình hình, TQ có hai con đường. Một là phải giải quyết những tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng một cách hòa bình, hai là phải dân chủ hóa hệ thống chính trị của mình, điều này sẽ giúp loại bỏ những rủi ro của một cuộc xung đột chính thức Mỹ-Trung và mang lại cho TQ “bạn bè trên toàn thế giới”.

Đây không phải là lần đầu tiên một nhân vật thuộc giới nghiên cứu chính trị, một nhà trí thức người Hoa nói về sự cô đơn của “siêu cường” TQ.

Tải liệu tham khảo đặc biệt của TTXVN đăng trên trang Anh Ba Sàm “Trung Quốc: khó khăn ngoại giao láng giềng dưới góc nhìn của các học giả trong nước”, đăng lại từ báo “Thanh niên Trung Quốc” số ra ngày 10.11.2011, tổng hợp ý kiến của các học giả trong nước, đều có chung một nhận định rằng tình hình ngoại giao với các nước láng giềng châu Á của Trung Quốc trong thời gian qua (cụ thể là trong 2 năm 2010-2011) gặp nhiều khó khăn và đưa ra những gợi ý về việc Trung Quốc cần phải tháo gỡ khó khăn đó bằng cách nào.

Giáo sư Diêm Học Thông (Yan Xuetong), giám đốc Viện nghiên cứu Quốc tế đại học Thanh Hoa (Tsinghua University) trong một cuộc diễn thuyết tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie ở Washington ngày 7.11.2011 đã nhận xét “Trung Quốc càng mạnh càng ít bạn. Càng giàu càng ít có ảnh hưởng chính trị.” (China’s become stronger. But then you have less friends. China has become richer but then you have less political influence.)

Từ đó giới nghiên cứu, các học giả Trung Quốc cho rằng Trung Quốc vẫn phải nên tiếp tục “giấu mình chờ thời”, tích cực thể hiện thiện chí chứ không phải đối kháng hay đối đầu, tăng cường loại bỏ nghi ngờ trong các công việc liên quan đến quốc phòng, tuyên truyền đối ngoại, thậm chí chính Trung Quốc phải thay đổi trở thành một nước dân chủ hơn, điều đó sẽ làm cho các nước khác trở nên yên tâm hơn.

Bởi nếu những mối quan hệ láng giềng mà tốt đẹp, môi trường xung quanh mà ổn định, hòa bình thì trước hết sẽ có lợi cho sự phát triển của chính Trung Quốc. Là một nước lớn, với số dân khổng lồ và rất nhiều vấn đề nội tại phức tạp phải đương đầu hiện nay, giới lãnh đạo Trung Quốc ắt phải hiểu rõ điều đó hơn ai hết.

Nhìn lại thời gian qua, chỉ trong vòng chưa đầy hai năm (2010-2011), Trung Quốc đã phải nhận lãnh hàng loạt thất bại về mặt ngoại giao với các nước láng giềng, sau khi nước này thi hành một chính sách cứng rắn đến hung hăng và không che dấu tham vọng to lớn muốn độc chiếm gần như toàn bộ biển Đông, cũng như muốn thay thế Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới.

Hậu quả là các nước xung quanh lập tức trở nên cảnh giác với Trung Quốc, hoặc đáp trả lại một cách cứng rắn không kém, hoặc âm thầm tìm kiếm sự hỗ trợ từ nước khác lớn mạnh hơn. Tiếp theo là quyết tâm trở lại châu Á của Hoa Kỳ trong sự chào đón của hầu hết các nước trong khu vực và sự hình thành những liên minh trong vùng nhằm đối phó với Trung Quốc. Quan trọng hơn, hình ảnh một cường quốc mới trỗi dậy hòa bình, thân thiện và vị trí mà Trung Quốc có được trong khu vực hơn hai thập niên qua đã bị ảnh hường nặng nề, gần như trở lại điểm xuất phát.

Điều đó buộc TQ phải thay đổi thái độ đối với các nước láng giềng từ cuối năm 2011.

Mặc dù những bài báo với ngôn từ khó nghe không coi nước khác ra gì vẫn xuất hiện trên những trang mạng chính thống của TQ, mặc dù những tiếng nói hung hăng của phái diều hâu ở Trung Quốc vẫn không ngừng đe dọa gây chiến tranh, “dạy cho các nước láng giềng một bài học”, người ta nhận thấy giọng điệu và thái độ chung của Bắc Kinh đã dịu đi nhiều. Bởi vì Bắc Kinh thừa hiểu họ chưa đủ mạnh để gây chiến với nhiều nước, để thay đổi trật tự thế giới. Điểm yếu chết người của TQ nằm trong chính mô hình thể chế chính trị khiến cho nước này về mặt đối nội, luôn luôn phải đương đầu với những bất ổn xã hội, còn đối ngoại, thì lại khó có bạn bè đồng minh thực sự và nếu giở quẻ gây hấn, TQ sẽ càng bị cô lập hơn.

Đó là chưa nói, TQ tuy đã là một cường quốc về kinh tế, kể cả về quân sự, nhưng trong lĩnh vực quân sự so với Hoa Kỳ, vẫn còn một khoảng cách khá xa, quân đội TQ lại chưa có kinh nghiệm trận mạc nhiều, cả trong nước lẫn quốc tế, vũ khí do chính TQ sản xuất vẫn chưa là gì so với Nga chứ chưa nói đến Hoa Kỳ.

Tất nhiên, so với VN, trong quá khứ, hiện tại, cũng như tương lai, TQ đã và vẫn luôn là một mối nguy hiểm thường trực, một nỗi đe dọa lớn nhất về sự vẹn toàn lãnh thổ lãnh hải. Nhưng cũng cần phải hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của TQ, bàn cờ cục diện và xu hướng chuyển động của thế giới để nhận ra, liệu có cần phải khiếp sợ đến mức tự cột chặt vận mệnh của đất nước, dân tộc vào mối quan hệ bất xứng, lợi ít thiệt hại nhiều giữa hai đảng, hai nhà nước, tự bóp nghẹt cả lòng yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc hay không?

Điều đó chỉ có những cái đầu “đỉnh cao trí tuệ” của đảng và nhà nước cộng sản VN mới có thể trà lời.


.
.
.

No comments:

Post a Comment