Monday, April 2, 2012

NHỮNG KỶ NIỆM ĐẶC BIỆT THỜI KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP : PHẦN 3 - MỘT KHÓA CHỈNH HUẤN CHÍNH TRỊ (Trương Đăng Đệ, Danlambao)




1-4-2012

Chính vì coi thường, không tin trí thức nên các chức lãnh đạo, chỉ huy, có quyền quyết định đều giao cho những kẻ dốt như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh,... còn những người có thực học thuộc g/c khác cùng lắm chỉ là cấp phó hay cố vấn mà thôi. Vì vậy, làm sao có thể đưa đất nước tiến lên như các nước Á Đông khác. Bây giờ mới sáng mắt, thấy sự quan trọng của trí thức trong việc xây dựng đất nước thì ai cũng biết là đảng chỉ trông vào trí thức khi cần, như lúc đầu nắm được chính quyền vào năm 1945, hoặc khi muốn chiếm miền Nam. Sau đó các đảng phái đồng minh như VNQĐD, Đại Việt, đảng Dân Chủ... lần lượt bị tiêu diệt, hoặc bị loại bỏ, và sau này Mặt trận Giải phóng Miền Nam cũng cùng chung số phận...

*

Từ khi rời trường TSQ, tôi được bổ nhiệm nhiều công tác, và nói chung tôi chỉ nhắc đến những việc đặc biệt hay có ảnh hưởng tới suy tư của tôi sau này, và vì lâu quá tôi không nhớ rõ thời gian nên có thể sai lệch về ngày tháng.

3 - Một khóa chỉnh huấn chính trị
4 - Tôi bỏ Đảng

Trong khi làm cán bộ ban quân sự một lớp bổ túc cho cán bộ trung, đại đội của Trung đoàn 57 vào năm 1948, tôi được biết anh Hồ Giống, trưởng ban quân sự của lớp đó. Anh Hồ Giống trước chỉ huy một chi đội ở Huế, là bạn với anh Hà Văn Lâu, nếu tôi nhớ không sai thì có lẽ ở trong đoàn Thanh niên Tiền tuyến của Bộ trưởng Phan Anh. Anh Giống thể chất tốt, có tài ăn nói, và không ưa, nếu không nói là ghét cs. Sở dĩ tôi nhắc đến anh là vì sau này vào Nam, anh được bầu làm dân biểu Quốc hội 2 khóa đơn vị Huế dưới thời ông Diệm và ông Nguyễn Văn Thiệu. Tôi thỉnh thoảng gặp anh mỗi khi có dịp đi chấm thi Tú Tài 1 và 2 ở Sài Gòn hay Huế (tôi dạy ở Nha Trang nên thường mỗi năm, nếu kỳ 1 chấm thi ở Huế thì kỳ 2 ở Sài Gòn.) Anh có ý rủ tôi vào làm chính trị, nhưng tôi đều lảng vì tuy ông Diệm là người yêu nước nhưng tôi thấy ông còn phong kiến, quan liêu, mà cánh quân sự thì tôi không thể chấp nhận mấy tướng tá lãnh đạo, vì trước tình nguyện đi lính cho Pháp thì làm gì có tinh thần yêu nước nên tôi rất khinh. Sau vụ Tết Mậu Thân, tôi không nghe nói gì đến anh nữa nên tôi nghi anh đã nằm trong đám mấy ngàn người bị Việt cộng thủ tiêu. Nay có lẽ chỉ Hoàng Phủ Ngọc Phan hay Ngọc Tường mới rõ.

Năm 1949, có vài việc cần nói đến, quan trọng nhất là việc tôi được cử đi học lớp chỉnh huấn chính trị cho cán bộ đại đội và tiểu đoàn do Bộ tư lệnh LK4 tổ chức vào khoảng đầu năm, tại một xã ở hữu ngạn sông Lam, phía nam chợ Thanh Chương. Lớp học dài chừng một tháng (hay 6 tuần?), và để động viên, học viên được hưởng double ration về khẩu phần thức ăn.

Mở đầu, nhà trường đưa ra một số câu hỏi về quan niệm của học viên về Ta, Bạn, Thù: Ta là ai, bạn là ai, thù là ai? Tôi còn nhớ tôi đã trả lời: Ta là tất cả những người chống thực dân Pháp; Bạn là tất cả những ai, những nước ủng hộ ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp; Thù là thực dân Pháp.

Trong các bài giảng, chúng tôi đại để được giảng là:

- Ta là giai cấp (g/c) công nhân. G/c công nhân là giai cấp có tinh thần cách mạng nhất vì bị bóc lột nhất, và có tổ chức nhất. G/c công nhân thua chẳng mất gì mà thắng thì được tất cả.

- Bạn có bạn gần, bạn xa. Bạn gần là bần cố nông, bạn xa theo thứ tự là trung nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc, phú nông.

- Bần cố nông là những người không có hoặc rất ít ruộng đất, nghèo nhất, phải làm thuê làm mướn cho phú nông, địa chủ và bị bóc lột thậm tệ nên có tinh thần cách mạng và trung thành với cách mạng.

- Trung nông là những người có ít ruộng đất, tự canh tác lấy, không bóc lột ai và có tinh thần yêu nước nên gắn bó với cách mạng.

- Tiểu tư sản thành thị là những người có chút ít của cải, có học thức, không bóc lột ai, có tinh thần cách mạng, yêu nước cao nhưng lửa rơm, dễ bị dao động và phải đầu hàng g/c công nhân để làm cách mạng.

- Phú nông là những người có ruộng đất, tự làm một phần và mướn bần cố nông làm một phần. Phú nông cũng có tinh thần yêu nước và có thể tin cậy được.

- Tư sản dân tộc là những người có của cải, chủ những xí nghiệp, doanh nghiệp thường ở thành thị; có tinh thần yêu nước, ghét thực dân nên cũng tham gia cách mạng, nhưng cũng bóc lột công nhân; giai cấp tư sản này ở VN rất ít.

Tất cả những g/c trên đều phải đầu hàng g/c công nhân để làm cách mạng - giảng viên nhiều lần nhấn mạnh tới điều này.

- Thù là giai cấp địa chủ, và tư bản vì là những g/c bóc lột; địa chủ là những người có nhiều ruộng đất sống nhờ địa tô, bóc lột bần cố nông.

Thì ra, theo như lời giảng viên, đây là một cuộc đấu tranh giai cấp, trong đó Ta là giai cấp công nhân, và các đảng viên thuộc các g/c không phải là công nhân đều phải đầu hàng g/c công nhân để đánh đổ các giai cấp bóc lột là địa chủ, tư bản (những điều này, mấy anh giới thiệu tôi vào đảng không hề đề cập tới, có thể chính các anh cũng không biết) để xây dựng một xã hội công bằng, không g/c, trong đó không còn bóc lột, một xã hội thần tiên mà mọi người sẽ làm việc theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Kể ra thì cũng là một xã hội lý tưởng; tuy nhiên khi học, tôi có một vài điều thắc mắc vì tôi thấy ở nước ta chỉ có rất ít thợ thuyền như ở các hầm mỏ, rừng cao su chứ làm gì có g/c công nhân như ở các nước kỹ nghệ; các lãnh tụ như HCM, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đâu có phải từ thợ thuyền mà ra, và g/c tiểu tư sản chẳng hạn phải đầu hàng g/c công nhân là như thế nào?

Theo tôi lúc có nghĩ thì những người tiểu tư sản khi tự nguyện vào đảng đấu tranh cho g/c công nhân, thì chỉ vì lý tưởng công bằng xã hội, sao lại phải đầu hàng g/c công nhân? Chính những chữ "đầu hàng" đó đã làm tôi nảy ta tự ái g/c, vì g/c TTS đã có những thành tích đấu tranh nổi tiếng trong lịch sử, tinh thần yêu nước, hy sinh đâu có kém ai. Thực tế là trong cuộc KC chống Pháp, phần lớn các cán bộ trong quân đội, trong hành chánh, tư pháp, giáo dục, y tế… đều là TTS.

Mãi sau này tôi mới hiểu đầu hàng có nghĩa là chịu thua, thậm chí là phải chịu sự chỉ huy của những cán bộ công nhân, bần cố nông dù dốt nát, kém năng lực hơn mình. Thảo nào, sau mấy khóa làm trại trưởng Hậu bị quân trước kia, khi cần cán bộ tiểu đoàn, người được đề bạt lên tiểu đoàn phó lại là một trại trưởng đứng hạng bét trong các cuộc thi đua, trong lúc các trại tôi phụ trách đều đứng đầu. Anh cũng trạc tuổi tôi, có thể anh ta là người địa phương, hay thuộc g/c trung nông đáng tin cậy hơn? Tôi thấy chẳng công bằng chút nào, và trong khi nói mục đích của đcs là xây dựng một xã hội không g/c thì trong đảng lại vẫn còn phân biệt đối xử đối giữa với các g/c khác nhau, vẫn còn kỳ thị g/c.

Theo tôi nghĩ thì khi gia nhập đảng, chịu cực khổ như công nhân, nông dân thì người TTS đã hy sinh nhiều hơn công nhân, nông dân, vì họ đâu có đói rách, dốt nát như thợ thuyền, bần cố nông nên đáng lẽ họ phải được ưu tiên hơn mới phải. Thực ra tôi không cần và không muốn được ưu tiên mà chỉ đòi hỏi công bằng thôi.

Sau lại được đọc đâu đó về Xô viết Nghệ Tĩnh, trong đầu những năm 1930, nông dân nổi dậy đánh quân Pháp ở vài nơi trong các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh như ở Đô Lương với khẩu hiệu "trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ", tôi tự hỏi tại sao lại tiêu diệt trí thức? Nếu không có trí thức thì làm sao xây dựng xã hội tương lai? Tôi cho là chính nhờ trí thức, con người mới có những tiến bộ khoa học làm kỹ nghệ phát triển, đời sống nhân loại mới ngày càng cải thiện, tốt đẹp hơn. Thành thử tôi nghĩ rằng họ chỉ lợi dụng trí thức khi cần chứ thực tâm họ không tin tưởng cho nên luôn luôn phải có những cán bộ chính trị kèm theo để theo dõi, kiểm soát, và chỉ huy nữa; và khi đề bạt cán bộ, họ ít dám dùng những người có học thức, vì họ sợ trí thức có trình độ hiểu biết nên không dễ bảo sao nghe vậy, không tin tưởng mù quáng vào những lời tuyên truyền của họ.

Điều này sau ngày càng được chứng tỏ là đúng:

- Trường hợp anh Đặng Văn Việt là một trong hàng ngàn ví dụ điển hình: dù nhiều phen sinh tử trong chiến trường, và với bao thành tích để trở thành con hùm xám đối với địch quân trong chiến dịch biên giới 1950, anh cứ dậm chân tại chỗ với chức trung đoàn trưởng mãi cho đến lúc về hưu, chỉ vì anh thuộc thành phần địa chủ lại thêm trước là sinh viên y khoa, bao hy sinh của anh trong chiến trận đều không đáng kể.

- Hãy đọc giáo sư Nguyễn Mạnh Tường viết trong cuốn tự truyện "Un excommunié" (bản dịch "Một người bị mất phép thông công"):

... Trong suốt thời gian kháng chiến, tôi chấp nhận mọi hy sinh và dùng cả hai nghề luật sư và giáo sư để phục vụ dân tộc. Là thành viên của các phái đoàn Việt Nam đi dự bốn hội nghị quốc tế, Đà Lạt 1946, Bắc Kinh 1952, Vienne 1953 và Bruxelles 1956, tôi đã giữ vai trò chủ động và đạt một vài thành quả khiêm nhường... Có thể Đảng cũng muốn cho tôi một chứng chỉ tán thành bằng cách thăng cho những chức vụ dù chỉ là danh dự cũng có phần khả kính.

Nhưng tôi thừa biết trí nhớ của Đảng tồi lắm, Đảng quên ngay công lao của cả những người ngày trước đã được Đảng công nhận, chỉ vì tội làm Đảng nổi giận. Ngay cả những người cộng sản nổi tiếng, đã từng đi tù chung với những lãnh đạo hiện ở trên ngai, cũng chẳng được hưởng ân sủng gì ngoài sự ngoan cố và độc ác của họ.

Trong những ủy ban chỉ đạo các tổ chức quần chúng, Đảng có lệ đem những trí thức nổi tiếng vào làm phụ tá cho những đảng viên cầm cương, cầm lái. Những con rối ngồi trên Chủ tọa đài, tuyên bố khai mạc và kết thúc các buổi hội thảo, được người ta uể oải vỗ tay và cũng uể oải vỗ tay đáp lễ. Cái lối hành xử này đã trở thành tập quán, chỉ để phô trương có sự cộng tác chặt chẽ giữa trí thức không đảng phái và những người cộng sản. Tôi biết thừa và chẳng ngạc nhiên gì.

- Khi chiếm được miền Nam, các bác sĩ "ngụy" đều không được dùng, hoặc nếu được lưu dụng thì cũng dưới sự chỉ huy của các bác sĩ từ y tá lâu năm lên, kỹ sư thì dưới sự chỉ huy của công nhân…

Chính vì coi thường, không tin trí thức nên các chức lãnh đạo, chỉ huy, có quyền quyết định đều giao cho những kẻ dốt như Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nông Đức Mạnh,... còn những người có thực học thuộc g/c khác cùng lắm chỉ là cấp phó hay cố vấn mà thôi. Vì vậy, làm sao có thể đưa đất nước tiến lên như các nước Á Đông khác.

Bây giờ mới sáng mắt, thấy sự quan trọng của trí thức trong việc xây dựng đất nước thì ai cũng biết là đảng chỉ trông vào trí thức khi cần, như lúc đầu nắm được chính quyền vào năm 1945, hoặc khi muốn chiếm miền Nam. Sau đó các đảng phái đồng minh như VNQĐD, Đại Việt, đảng Dân Chủ... lần lượt bị tiêu diệt, hoặc bị loại bỏ, và sau này Mặt trận Giải phóng Miền Nam cũng cùng chung số phận.

Gần đây, theo anh Hà Sĩ Phu, đột nhiên trí thức lại được đề cao, nâng cấp lên cùng với công nông trong chuỗi ưu tú Công Nông Trí, và từ kẻ thù số 1 chuyển dồn lên chỉ số 3 cũng quý lắm chứ? Trước kia đã bị "xuống chó" nay lại được "lên voi", dẫu là loại voi nhỏ con này vẫn rất cần có quản tượng cầm búa liềm đứng bên trên chế ngự; và anh HSP đã làm mấy câu vè đầy ý nghĩa sau đây:

TRÍ, PHÚ, ĐỊA, HÀO

Bốn anh Trí Phú Địa Hào
Chỉ riêng anh Trí lao đao đến giờ
Đảng ta thương Trí ngu ngơ
Cho CÔNG – NÔNG - TRÍ chung cờ liên minh
Trông lên LIỀM BÚA hai hình
Trí ta vẫn chẳng thấy mình ở đâu
Quay sang tìm Phú, Địa, Hào
Thấy ba bụng phệ… đã vào… Đảng ta!

Nhưng dù có được đề cao, nâng cấp, được ưu đãi cho mua nhà… thì các trí thức ở hải ngoại đâu có dại như xưa nên đâu có bị mắc lừa, cắn bẫy cs.

*

Ngày nay lại còn tệ tham nhũng. Tổng bí thư nào lên cũng biết tham nhũng quan trọng đến sự tồn vong của đảng, cũng hứa diệt tham nhũng nhưng hơn 20 năm trời, tham nhũng chẳng giảm chút nào, ngược lại ngày càng gia tăng.

Khi vào đảng, chúng có thề là khổ trước dân, hưởng sau dân không? Chẳng qua hầu hết bọn chúng từ trên xuống dưới đã biến thành một g/c mới, một g/c lưu manh vì chuyên dối trá, lừa bịp, chẳng còn chút nhân tính, chuyên cướp tài sản của quốc gia dân tộc và của dân, lại còn dâng đất và biển cho kẻ thù truyền kiếp, kể cả HCM, thần tượng của chúng. Tội của chúng đối với đất nước không thể nào kể xiết. Các anh Phạm Quế Dương, Trần Khuê xin lập ra một tổ chức giúp chúng chống tham nhũng thì lại bị chúng bắt bớ.

Chúng tự cho là đại diện cho g/c công nhân, mà các công nhân ngày nay bị bóc lột thậm tệ, có khi bị chủ đánh đập, nếu đình công biểu tình phản đối, đòi tăng lương thì cán bộ công đoàn đáng lẽ phải bênh vực cho quyền lợi công nhân thì lại vào phe chủ nhân chống lại công nhân.

Tóm lại đảng cs bây giờ đã trở thành đảng của một g/c bóc lột mới, g/c của các tư bản đỏ, kẻ thù của toàn dân. Và những người cộng sản còn có lương tri như Nguyễn Hộ, Nguyễn Minh Cần, Dương Thu Hương, Bùi Tín, Vũ Thư Hiên, Phạm Quế Dương, Vũ Cao Quận… cũng lần lượt:

kẻ trước người sau ra khỏi đảng,
một đảng tham, tàn, bán cả non sông.

Thành ra tóm lại, lớp chỉnh huấn chính trị lại có tác động ngược lại đối với tôi, làm tôi không tán thành cuộc đấu tranh g/c của đảng.

Sau đó, tôi viết một đơn cho anh Nguyễn Kiện, trưởng phòng Chính tri Bộ Tư Lệnh LK IV xin ra khỏi đảng "vì có những điều mà tôi không hiểu". Ý của tôi là sẽ được anh giải thích thêm, nhưng đợi mãi chẳng được anh trả lời gì cả, và tôi thì cũng không muốn thúc anh thêm nhiều nên bỏ qua, rút cục tôi vẫn sinh hoạt đảng như thường lệ.

Việc xin ra đảng này sau có những hệ lụy gần tiêu cực, nhưng về xa lại tích cực, tôi sẽ kể sau.

Sau khi mãn khóa, tôi được ở lại làm cán bộ hướng dẫn cho khóa sau và sau đó, làm cán bộ phòng Chính trị rồi phòng Quân sự LK4 trong các năm 1949-50.

*

Làm cán bộ Phòng Chính trị, tôi thường được cử đi huấn luyện quân sự cho các cơ quan, đoàn thể thuộc chính quyền hay Mặt trặn Liên Việt (Mặt trận Tổ quốc bây giờ), như Đoàn Thanh niên CQ LK 4, trường đào tạo cán bộ Nông lâm súc LK ở Nông cống; tôi còn nhớ sau khi bế mạc lớp huấn luyện, trường Nông lâm có trả tôi chừng hai tháng tiền phụ cấp huấn luyện, một việc mà tôi không ngờ, số tiền này cộng với vài chỉ vàng gia đình tôi cho khi về phép 15 ngày tại Thái bình cuối 1948 giúp tôi sau này mua được một chiếc xe đạp cũ, một mơ ước tưởng chừng không bao giờ đạt được, với số phụ cấp 7kg gạo hàng tháng cho cán bộ đại đội. Lúc bấy giờ, bộ đội mỗi người được cấp hàng tháng 30kg gạo (tính thành tiền theo giá mỗi tháng ở địa phương), 18kg để mua gạo, 12kg tiền thức ăn; mỗi người được cấp thêm tiền tiêu vặt, đội viên là 2kg, cán bộ đại đội 7 kg …). Số tiền 7kg gạo chỉ đủ để cắt tóc, thuốc đánh răng, xà phòng, thuốc lá và thỉnh thoảng mua 1 bát chè bồ cốt cho đủ chất ngọt, vì luôn luôn thiếu chất ngọt. Khi mãn khóa lớp chỉnh huấn nói ở trên, tôi đã tự thưởng bằng cách ra chợ Thanh Chương mua một chân giò về nấu cháo ăn, vì thèm thịt quá.

Năm 1949 là năm đói nhất trong 9 năm chống Pháp, tôi chẳng hiểu tại sao, vì ở Phòng Chính trị lúc đó trong mấy tháng liền, cơm phải chia phần, nắm lại từng nắm có lẽ chỉ được hơn một bát cho mỗi người trong khi sức trai chúng tôi phải 5,6 bát mới đủ; còn thức ăn chẳng có gì đáng kể, nhà bếp có khi kiếm đâu những vỏ mít đã được lấy hạt ra, bóc lấy sơ đem xào ăn cho đầy bụng, ăn cũng ngon. Thỉnh thoảng các bà mẹ chủ nhà thấy vậy đồ ít khoai khô đem tới thêm cho 1,2 bát khoai. Nói chung, tình quân dân thật đậm đà, chúng tôi đi đến đâu cũng được dân chúng từ các cụ già, các bà mẹ, các o, các em nhỏ, thành thật quý mến vì người dân biết là chúng tôi chiến đấu cho đất nước, cho họ, đúng như bài hát sau:

Vì nhân dân quên mình
Vì nhân dân hy sinh
Anh em ơi, vì nhân dân quên mình
Đoàn Vệ quốc chúng ta
Từ nhân dân mà ra
Được dân mến, được dân yêu muôn phần…

nay nhớ lại vẫn còn cảm động. Tôi nghĩ rằng chẳng có gì sung sướng hơn sống trong sự quý mến của người dân và ước rằng sẽ được sống như vậy mãi mãi, ngay cả khi đã kháng chiến thành công.

Tiếc thay, bộ đội ngày nay không còn là bộ dội của toàn dân nữa mà trở thành một công cụ của đảng cs - đảng của một bọn thực dân bản xứ - để đàn áp nhân dân, chống lại nhân dân, giống như quân đội của thực dân Pháp xưa kia đã đàn áp những người yêu nước như Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học, và bị nhân dân sợ và ghét.

*

Sau đó, tôi được tham gia vào các toán kiểm tra của Phòng Chính trị.

Lần đầu, chúng tôi di kiểm tra mặt trận Bình Trị Thiên gồm 5, 6 cán bộ đại đội, tiểu đoàn, trưởng toán là anh Văn Lễ, trung đoàn phó. Chúng tôi đi vào Đức Thọ, Hà Tĩnh. Đến Đức Thọ, anh Lễ thuê một con đò theo dòng sông lên Chợ Bộng, Hương Sơn. Vì đi ngược dòng sông, nên người lái đó khi dùng sào chống để đẩy, khi dùng dây thừng để kéo thuyền lên. Nước sông trong xanh thật thơ mộng, nhiều khi gặp những thuyền chở củi xuôi dòng từ trên xuống lướt thật nhanh; thỉnh thoảng có các thôn nữ giặt quần áo bên bờ. Tôi đi nhiều nơi, đặc biệt thấy con gái Đức Thọ với lưng ong, váy xồi trông rất đẹp. Gặp một người đánh cá, chúng tôi mua một ít cá rồi góp gạo nhờ bà chủ thuyền nấu cơm. Gạo chúng tôi mỗi người mang theo một ruột tượng quấn quanh bụng để ăn vì đi toàn đường rừng không có hàng quán. Ăn chiều xong, chúng tôi ngồi trước thuyền nói chuyện gẫu rồi vào khoang ngủ. Sáng hôm sau đến chợ Bộng, chúng tôi lên bờ thuộc địa phận Hương Khê.

Địa phương cho một liên lạc viên hướng dẫn chúng tôi theo đường mòn trong rừng đi. Đường khi lên dốc khi xuống đèo qua những lạch nước nhỏ. Để đề phòng vắt, chúng tôi ai nấy chuẩn bị một que nhỏ, đầu que có một miếng xà phòng được một miếng giẻ cột lại nhúng vào nước. Ống quần sắn cao lên đấu gối để dễ thấy vắt bám vào; những con vắt hai bên đường dài gần bằng những con đỉa nhưng nhỏ hơn nhiều, có khi dựng đứng lên sẵn sàng phóng thân bám vào chân người tới gần; khi bị vắt bám vào, chúng tôi dùng que có xà phòng gạt chúng ra, chúng sợ xà phòng nên nhả ra liền. Nghe nói rừng ở đấy có hổ thường hay vồ người ăn thịt, tôi lấy bao tượng đựng gạo ra quấn quanh gáy, lỡ có bị vồ cũng đỡ được phần nào. Cũng may chúng tôi tới nơi nghỉ đêm yên ổn. Sáng hôm sau tiếp tục đi, chúng tôi gặp một đường xe lửa cũ, có một cái goòng liên lạc viên đẩy bằng chân chở đi, đỡ được một đoạn dài. Rời đường xe lửa, chúng tôi tới một khoảng rừng lau đầy bất trắc vì lau hai bên đường mòn cao hơn đầu người, hổ dễ tới gần không thấy nên chúng tôi phải vừa đi vừa quan sát kỹ hai bên. Sau cùng tới một mỏm khá cao, gọi là mỏm "mào gà"(?), sau khi leo qua, thì tới địa phận Tuyên Hóa thuộc Quảng Bình. Từ cao nhìn xuống thấy sông Gianh đằng xa, bên kia sông là địch. Bên này sông, có một đại đội độc lập đóng. Ban chỉ huy đại đội báo cáo tình hình cho chúng tôi và đề đạt một vài thỉnh vọng. Sinh hoạt với đại đội một đêm, sáng hôm sau, chúng tôi theo đường cũ trở về.

Lần thứ nhì, đoàn kiểm tra được phái đi hướng Tây tới Cửa Rào, huyện lỵ Tương Dương, trên quốc lộ 7, cách Mường Xén gần biên giới Lào chừng 30 - 40km. Chúng tôi đi tới Đô Lương, rồi từ đó lấy xe đò đi Cửa Rào. Quá Đô lương vài cây số, tôi thấy một căn nhà chơ vơ một mình bên phải, cách đường chừng 50m. Theo cách ăn mặc của người cư ngụ, tôi thấy đó là một gia đình người Tàu. Tôi chẳng hiểu họ sinh sống cách gì, nhưng phải phục người Tàu đâu đâu cũng có họ, dù là nơi khỉ ho cò gáy như nơi này.

Đường đi ngày càng leo cao, hai bên toàn là đồi núi trọc, không có làng mạc, ruộng vườn gì cả nên không có gì hấp dẫn. Xế chiều, xe tới Cửa Rào, cách Đô lương chừng 70, 80 km; vì đường không tốt, xe đi chậm. Chúng tôi được địa phương xếp cho ở trong một ngôi đình trống. Cửa Rào chỉ là một con đường ngắn, nhỏ hơn Đô Lương, đặc biệt có nhiều muỗi mắt, và ở đó chúng tôi được ăn cơm gạo lốc nấu trong các bương tre. Cơm gạo lốc giữa tẻ và nếp, ăn khá ngon dù chỉ với vừng rang trộn thịt heo mỡ băm nhỏ. Hôm sau, chúng tôi tới trung đội đóng ở đó; cán bộ trung đội báo cáo cho biết tình hình yên ổn; và chúng tôi theo con đường cũ trở về.

Sau đó tôi được chuyển qua làm cán bộ Phòng Quân sự, trưởng phòng là anh Hà Văn Lâu. Tôi thấy anh tối ngày nằm đọc sách và chẳng trò chuyện gì với anh em. Ở phòng quân sự, tôi tham gia vào một đoàn kiểm tra mặt trận Phát Diệm, Ninh Bình cũng gồm chừng 6 cán bộ, trường toán là một trung đoàn phó tôi không nhớ tên. Chúng tôi đi Cầu Bố, đi đò qua sông vì cầu Hàm Rồng đã bị ném bom sập, tới huyện Nga Sơn, nơi đặc biệt trồng xu hào trên những ruộng khô thật lớn, với những bể si măng lộ thiên đựng phân người làm phân bón. Khi gần tới Ninh Bình thì có tin quân Pháp định tấn công vào Thanh Hóa nên chúng tôi rút về, chấm dứt công việc.

Một kỷ niệm là ở huyện Nga Sơn, tôi được dân cho biết có một bài hát của lính bảo an Phát Diệm mà tôi còn nhớ:

Tổ quốc chẳng bằng tổ cò,
Muốn ăn sung sướng thì mò lên đây.
Bao giờ lấy được đồn tây,
Phát Diệm hết lính chúng tôi đây ra hàng.

Trong suốt những năm kháng chiến, Bộ Tư lệnh di chuyển hầu như thường xuyên trong 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An, và lưu lại một địa điểm lâu chóng bất thường, khi 1, khi 2 tuần, ít khi tới 1 tháng, có khi hàng ngày liên tiếp trong mấy tuần, mỗi lần di chuyển trung bình là 30 km một ngày. Nếu đi công tác xa một mình thì có khi nhiều hơn, tôi nhớ đi xa nhất là có lần tôi đi từ Đô Lương đến Hoàng Mai dài 62 km: Ăn sáng xong, độ 7 giờ khởi hành từ Đô Lương, chống một gậy tre đề phòng chó và giúp đi nhanh hơn, theo đê Nông Giang dài 40 km tới Diễn Châu sau khi nghỉ ăn cơm trưa tại một quán nhỏ giữa đường gần bờ đê; rồi theo Quốc lộ 1, từ Diễn Châu tới Cầu Giát, Quỳnh Lưu khoảng 9 km nghỉ, mua một cốc lòng đỏ trứng gà khuấy đường với nước sôi mới đã làm sao, hết hẳn mệt, sau đó đi khoảng 13km nữa, đi đò qua sông Hoàng Mai là tới địa phận Thanh Hóa chừng 7 giờ chiều, ăn tối và thuê một giường ngủ tại một quán nhỏ bên đường. Phải nói là thời đó rất an ninh, không sợ trộm cướp gì cả.

Cũng may mà gia tài chẳng có gì nên balô không nặng lắm: 2 bộ đồ dài một bộ đang mặc, 2 bộ đồ cụt, 2 quần đùi, 2 áo lót – lúc đó có phong trào may áo lót cổ vuông , 1 áo trấn thủ, sau thêm 1 màn; quần áo tôi thường cuốn lại xếp cho lợi chỗ, đêm xếp làm gối cho đỡ nhàu; chăn thì cuốn lại đặt ở trên rồi đưa sang 2 bên hông balô, úp nắp balô xuống, buộc lại. Có 2 túi nhỏ bên ngoài, 1 túi để dựng bàn chải, thuốc đánh răng, 1 miếng xà phòng nhỏ vừa để tắm và giặt, 1 khăn mặt, túi kia thì để cuốn sổ nhỏ ghi chép bài hát, những gì cần nhớ, thuốc men như dầu Nhị thiên đường, thuốc đỏ mercurochrome, thuốc đau mắt sulfate de zinc vài thứ lặt vặt như 1 cái nhíp, 1 hộp nhỏ đựng kim chỉ để khâu những khi quần áo bị đứt chỉ hay để khơi, nhổ dằm...

Đó là tất cả gia tài, đúng là vô sản. Vậy mà vẫn vui vẻ, vẫn hăng say. Chẳng qua chỉ vì mục đích mà tôi cho là cao cả: giành độc lập cho tổ quốc, và sau thêm tranh đấu cho một xã hội công bằng, không ai bóc lột ai.

Đọc đến đây, chắc có bạn cho là tôi đi kháng chiến gì mà sung sướng vậy. Như tôi đã nói trước ở trên, việc tôi xin ra đảng đã đem lại những hậu quả tiêu cực trong ngắn hạn. Thực vậy, năm 1949, khi thành lập sư đoàn 316, trung đoàn 57 của Nghệ An được phái ra sáp nhập vào sư đoàn 316, bao bạn bè tôi từ trường Võ bị Trần Quốc Tuấn khóa 1 đều ra đi cả, một mình tôi ở lại Khu IV, tôi lúc đó chẳng hiểu tại sao. Thấy các bạn đi chiến đấu cả mà mình không được đi cũng buồn; mình vào quân đội là cốt đi chiến đắu chứ đâu cứ ở hậu phương hoài, nay huấn luyện nơi này, mai nơi khác, nay là cán bộ kiểm tra phòng Chính trị, mai thuộc phòng Quân sự, không được thỏa chí làm trai. Tôi có đến gặp anh Thanh, trưởng ban cán bộ, xin ra sư đoàn 316 hay 308, nhưng không được trả lời.

Sau cùng tôi cho là vì trước kia tôi xin ra khỏi đảng nên họ không muốn tôi ra chỉ huy chiến đấu, bắt tôi ngồi chơi xơi nước. Trong lúc đó họ vẫn theo dõi tôi; tôi chắc chắn việc này là có thật vì từ lâu tôi nghi có người luôn để ý đến tôi; đó là một chính trị viên đại đội tên là Chiêm, người nhỏ con. Có lần tôi thử nói tới thăm một bà mẹ cách nơi chúng tôi ở vài cây số. Tôi không đi đường làng ra mà theo đường ruộng ra đường cái. Nửa chừng tôi quay đầu lại thấy anh ta theo sau tôi cách chừng hơn 100 mét. Thấy lộ, anh ta trở về không theo tôi nữa.

Mãi đến năm 1951, tôi được bổ tới làm trưởng ban Tác chiến cho tiểu đoàn độc lập 51 mới được thành lập; tiểu đoàn này chỉ có tiểu đoàn trưởng, một nông dân trên 40 tuổi, không có chính trị viên và tiểu đoàn phó nên tôi phụ trách huấn luyện cho tiểu đoàn. Được vài tháng, tôi tự nhiên thấy hay bị nhói đau tim. Đi khám bệnh, bác sĩ cho biết tôi bị”tachycardie”. Tuy chẳng biết rõ là bệnh gì, nhưng dính dáng đến tim tôi cũng có phần lo, không hiểu còn chiến đấu được không. Sau khi suy nghĩ kỹ, nghĩ mình thuộc g/c không được tin cậy - có lần anh Nguyễn Kiện, trưởng phòng CT gặp tôi nói "đồng chí thì có tri thức về quân sự, nhưng về chính trị thì..." và anh bỏ lửng nơi đây - tôi viết một đơn cho Tư lệnh lúc đó là Lê Nam Thắng? xin giải ngũ vì lý do sức khỏe.

Đơn cầu may ai ngờ lại có kết quả: tôi được giải ngũ vì lý do sức khỏe và lời giới thiệu tới các địa phương để xin giúp đỡ.

Giải ngũ về tôi định sẽ xin dạy học, hoặc ở Thanh chương, hoặc ở Nam đàn, cả hai nơi tôi đều có nhiều bà mẹ tốt. Cuối cùng tôi đã chọn dạy tại trường Trung học Tư thục Nam Đàn. Tôi đã viết một đoạn nói về kỷ niệm khi dạy học, nhưng cuối cùng đã bỏ vì thấy không cần lắm.

Như vậy hệ lụy về việc xin ra đảng của tôi về lâu dài lại có phần tốt; phần sau sẽ nói rõ hơn.

(còn tiếp)



.
.
.

No comments:

Post a Comment