Thursday, April 5, 2012

CỜ ĐỎ SAO VÀNG KHÔNG PHẢI LÀ BIỂU TƯỢNG CỦA TỔ QUỐC VIỆT NAM (Lê Diễn Đức)



Lê Diễn Đức

Vào thời điểm hiện nay bàn chuyện cờ quạt có lẽ quá sớm và chẳng đi đến đâu, nhất là tháng Tư lại về với những ký ức máu lửa và tủi hận, “có triệu người vui nhưng cũng có cả triệu người buồn”, như ông Võ Văn Kiệt lúc còn sống đã nói trong một cuộc phỏng vấn của Xuân Hồng, phóng viên BBC Việt ngữ.

Thế nhưng nhìn thấy cờ đỏ sao vàng cắm trên chiếc lều ở tạm, bên cạnh đống đổ nát của ngôi nhà gia đình anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng đã bị chính quyền cho xe cơ giới ủi sập trước đó, và vẫn thấy nhiều - nếu không nói rất nhiều - người Việt trong nước nhìn nhận là cờ đỏ sao vàng là cờ của Tổ quốc Việt Nam, khiến tôi bứt rứt.

Gần đây tôi đọc bài "Những lá cờ" trên Blog Quê Choa của nhà văn trong nước Nguyễn Quang Lập. Bài viết mở đầu bằng câu "Treo cờ tổ quốc là cử chỉ thể hiện lòng yêu nước", làm tôi khó chịu thật sự.

Tôi đã viết một comment (ý kiến) dưới bài nói trên nhưng không được chủ blog cho hiển thị. Do vậy, tôi đưa comment này lên trang Facebook của mình và gửi liên kết (tag) tới một số trang của những người cầm bút trong nước, cũng trên Facebook. Nội dung như sau:

"Theo tôi, cờ đỏ sao vàng không phải là cờ của Tổ quốc Việt Nam (VN), của dân tộc Việt Nam, mặc dù tôi đã từng học tập, lớn lên dưới lá cờ này và nhiều lúc đã tự hào vì cha ông tôi đã chiến đấu dưới nó. Nhưng chính xác mà nói thì đó là cờ hiệu của nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam do Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) cầm quyền.

Nước Việt Nam có mấy ngàn năm lịch sử, trải qua bao nhiêu triều đại và chế độ với những lá cờ khác nhau. Cờ đỏ sao vàng có từ năm 1945, chỉ là biểu tượng của một nhà nước với ý thức hệ cộng sản, không đại diện cho cả chiều dài lịch sử của dân tộc.

Rất nhiều quốc gia qua bao nhiêu biến động và thay đổi trong lịch sử vẫn chỉ giữ một lá cờ. Ví dụ, cờ hai màu trằng, đỏ của Ba Lan có từ mấy trăm năm nay, từ thời phong kiến, đến cộng hoà, sau Đệ nhị Thế, cả trong thời cộng sản và hậu cộng sản từ năm 1989. Sau khi Liên Xô sụp đổ, nước Nga cũng đã bỏ lá cờ ý thức hệ cộng sản màu đỏ với búa liềm và ngôi sao, để thay thế bằng lá cờ có từ thời Sa Hoàng với ba màu trắng, xanh dương, đỏ.
Sự nhầm lẫn giữa Tổ quốc, Đất nước, Dân tộc với hệ thống chính trị cầm quyền rất phổ biến trong suy nghĩ của người Việt trong nước.

Tôi cho rằng comment của tôi là sự thật và được viết với thái độ chừng mực, như là một sự chia sẻ chuyển tới bạn đọc trong nước. Không hiểu vì sao anh Nguyễn Quang lập không cho hiển thị...".

Không ngờ, comment trên đã gây ra một cuộc trao đổi sôi động trên trang Facebook của tôi.

Tôi nhấn mạnh thêm rằng, với chủ đề này tôi chỉ muốn bàn về khái niệm Tổ quốc mà người ta đã gắn cho lá cờ đỏ sao vàng.

Mặc dù không thích, có lúc như bị dị ứng, nhưng tôi hoàn toàn thông cảm, thậm chí chấp nhận một cách tỉnh táo, khi những người dân oan, những người tham gia biểu tình chống Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam, hay dân chúng trong các lễ hội sử dụng, mang theo cờ đỏ sao vàng, hình ảnh ông Hồ Chí Minh. Bởi vì nhiều khi có thể họ cảm thấy thế là đúng, cũng có thể do ngộ nhận, nhưng cũng có thể tình huống bắt buộc, hành động như là một cách che chắn, bảo vệ an toàn.

Khá nhiều ý kiến của người trong nước không đồng tình với cách nhìn của tôi.

Có người viết: "Đành rằng thể chế chính trị còn nhiều tồn tại nhưng phủ nhận toàn bộ như vậy có nên chăng, thời điểm đó nó phản ánh cho sự lựa chọn của dân tộc".
Hoặc: "Dân họ không nghĩ sâu xa như thế, với họ lá cờ đó là lá cờ Tổ quốc".
Hay: "Hiện tại ở VN thì nó vẫn là cờ Tổ quốc, vì chả có lá cờ nào thay được nó"...

Một bạn phân tích:
"Cờ hiệu một quốc gia ("Cờ Tổ quốc" chẳng qua là cách nói quen miệng theo phiên từ "quốc kỳ" mà thôi!) nó phải gắn với thời đại và thể chế! Thời vua quan xưa và thể chế quân vương thì do Vua chúa được quyền chọn. Ở các nền cộng hòa nghị viện thì do quốc hội chọn. Những nước thuộc hệ thống cộng sản cũ, cờ hiệu thay đổi vì thể chế thay đổi. Ở các nước đó quyết định thay đổi là do quốc hội (cũng chưa phải thăm dò ý kiến của người dân). Lịch sử về cờ hiệu Việt Nam cũng không nằm ngoài cái lệ đó. Mỗi triều đại phong kiến trước đây có chung một cờ hiệu đâu?

Cờ ba sọc đỏ trên nền vàng của thể chế Việt Nam Cộng hoà (VNCH) trước đây cũng không phải là cờ hiệu của nhà Trần hay nhà Lý thời xưa! Lá cờ đỏ sao vàng bây giờ do quốc hội của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH - năm 1946) chọn ra. Quốc hội Việt Nam sau 1975 tiếp nối VNDCCH cũng đã nhất trí chọn lá cờ đó (1976). Thế thì có gì không đúng? Bao giờ VN thay đổi thể chế thì hãy đặt ra vấn đề thay đổi cờ hiệu quốc gia! Khi cộng đồng các quốc gia, dân tộc trên thế giới cộng nhận lá cờ đó là cờ hiệu của Việt Nam như Liên Hiệp Quốc thì cứ hãy coi đó là "cờ Tổ quốc" (của người) Việt Nam".

Một bạn khác tâm tình: "Đáng buồn hơn là nhiều người còn không "dám" có ý nghĩ hoặc bàn luận về vấn đề có vẻ "phạm thượng" như vậy. Nó cao cả quá, xa vời quá, v.v... Cũng là một hệ quả của hàng chục năm trời tuyên truyền, lập lờ đánh lận đảng phái, chế độ với Dân tộc, Tổ quốc".

Vân vân...

Tuy nhiên trong số người tham gia tranh luận, số người ủng hộ quan điểm của tôi chiếm ưu thế hơn hẳn.

Trong quá trình tranh luận tôi viết thêm một số ý kiến dưới đây.

Châu Âu là nơi sinh ra Karl Marx, cha đẻ của học thuyết cộng sản (CS). Lenin áp dụng học thuyết này "sáng tạo" ở Nga. Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh đã mang hình mẫu chủ nghĩa cộng sản từ Liên Xô về nước mình áp dụng "sáng tạo" tiếp và tồn tại cho tới nay ở ba quốc gia này.

Chúng ta đang trao đổi về một lá cờ tương xứng, khả dĩ (trong tương lai) đại diện cho cả dân tộc, cho mọi ngườ Việt, chứ không ai phủ nhận xương máu của những người đã đổ dưới cờ đỏ sao vàng chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Với cờ vàng ba sọc đỏ của chính quyền Sài Gòn cũng vậy. 74 chiến sĩ VNCH đã anh dũng hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 luôn luôn được lịch sử vinh danh. Ngay cả Thứ trưởng Ngoại giao CSVN Nguyễn Thanh Sơn cũng nói gần đây trong một buổi tiếp người Việt từ Mỹ về nước rằng, những chiến sĩ VNCH đã hy sinh vì Hoàng Sa là những người con ưu tú của Việt Nam.

Khi có quốc hội dân chủ, tất nhiên lúc ấy dân chúng sẽ có ý tưởng, sẽ thông qua những cuộc thảo luận công khai trong xã hội, có thể phải sử dụng đến cả giải pháp trưng cầu dân ý, vân vân… để lựa chọn một cách dân chủ.

Bây giờ thì chẳng một cá nhân nào có thể tự chọn hay đề xuất cụ thể cả, vì thiếu thực tế, vô ích và bất khả thi. Nhất là vào lúc mà lòng người Việt ở hai miền Nam, Bắc vẫn còn chia rẽ, thù hận giữa nhà cầm quyền cộng sản với cộng đồng người Việt phải bỏ nước ra đi tìm tự do, gánh chịu bao nhiêu thương đau, tổn thất chưa được thanh toán, cảm thông và xoá bỏ. Bàn cụ thể sẽ chỉ xung khắc thêm mà thôi.

Ở trên có bạn nói "không có lá cờ nào thay thế lá cờ đỏ sao vàng hiện nay". Nhưng tôi cho rằng, điều này không đồng nghĩa nó là lá cờ Tổ quốc. Có thể với hàng triệu người Việt là như thế, nhưng cũng với hàng triệu nguời Việt khác thì không. Không thay thế được vì hệ thống cầm quyền độc tài toàn trị hiện tại không muốn làm việc đó. Như tôi đã đưa ra ví dụ về nước Nga. Gần đây là Libya, sau khi chế độ độc tài Gaddafi sụp đổ, người Libya đã bỏ lá cờ xanh của chế độ Gaddafi, quay lại lá cờ có từ năm 1951 của Vương quốc Libya.

Quốc hội của nhà cầm quyền CSVN thực chất là công cụ của ĐCSVN chỉ để hành chính hoá các quyết định của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội. Quốc hội này không do dân bầu ra thông qua bầu cử tự do mà do lãnh đạo ĐSSVN áp đặt, cho nên nó không phải là đại diện của toàn thể nhân dân VN.

Cờ của một nhà nước/quốc gia được xem là biểu tượng của Tổ quốc khi nó được toàn dân thừa nhận, hoặc là đại diện được uỷ nhiệm hợp pháp của nhân dân - tức là quốc hội được dân bầu ra qua bầu cử tự do - phê chuẩn.

Cờ và quốc huy phải được đưa vào Hiến pháp. Nếu thay đổi thể chế mà ban hành Hiến pháp mới thì hiến pháp trước khi được quốc hội, tổng thống hay chủ tịch nước phê chuẩn, cần phải được trưng cầu dân ý.

Còn khi hiến pháp có hiệu lực, một đảng cầm quyền nào đó muốn thay đổi các điều khoản của hiến pháp thì ít nhất theo thông lệ phải có chuẩn thuận của 3/4 số đại biểu quốc hội, một tỷ lệ rất khó cho bất kỳ đảng cầm quyền nào ở các nước dân chủ.

Tại Việt Nam bây giờ, ĐCSVN muốn thay đổi hiến pháp lúc nào là tuỳ theo... sở thích và thấy có lợi cho sự duy trì độc quyền cai trị!

Hệ thống cộng sản ở châu Âu đã bị xoá sổ. Ngày 24/1/2006, Nghị viện Châu Âu thông qua Nghị quyết 1481 phán quyết chủ nghĩa cộng sản là tội ác của nhân loại. Nếu Việt Nam có thể chế dân chủ, nhân dân Việt Nam và quốc hội Việt Nam dân chủ sẽ chọn một lá cờ nào đó tương xứng với chiều dài lịch sử của dân tộc, nhưng chắc chắn không phải là lá cờ biểu tượng cho một chủ nghĩa của tội ác.

Hiện nay, ngay cả với người Việt trong nước, không phải ai trong thâm tâm cũng nhìn nhận cờ đỏ sao vàng như là biểu tượng của đất nước, Tổ quốc.

Tổ quốc là khái niệm mang nghĩa kép, nói về một không gian liên quan đến một cá nhân hoặc cả một cộng đồng (dân tộc), đặc biệt được chỉ định trước hết là nơi sinh ra của cá nhân đó, nơi họ sống một phần quan trọng của cuộc đời, hoặc nơi xuất xứ của tổ tiên, hay gia đình.

Cá nhân kết nối với Tổ quốc bằng tình cảm gắn bó mật thiết thiêng liêng nên "Tổ quốc" được viết hoa chính là nhằm nhấn mạnh sự tôn trọng cội nguồn của mình hay gia đình, tổ tiên.

Lá cờ Tổ quốc phải bao hàm được ý nghĩa linh hồn và tình cảm gắn bó thiêng liêng đó với nơi chôn rau cắt rốn của tất cả con dân nước Việt sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam và ở khắp mọi nơi khác trên thế giới.

Ngày 5 tháng 4 năm 2012

© 2012 Lê Diễn Đức – RFA Blog

.
.
.

No comments:

Post a Comment