Monday, March 26, 2012

TỪ MỘT VỤ NỨT ĐẬP THỦY ĐIỆN (Song Chi)



Song Chi/Người Việt

Trong tuần qua, báo chí và dư luận lên cơn sốt vì vụ nứt đập thủy điện sông Tranh 2, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Những bức hình chụp trên các tờ báo cho thấy những vết nứt lớn, nước tuôn tràn như suối. Ngoài ra còn có những vết nứt nhỏ, từ đó nước rò rỉ thấm qua thân đập.

Khi báo chí vừa đăng tải vụ nứt đập, ban quản lý thủy điện sông Tranh 2 lên tiếng cho rằng những vết nứt trên không gây nguy hiểm, còn cho biết thêm đã phát hiện vết nứt, rò rỉ trên thân đập từ cuối năm ngoái!

Ông Trần Văn Hải, trưởng ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư dự án thủy điện sông Tranh 2 đã có công văn ngày 19 tháng 3 khẳng định: Công trình thủy điện sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) vẫn hoạt động ổn định và an toàn.

Tuy trả lời như vậy, nhưng mặt khác, chủ đầu tư vẫn cho thuê người đi trám, bịt các điểm rò rỉ theo một cách thức rất là... thủ công.

Trong khi ‘ban quản lý’, chủ đầu tư trả lời rất “vô tư” như vậy thì các chuyên gia lại tỏ ra vô cùng lo ngại.

Báo VNExpress: “Trong khi ban quản lý công trình vẫn giữ quan điểm nứt khe nhiệt là bình thường thì các chuyên gia về đập, thủy lợi, địa chất đều khẳng định tình trạng đập thủy điện sông Tranh 2 nứt, rò nước là bất thường, tối kỵ.” (Bài “Nứt đập thủy điện là tối kỵ”)

Ðiều làm các chuyên gia lo ngại nhất là thủy điện sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động mạnh. Nếu không khẩn cấp khắc phục ngay vết nứt thì thảm họa sẽ khôn lường. Viễn ảnh về vụ vỡ đập với hàng trăm triệu mét khối nước ở độ cao 100 mét so với vùng hạ lưu đổ tràn xuống khiến người dân và cả chính quyền huyện, xã chung quanh khu vực đập thủy điện muốn lên “cơn sốt”.

Chỉ riêng việc xả lũ của các đập thủy điện vào mùa lũ hàng năm khiến “lũ chồng lũ” cũng đã đủ gây tai họa cho người dân trong vùng, khiến con số tử vong, nhà cửa tài sản bị hủy hoại tăng lên nhiều, nói gì đến chuyện vỡ đập.
Trước phản ứng của dư luận, cuối cùng ông Trần Văn Hải cũng phải thừa nhận “Ðúng là đập có vấn đề về lỗi kỹ thuật, còn phương án khắc phục các lỗi kỹ thuật này như thế nào thì hiện EVN đang lên kế hoạch triển khai”. (“Chủ đầu tư thừa nhận lỗi kỹ thuật tại thủy điện sông Tranh”, báo Dân Trí)

Người dân thì có lạ gì chất lượng các công trình “khủng” cũng như cung cách làm ăn vô trách nhiệm, “tiền thầy bỏ túi, sống chết mặc bay” của các doanh nghiệp nhà nước, các quan chức ở Việt Nam từ bao lâu nay.

Lại nghĩ đến chuyện khai thác bauxite và xây dựng các nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Vụ khai thác bauxite ở Tây Nguyên, hàng trăm hàng ngàn chuyên gia, nhà khoa học, nhà kinh tế, nhà văn hóa, trí thức nhân sĩ cho đến người dân thường đang sống trong và ngoài nước đã lên tiếng phản đối.

Biết bao nhiêu ý kiến phân tích thấu tình đạt lý, đầy tính thuyết phục về mặt chuyên môn đã được đưa ra trước một dự án mà về mọi mặt từ văn hóa, môi trường, tác động đối với vùng Tây Nguyên và đời sống các dân tộc thiểu số cho đến an ninh quốc phòng đều là thiệt hại. Thậm chí ngay cả góc độ kinh tế mà nhà thầu và những ai ủng hộ dự án cố đưa ra để phản bác cũng được nhiều chuyên gia phân tích cho rằng khả năng lỗ nhiều hơn lời.

Thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn cứ nhất quyết làm cho bằng được.

Ngay cả khi thảm họa bùn đỏ xảy ra vào tháng 10, 2010 ở Hungary-một quốc gia có kinh nghiệm hàng chục năm trong công nghệ khai thác và chế biến bauxite, có nền khoa học hiện đại có thể xử lý tốt vấn đề môi trường hơn Việt Nam rất nhiều.

Mặc, những người ủng hộ dự án vẫn cử nhắm mắt bịt tai đường ta ta cứ đi.

Thậm chí trả lời báo chí lúc bây giờ, Bộ Trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Phạm Khôi Nguyên còn khẳng định hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên là an toàn: “Tuy nhiên, vì chưa vận hành nên chúng tôi mới khẳng định sự an toàn trên lý thuyết và chạy mô hình...”! (báo Lao Ðộng “Tôi khẳng định hồ bùn đỏ ở Tây Nguyên an toàn”)

Hay vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân cũng vậy. Mặc cho những ý kiến phản biện về việc có nên triển khai xây dựng nhà máy điện hạt nhân hay nên tìm kiếm những biện pháp an toàn khác như năng lượng mặt trời, hay sức gió. Mặc cho thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima xảy ra vào tháng 3 năm 2011, ở ngay Nhật Bản, một quốc gia vốn là “ông lớn” trong lĩnh vực sản xuất điện hạt nhân.

Sau khi thảm họa xảy ra, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã xem xét đến việc đóng cửa hàng loạt các nhà máy điện hạt nhân. Còn ngay trên đất Nhật Bản, điện hạt nhân có nhiều khả năng bị thu hẹp lại, thậm chí, có thể biến mất hoàn toàn. Nước này hiện đang lên kế hoạch xây dựng các nhà máy điện năng lượng tái tạo.

“Theo một cuộc điều tra mới được thực hiện ở Nhật Bản sau kỷ niệm một năm xảy ra thảm họa động đất sóng thần, 80% người dân nước này muốn giảm dần, thậm chí loại bỏ sự phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân.” (“80% người dân Nhật Bản ủng hộ từ bỏ điện hạt nhân”, VietnamPlus)

Trong khi đó Việt Nam vẫn tiếp tục khẳng định việc tiến hành triển khai không phải một, hai mà nhiều nhà máy điện hạt nhân!

Ngay tại tỉnh Ninh Thuận, không có một cuộc trưng cầu dân ý nào đối với người dân khi mà nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam sẽ được triển khai tại đây. Nhưng nhà thơ Inrasara, nhà thơ Trà Vigia thì đã lên tiếng bày tỏ lo ngại cho sự an toàn của cộng đồng người Chăm hiện tại và cả cho bao thế hệ con cháu của họ.

“Tổ tiên họ đã có công khai phá miền đất này cho chúng ta được thừa hưởng hôm nay, cho nên phải ghi nhận trân trọng và dành cho họ một khoảng trời để thở. Họ là người bản địa nên rất cần được hỏi ý kiến một cách công khai và dân chủ và họ có quyền chọn lựa cuộc sống của riêng mình. Một cuộc trưng cầu dân ý là cần thiết và phải có những giải pháp cụ thể.”( Trà Vigia-“Chăm trong lò hạt nhân”)

Những tai họa như đã từng xảy ra ở Hungrary, Nhật Bản liệu có xảy ra ở Việt Nam? Khả năng rất cao là có thể, bởi Việt Nam có rất nhiều vấn đề như khả năng đảm bảo an toàn thấp kém, tham nhũng tràn lan và thiếu minh bạch.
Nếu một thảm họa bùn đỏ xảy ra ở Tây Nguyên, hay nổ nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, hoặc là vỡ đập thủy điện ở Quảng Nam, thiệt hại về mọi mặt chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều so với tai họa xảy ra tại các nước Hungary hay Nhật Bản. Bởi các nước này dù sao cũng có trình độ kỹ thuật cao hơn, chính phủ của họ đặc biệt là Nhật Bản hết lòng vì người dân.

Nhưng... mọi phản biện cũng chỉ là nước đổ đầu vịt mà thôi.

Người ta phải tự hỏi vì sao cái nhà nước này không bao giờ chịu học lấy những bài học cay đắng từ thảm họa của các nước khác, không bao giờ chịu lắng nghe những lời nói đúng của nhân dân và kể cả những góp ý chân tình của bạn bè thế giới?

Người ta không tin là họ quá tự tin, quá chủ quan đến mức không thấy được những cái mà nhiều người đã chỉ ra cho họ thấy.

Chỉ có mấy cách trả lời: Hoặc là họ quá tham lam nên chỉ nghĩ đến những cái lợi cho mình và phe nhóm, từ những món tiền bôi trơn, tiền hoa hồng, tiền “lại quả” và đủ thứ tiền rút ruột công trình sẽ chảy vào túi họ. Hai, họ tàn ác vô lương tâm đến nỗi biết thiệt hại/tai hại nhưng vẫn cứ làm, dân chết mặc dân.

Ba, nói như ngôn ngữ của chính nhà nước Việt Nam là phải có cái bọn lực lượng thù địch nào đó quyết tâm mượn tay các quan chức lãnh đạo Việt Nam để tàn phá đất nước này, giết hại dân tộc này. Mà bọn thù địch đó là ai, từ hướng Tây hay hướng Bắc, cứ ngẫm cho kỹ thì thấy ngay thôi.

Chỉ thương cho người dân Việt Nam, chưa đủ khổ trước đủ thứ tai họa hàng ngày từ tai nạn giao thông, nạn ô nhiễm môi trường, thực phẩm mất vệ sinh... hay sao mà còn phải sống với những thảm họa diệt chủng treo lơ lửng trên đầu như thế này!
.
.
.

No comments:

Post a Comment