Friday, March 30, 2012

THỰC TRẠNG BỆNH NHÂN TÂM THẦN TẠI VIỆT NAM (Nhân Khánh, RFA)



Nhân Khánh, thông tín viên RFA
2012-03-29

Hiện có hơn 12 triệu người Việt Nam mắc và có dấu hiệu liên quan đến bệnh tâm thần. Liên quan thực trạng này, có những khó khăn không dễ giải quyết.

Bệnh viện tâm thần quá tải
Sức khỏe tâm thần của người dân là chỉ số quan trọng phản ánh chất lượng cuộc sống của một xã hội. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe tâm thần là một trong 10 nguyên nhân chủ yếu làm mất khả năng hoạt động của con người. Dự báo trong một tương lai không xa, trong các vấn đề về sức khỏe, loại bệnh này sẽ đứng thứ 2, chỉ sau các bệnh về tim mạch.

Vào năm 2003, tỷ lệ người bệnh tâm thần và có dấu hiệu liên quan đến bệnh tâm thần tại Việt Nam chỉ khoảng 14%. Theo Bác sỹ La Đức Cương, Tổng thư ký Hội tâm thần học Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho chúng tôi biết về tỷ lệ này có thay đổi trong thời gian gần đây, cụ thể là:
Nó vẫn có quá tải. Quá tải là cái vụ bệnh nhân nhiều. Đây có 250 giường, nhiều khi bệnh lên tới 300-400.

Xuất phát từ tập quán xã hội, khi gặp các vấn đề về tâm thần, đa số người dân có xu hướng né tránh trong việc tìm cách chữa trị. Sự kỳ thị trong xã hội về loại bệnh lý này còn nặng nề. Hệ quả dẫn đến là bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tâm thần là do rối loạn các chức năng hoạt động của não gây nên. Những biểu hiện được xếp vào danh sách rối loạn tâm thần lên đến vài trăm loại khác nhau. Việc chẩn đoán tại các bệnh viện để phát hiện kịp thời là cần thiết. Với câu hỏi về khả năng tiếp nhận của bệnh viện trước số lượng bệnh nhân không ngừng gia tăng, chúng tôi được một bác sỹ không muốn nói tên ở bệnh viện tâm thần Chợ Quán cũ cho biết:
“Quá tải bệnh nhân? Đối với bệnh viên tâm thần này thì có một chi nhánh nội trú ở Lê Minh Xuân nữa, cho nên không có lo gì về vấn đề quá tải.”

Có lẽ vì không phải là bệnh gây bùng phát nguy hiểm như các bệnh truyền nhiễm khác, nên sự quan tâm của cộng đồng chưa được đúng mức chăng? Hay mức độ tiện nghi của các bệnh viện sẽ nhanh chóng hóa giải được nan đề này. Tuy nhiên, ở những nơi như bệnh viện tâm thần Tiền Giang thì tình hình có khác, chúng tôi được một bác sỹ ẩn danh cho biết:
“Nó vẫn có quá tải. Quá tải là cái vụ bệnh nhân nhiều. Đây có 250 giường, nhiều khi bệnh lên tới 300-400.”

Ông Bùi Thế Khánh, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 từng cho rằng, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần hiện nay còn mỏng và yếu. Nhiều địa phương hiện không có cơ sở điều trị nội trú bệnh nhân tâm thần, hoặc có nhưng số giường bệnh lại rất ít.

Môi trường tâm lý không tốt
Đáng lo ngại là trong 10 loại rối loạn tâm thần thường gặp; các rối loạn về nghiện rượu, game, rối loạn trầm cảm đang có xu hướng gia tăng, nhất là ở nhóm thanh thiếu niên. So sánh kết quả điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam năm 2003 và năm 2008 cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên trải qua cảm giác buồn chán đã tăng lên. Đặc biệt, tỷ lệ nghĩ đến chuyện tự tử tăng lên gấp 7 lần.

Chính môi trường tâm lý không thuận lợi đã tác động mạnh lên con người trong xã hội đó. Những áp lực trong cuộc sống đóng vai trò lớn trong số các nguyên nhân dẫn đến xu hướng tăng dần về tỷ lệ người mắc bệnh tâm thần qua các năm.

Về tỷ lệ cụ thể, bác sỹ La Đức Cương cho biết:
“Có mấy nhóm nguyên nhân. Nhóm thứ 1 là phải kể đến là do rối loạn stress. Nhóm thứ 2 là do các chấn thương, tổn thương trên não nói chung. Thứ 3 là nhóm bẩm sinh. Thứ 4 là nhóm nội sinh, thực ra là do cơ thể tự nó chuyển hóa sinh ra. Chia ra thành 6 nhóm nhưng chủ yếu là 4 nhóm nguyên nhân chính. Đấy là do tress. Cái đấy chiếm hơn một nửa.”

Để chẩn đoán và chữa trị, loại bệnh này rất cần những nhà chuyên môn. Tại Việt Nam, bác sỹ chuyên ngành tâm thần luôn trong tình trạng thiếu trầm trọng. Về tỷ lệ bác sỹ chuyên khoa tâm thần tính trên đầu người của Việt Nam, theo bác sỹ La Đức Cương là:
“Hiện nay so với thế giới thì thấp. Tầm cỡ độ 0,6-07 bác sỹ/100.000 dân. Tính tỷ lệ là 1 nhưng mà trong đó có nhiều y sỹ lắm, chiếm mất non nửa. Thế còn lại bác sỹ nó chỉ có thế thôi.”

Có tỉnh chỉ có một y sĩ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân, không có bác sĩ. Tỷ lệ trên thế giới là 1 bác sĩ/30.000 dân. Để đạt được mục tiêu 2 bác sỹ/100.000 dân, Việt Nam phải mất hơn 14 năm nữa. Việc hạn chế nhân lực có những ảnh hưởng lớn đến khả năng điều trị. Do đó, theo như Phó Giáo sư Tiến sỹ Trần Hữu Bình, trường Đại học Y khoa Hà Nội, trong số hàng trăm loại rối loạn tâm thần, các bệnh viện thực chất mới chỉ điều trị 2 bệnh là tâm thần phân liệt và động kinh.

Sở dĩ công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần chưa được quan tâm đúng mức là còn do thiếu luật. Việt Nam hiện nằm trong số ít các quốc gia chưa có Luật sức khỏe tâm thần. Theo bác sỹ Cương, để giải quyết tình trạng này, các cơ quan hữu trách đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực. Còn trong hiện tại thì:
“Đang nghĩ xây dựng Luật nhưng chưa được. Chúng tôi cũng đang xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực trình Bộ Y tế. Nó cũng liên quan đến nhiều thứ, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học… Cho nên đang phải tìm cách, làm sao cho đúng Luật nhưng mà cũng phải được.”

Khi đề cập đến bệnh tâm thần, đa số đều nghĩ tới người đang nằm điều trị tại các bệnh viện hoặc ở nhà. Trong khi tình trạng bị rối nhiễu tâm trí, biểu hiện lâm sàng đầu tiên của tâm thần lại chiếm phần lớn các trường hợp. Do đó đứng từ bình diện xã hội, chính việc thay đổi môi trường sống mới là biện pháp trị liệu chính trong loại bệnh này. Với tình trạng hiện tại, đến năm 2020, dự báo về tỷ lệ 20% dân số Việt Nam mắc các loại bệnh lý về tâm thần là khả thi.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

.
.
.

No comments:

Post a Comment