Saturday, March 24, 2012

TẠI SAO HÁT HÙNG CA & QUÊ HƯƠNG CA ? (Trân Hương / Viễn Đông)



Trân Hương/Viễn Đông
VienDongDaily.Com - 23/03/2012

Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi và dàn nhạc giao hưởng trong bài hùng ca Hòn Vọng Phu 3

Vào lúc 3 giờ chiều ngày Chủ Nhật 15 tháng 4, 2012 tới đây, một buổi văn nghệ có tên Hát Cho Quê Hương sẽ được tổ chức với mục đích gây quỹ cho các hội thiện nguyện Hope Today và Viet Heart cũng như gây quỹ sinh hoạt cho ban hợp xướng Ngàn Khơi.

Hát Cho Quê Hương là chương trình nhạc thính phòng và hùng sử ca, ngoài Ban Ngàn Khơi và Ban Thiếu Nhi Ngàn Khơi cùng 2 nhạc trưởng Vũ Tôn Bình và Lee Lee Trương, còn gồm có các ca sĩ thính phòng tên tuổi: Quang Tuấn, Bích Liên, Thảo Vi, Nguyệt Hân, Mộng Thủy cũng như các nhóm ca của Ngàn Khơi, hứa hẹn một chiều nghe nhạc thích thú cho thính giả. Vé bán trước tại Tú Quỳnh (714) 531- 4284, Ngàn Khơi (714) 531- 2773, và báo Viễn Đông (714) 379-2851.

Một đoàn trai đi khi Xuân tới
Hẹn rằng gieo tình thương khắp nơi.
Non nước tuy xa vời. Ta đã yêu thương rồi, đừng e nắng gió sương bạn ơi.


Đây là những câu mở đầu của bài “Vó Câu Muôn Dặm”. Đã hơn 45 năm qua nhưng tôi vẫn còn thuộc lòng bài hát thường được hát trong những buổi họp mặt hướng đạo thuở xa xưa này. Điệu nhạc lôi cuốn, vui tươi, lời ca thì đầy tính nhân bản, nét “giang hồ”, nhất là đầy lý tưởng tuổi trẻ. Tôi chia sẻ lý tưởng đó. Còn gì đẹp hơn là lý tưởng “gieo tình thương khắp nơi”. Bài này do nhạc sĩ Văn Phụng viết. Ông là người đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài hát vui tươi, lành mạnh mà lại quá hay như vậy: Ô Mê Ly, Ta Vui Ca Vang, Ghé Bến Sài Gòn...

Thật lạ, một bài hát hay như vậy lại ít khi được trình diễn. Tôi nhớ cách đây khoảng 15 năm, ban ngũ ca nam Ngàn Khơi đã hát bài này trong buổi nhạc Đêm Ngàn Khơi. Bài hát được hòa âm bởi Viết Chung, quá hay và làm nổi bật được nét dung dị, vui tươi của nó.

Ban hợp ca thế hệ mới Sóng Xanh.
http://www.viendongdaily.com/res/fckfolder/Image/01-09-2011/songxanh-.jpg

Tôi thường được nghe câu “Nhạc Việt Nam quá buồn, quá chậm, quá chán” từ cửa miệng những người trẻ. Thuở xưa khi tôi còn trẻ, không hiểu sao tôi vẫn mê nhạc Việt dù những bài hát này quả có buồn thật. Nhưng giới trẻ bây giờ thì không. Đối với họ, nhạc phải đầy sức sống, dù lời ca có buồn đến mấy thì nét nhạc cũng phải rần rần đầy nhịp điệu lôi cuốn. Những bài ca Việt, đa số là nhạc tình, ít có được nét nhạc lôi cuốn ấy, nhất là khi được hòa âm rất sơ sài như trước năm 75. Chẳng trách chúng ta không thể mời mọc những người trẻ nghe nhạc Việt được. Bây giờ, đã 37 năm trên nước Mỹ, những bài ca Việt đã được hòa âm lại để lôi cuốn hơn. Một số còn được hòa âm theo lối nhạc jazz, nhạc rap (!) nhưng ngay cả những bài ca mới viết cũng đều mang một âm hưởng buồn lê thê, hợp cho những tâm hồn... “có tuổi” hơn. Một vài bài viết theo những thể điệu mới hơn thì được đón nhận nồng nhiệt, thí dụ như một số bài của nữ nhạc sĩ Diệu Hương.

Đó là nói về phần tiết điệu. Về phần lời nhạc tức những ý tưởng được chuyên chở trong ca khúc, thì chưa có gì mới lạ hơn. Tất cả đều là những câu than não nuột, than cho những mối tình đã hay đang mất. Nghe những ca khúc này mãi, coi chừng nó vận vào người, theo như ông bà mình nói. Gần đây, một loạt phim ảnh và sách nói, sách in mang tên The Secret ra đời, nhấn mạnh vào lối suy tưởng tích cực, tức chỉ chuyên tâm vào những ý tưởng vui tươi, tốt đẹp, nhấn mạnh vào khía cạnh tốt của mọi sự việc. Luật hấp dẫn của vũ trụ sẽ đem đến cho chúng ta những sự việc tích cực nếu chúng ta chỉ chuyên tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp. Còn nếu cứ nghĩ tới những điều xấu, tối ngày trách móc than vãn, luật hấp dẫn sẽ đem đến cho ta những chuyện tiêu cực mà ta đã nói đến mãi. Nguyên tắc này cũng gần giống như những gì ông bà mình nói: nói hoài chuyện xấu nó vận vào người. Nghĩ rộng hơn ra, ta có thể nói hát hoài những bài hát tan vỡ, đời ta sẽ có nhiều cơ hội bị “vỡ tan”.

Đã đến lúc những bài hát vui, hay, trẻ trung, lành mạnh, chứa nhiều lý tưởng tốt đẹp như bài “Vó Câu Muôn Dặm” được đem ra hát. Và chúng ta còn cần thêm nhiều bài hát khác trong ý tưởng trên được viết ra. Trong vài năm qua, phong trào viết và hát những bài Hùng Ca đã được tiếp nối bởi giới trẻ hải ngoại cũng như quốc nội. Với tình hình đất nước dầu sôi lửa bỏng như hiện nay, những bài hát này đã được đón nhận nồng nhiệt khắp mọi nơi. Những “Đáp Lời Sông Núi”, “Bài Ca Tuổi Trẻ”, “Anh Là Ai”... được hát vang trong những buổi họp mặt. Ai nghe những bài hát này cũng phải thấy bầu nhiệt huyết được khơi dậy, muốn làm một chút gì cho quê hương. Và cách đây gần một thế kỷ, khi quê hương Việt Nam vẫn còn lệ thuộc Pháp, những bài Hùng Sử Ca cũng đã được viết bởi những người trẻ tuổi: Ải Chi Lăng, Hội Nghị Diên Hồng, Bạch Đằng Giang...

Nhiều người đã được nghe ban Hợp Xướng Ngàn Khơi hát trong DVD Hùng Ca Sử Việt của trung tâm Asia. Hùng Ca cần nhiều giọng hòa nhau để diễn tả những đoạn oai hùng của bài hát như “Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn, đường dài ngút ngàn chỉ môt trận cười vang vang...” của Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ. Mà ngay cả những chỗ âm u, dìu dặt nhất cũng sẽ rất cần nhiều giọng cùng hát một cách êm dịu để diễn tả. Thí dụ đoạn “Hồn ai phải thần thánh, lời ai phải chăng hùng anh...” của Ải Chi Lăng hoặc “Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành, thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh, vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân, liều mình ra tay tuốt gươm bao lần...” của Bạch Đằng Giang.

Đã đến lúc tâm thức chúng ta hướng tới những điều tốt đẹp nhiều hơn, nhớ tới lịch sử oai hùng của dân tộc nhiều hơn. Và điều này sẽ thể hiện trong chiều nhạc Hát Cho Quê Hương. Mời quý vị tham dự chương trình nhạc này để nghe Hùng Ca – Sử Ca – Quê Hương Ca, đồng thời đóng góp vào quỹ sinh hoạt của những cơ quan từ thiện và văn hóa: Ngàn Khơi – Hope Today – Viet Heart. - (VĐ)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này.

Nguồn: http://www.viendongdaily.com/tai-sao-hat-hung-ca-va-que-huong-ca-qIgMwDLN.html
Trân Hương/Viễn Đông

.
.
.

No comments:

Post a Comment