Tuesday, March 27, 2012

SỰ CỐ ĐẬP SÔNG TRANH 2 ; NHỮNG LO NGẠI & BIỆN PHÁP XỬ LÝ (Đặng Đình Cung & Nông Viết Lù)


Kỹ Sư Đặng Đình Cung gởi RFA
2012-03-26

Đồng bào huyện Trà My lo lắng vì có nước rò rỉ từ đập Sông Tranh 2. Điều làm người dân lo lắng nhất có lẽ là chỉ được thông tin có sự cố và tình hình ở trong vòng kiểm soát.

Từ những gì tôi biết về các đập cùng loại với đập Sông Tranh 2 và những thông tin gom được trên các báo mạng trong nước chúng tôi xin trình bày sau đây những gì đáng quan ngại những gì không.

Không cảnh giác khi thiết kế

Đại để, có hai loại đập: đập trọng lượng và đập vòm. Đập Sông Tranh 2 thuộc loại đập trọng lượng. Đập Hoover ở Boulder, Colorado, bên Mỹ thuộc loại đập vòm. Trong hai loại đập đó thì đập trọng lượng là đập đã được xây nhiều nhất và vững chắc nhất. Có những đập trọng lượng xây từ thời Thượng Cổ đến nay vẫn còn vững. Đê sông Hồng cũng có thể coi là những đập trọng lượng xây dọc hai bờ sông từ thời vua Lý Thái Tổ. Đập gồm bởi một bức tường bằng gạch hay bằng bê‒tông hai bên được củng cố bằng những ta‒luy bằng đất hay bằng đá. Người ta gọi những đập loại đó là đập trọng lượng vì người ta dùng trọng lượng của đập làm sức ì chống lại sức ép của nước chứa trong hồ. Với tiến bộ của công nghệ hiện đại thì bây giờ người ta thường thay những ta‒luy bằng một bức tường toàn bằng bê‒tông. Hình cắt của bức tường là một tam giác vuông với cạnh góc vuông ngắn là móng đập và cạnh góc vuông dài hướng về phía hồ chứa tiếp cận với nước (xem hình). Đập Sông Tranh 2 thuộc loại đó.

Sơ đồ Nguyên tắc đập trọng lượng.  Hình do Kỹ sư Cung gởi RFA

Vì đập nổi tiếng là rất an toàn nên có khi người ta không cảnh giác khi thiết kế, xây dựng và vận hành. Do đó xảy ra tai-nạn đập bị lật dưới sức ép của nước trong hồ, động đất quá mạnh làm cho đập bị vỡ, móng đập trượt vì bám không vững vào lớp đá dưới chân đập hay đập bị nước ngầm nhấc lên làm long móng đập.

Từ khi đổ nước vào hồ Sông Tranh 2 đồng bào địa phương nhận thấy đất chấn động và nước chảy ra từ vách đập.
Khi đổ nước vào hồ thì lượng nước trong hồ đè lên lớp địa chất dưới lòng hồ. Lớp địa chất chuyển dịch gây ra những trận động đất nhỏ thường không gây thiệt hại gì quan trọng cả.

Sau hai ba năm những chấn động sẽ ngưng khi lớp địa chất đạt vị trí ổn định. Nhưng có khi những chấn động đó làm cho đập bị nứt. Nếu nứt theo một mặt phẳng thẳng góc với chiều dài của đập và nếu vết nứt không lớn mấy thì rất có thể đập vẫn còn an toàn sau khi trát một chất nhựa trong khe để ngăn nước trong hồ chảy qua khe làm cho đập bị vỡ. Từ khi đổ nước vào hồ cho tới ba bốn năm sau khi hồ đầy, người ta theo dõi tính bền vững của đập. Nếu cần thì sửa chữa, nếu có nguy cơ đập bị vỡ thì tháo nước và di tản dân sống ở hạ lưu.

Những tai nạn đập vỡ như vậy đã xảy ra trong lịch sử nhưng rất hiếm. Đọc báo trên mạng thì chúng tôi chỉ biết là đồng bào sống ở hạ lưu Sông Tranh 2 nhận thấy có động đất chứ không có thông tin gì thêm. Hiện tượng này có đáng lo ngại hay không thì chúng tôi không biết.

Tai nạn thường xảy ra là do nước thấm: nước thấm dưới móng đập và nước thấm qua thân đập.
Nước thấm ở dưới móng đập gây sức ép từ dưới lên trên, nhấc đập lên, làm long móng đập và đập trượt về hạ-lưu. Để tránh sự cố này thì người đặt cống tháo nước để cho nước ngầm dưới móng đập chảy đi xa rồi người ta phủ một một lớp không thấm lên trên lớp đá chịu sức nặng của đập trước khi đổ móng.

Phương pháp khắc phục lạ lùng?

Một đập không phải là một bức tường dài liên tục đến một hai cây số. Nếu như vậy thì đập sẽ co giãn theo thời tiết làm cho đập gẫy. Để tránh tai nạn này, người ta xây đập thành nhiều khúc, mỗi khúc dài 15/20 mét có thể tự đứng vững dưới mọi áp lực cơ học. Giữa hai khúc có một khe, gọi là khe nhiệt, mà người ta bịt lại bằng một chất dẻo để nước trong hồ không chảy qua khe. Để tránh cho nước thấm vào thân đập thì người ta phủ một lớp chống thấm trên những diện tích tiếp cận với nước trong hồ.

Mặc dù những biện pháp phòng ngừa đó, người ta cũng không thể hoàn toàn tránh được nước thấm vào thân hồ. Để cho nước thấm không tụ lại trong thân đập, gây những phản ứng hóa học làm hòng các vật liệu xây đập và làm cho đập bị vỡ thì người ta bố trí trong thân đập những ống tháo nước. Trong thân đập cũng có một hay hai đường hầm để nhân viên bảo trì có thể vào kiểm tra lượng nước thấm chảy có đúng như đã dự báo không và, nhân tiện, kiểm tra xem đập vẫn còn vững chắc không. Vì chất chống thấm là một chất dẻo hóa học hữu cơ lâu dần sẽ tự hủy, cứ khoảng mười năm một lần, người ta trút hết nước trong hồ đề kiểm tra tính bền vững của đập. Nếu cần sửa chữa gì thì người ta sửa. Thực ra thì người ta triệt để cạo hết và thay thế những lớp chống thấm bằng những lớp mới.

Đọc báo mạng trong nước, chúng tôi nhận thấy phương pháp khắc phục sự cố Sông Tranh 2 lạ lùng.
Trước tiên, chúng tôi ngạc nhiên người dân không được thông tin và phải chạy theo những tin đồn. Dù những tin đồn đó thực hay hư, người dân cũng lo âu, nghi ngờ khả năng kỹ thuật của các chuyên gia giải quyết sự cố và nghi ngờ chính quyền đang che giấu một hiện tượng tham nhũng nào đó. Sau đó, chúng tôi không tin cách dùng vải bạt, túi ny‒lông nhét vào rãnh bê tông bị nứt là phương pháp nghiêm chỉnh của nhà nghề.

Thông thường, khi một đập có sự cố thì người ta trút hết nước trong hồ để tránh hiểm họa cho dân ở hạ lưu. Một khi hồ cạn nước thì mới có thể quan trắc triệt để tất cả những nguyên do của sự cố, sửa chữa kỹ càng và kiểm tra lại tính bền vững của đập trước khi cho nước chảy lại vào hồ. Trên nguyên tắc, mỗi địa phương ở hạ lưu một đập đều có sẵn một chương trình di tản phòng khi đập vỡ. Chúng tôi không biết huyện Trà My có một chương trình như vậy không và, nếu có, thì chính quyền đã bố trí những phương tiện di tản chưa. Về phòng ngừa, khi có sự cố thì người ta kiểm tra và, nếu cần, sửa lại tất cả các đối tượng đã được xây với cùng vật liệu hay/và phương pháp xây của đối tượng có sự cố. Chúng tôi không biết chính phủ đã ra lệnh chủ nhân các đập liên hệ kiểm tra đập của họ chưa.

Nếu không thể trút cạn hết hồ nước trong một ngày tới thì chúng tôi xin đề nghị di tản dân huyện Trà My. Những tiếng nổ người dân địa phương nghe thấy làm chúng tôi e ngại một tai nạn đang đe dọa. Chúng tôi biết, nếu rút cục sự cố không làm vỡ đập, và đó là điều chúc mong của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ mất uy tín. Nhưng sinh mạng của người dân quý hơn uy tín của một tiến sĩ.

Đặng Đình Cung, Kỹ sư tư vấn

-------------------------------


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.

------------------------------------------

Nông Viết Lù
28/03/2012

Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng đang bàn nhiều về đập thủy điện Sông Tranh 2. Lù tôi tuy là ếch ngồi đáy giếng nhưng cũng liều mạng góp một vài ngu ý như sau:

1) Đập bê tông đầm lăn là gì?

Đập Sông Tranh 2 là đập bê tông đầm lăn – là đập bê tông trọng lực, được thi công bằng công nghệ đầm lăn (Roller-Compacted Concrete Dam, viết tắt là RCCD). Bê tông đầm lăn khác bê thông thường (xây nhà cao tầng, xây cầu cống, v.v.). Sự khác nhau giữa hai loại bê tông này là gì?

a) Bê tông thường có 350 kg ximăng cho 1 mét khối. Bê tông đầm lăn chỉ có từ 60 -100 kg ximăng cho 1 mét khối; để bù vào lượng xi măng thiếu hụt này người ta thường thay bằng xỉ lò cao, hoặc Puzơlan (một loại đất mịn).
b) Bê tông thường được đông cứng bằng phản ứng hóa học (phản ứng nhiệt thủy hóa giống như vôi tôi), cường độ chịu lực cao. Bê tông đầm lăn được đông cứng bằng đầm lăn (dùng đầm có bánh lăn để nén chặt). Cường độ chịu lực thấp (chỉ bằng khoản 1/3 của bê tông thường.
c) Cường độ kém tại sao người ta vẫn làm đập bê tông đầm lăn? Vì làm RCCD tiết kiệm được rất nhiều tiền. Nếu làm đập bê tông thường mất 10 triệu USD thì làm RCCD chỉ mất 6 triệu USD.

2) Trên thế giới đã có sự cố nào như đập Sông Tranh 2 chưa?

Việc xây dựng đập RCCD là một thành tựu mới về khoa học và công nghệ. Nếu đập bê tông thường đã có lịch sử từ vài trăm năm thì đập RCCD chỉ xuất hiện cách nay khoảng 30 năm (ở Mỹ, Nhật). Trung Quốc do làm hàng nhái và bắt chước giỏi nên về cái khoản đập RCCD này họ bắt chước rất nhanh. Hiện nay Trung Quốc là một trong những nước xây dựng nhiều đập RCCD. Ở Việt Nam đập RCCD được xây dựng đầu tiên vào khoảng năm 1999 (là một đập ngăn sông cao khoảng 15 m thuộc công trình Thủy lợi Lòng Sông). Trong những năm gần đây EVN đã xây dựng khá nhiều đập RCCD có chiều cao trên dưới 100 m do tính ưu việt của nó về kinh tế và thời gian thi công nhanh (như thủy điện A Vương, Đồng Nai 3, 4, thủy điện Sơn La, v.v.). Việc tính toán thiết kế đập RCCD không có gì khó khăn, nhưng việc thi công là khá phức tạp. Khi xây dựng một số đập RCCD của ta có sự tham gia của các chuyên gia Trung Quốc.

Nếu sự số ở đập Sông Tranh 2 “bị nứt là do có lỗi từ khâu thiết kế, thi công, giám sát cho đến khâu khai thác vận hành” như tuyên bố của TS Bùi Trung Dung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm định nhà nước, thì có thể nói trên thế giới chưa có sự cố nào như Sông Tranh 2 (thiết kế quên bố trí các ống thoát nước ngang).

3. Về biện pháp xử lý đập Sông Tranh 2

Chúng ta phải nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng: Sự cố ở đập Sông Tranh 2 là nghiêm trọng. Để xử lý rò rỉ ở đập Sông Tranh 2 có thể có hai biện pháp như GS TS Phạm Hồng Giang (Chủ tịch Hội Đập lớn Việt Nam) đã trả lời trên VEF và VNN. Đó là:
a) Hạ thấp mực nước thượng lưu, sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện (tạm gọi là biện pháp “khô”) sau đó khoan phụt xử lý rò rỉ.
b) Không hạ mực nước thượng lưu, dùng thợ lặn “dán” màng chống thấm lên toàn bộ bề mặt thượng lưu đập, sau đó xử lý khoan phụt. GS TS Phạm Hồng Giang kiến nghị phương án này.

Nếu xử lý theo biện pháp như kiến nghị của GS TS Phạm Hồng Giang là không khả thi. Biện pháp “dán” màng chống thấm thích hợp cho các đập chỉ đơn thuần có các vết nứt. Đập Sông Tranh 2 ngoài các vết nứt còn có hiện tượng nước rò rỉ từ hai bờ, từ dưới nền ngược lên, vậy màng chống thấm làm sao ngăn được các hướng này, thưa GS TS Phạm Hồng Giang?

Lù tôi tán thành với ý kiến của TS Tô Văn Trường là có khả năng do nước rò rỉ làm mở rộng các khe nứt, làm giảm cường độ của bê tông đầm lăn. Và nếu điều này xảy ra thì quả là rất nghiêm trọng vì nó làm giảm khả năng chịu lực của đập.

Biện pháp như Ban Quản lý thủy điện Sông Tranh 2 đang làm chỉ có tính chất trấn an dư luận. Để xử lý triệt để cần phải phải qua 4 bước (bắt chước mấy anh ở Trung Nam Hải, có thể gọi là quan hệ 4 tốt cũng được):

i) Nhanh chóng hạ thấp mực nước thượng lưu đập Sông Tranh 2 (ông Nguyễn Đức Hải, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, cũng có ý kiến này, hoan hô đồng chí Bí thư).
ii) Chọn nhà tư vấn có năng lực. Tiến hành khảo sát hiện trạng vết nứt và cường độ của bê tông (dùng máy siêu âm tin cậy để thăm dò vết nứt nếu có, khoan lấy mẫu để xác định lại cường độ của bê tông đầm lăn…) trước khi thiết kế xử lý sự cố một cách bài bản.
iii) Đề án thiết kế xử lý phải được thẩm định nghiêm túc.
vi) Sau khi có cấp thẩm quyên phê duyệt, bắt đầu thi công sửa chữa.

Bạn sẽ hỏi: Người ta đang lo thiếu điện, lo vỡ đập sao chú mày bày ra lắm bước rắc rối thế?
Lù tôi xin thưa rằng: Một khi đã hạ mực nước hồ thì không còn lo vỡ đập nữa. Vì đối tượng gây ra rò rỉ đã bị triệt tiêu. Còn thiếu điện? “Thằng” nhà thầu nào làm sai thằng đó phải đền chứ (tuy nhiên trên thực tế không đơn giản như vậy vì các “thằng” ấy đều là anh em hoặc con cái trong nhà cả – công ty mẹ và công ty con).

Cần phải nhấn mạnh rằng giải pháp 4 tốt nêu trên không có gì là cao kiến và mới mẻ cả, nhiều người biết, hoàn toàn nằm trong tầm tay và kinh nghiệm của của EVN. Và đây là gỉải pháp cơ bản nhất, đảm bảo an toàn tuyệt đối và lâu dài cho công trình. Như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam: “Nếu cần, có thể hạ bớt mực nước hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 để xử lý căn cơ vết nứt, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người dân vùng hạ du”.

Lù tôi trộm nghĩ làm theo 4 tốt trên chính là “ý Đảng và lòng dân" đấy ạ!

N. V. L.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

.
.
.

No comments:

Post a Comment