Friday, March 30, 2012

ĐỌC "CÕI TRỜI CÕI TA" của HOÀNG DUNG (Trịnh Bình An)




31-03-2012

Hoàng Dung tên thật là Hoàng Xuân Trường. Ông từng là một đại úy quân y trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau khi đến Hoa Kỳ, ông học lại và sau đó hành nghề y khoa. Hoàng Xuân Trường được nhiều người nói tới như một bác sĩ tận tâm, một người hiền lành và ít nói.

Tôi đặt nghề nghiệp và tư cách của Hoàng Dung ngay phần mở đầu là có lý do, vì tôi cho rằng chính tấm lòng “lương y như từ mẫu” của tác giả mà “Cõi Trời Cõi Ta” trở thành cuốn sách đặc sắc, đặc sắc đến nỗi tôi phải bỏ hẳn một ngày chủ nhật đầu Xuân tuyệt đẹp, tự giam mình trong phòng để viết những dòng chữ này.

Tôi cho rằng người đọc chỉ có một bổn phận duy nhất, đó là phải làm sao cho mình có được cảm giác thống khoái qua việc đọc sách. Muốn như thế, người đọc phải để cho mình tự do đi theo những cảm xúc hay suy nghĩ của chính mình dù cho đó là những cảm xúc, suy nghĩ điên rồ nhất. Người viết, trái lại, vì muốn truyền đạt ý tưởng của mình đến người đọc nên không thể quá buông thả. Người viết luôn luôn phải cân nhắc, lọc lựa những cảm xúc, suy nghĩ sao cho ý tưởng được chuyển tải gọn ghẽ, rõ ràng, và chính xác. Chính vì lẽ đó mà thường khi người viết chỉ có thể bày tỏ phần nào điều mình muốn nói. Thành thử câu “ý tại ngôn ngoại” cho thấy phần nào sự khổ tâm của người viết.

Vậy nên, khi người đọc để tâm tưởng buông lung là khi người đọc có cơ may đến gần với người viết nhất bởi người đọc đã giúp người viết nói ra những điều người ấy muốn nói mà chưa thể, hay không thể, nói toạc ra. Cứ cho là tôi quá tự tin khi nghĩ như thế, nhưng có hề chi, nếu tôi không tận hưởng cái khoái của việc đọc sách thì tại sao tôi cần đọc sách? Và tôi đã đọc “Cõi Trời Cõi Ta” bằng cái trí buông thả như vậy.

Trước đây Hoàng Dung đã viết cuốn sách có tựa “Đi Về Cõi Vô Cùng” với những đề tài về thiên văn học. Lần này “Cõi Trời Cõi Ta” thì ngoài “trời” ra còn có cả “ta” nữa. Vậy thế nào là “cõi trời”, thế nào là “cõi ta” theo Hoàng Dung?

Trong “Cõi Trời Cõi Ta”, những bài viết như “Thời Gian”, “Bốn Mùa”, “Trăng Sao và Tháng Ngày”, “Những Thăng Trầm của Trái Đất”,… trình bày một số hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ và trên trái đất. Ở “cõi trời” cái này tạo thành cái kia, cái nọ hủy diệt cái khác theo những quy luật của tự nhiên. Ở “cõi trời” vạn vật tuân theo những định luật ngàn đời mà chuyển biến. Do đó, “cõi trời” tuy bao la vô cùng nhưng lại là một nơi có những nguyên tắc và trật tự hết sức rành mạch, dứt khoát.

So với “cõi trời” thì “cõi ta” cực kỳ bé nhỏ, chỉ là một nhúm homosapien chíu chít trên mặt trái đất. Nhưng cái “cõi ta” ấy sao mà rối rắm quá. “Cõi ta” đầy những tham vọng và ngu dốt, đầy những mơ mộng và yêu thương. Hoàng Dung viết về “cõi ta” ấy với những nhớ nhung quyến luyến trong “Nhớ Về Một Người Bạn Đã Nằm Xuống”, “Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Trong Mùa Hè Đỏ Lửa”; với những ưu tư trăn trở trong “Tương Quan Lực Lượng Trung Hoa-Việt Nam Tại Biển Đông”; với những băn khoăn thắc mắc trong “Từ Kiếm Hiệp Đến Khoa Học Giả Tưởng”, “Vài Liên Tưởng Phân Tâm Học Qua Thơ Bùi Giáng”, “Nguyễn Tất Nhiên Và Vấn Đề Tự Tử”,… Tóm lại, “Cõi ta” của Hoàng Dung là một thế giới rắc rối và khó hiểu vì con người vốn đã khó hiểu và rắc rối.

Hãy cứ tạm cho rằng “cõi trời” là thế giới tự nhiên còn “cõi ta” là thế giới con người, từ đó sẽ thấy tác giả là người thích nghĩ ngợi, khi thì lan man chuyện “cõi trời”, khi lại băn khoăn chuyện “cõi ta”. Thế nhưng, điểm đặc biệt ở đây là dù đã chia hai “ta” và “trời” riêng rẽ theo từng đề tài nhưng Hoàng Dung vẫn không muốn tách hai cõi này hẳn với nhau, trời riêng trời, ta riêng ta, mà lại thích để cho cõi này chen lẫn vào cõi kia.

Như trong bài “Nguồn Gốc và Tương Lai Vũ Trụ”, lúc nói về thuyết Big Bang, Hoàng Dung đã chen “ta” vào “trời” khi viết:

Vì quan niệm hiện đại về sự khai sinh vũ trụ, hay thuyết Big Bang cũng đề cho là vũ trụ được khai sinh từ “mảy may”, từ một điểm rất nhỏ, nhỏ hơn cả một hạt điện tử, nhưng trong đó có chứa một năng lượng vô hạn. Điểm này được gọi là điểm vô cực, nhưng đúng hơn, có thể dùng một từ ngữ trong thơ Mai Thảo là điểm “vô hình tướng” - “Điểm cuối đường sương điểm hiện dần. Hiện cùng điểm mất ở vong thân. Đáy xe, từ điểm vô hình tướng. Chết rũ theo người ở dưới chân.” Từ điểm “vô hình tướng” đó, khoảng gần mười lăm tỷ năm trước, một năng lượng cực độ đã nổ bùng và nhanh chóng sinh hóa để trở thành vũ trụ. (*)

Loài người của “cõi ta” thường thích nhìn “cõi trời” theo con mắt chủ quan của mình. Cái điểm “mảy may” của vũ trụ có gì là vui, có gì là buồn, nhưng khi trở thành điểm “vô hình tướng” thì thể nào cũng sẽ kèm theo một nỗi buồn man mác. Cách nhìn sự vật tự nhiên theo con mắt chủ quan giúp cho loài người tạo nên một sản vật đặc biệt mà chỉ có loài người mới có, đó là nghệ thuật, trong đó thơ là một.

Một điều dễ thấy, Hoàng Dung rất yêu thơ, dường như bất kỳ hiện tượng tự nhiên nào cũng dễ dàng gợi nhắc ông nhớ tới một câu thơ. Như trong bài “Việt Nam Thời Kỳ Tiền Lịch Sử”, khi nhắc tới sông Mã, ông nhớ ngay đến những câu thơ của Quang Dũng:

Đường tiếp giáp của hai tiểu lục địa này là sông Mã, giòng sông hùng tráng trong thơ Quang Dũng Áo bào thay chiếu anh về đất. Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Nhưng hơn 200 triệu năm trước, sự tiếp giáp giữa hai tiểu lục địa còn mạnh hơn tiếng gầm của dòng sông Mã hàng muôn triệu lần. Đất trời rung chuyển, bờ đất tiểu lục địa Indochina bị dội nên, tạo nên dãy Trường Sơn. (*)

Cái cách chen thơ vào kể ra cũng hay, nó giúp cho những kiến thức khoa học bớt khô khan. Người đọc còn có thể “nhìn” ra các hiện tượng tự nhiên qua những hình ảnh sống động của thơ, như “gầm lên” vẽ ra quang cảnh trời đất rung chuyển, còn “điểm cuối đường sương” vẽ ra một điểm rất mờ, rất ảo, đến mức gần như không có. Cái “thấy” của sự tưởng tượng có khi cụ thể và linh hoạt hơn cái thấy của mắt nhìn là thế.

Không chỉ yêu thơ, Hoàng Dung còn yêu cả người thơ. Ông nghĩ nhiều về Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên, hai thi sĩ miền Nam nổi tiếng với những bài thơ trữ tình nhất, ảo diệu nhất. Nhưng tới đây Hoàng Dung lại không nằm hẳn trong “cõi ta” để mê đắm trong các vần điệu du dương, chữ nghĩa mật ngọt, tới đây Hoàng Dung lại đứng về bên “cõi trời” - vùng đất của các quy luật tự nhiên - để phân tích và tìm hiểu Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên ở góc độ của một người làm khoa học, một bác sĩ y khoa.

Trong bài “Vài Liên Tưởng Phân Tâm Học qua Thơ Bùi Giáng”, trước khi đi vào nguyên cớ gây nên chứng điên của Bùi Giáng, Hoàng Dung đưa ra một số ý niệm cơ bản về phân tâm học, đó là Ngã, Siêu Ngã, và Di Ngã.

Nhân cách khác biệt của mỗi chúng ta là do mức độ thăng bằng khác nhau giữa Ngã, Siêu Ngã và Di Ngã. Đời sống tâm linh của con người là một tiến trình liên tục; một mặt thâu thập những kinh nghiệm, cảm xúc, kiến thức; mặt khác giải tỏa nhừng ẩn ức, âu lo, những đòi hỏi chất chứa trong bản năng. Sự mâu thuẫn giữa những đòi hỏi vô thức của Di Ngã với những cấm đoán và giới hạn của Siêu Ngã nếu không được giải quyết sẽ tạo nên một cảm giác bất an trong ý thức (Ngã). (*)

Ở một đoạn khác, Hoàng Dung phân tích lý do tại sao nghệ thuật nói chung, thơ nói riêng, có thể đem lại cho ta cảm giác thích thú.

Thú sáng tạo và thưởng ngoạn nghệ thuật được coi như tổng hợp của hai yếu tố: thứ nhất là cảm giác bình yên do sự giải thoát những lo âu, những ký ức bị dồn nén hay chon kín, và mặt khác là cảm giác khoan khoái tiếp thu được do nhừng thỏa mãn trực tiếp (immediate gratification). Hãy đọc câu thơ của Nguyễn Nhược Pháp: “Yêu nàng bao nhiều người làm thơ”. Dĩ nhiên, trong số “bao nhiêu người làm thơ” này chưa chắc có ai được nàng yêu lại, nhưng không ai có thể cấm họ mơ mộng để có những khoảnh khắc hạnh phúc nhất thời. Cái hạnh phúc dựa trên một thực tại giả tạo đó phân tâm học gọi là “nhừng thỏa mãn trực tiếp”. (*)

Ngoài ý niệm về Ngã, Siêu Ngã, Di Ngã, “cảm giác bình yên”, và “thỏa mãn trực tiếp”, Hoàng Dung còn nói về sự “thoái bộ” và “phóng ngoại”.

“Thoái bộ” là khi chúng ta bắt gặp trong nội dung bài thơ nhừng ẩn ức nội tâm tương ứng, lúc đó tâm hồn chúng ta tự động trở về (thoái bộ) trạng thái tâm lý ấu thơ, lúc siêu ngã còn yếu kém. Vì thế, tâm hồn chúng ta thường có khuynh hướng hoài vọng về một dĩ vàng mơ hồ. Bùi Giáng là thi sĩ thoái bộ thường xuyên và sâu xa với những câu thơ có các hình ảnh siêu thực như: “Người đi xiêm mỏng xuôi triều nước xanh”, hay, “Mai kia có héo đầu ghềnh. Ngó sang trời lạ thấy mình mất thu”, v.v.

“Phóng ngoại” là gán những ý nghĩ, cảm xúc của mình ra ngoại giới để giao hòa tâm tư của mình với trời đất, để không còn thấy run sợ trước những điều mình không biết, không hiểu, hay run sợ vì thấy thân phận mong manh của ta trước cái bệnh, cái chết, cái già nua. Vì thế, làm thơ, nói theo Bùi Giáng là “Một cách dìu ba đào về một phương trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão động một lúc thì lập tức xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức.” Một câu thơ mang tính chất phóng ngoại của Bùi Giáng như: “Cá khe nước cõng lên đồng. Ruộng hoang mang khóc đêm mồng một giêng. Tại từ tháng chạp quay nghiêng. Ầm trong sử lịch thu triền miên trôi”

Với người bình thường như chúng ta, lâu lâu mới có các “cơn” thoái bộ và phóng ngoại (thường được gọi bằng cái tên mỹ miều là “cảm hứng”), nhưng riêng với Bùi Giáng thì ông thoái bộ và phóng ngoại thường xuyên hơn, sâu xa hơn. Kết quả, thơ Bùi Giáng rất lạ thường nhưng chính Bùi Giáng lại trở thành rất bất thường, nói trắng ra là… điên.

Tôi được Uyên Thao kể cho nghe một mẩu chuyện “bất bình thường” của Bùi Giáng. Lúc đó hai người cùng làm cho tờ Giáo Dục Phổ Thông. Khi thấy Uyên Thao sắp viết một bài phê bình thơ Xuân Diệu, Bùi Giáng bảo Uyên Thao rằng khi viết về Xuân Diệu là phải ăn cháo chứ không được ăn cơm, thêm nữa, phải thắp nến chứ không được để đèn điện. Sau đó Uyên Thao viết xong bài, đưa cho thợ sắp chữ. Bùi Giáng thấy vậy bèn hỏi lại Uyên Thao “Mày có làm theo lời tao nói không?” Uyên Thao đáp “Tao quên mất rồi, tao vẫn ăn cơm và để đèn điện bình thường” Vừa nghe xong, Bùi Giáng nổi giận, vác nguyên cái máy chữ nặng chịch liệng Uyên Thao!

Đó là trường hợp của Bùi Giáng, còn Nguyễn Tất Nhiên thì sao? Tại sao Nguyễn Tất Nhiên tự tử? Không nhẽ khả năng “thoái bộ” và “phóng ngoại” của thơ không giúp gì được cho nhà thơ hay sao?

Để tìm hiểu cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, trước tiên Hoàng Dung nhắc đến David Émile Durkheim (1858-1917) , nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về xã hội, trong đó có tác phẩm “Suicide” . Theo Durkheim, có 4 loại tự tử chính:

- Tự tử vì mất phương hướng (anomic suicide): xảy ra với những người không thích hợp được với những thay đổi đột ngột của xã hội, lúc đó họ cảm thấy lạc lõng, mất phương hướng và thường xuyên thất vọng. Như Maiakovski tự tử vì thất vọng với chủ nghĩa Cộng Sản, hay, Mishima (tác giả Kim Các Tự) tự tử vì không chịu nổi sự suy sụp của tinh thần võ sĩ đạo của Nhật Bản.

- Tự tử vì bị áp chế (fatalistic suicide): xảy ra với những người bị áp bức, họ thấy tương lai đen tối không lối thoát, mọi ước mơ đều bị dập tắt. Đây là trường hợp của những tu sĩ Tây Tạng tự thiêu để phản đối sự cai trị tàn bạo của Trung Cộng.

- Tự tử vị tha (altruistic suicide): xảy ra với những người mà mối quan hệ của họ với xã hội, với cộng đồng quá bền chặt. Những cái chết của Đặng Dung, Hoàng Diệu, Nhất Linh, Nguyễn Khoa Điềm, là những cái chết vị tha. Cuộc đời của họ đã gắn liền với quốc gia, dân tộc, đồng đội. Họ tìm cái chết để giừ gìn khí tiết không nhừng cho bản thân mình mà còn cho tập thể.

- Tự tử vị kỷ (egoistic suicide): xảy ra với nhừng người gặp khó khăn trong mối giao tiếp với xã hội chung quanh. Ngược lại với “tự tử vị tha”, người “tự tử vị kỷ” thường có thích sống co cụm, tách rời xã hội. Nếu căn cứ trên thi văn, cái chết của Nguyễn Tất Nhiên là một cái chết vị kỷ. Nguyễn Tất Nhiên không bao giờ thích ứng được với xã hội xung quanh.

Nguyễn Tất Nhiên luôn sống cô đơn như một tu sĩ: “Vì tôi là linh mục, không mặc chiếc áo dòng. Nên suốt đời hiu quạnh, nên suốt đời lang thang.” Nguyễn Tất Nhiên không chỉ gặp khó khăn với nhừng người tình mà còn đối với cuộc đời: “Mỗi cuộc sống phải mua bằng nhục nhã. Mỗi mặt trời, trả giá một hoàng hôn”. Từ đó, Nguyễn Tất Nhiên phải thu mình vào chính bản thân, “Khi mòn mỏi, nghe đời mình trắc trở. Hơn lúc nào tôi quá đỗi thương tôi”.

Từ những thể hiện như trên và tương tự trong các bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Dung đưa ra nhận định:

Khuynh hướng thu những cảm xúc cay đắng vào chính bản thân này có lẽ là một yếu tố khiến Nguyễn Tất Nhiên lúc nào cũng nghĩ đến “thế nào rồi tôi cũng giết tôi”, vì theo phân tâm học, tự tử là hướng cái bản năng hủy phá vào chính bản thân mình. (*)

Nguyễn Tất Nhiên cũng dùng thơ như một cách để thoái bộ, trở về thời thơ ấu, hay, hoài cảm: “Tôi có cánh buồm tấp về ký ức. Em có chỗ ngồi quên lãng như mây”. Nguyễn Tất Nhiên cũng phóng ngoại, ông không những gán tâm tư mình vào ngoại giới mà còn muốn điều khiển ngoại giới theo ý mình: “Thà như giọt mưa, gieo xuống mặt người, vỡ tan vỡ tan. Nào ta ân hận, bởi còn kịp nghe, nhịp run vồi vội, trên ngọn lông măng, (người từ trăm năm vì ta phải khổ).”

Khi một người vừa hướng bản năng phá hủy vào chính mình, vừa thấy mình có quyền định đoạt số phận chính mình (như giọt mưa vỡ tan), thì kết quả không xa là người ấy sẽ tự mình tìm đến cái chết. Quả thật, khi chỉ mới 20 tuổi, Nguyễn Tất Nhiên đã từng nghĩ tới cái chết của chính mình, “Ta phải khổ cho đời ta chết trẻ. Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian. Phải đau theo từng hớp rượu tàn. Phải khép mắt sớm hơn giờ thiên định”. Để rồi, ông ra đi lặng lẽ - khi chỉ mới 40 tuổi - trong một chiếc xe hơi cũ, đúng như những câu thơ định mệnh, “Vì tôi là linh mục, không biết rửa tội người, nên âm thầm lúc chết, tội mình còn thâm vai.”

Qua cơn điên của Bùi Giáng và cái chết của Nguyễn Tất Nhiên, Hoàng Dung nhận thấy giữa thơ và phân tâm học có một mối liên hệ tinh tế. “Cõi ta” với những tâm lý phức tạp của con người có thể được làm sáng tỏ bằng những phân tích rành mạch của khoa học của “cõi trời”. Ở đây, Hoàng Dung không đọc thơ hoàn toàn như một người thưởng ngoạn nữa mà làm công việc của một bác sĩ, nghe ngóng, suy luận, so sánh, để tìm ra căn bệnh.

Nói cho cùng, ai trong chúng ta mà không có “bệnh”. Thường ngày, ta vẫn phàn nàn về người này, người nọ; vẫn cứ ta thán về những tánh xấu của người chung quanh. Nhưng ta có bao giờ dừng lại một phút để tự hỏi tại sao người đó lại nói như thế, làm như thế. Biết đâu chừng người đó có điều gì đó chìm sâu trong vô thức khiến họ làm ra những hành động kỳ quặc, phi lý mà ngay chính họ cũng không ý thức được. Riêng Hoàng Dung, với kiến thức và tấm lòng của một lương y, ông hiểu được điều ấy, vì thế ông đưa ra trường hợp của Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên với mong mỏi khơi gợi một cách xét người dung dị hơn. Ông viết:

Chúng ta quen nghĩ ‘nhân chi sơ, tính bản thiện’. Giờ đây thử nhìn con người trên căn bản vô thức với những bản năng tình dục, bản năng hủy phá và những phương thức tự vệ tâm lý, có thể chúng ta sẽ khách quan hơn, sẽ thông cảm và thương yêu con người nhiều hơn. (*)

Hoàng Dung định bệnh Bùi Giáng và Nguyễn Tất Nhiên, thế đến lượt Hoàng Dung thì ai sẽ định bệnh Hoàng Dung? Bỗng chợt nhớ câu “Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như!”

Trong bài “Từ Kiếm Hiệp đến Khoa Học Giả Tưởng” Hoàng Dung tự kể về mình:

Tôi là người thiếu thực tế, suốt đời thích đọc những truyện viễn mộng. Mới chín mười tuổi, tôi bắt đầu đọc Bồng Lai Hiệp Khách, Giao Trì Hiệp Nữ … Vào Nam, học đệ thất đệ lục, tôi mê với Lục Kiếm Đồng, Không Không Sư Tổ … Lên đến đệ nhị, tôi bắt đầu làm quen với Kim Dung, qua Anh Hùng Xạ Điêu. […] Ra trường, đi lính, đi hành quân hay về hậu cứ, tôi bỏ tiền mướn tháng để đọc tất cả truyện kiếm hiệp mới ra. […] Sang đến đất Mỹ, tôi quay sang đọc truyện khoa học giả tưởng. (*)

Hoàng Dung khai “bệnh”, rồi loay hoay phân tích:

Nếu so sánh giữa kiếm hiệp và khoa học giả tưởng ta thấy hai trường phái văn học cực kỳ viễn mơ này có những khác biệt căn bản. Người phương Đông thả hồn vào cõi hoang đường bằng cách đắm chìm trong những hoàn cảnh và nhân vật của quá khứ, đồng hóa vào nhừng khả năng phi thường của nhân vật. Trong khi đó, người Tây phương để cho tâm hồn vơ vẩn trong nhừng hoàn cảnh tương lai.

Những khác biệt căn bản kể trên có lẽ bắt nguồn từ những vũ trụ quan và khác biệt trong nội tâm con người. Người Tây phương luôn tìm cách phân tích, giải thích hay làm chủ ngoại giới, còn người Đông phương có khuynh hướng hòa đồng với ngoại giới. (*)

Phải chăng tính ưa làm chủ ngoại giới chính là khuynh hướng “phóng ngoại”, còn tính thích hòa đồng với ngoại giới lại là khuynh hướng “thoái bộ” như vừa kể ra ở trên. Và Hoàng Dung khi mê say đọc cả truyện kiếm hiệp lẫn truyện khoa học giả tưởng là ông đã tìm cách điều hòa tâm hồn của mình, giúp nó tìm đến một cõi bình yên, dù biết đó chỉ là bình yên thoáng chút.

Bởi vì trái tim Hoàng Xuân Trường, thực ra, không bao giờ bình yên!

Ông vẫn hằng nghĩ tới những giây phút lửa đạn năm nào, tới những đồng đội đã nằm xuống. Đó là nỗi day dứt không nguôi, những câu hỏi không lời giải đáp, vì tại sao “những người bạn hy sinh đầu tiên trong khóa [Quân Y 17] lại là những anh bạn hiền lành dễ thương nhất”, hay, xót xa hơn, “Tại sao chúng ta thua trận!”

Nhưng chính nhờ có những dày vò trăn trở ấy mà “Cõi Trời Cõi Ta” không còn là một cuốn biên khảo khô khan nữa. Đó cũng là lý do tôi muốn nói tới ngay từ lúc mở bài, rằng nếu không nhờ có tấm lòng của một người thày thuốc tận tâm thì cuốn sách không chắc đã làm tôi thích thú.

Nói chung, “Cõi Trời Cõi Ta” không phải là một cuốn sách dễ đọc, nó đòi hỏi sự tĩnh tâm và suy ngẫm. Nhưng làm sao khác được, có ai muốn tìm hiểu cái cao sâu vòi vọi của Cõi Trời và cái chằng chịt chi ly của Cõi Ta mà lại không muốn bận tâm suy nghĩ? Nhưng đến với “Cõi Trời Cõi Ta” hay nhất có lẽ là cứ buông thả cho mình đi theo những giòng chữ của tác giả, hãy cứ coi tác giả như một người kể chuyện, và hãy để mặc cho các cảm xúc của mình hoặc bay lên trời hoặc lẫn vào ta.

Ta vừa kể chuyện Em nghe
Lòng ta mở mắt, Em che giọt buồn

(Non Sông Hoài Niệm - Vương Đức Lệ)(*)

© DCVOnline



Chú:
- Những đoạn đánh dấu (*) trong bài là trích nguyên văn trong “Cõi Trời Cõi Ta”.
- “Ý tại ngôn ngoại”: ý ở ngoài lời. Chỉ những điều hàm ý, không nói thẳng ra, người nghe phải tự suy lấy mà hiểu.
- “Bất tri tam bách dư niên hậu.Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?” Đây là hai câu kết trong bài thơ “Độc Tiểu Thanh Ký” của thi hào Nguyễn Du tức Tố Như. Nghĩa là “Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa. Thiên hạ ai người khóc Tố Như?”
- Hoàng Dung đã có 3 cuốn sách được in, “Sau Bức Màn Đỏ” (Tủ Sách Tiếng Quê Hương), “Chiến Tranh Đông Dương III” (Nxb Văn Nghệ California), riêng cuốn “Đi Vào Cõi Vô Cùng” được Nxb Trẻ (VN) in ngay trong nước. Một bạn đọc đã nhận xét “Đi Vào Cõi Vô Cùng” như sau:
“Sách được trình bày theo 1 lối rất lạ, không biết trước nay đã có văn bản khoa học nào viết theo kiểu này chưa, nhưng đây là lần đầu em thấy. Mỗi vấn đề đều được liên tưởng với ý văn thơ nào đó. Không một ý tưởng hay nhân vật nào được nói đến mà không được dẫn nhập bằng vài ba câu thơ. Nhưng em thấy lối phân tích của Hoàng Dung để nói về khoa học nghe vui vui hay là… hơi ngây thơ (hihi). Tuy riêng em cảm thấy ở đây có khá nhiếu sự so sánh, liên tưởng hơi khập khiễng nhưng “Đi Vào Cõi Vô Cùng” là cuốn sách nên đọc. Lý do, cuốn sách nhỏ nhưng lại đề cập đến 1 lượng lớn, rộng thông tin nên chúng chỉ được điểm qua, sơ lược, gây nhiều thắc mắc và kích thích sự tìm tòi sâu hơi. Nếu theo Lời bạt, LT cho rằng “nó không phải là cuốn sách giáo khoa, không phải là sách khoa học, cũng không phải sách khoa hoc giả tưởng” mà là “1 cuốn thơ về vũ trụ” thì ok.”
(Trích lời blogger fresa_dulce trong “Đi Vào Cõi Vô Cùng”)
- Bấm vào đây để đọc “Chiến Tranh Đông Dương 3” tại Việt Nam Thư Quán.
- Bạn đọc muốn có “Cõi Trời Cõi Ta”, xin liên lạc Trần Phong Vũ - 14924 Dillow Street, Westminster, CA 92683, USA. ĐT (949)232-8660; hoặc Uyên Thao - PO Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA. Email: uyenthaodc@gmail.com hay uyenthao1@yahoo.com - Ấn phí 20 USD + 3USD cước phí trong nước Mỹ (Ngoài nước Mỹ, cước phí 10 USD). Ngân phiếu xin ghi trả: VLAC/Tiếng Quê Hương.


------------------------------

Uyên Thao
14-10-2011

.
.
.

No comments:

Post a Comment