Saturday, March 3, 2012

NHÂN NGÀY 8-3 SUY NGHĨ VỀ MỘT CÂU CA DAO (Nguyễn Thị Khánh Trâm)



Nguyễn Thị Khánh Trâm
4-3-2012

Cái câu ca dao đó là: “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.

Không biết câu ca dao này được ra đời khi nào, do ai sáng tác, chỉ biết rằng nó được lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay. Ngày còn bé mình đã được nghe và rất thích thú vì đàn bà được “khen” mà. Còn nhớ, có một lần mẹ ngồi bắt chấy cho mình, mình hỏi mẹ: “Mẹ ơi, đàn bà sâu sắc hơn đàn ông hả mẹ?” Mẹ mình chỉ ậm ừ rồi bảo: “Khi nào lớn con sẽ hiểu”.

Hôm nay là ngày cuối cùng của tháng 2, chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 ghi dấu sự kiện ngày phụ nữ vùng lên giành quyền sống, quyền bình đẳng. Ở ViệtNam, ngày này chị em vui lắm và có nhiều câu vè hay hay chẳng hạn như: “Hôm nay ngày 8-3 / Chị em phấn khởi đi ra đi vào”; “Hôm nay ngày 8-3 / Tôi giặt giùm bà cái áo của tôi”…

Ngày 8-3 sắp đến mình lại nhớ đến một người phụ nữ ViệtNamđang bị giam cầm ở trại cải tạo Thanh Hà thuộc huyện Vĩnh Phúc: chị Bùi Thị Minh Hằng. Chị không đấu tranh đòi quyền sống, quyền bình đẳng mà chị đấu tranh đòi lại chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa, chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Lý do chị bị giam giữ là “gây mất trật tự xã hội”.

Có câu nói: “Nói phải củ cải cũng phải nghe”, nhưng kể từ ngày chị bị bắt, ngày 27/11/2011, có rất nhiều người lên tiếng bênh vực chị bằng nhiều hình thức đồng thời đấu tranh ôn hòa với chính quyền đòi trả tự do cho chị:
Ngày 18/12/2011 luật sư Trần Vũ Hải gửi đơn khiếu nại đến UBND thành phố Hà Nội về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục đối với bà Bùi Thị Minh Hằng và yêu cầu ông Chủ tịch hủy bỏ quyết định số 5225/QĐ UBND ngày 08/11/2011 đồng thời trả tự do và bồi thường danh dự cho công dân Bùi Thị Minh Hằng.

Ngày 25/12/2011 có 29 công dân đồng ký tên trong đó có cả cựu tướng lĩnh, tri thức (giáo sư, tiến sĩ), gửi thư lên Chủ tịch nước với thông điệp : “…Cưỡng bức một công dân vào “cơ sở giáo dục” mà không có phán quyết của tòa án rõ ràng là hành động thiếu đàng hoàng và có nguy cơ làm lung lay nền tảng của nhà nước pháp quyền mà chúng ta đang cố công xây dựng”.

Ngày 18/2/2012 đoàn bạn bè gồm 27 người đi thăm Bùi Hằng trong đó có cả công dân tý hon mới chỉ 23 tháng tuổi.

Tính đến 21/2/2012 đã có 134 người gửi tiền ủng hộ cháu Bùi Nhân, thăm nuôi Bùi Hằng và khi cần thuê luật sư…

Nhớ lại 11 cuộc biểu tình ở Hà Nội mùa hè 2011, người phụ nữ này luôn luôn đi đầu đầy khí thế. Làm sao có thể quên hình ảnh chị cầm cái loa vừa đi vừa hô: “Hoàng Sa – Trường Sa” để cả đoàn người đồng thanh “ViệtNam” thật tự hào. Hay thậm chí giây phút chị và những người biểu tình bị bắt lên xe buýt, người ta tưởng không ai còn chút tinh thần gì nữa vậy mà chị vẫn mở cửa sổ xe để hô to: “Hoàng Sa – Trường Sa – ViệtNam”, rồi chăng cái biểu ngữ ấy bên ngoài thành xe. Một hành động thông minh và quả cảm…

Vì sao chị làm vậy?

Xin thưa: Vì tình yêu tổ quốc.

Với mình chị là hiện thân của lòng yêu nước.

Có lẽ chị “sâu sắc” tin vào cái điều 69 Hiến pháp nước CHXHCN VN: “Công dân có quyền biểu tình…”.

Chị cũng “sâu sắc” học tập và làm theo lời Bác Hồ dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Chị còn “sâu sắc” khi từ trong trại cải tạo viết thư gửi các con, không chỉ những lời đầy nhân ái mà nó còn cho thấy chị đầy niềm tin vào việc làm của mình là chính nghĩa: “Dù mẹ phải xa các con, phải chịu cảnh giam cầm bất công thì mẹ thấy chúng ta cũng nên tự hào, kiêu hãnh trong cuộc đời làm người, khi ta sống biết tự trọng và xứng đáng ngẩng cao đầu các con ạ ”.

Mình cứ tự hỏi chẳng biết cái trại Thanh Hà có “cải tạo” nổi lòng yêu nước của người phụ nữ như chị hay không? Hỏi xong lại thấy câu hỏi của mình thật lẩn thẩn vì tại sao lòng yêu nước lại bị “cải tạo” nhỉ? Đáng lẽ nó phải được nhân lên chứ nhất là vào lúc này, báo chí lại đưa tin tàu cá của ngư dân vẫn tiếp tục bị bắt bớ trên Biển Đông rồi thì tin trên Viet Nam Net ngày 23/2/2012 dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng ngay các hành động, hủy bỏ các dự án xâm phạm chủ quyền của Việt Nam…”.

Trở lại cái câu ca dao kia “Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”, thì phải hiểu là đàn bà nông nổi lắm, cứ nhìn cái cơi đựng trầu thì biết, nó nông toen hoẻn. Thế rồi chợt liên tưởng: “Giả sử chị “sâu sắc” nhận hết là mình sai lầm rồi, mình “bị kẻ xấu lợi dụng” rồi, mình dại quá…” thì có lẽ nhờ cái “sâu sắc” ấy có khi nhân ngày 8-3 này, ngày Quốc tế phụ nữ cao quý này mà chị lại được trả tự do cũng nên. Nhưng khổ nỗi, con người Bùi Thị Minh Hằng ấy không thể “sâu sắc” như thế được. Hơn ai hết, chị hiểu rất rõ mình chẳng sai gì cả. Tình yêu tổ quốc nó ở trong máu, trong tim của mỗi con người. Chị cũng chẳng bị ai lợi dụng cả, có chăng là bị lương tâm lợi dụng mà thôi. Kể từ ngày chị bị bắt tính đến nay đã hơn ba tháng và thời gian này có biết bao đơn thư của tập thể, cá nhân gửi chính quyền đòi trả tự do cho chị nhưng tất cả đều không nhận được một lời hồi âm. Chẳng biết khi hết một đợt “cải tạo” là 24 tháng, số phận của chị sẽ thế nào? Có rơi vào thảm cảnh nhận tiếp một cái QĐ/UBND nữa để giống như nhà thơ Hoàng Hưng “Ba năm còn nhớ một con thạch thùng” không? Ôi, mình không dám nghĩ thêm gì nữa nhưng trong đầu lại lởn vởn câu hỏi: “Liệu sẽ có bao nhiêu cái “cơi đựng trầu” sẽ tiếp nối số phận như Bùi Thị Minh Hằng ”?

N. T. K. T.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
.
.
.

No comments:

Post a Comment