Saturday, March 3, 2012

ĐIỀU GÌ LÀM MỘT QUỐC GIA TRỞ NÊN GIÀU CÓ ? (Daron Acemoglu)



Daron Acemoglu
viet-studies ngày 2-1-10

Nếu bạn là lãnh đạo và bạn muốn đất nước trở nên giàu có hơn thì bạn phải làm gì? Theo ý kiến của Daron Acemoglu, nhà kinh tế được Huy chương Clark từ Học viện công nghệ Massachusetts (MIT)[2] có một giải pháp đơn giản: đó là bầu cử tự do

-------------------------------

ĐIỀU GÌ LÀM MỘT QUỐC GIATRỞ NÊN GIÀU CÓ?[1]
Daron Acemoglu

Chúng ta (nước Mỹ-ND) là những người giàu có, những người giàu, đã phát triển. Trong khi hầu hết phần còn lại của thế giới – Châu Phi, Nam Á và Nam Mỹ, những người Somali, Bolivia và Bangladesh– là những người nghèo. Thế giới đã luôn bị chia tách thành người giàu và người nghèo, những người khỏe mạnh và ốm yếu, những người no đủ và đói ăn. Tuy nhiên, tầm mức của sự bất bình đẳng giữa các quốc gia như ngày nay là chưa từng xảy ra: tính trung bình, một người Mỹ giàu gấp 10 lần một người Guatemala, giàu hơn 20 lần so với một người Bắc Triều tiên và hơn 40 lần so với một người sống ở Mali, Ethiopia, Congo hay Sierra Leone.

Câu hỏi mà các nhà khoa học xã hội đã vật lộn hàng thế kỷ mà không giải đáp thành công là: tại sao lại như vậy? Nhưng lẽ ra câu hỏi cần được đặt ra là: làm cách nào để thay đổi điều đó? Bởi vì sự bất bình đẳng không phải đã được quyết định từ trước. Một quốc gia không giống một đứa trẻ - nó không được sinh ra đã giàu hay nghèo. Chính là chính phủ của nó đã làm quốc gia đó trở nên như thế.

Vào giữa thế kỷ 18, nhà khoa học chính trị người Pháp là Montesquieu đã đưa ra một cách giải thích vô cùng đơn giản về sự bất bình đẳng giữa các quốc gia: người dân ở xứ nóng vốn đã lười từ trong bản chất. Một số người khác cũng đưa ra cách giải thích của mình, chẳng hạn: Đạo đức trong công việc của người theo đạo Tin lành có lẽ là động lực chính cho thành công của những nền kinh tế tư bản theo như quan điểm của Max Weber? Hoặc có lẽ những nước giàu nhất là những quốc gia trước đó là thuộc địa của Anh? Hoặc có thể chỉ đơn giản như quốc gia đó có phần đông dân số là hậu duệ của người châu Âu? Vấn đề đối với tất cả các lý thuyết này là trong khi nó rất phù hợp với một số các trường hợp cụ thể, các trường hợp khác lại chứng tỏ nó hoàn toàn không đúng.

Điều đó cũng đúng với những lý thuyết hiện đang được truyền bá. Chẳng hạn nhà kinh tế Jeffrey Sachs, giám đốc Viện Địa Cầu ở Đại học Columbia (Earth Institute, Columbia University), đã gán sự thành công tương đối của những quốc gia cho địa lý và khí hậu. Theo ông, ở những vùng nghèo nhất thế giới, đất đai bạc màu ở những vùng nhiệt đới làm cho canh tác nông nghiệp trở nên khó khăn. Khí hậu ở đây đã kích thích bệnh tật, đặc biệt là sốt rét. Nếu chúng ta có thể sửa chữa những vấn đề đó, dạy người dân ở những vùng này các kỹ thuật canh tác tốt hơn, loại trừ bệnh sốt rét hoặc ít nhất trang bị cho họ thuốc artemisinin (một loại thuốc chống sốt rét hiệu quả-ND) để chống lại căn bệnh chết người này thì chúng ta có thể loại trừ được nghèo đói. Hoặc tốt hơn nữa, có lẽ chúng ta nên di chuyển những người này đi nơi khác và từ bỏ những vùng đất khắc nghiệt của họ.

Jared Diamond, nhà sinh học nổi tiếng và là tác giả của những quyển sách bán rất chạy có cách lý giải khác: cội nguồn của sự bất bình đẳng trên thế giới bắt nguồn từ lịch sử thuần hóa những loài thực vật, động vật và tiến bộ công nghệ. Trong câu chuyện của Diamond, những nền văn hóa đầu tiên học được cách trồng trọt cũng là những người đầu tiên đã học được cách làm sao để sử dụng cái cày và sau đó cũng là những người đầu tiên chấp nhận các công nghệ khác, là động lực của mọi thành công về kinh tế[3]. Nếu như vậy thì có lẽ giải pháp cho sự bất bình đẳng trên thế giới nằm ở công nghệ - nối kết các nước đang phát triển bằng Internet và điện thoại di động.

Trong khi Sachs và Diamond đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc vào một số khía cạnh của nghèo đói, họ cũng chia sẻ một số điểm chung với Montesquieu và những lý thuyết đã nói ở trên: họ đã bỏ qua động cơ (incentives). Con người cần động cơ để đầu tư và trở nên giàu có hơn. Họ cần biết là nếu họ làm việc chăm chỉ, họ có thể làm ra tiền và thực sự giữ được những đồng tiền đó. Chìa khóa để đảm bảo những động cơ đó là những thể chế tốt – luật pháp, an ninh và hệ thống chính quyền, tạo ra các cơ hội để con người có thể đổi mới và thành công. Đó chính là cái quyết định sự phân hóa giàu-nghèo – chứ không phải là địa lý, khí hậu, công nghệ, bệnh tật hay chủng tộc.

Một cách đơn giản: hãy sửa chữa các cơ chế khuyến khích động cơ và bạn sẽ xóa được nghèo đói, và nếu bạn muốn sửa chữa thể chế, bạn phải sửa chữa chính quyền.

Làm sao chúng ta biết được là các thể chế là lý do chính dẫn tới sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia?

Hãy bắt đầu bằng Nogales, một thành phố bị chia đôi bởi biên giới Mexico và Mỹ. Không có sự khác biệt về địa lý giữa 2 phần của Nogales. Thời tiết giống nhau, gió giống nhau, đất cũng giống nhau. Các loại bệnh tật thông thường trong khu vực với cùng địa lý và khí hậu này là giống nhau, cũng như chủng tộc, văn hóa và nền tảng ngôn ngữ của các cư dân. Bằng suy luận logic, cả 2 nửa thành phố phải có tình trạng kinh tế giống nhau.
Nhưng hiện tại chúng lại hoàn toàn khác xa nhau.

Một bên của biên giới, ở hạt Santa Cruz, bang Arizona (Mỹ), thu nhập trung bình của một người là 30.000 USD/năm. Chỉ cách đó vài mét bên phía Mexico là 10.000USD/năm. Một bên, hầu hết các trẻ vị thành niên học ở trường trung học công và đa số người trưởng thành tốt nghiệp trung học (lớp 12-ND). Bên kia, chỉ một số ít cư dân học tới trung học và hầu như không có ai học đại học. Người dân phía Arizona có sức khỏe tương đối tốt và có bảo hiểm y tế Medicare cho những người trên 65 tuổi. Họ không cần quan tâm tới hiệu quả của mạng lưới đường sá, điện, dịch vụ điện thoại, hệ thống nước thải và hệ thống y tế công cộng. Tất cả những điều này lại không có bên kia biên giới Mexico. Ở đó, đường sá thì xấu, tỉ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao, dịch vụ điện thoại và điện thì giá cao và không ổn định.

Sự khác biệt quan trọng nhất ở phía bắc của biên giới (phía Mỹ-ND) là họ có hệ thống luật pháp, luật lệ và các dịch vụ đáng tin cậy của chính phủ - họ có thể tiến hành các hoạt động hàng ngày và đi làm mà không sợ hãi cho cuộc sống, sự an toàn hoặc tài sản của mình. Bên kia, những cư dân phía Mexico có một thể chế đã giúp kéo dài tội ác, hối lộ và thiếu an ninh.

Nogales có thể là ví dụ hiển nhiên nhất, nhưng không phải là duy nhất. Hãy nhìn Singapore, một vùng đất bạc màu vùng nhiệt đới đã trở nên một quốc gia giàu có nhất ở Châu Á sau khi chế độ thực dân Anh mang tới quyền tư hữu và khuyến khích ngoại thương. Hoặc Trung Quốc, nơi hàng thập niên trì trệ và đói kém đã bị đảo ngược chỉ sau khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu áp dụng quyền sở hữu tư nhân trong lĩnh vực nông nghiệp và sau đó trong công nghiệp. Hoặc ở Botswana, nền kinh tế của nó đã vận hành rất tốt trong 40 năm qua nhờ ờ thể chế bộ lạc mạnh và những lãnh đạo dân cử thời kỳ đầu đã có tầm nhìn xa trông rộng, trong khi phần còn lại của Châu Phi vẫn đang tàn tạ.

Giờ chúng ta hãy xem các quốc gia đã thất bại về kinh tế và chính trị.

Bạn có thể bắt đầu ở Sierra Leone, nơi hiện nay các thể chế chính phủ hoạt động rất tồi nhưng lại dồi dào kim cương đã cung cấp nguồn lực cho nội chiến, xung đột và tham nhũng đến mức không thể kiểm soát được. Hoặc ở Bắc Triều Tiên, nơi các điều kiện về địa lý, chủng tộc và văn hóa rất tương đồng với quốc gia tư bản ở phía nam, nhưng lại nghèo hơn gấp 10 lần. Hoặc ở Ai Cập, tuy từng là cái nôi của một trong những nền văn minh lớn nhất thế giới nhưng kinh tế vẫn trì trệ kéo dài từ thời kỳ thực dân bởi đế chế Ottomans và sau đó là các nước Châu Âu tới hiện tại. Sau khi giành được độc lập tình hình còn trở nên tồi tệ hơn bởi chính phủ đã hạn chế mọi hoạt động kinh tế và thị trường. Trên thực tế, lý thuyết về vai trò của thể chế trong phát triển có thể được sử dụng để soi sáng vào các hình mẫu của sự bất bình đẳng ở nhiều phần của thế giới.

Nếu chúng ta biết tại sao các quốc gia nghèo, câu hỏi đặt ra là nước Mỹ có thể làm gì để giúp đỡ họ? Việc áp đặt các thể chế từ bên ngoài luôn bị giới hạn. Các kinh nghiệm của Mỹ mới đây ở Afghanistan and Iraq chứng minh điều đó. Nhưng chúng ta không vô dụng và trong nhiều trường hợp, có thể làm nhiều điều có ích. Thậm chí trong cả những chế độ áp bức nhất, người dân cũng sẵn sàng đứng lên đối đầu với bạo chúa nếu có cơ hội. Chúng ta đã thấy điều đó mới đây ở Iran và vài năm trước đây ở Ukraine trong cuộc Cách mạng Cam.

Nước Mỹ không được giữ một vai trò thụ động trong việc khuyến khích sự thay đổi. Chính sách ngoại giao của Mỹ cần trừng phạt các chế độ độc tài thông qua các biện pháp ngoại giao và cấm vận thương mại. Việc giúp đỡ những chế độ độc tài bởi vì chúng hỗ trợ các mục tiêu ngoại giao ngắn hạn của Mỹ như sự ủng hộ ngầm với chế độ độc tài quân sự của Muhammad Zia-ul-Haq ở Pakistan vào đầu những năm 70 hay các thỏa thuận trái phép với chế độ tham nhũng của Mobutu ở Congo từ năm 1965-1997 cần chấm dứt. Lý do là vì những hậu quả dài hạn của nó rất tồi tệ – bần cùng hóa toàn bộ người dân, làm trẻ em bị đói và suy dinh dưỡng, đẩy những thanh niên bất mãn về phía chủ nghĩa khủng bố. Mỹ cần thúc đẩy những quốc gia như Pakistan, Georgia, Saudi Arabia, Nigeria và vô số các quốc gia ở Châu Phi trở nên minh bạch hơn, cởi mở hơn, nhiều dân chủ hơn bất chấp việc họ đang là đồng minh ngắn hạn của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.

Ở mức độ vi mô, chúng ta có thể giúp đỡ các công dân nước ngoài bằng cách giáo dục và trang bị cho họ những phương pháp hiện đại để đứng lên đấu tranh, nhất là Internet và thậm chí các công nghệ mã hóa cùng điện thoại di động để vượt qua tường lửa cùng sự kiểm duyệt của các chế độ chuyên chế như Trung Quốc và Iran, vì họ sợ quyền lực của thông tin.

Đương nhiên việc xóa bỏ sự bất bình đẳng trên qui mô toàn cầu, điều đã kéo dài cả thiên niên kỷ và hiện đang mở rộng ở tầm mức chưa từng có trong hơn 1 thế kỷ nay là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, bằng việc thừa nhận rằng nguyên nhân chính của nghèo đói là do sự thất bại của chính phủ và thể chế, chúng ta có cơ hội để đảo ngược tình thế.



[1] Daron Acemoglu, What Makes a Nation Rich? One Economist's Big Answer, Esquire, November 18, 2009.
[2] Huy chương John Bates Clark là giải thưởng danh giá nhất do Hiệp hội Kinh tế Mỹ trao 2 năm một lần cho những nhà kinh tế tuổi dưới 40, có những đóng góp có ý nghĩa cho kiến thức kinh tế (ND).
[3] Có thể tham khảo một quyển sách của Jared Diamond đã được dịch ra tiếng Việt: Súng, vi trùng và thép: định mệnh của các xã hội loài người. Hà Nội, NXB Tri thức, 2007 (ND).

Lên trang viet-studies ngày 2-1-10

.
.
.

No comments:

Post a Comment