Saturday, March 31, 2012

HAVEL VẪN CÒN SỐNG (Karel Schwarzenberg, Desmond Tutu và Richard von Weizsäcker )



Karel Schwarzenberg, Desmond Tutu và Richard von Weizsäcker

Phạm Nguyên Trường dịch
Bản dịch được thực hiện nhân giỗ bách nhật Václav Havel
Ngày 30 tháng 3 năm 2012

Václav Havel, cựu Tổng thống Tiệp Khắc và Cộng hòa Czech mất đi, cả thế giới tỏ lòng thương tiếc ông. Đối với bạn bè ông, mất mát này thật là vô hạn, nhưng chúng ta cũng được an ủi là lòng dũng cảm và ý tưởng của ông đã giúp thế giới này thay đổi theo hướng tốt lên và chúng ta vẫn tiếp tục làm như thế.

Suốt cuộc đời mình, Havel luôn luôn là người chiến sĩ đấu tranh không khoan nhượng cho tự do và nhân phẩm. Ông là lãnh tụ của cuộc Cách mạng [xin tự kiểm duyệt vài chữ “nhạy cảm” – BVN]. Ông là một nhà trí thức bất đồng chính kiến, một người – bằng sự tận tụy không mệt mỏi và chủ nghĩa lý tưởng bám sát thực tế – đã dẫn dắt đồng bào của mình trong cuộc đấu tranh nhằm khắc phục nếp suy nghĩ toàn trị trong những năm sau khi đất nước đã giành được tự do. Thực vậy, khai phóng tư duy vẫn là phần di sản sống động và quan trọng nhất mà Hevel để lại cho chúng ta.

Nhưng Havel không chỉ làm cho xã hội ông và châu Âu thay đổi, ông còn là tấm gương cho tất cả những người đang đấu tranh cho tự do. Sự kiện là lời nói và tư tưởng của ông hiện nay đang tìm được sự cộng hưởng không chỉ ở châu Âu mà còn ở cả châu Á, châu Phi và những nơi khác nữa, là bằng chứng cho thấy sức thuyết phục và tính vững chắc của tầm nhìn của ông. Dường như sức mạnh của thảo dân đang được khẳng định lại mỗi ngày.

Havel luôn nhấn mạnh là phải sống trong sự thật và không được đồng lõa với dối trá, đấy có thể là cốt lõi thâm sâu nhất của tư tưởng của ông. Sự thật làm cho chúng ta trở thành người tự do. Chúng ta, những người tự do, mạnh là vì chúng ta không tự nguyện chấp nhận dối trá. Những kẻ có quyền lực không thể bắt chúng ta nói dối, trừ khi họ thay đổi được tâm hồn chúng ta.

Không nghi ngờ gì rằng Havel là một người có tư tưởng sâu sắc, một công dân của toàn thế giới, một người luôn lo lắng vì thái độ bàng quan của nhân loại trước tương lai của chính mình. Câu hỏi luôn luôn vang lên trong tâm trí ông, cả khi có quyền lẫn khi chẳng có quyền hành gì, là: “Chúng ta phải nhắm đến tương lai như thế nào?”

Trong bối cảnh như thế, năm 1997 ông đã cùng với một số người khác lập ra một loạt các hội nghị quốc tế mang lại những thành công vang dội, gọi là Diễn đàn 2000. Tại những hội nghị như thế, người ta đã thảo luận những vấn đề từ tình hình dân chủ, chế độ pháp quyền, quyền con người đến đối thoại giữa các tôn giáo, sự bền vững về mặt môi trường và vai trò của thông tin đại chúng trong xã hội hiện đại.

Sau này ông còn giúp thành lập Nhóm sáng kiến quan tâm chia sẻ (Shared Concern Initiative, viết tắt là: SCI), một nhóm mở và không chính thức, gồm đại diện của những nền văn hóa, lịch sử, tôn giáo và truyền thống khác nhau, chuyên tìm cách đánh động lương tâm nhân loại bất cứ ở đâu và bất cứ khi nào sự nghiệp tự do đòi hỏi. Havel luôn luôn tin rằng đối mặt với cái ác thì tình đoàn kết là con đường tốt nhất – thực ra là con đường khả dĩ duy nhất – vì tiếng nói của cộng đồng là biện pháp thúc đẩy tự do hữu hiệu nhất.

Đấy là lí do vì sao Havel và chúng tôi, những thành viên khác của SCI thường xuyên vận động cho công lí, an toàn và nhân phẩm cho tất cả mọi người; hoặc thường xuyên phát biểu về những vấn đề như những vụ ngược đãi trong chế độ quân phiệt Miến Điện (Myanmar), bệnh hủi về vấn đề nhân quyền, những vụ giết người vì động cơ chính trị ở Nga, những vụ ngược đãi dân vùng Caucasus của lực lượng quân sự của Điện Cẩm Linh, và tình hình dân chủ đang xấu đi ở Ukraine. Các thành viên của SCI còn khuyến khích những ý tưởng nhằm vượt qua những bế tắc trong những cuộc hòa đàm ở Trung Đông bằng cách nói đến những vấn đề như nguồn nước ngọt – tức là những vấn đề chỉ có thể được giải quyết ở những cuộc đàm phán đa phương – và hành động khi xảy ra sóng thần và động đất ở Nhật Bản vào năm 2011: kêu gọi sự ủng hộ có phối hợp trên bình diện quốc tế.

Đây có thể là di sản chủ yếu mà Havel để lại cho thế giới của chúng ta: lương tâm năng động của toàn thế giới. Mỗi người chúng ta đều có trách nhiệm đối với nền văn minh của mình, chúng ta không thể quay lưng và ngoảnh mặt khi tự do bị đán áp. Vì quá trình toàn cầu hóa mang lại lợi ích cho tất cả chúng ta, Havel dạy chúng ta như thế, cho nên tất cả chúng ta đều phải làm cho thế giới này tự do hơn, an toàn hơn, công chính hơn, bền vững hơn về mặt môi trường và dân chủ hơn cho tất cả mọi người.

Chúng tôi – thực ra là toàn thế giới – sẽ luôn luôn nhớ tới Václav Havel vì lòng dũng cảm và tính khiêm nhường của ông trong cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ những giá trị mang tính nhân bản. Chúng tôi nguyện tiếp tục sự nghiệp của Havel và coi đấy là kỉ niệm có giá trị nhất về cuộc đời của ông và tình bằng hữu của chúng tôi. Chúng tôi đề nghị các bạn hãy sát cánh cùng chúng tôi – được tấm gương của ông soi đường – tiếp tục đưa ý tưởng của ông vào thế giới toàn cầu hóa và phức tạp này.

K. Sch., D. T. và R. v. W.

Hoàng tử El Hassan bin Talal – sáng lập viên và Chủ tịch Diễn đàn tư tưởng Arab và Diễn đàn Tây Á-Bắc Phi; Đức Dalai Lama; F. W. de Klerk – cựu Tổng thống Nam Phi, huân chương hòa bình; Andre Glucksmann – triết gia, nhà viết tiểu luận; Vartan Gregorian; Hans Küng; Michael Novak; Yohei Sasakawa – Chủ tịch quĩ hòa bình Sasakawa; Karel Schwarzenberg – Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Czech; Desmond Tutu Tổng giám mục danh dự của Cape Town, huân chương hòa bình; Richard von Weizsäcker – cựu Tổng thống Cộng hòa liên bang Đức; Grigory Yavlinsky – Chủ tịch Đảng Dân chủ thống nhất Nga Yabloko. Tất cả những người kí tên đều là thành viên của SCI.


-----------------------------------------------


.
.
.

No comments:

Post a Comment