Friday, March 30, 2012

HÀNH VI BẮT NGƯỜI THEO KIỂU MẬT VỤ (Gia Minh, RFA)




Gia Minh, biên tập viên RFA
2012-03-30

Kể từ cuối tháng bảy sang đầu tháng tám đến tháng 9 và tháng 12 năm ngoái, hơn chục thanh niên Công giáo và Tin Lành bị bắt giữ một cách chóng vánh mà không hề có trát bắt.
Cho đến nay tình hình của họ vẫn chưa được thông báo công khai khiến gia đình, và những người quan tâm rất lo lắng vì việc bắt giữ và giam giữ những người đó không theo đúng trình tự pháp luật Việt Nam.

Chiến dịch bắt cóc các thanh niên Công Giáo và Tin Lành

Có tổng cộng 16 thanh niên, sinh viên Công giáo và Tin Lành bị bắt theo cách mà nhiều người cho là ‘nóng’; tức họ bị bắt ngay khi đang ở tại một nơi nào đó mà không hề biết trước việc bắt giữ họ vì lý do gì. Có người còn sử dụng từ ‘bắt cóc’ để chỉ những vụ bắt giữ đó.

Cụ thể chiến dịch bắt 16 thanh niên, sinh viên Công giáo và Tin Lành vừa nêu diễn ra trong các ngày 30 tháng 7, rồi ngày 3-5-7-16 và 27 tháng 8, rồi ngày 5 và 19 tháng 9 và các ngày 24 và 29 tháng 12 năm ngoái.

Những thanh niên, sinh viên Công giáo bị bắt thuộc hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa, một vài người bị bắt tại Vinh, số khác bị bắt tại tại Sài Gòn, Đà Nẵng, Hà Nội.

Danh sách của những người bị bắt gồm các anh Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh, Paulus Lê Sơn, Nguyễn Xuân Anh, Trần Vũ Anh Bình, Hồ Văn Oanh, Thái Văn Dung, Nguyễn Đình Cương, Hoàng Phong, Trần Hữu Đức, Đậu Văn Dương, Chu Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Oai, Trần Minh Nhật.

Một người khác cũng bị bắt trong đợt này là chị Tạ Phong Tần ở Sài Gòn.

Ủy ban Công lý và Hòa Bình của giáo phận Vinh từng lên tiếng về vụ việc bắt giữ những giáo dân của giáo phận vì biện pháp bắt giữ một cách bất minh như thế vi phạm hiến pháp nước CHXHCNVN 1992, sửa đổi năm 2001. Theo điều 71 của hiến pháp đó thì không ai bị bắt mà không có quyết định của tòa án hoặc quyết định hay sự chấp thuận của ủy ban nhân dân, ngoại trừ trường hợp quả tang phạm pháp.

Đến ngày 26 tháng ba, một người thân của anh Hồ Đức Hòa cho biết tình hình anh này trong suốt thời gian từ khi bị bắt cho đến nay:

Chưa có gì tiến triển cả. Từ hôm tết đi thăm anh Hòa thì đến bây giờ chưa có gì mới cả, chưa có tin tức gì thêm. Anh đang bị giam tại B14, Thanh Liệt, Thanh Trì Hà Nội. Anh bị bắt từ đầu tháng 8 năm ngoái và mới trước tết, người ta điện về nhà bảo ra gặp. Lúc ra gặp anh cũng không nói gì mà chỉ nhấn mạnh ‘tạm xa gia đình một thời gian’, rồi sau về đoàn tụ với gia đình thì nói chuyện sau. Anh cũng chỉ hỏi thăm sức khỏe gia đình và đặc biệt nhờ gửi báo chí và sách vào cho anh ấy. Trước khi vào họ dặn rồi không được nói gì ngoài hỏi thăm sức khỏe, gia đình, anh em.

Còn người thân của anh Đặng Xuân Diệu, người bị bắt hôm 30 tháng 7 cho đến nay, cũng cho biết một số thông tin liên quan:

Gia đình cũng không nhận được thông tin gì mới cả. Cách đây mấy hôm, tôi có điện thoại cho luật sư Trần Thu Nam. Luật sư bảo Diệu đang ‘căng cung’, nên luật sư chưa được gặp Diệu. Họ bảo anh Diệu đang ‘căng cung’; không hiểu ‘căng cung’ ở đó bao gồm những vấn đề gì? Tôi cũng không hiểu. Họ bảo với luật sư đang ‘căng cung’ nên điều tra thôi.

Từ khi Diệu bị bắt đến nay gia đình chưa được gặp lần nào. Họ chỉ thông báo cho biết ‘giữ’ ở Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội. Tôi cũng ra đó và gửi bảy ký quà theo qui định cho mỗi người. Do anh Diệu người Công giáo nhưng sách như Tân ước, Cựu ước, sách bổn thì họ không cho. Có hôm Diệu được viết thư ra mấy chữ, nhờ anh chị trả nợ giúp vì trước khi bị bắt có một số nợ.

Công ước Quốc tế về Quyền con người bị vi phạm nghiêm trọng

Linh mục An Thanh thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, nơi mà nhiều thanh niên, sinh viên bị bắt từng có những sinh hoạt tại đó, cho biết nhận định về tình hình bắt giam những người đó cho đến nay:

Một số anh em như Paulus Trần Minh Nhật, Hồ Văn Oanh trước đây bị giam ở trại giam Sài Gòn thì vừa rồi cả hai bị chuyển ra trại giam B14 ở ngoài Hà Nội rồi. Trong Sài Gòn hiện nay còn chị Tạ Phong Tần, anh Vũ Bình. Mới đây gia đình anh Vũ Bình được thăm và anh đang đề nghị gia đình mời luật sư. Đó là những thông tin mới nhất mà tôi biết.

Về văn bản thì gia đình và chúng tôi không nhận được văn bản gì. Nhưng một số người từng ở trong các trại giam cho biết có thể công an đưa thông báo cho chính những người bị bắt giam, chứ họ không thông báo ra bên ngoài. Tôi thấy thật ra không có gì đúng luật pháp Việt Nam cả. Có những cách làm không thuyết phục được dân: ví dụ nói 3 ngày không điều tra được thì cần thêm 3 ngày nữa; rồi cần thêm 3 ngày nữa, rồi cần thêm 9 ngày nữa; rồi cần 1 tháng rồi cần 4 tháng.

Như thế cần đưa ra mục tiêu, và mục tiêu đó đạt đến mức độ nào mới được gia hạn thêm; chứ không thể nói không điều tra được phải ‘thêm’. Điều đó chứng tỏ không có bằng chứng để kết tội và bắt nhầm người mà vẫn cố giữ; như thế là vi phạm pháp luật chứ sao đúng pháp luật được. Và những điều đó đúng ra phải công khai cho những người liên quan biết về điều đó. Bởi vì họ có quyền lợi trong chuyện đó, vì con của họ là ‘tình cảm’ và là ‘sức lao động’ của gia đình họ nữa…


Vào ngày 12 tháng 3 vừa qua, có chín tổ chức phi chính phủ đồng ký tên vào lá thư gửi cho thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Tấn Dũng, trả tự do ngay và hủy bỏ những cáo buộc đối với năm người trong số bị bắt vừa nêu tên, là các anh Đặng Xuân Diệu, Hồ Đức Hòa, Nguyễn Văn Duyệt, Nông Hùng Anh và Paulus Lê Sơn.

Một trong chín tổ chức đó là Media Defense- Southeast Asia. Ông giám đốc điều hành của Media Defense nêu rõ quan tâm của tổ chức của ông cũng như các tổ chức khác như sau:

“Điểm đáng chú ý là một số những người này bị bắt kể từ cuối tháng bảy năm ngoái, và một số khác bị bắt hồi đầu tháng tám. Đã hơn sáu tháng rồi mà chưa hề có những cáo trạng gì đối với họ, và họ bị từ chối không cho tiếp xúc luật sư. Chúng tôi vô cùng quan ngại là những vụ bắt bớ đó có động cơ chính trị và trái với mọi chuẩn mực về nhân quyền.

Chúng tôi gửi thư với đề nghị chính quyền Việt Nam hoặc phải trả tự do cho họ, hoặc nếu chứng minh họ có tội thì phải đưa ra tòa xét xử. Ngoài ra phải cho phép họ được tiếp xúc luật sư càng sớm càng tốt.”


Ông này cho biết tiếp:

Chúng tôi biết tình hình khó khăn, chúng tôi tiếp tục nêu bật tình hình nhiều người tại Việt Nam không được tiếp cận một hệ thống tư pháp công bằng, từ đó có áp lực từ cộng đồng quốc tế, buộc chính quyền Việt Nam phải tuân thủ những chuẩn mực nhân quyền theo như Công ước Quốc tế về quyền con người, Hiến chương Nhân quyền ASEAN…

Bức thư của chín tổ chức phi chính phủ gửi cho ông thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi rõ : “Không có chi tiết nào về nguyên do bắt giữ những người nêu trên ngoái lý do là năm người bị tình nghi ‘có những hành động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’ theo điều 79 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.

No comments:

Post a Comment