Sunday, March 25, 2012

ĐẬP THỦY ĐIỆN SÔNG TRANH 2 : PHẢI QUY RÕ TRÁCH NHIỆM (Tô Văn Trường )



Tô Văn Trường - Hoàng Xuân Hồng
Chủ Nhật, 25/03/2012 21:42

Việc sửa chữa đập thủy điện Sông Tranh 2 phải do chủ đầu tư thực hiện. Sau khi xác định rõ những khiếm khuyết của chủ đầu tư, thiết kế, thi công và giám sát, phải quy rõ trách nhiệm của từng cá nhân
Đập thủy điện Sông Tranh 2 rỉ nước không phải là vụ đầu tiên liên quan đến vấn đề an toàn của các đập ở nước ta. Thực tế, trong lĩnh vực xây dựng thủy điện tại Việt Nam còn rất nhiều bất cập ở gần như mọi khâu.

Công nhân đang xử lý hiện tượng rò rỉ nước ở thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Thu Minh

Chi phí khắc phục không thể lấy từ ngân sách
Hệ thống điện của Việt Nam phần lớn dựa vào nguồn phát của thủy điện (chiếm đến 40% cơ cấu nguồn điện của hệ thống). Tuy nhiên, nguồn nước để phát điện tùy thuộc vào thời tiết, “ông trời” và quy trình vận hành của con người.

Theo cơ chế thị trường nên nhiều chủ đầu tư bỏ vốn vào thủy điện đều muốn có lợi nhuận cao nhất, do đó tìm cách tiết kiệm tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế đến thi công, kể cả thẩm tra, thẩm định. Thông thường, khi nhận một công trình, những đơn vị thiết kế đều lập dự toán theo quy chuẩn của Nhà nước nhưng chủ đầu tư chỉ chi 60%-70% giá theo dự toán. Muốn được việc, người thiết kế đành phải cắn răng nhận. Ngay việc khảo sát cũng không được nhận đủ theo dự toán. Ví dụ như đo đạc địa hình, các thủy điện đều xây dựng ở nơi heo hút, rừng nhiều, đo đạc đâu có dễ, do ít tiền nên chỉ vẽ sơ bộ, còn căn cứ vào bản đồ tỉ lệ thô mà vẽ lại. Về địa chất, đáng khoan 10 mũi thì chỉ khoan 5 mũi mà có khi khoan chưa đến đá gốc, lấy vài mẫu để báo cáo, còn lại dùng phương pháp siêu âm ngoại suy… Như thế thì thiết kế sao có thể chuẩn được?

Thực tình, so với các nhà máy sản xuất điện khác hiện có, nếu con người đừng quá tham lam thì thủy điện có lẽ ưu việt hơn cả vì vừa có tác dụng phát điện vừa có tác dụng điều tiết nước. Chữ “nếu” này khó mà thành hiện thực ở các nước nghèo, chưa quản lý tốt các khoản chi trong xây dựng. Từ xây dựng quy hoạch (kể cả thẩm định), thiết kế (có thẩm định), thi công (bao gồm cả giám sát) và vận hành đều quay cuồng trong vòng xoáy phần trăm lại quả, vậy thì thủy điện luôn tiềm ẩn nguy cơ trở thành quả bom nổ chậm treo trên đầu người dân.

Để xảy ra sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2, về nguyên tắc thì lỗi ai, đến đâu thì người (hoặc) tổ chức gây ra lỗi phải chịu trách nhiệm. Mặt khác, lỗi của từng thành phần nếu của tập thể (tổ chức thiết kế, giám sát, chủ đầu tư) thì về kinh tế phải do doanh nghiệp và cá nhân làm sai chịu trách nhiệm. Kết luận chính thức phải do các cơ quan chức năng điều tra, đánh giá cụ thể. Trong trường hợp có dấu hiệu hình sự, có lỗi vô trách nhiệm hoặc cố ý làm trái, cũng có thể cả tội rút ruột công trình (nếu phát hiện) thì sẽ phải quy cho cá nhân chịu trách nhiệm hình sự.
Việc khắc phục sự cố đập thủy điện Sông Tranh 2 phải do chủ đầu tư thực hiện. Sau khi xác định rõ những khiếm khuyết của chủ đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát, quy rõ trách nhiệm và phải sửa chữa triệt để, không thể sửa kiểu vá víu hay trách nhiệm “làm chủ tập thể” để rồi cuối cùng lại “bổ” hết vào ngân sách Nhà nước!

Mổ xẻ sự cố
Trở lại với các vấn đề về kỹ thuật ở đập thủy điện Sông Tranh 2, hiện tượng nước chảy thành dòng, thành vòi qua đập thủy điện Sông Tranh 2 chưa hề có ở các đập bê tông đã xây dựng tại Việt Nam. Chúng ta đều biết vật liệu bê tông không thể chống thấm tuyệt đối nên trong các đập bê tông trọng lực bao giờ cũng bố trí các hành lang thu nước thấm rồi cho chảy ra hạ lưu đập. Tùy theo quy mô của đập mà các nhà tư vấn thiết kế có thể bố trí một hoặc nhiều tầng hành lang. Trong hành lang đặt các thiết bị đo các yếu tố kỹ thuật như thấm, chuyển vị, nhiệt độ… Riêng về thấm, các nhà tư vấn tính toán lưu lượng thấm cho phép qua toàn bộ thân đập theo các tiêu chuẩn hiện hành nhưng tuyệt nhiên không cho thấm trên mặt đập, càng không cho phép nước chảy thành dòng.


Về khe nhiệt và khe co dãn, tùy theo quy mô, kích thước và tính chất của nền đập mà tư vấn bố trí các khe nối giữa các đoạn đập để đề phòng việc chuyển vị không đều giữa các đoạn đập do các nguyên nhân chênh lệch về lún, nhiệt độ và động đất. Tại các khe nhiệt và khe co dãn phải bố trí ít nhất một hàng vật chắn nước (với đập cao như Sông Tranh 2 thông thường bố trí hai hàng vật chắn nước) từ đỉnh đến chân đập bằng đồng hoặc bằng nhựa PVC có tuổi thọ hàng trăm năm, phải tuyệt đối bảo đảm chất lượng, không cho nước thấm qua các vật chắn.

Việc Ban Quản lý dự án thủy điện 3 khẳng định dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đã được nghiệm thu và đánh giá đạt yêu cầu kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình là không đúng về bản chất. Ở đây có thể có sự nhầm lẫn giữa lưu lượng thấm cho phép trên toàn bộ thân đập và lưu lượng nước chảy qua đập thành dòng, thành vòi tại một số điểm của khe nhiệt và khe co dãn, khe lún. Qua các kênh thông tin, có thể xét đoán được là các khớp nối ở khe nhiệt hoặc khe co dãn, khe lún bị hỏng.

Cách xử lý hiện nay sẽ không đem lại kết quả vì không thể bịt được dòng chảy có áp lực bằng các công nghệ đơn giản và thô sơ như vậy. Cho đến nay, cũng chưa có phụ gia nào có khả năng làm đông cứng nhanh khi nhét vào khe nứt để ngăn dòng chảy có áp lực lớn.

Về biện pháp xử lý thì chắc chắn EVN sẽ làm nhưng theo chúng tôi, việc này không thể xem thường vì dòng chảy qua khe nứt của đập với áp lực cột nước lớn sẽ xói mòn các vật liệu xung quanh và mở rộng các vết nứt một cách nhanh chóng. Khi đó, việc cứu chữa sẽ vô cùng khó khăn, nguy cơ vỡ đập sẽ cao khi có những tác động mạnh do sóng bão hoặc động đất.

T. V. T. – H. X. H.
-------------------------------------------------------

Thứ bảy, ngày 24 tháng ba năm 2012

Mấy ngày vừa rồi đài báo đưa tin cái đập thủy điện 5000 tỷ "nước rò rỉ" chảy như suối thấy mà chột dạ quá. Lại càng lo âu hơn khi nhìn thấy mấy anh công nhân "vá đập" theo kiểu không thể thủ công hơn thế được nữa. Một cái đập lớn nhất miền Trung quê mình về quy mô, trữ lượng nước và dĩ nhiên là cả số tiền đầu tư, một cái đập nghe nói được thi công với công nghệ đầm lăn hiện đại, cao đến những gần 100m, chứa đến 750 triệu m3 nước mà người ta dùng bạt dứa cắt ra gấp lại để nhắt vào các khe nứt rồi khoan lỗ, trộn xi măng bằng tay nhắc vào thì...thật chứ sao mà cung cách làm việc nó thủ công mà lạc hậu đến thế là cùng. Mình cũng là dân kỹ thuật, cũng là chuyên nghành xây dựng, mình nghỉ các bác ban quản lý thủy điện 3 và trực tiếp là ban quản lý thủy điện Sông Tranh 2 đủ tầm và đủ sức để biết rằng "chắp vá" kiểu như vậy thì chỉ có tác dụng là che mắt nhất thời nhưng thật sự cũng không thể che mắt được bởi với chiều cao thân đập đến gần 100 m thì áp lực nước là rất lớn, không thể vá ngược từ hạ lưu như vậy mà phải tìm cách khắc phục từ bề mặt phía thượng lưu của thân đập. Cách làm mấy ngày qua của các bác nó chỉ mang tính chất nhất thời, cẩu thả và rất không giống ai.

Nay thì thấy các bác nối thêm đoạn ống dài đến 500m để nước chảy qua ống xuống dưới, cách làm này thì cũng chỉ cho người ta thấy là nước chảy vào ống chứ không tuôn ra thành suối, nhưng bản chất vấn đề nó đâu phải thế. Mình nhìn cảnh làm việc của mấy anh công nhân mà ngao ngán cùng lời phát biểu của bác Hải trưởng ban quản lý thủy điện 3 là "nước rò rỉ" thì...đơ cả lưỡi. Trời ạ một công trình giá 5000 tỷ, tầm ảnh hưởng của nó đối với dân sinh vùng hạ lưu với vài trăm nghìn dân trải dài trên mấy huyện, thị của tỉnh Quảng Nam mà lời nói của "quan" quản lý thủy điện 3 phải nói là "nhẹ tựa lông hồng", nhưng xin thưa là lời nói quá thiếu trách nhiệm, kèm theo đó là việc làm rất thô sơ, thủ công trong cách "vá đập" 5000 tỷ này gây rất nhiều lo lắng cho bao người dân vùng hạ lưu tỉnh Quảng Nam. Đề nghị cần có những đánh giá xác đáng về tính chất nghiêm trọng của công trình và đưa ra phương án "vá đập" khoa học để khắc phục triệt để vụ "rò rỉ" nước chảy thành suối qua thân đập này.

Được đăng bởi Nguyễn Tây Ninh vào lúc 16:47:00

.
.
.

No comments:

Post a Comment