Sunday, February 26, 2012

ỦY BAN LIÊN HIỆP QUỐC KHUYẾN NGHỊ VIỆT NAM CHẤM DỨT ĐÀN ÁP CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ & TÔN GIÁO (Quê Mẹ)



Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam | Quê Mẹ
2012-02-26

THÔNG CÁO BÁO CHÍ LÀM TẠI PARIS NGÀY 26.2.2012

Ủy ban Công ước Chống Phân biệt chủng tộc của LHQ khuyến nghị Việt Nam chấm dứt đàn áp các dân tộc thiểu số và tôn giáo – Ông Võ Văn Ái trình bày bản Báo cáo phản biện bản Phúc trình của Phái đoàn Hà Nội

PARIS, ngày 26.2.2012 (QUÊ MẸ) - Đánh giá cuộc xem xét Việt Nam trên nỗ lực chống phân biệt chủng tộc tại khóa họp lần thứ 80 của Ủy ban Công ước Chống Phân biệt Chủng tộc tại LHQ ở Genève từ 20 đền 22.2 vừa qua, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam lấy làm tiếc rằng Việt Nam đã đánh mất cơ hội đối thoại tích cực với LHQ nhằm thực hiện chống phân biệt chủng tộc thông qua công ước ký kết từ năm 1982. Thay vì trình bày trung thực các thách thức nghiêm trọng, Việt Nam chỉ chú tâm làm công tác tuyên truyền.

Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam nhận xét : “Việt Nam cung cấp hàng loạt sắc luật thông qua như một bằng chứng của một nhà nước pháp quyền. Việt Nam giả vờ xem như mọi sự đều thiện hảo, bởi vì đã được trình bày như thế. Trong thực tế có hàng đống sắc luật được tạo ra nhưng hiếm thấy đem ra thực thi ; thực tại phũ phàng đối với càc dân tộc thiểu số và tôn giáo là một chính sách bất nhân của chế độ”.

Ông Ái cũng cho rằng “Bản Phúc trình của Việt Nam rất siêu thực. Phái đoàn khởi sự bằng việc miêu tả những thành công rực rỡ trong chính sách đối với dân tộc thiểu số, đề cao các số liệu thống kê theo kiểu Xô viết trước kia, rằng 100% các thị xã có trường tiểu học và bệnh viện miễn phí, Rồi sau đó lại than phiền thất bại trong việc phát triển giáo dục và y tế trong các vùng sâu vùng xa nơi những cộng đồng thiểu số sinh sống. Thực tế, bản Phúc trình của Hà Nội chỉ là một thao tác tuyên truyền kém cỏi, hơn là một nỗ lực thực sự để đi sâu vào các vấn nạn kỳ thị chủng tộc tại Việt Nam”.

Các chuyên gia LHQ thuộc Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc đã thấy rõ những luận điệu của Việt Nam, và phê phán sắc bén phái đoàn về sự trình bày thuần những viễn tượng lý thuyết trên lĩnh vực phân biệt chủng tộc, thông qua một danh sách dài các sắc luật, nhưng chẳng đưa ra các chi tiết cụ thể trong việc áp dụng. Chẳng thấy nêu ra các ví dụ thực tế về sự kỳ thị, chuyên gia LHQ người Pháp, ông
Régis de Gouttes nhận xét rằng “không thấy các khiếu kiện về nạn kỳ thị chủng tộc chưa phải là bằng chứng vắng bóng kỳ thị chủng tộc. Trái lại, có thể đây là nguồn gốc của tình trạng các nạn nhân thiếu hiểu biết về các quyền của họ, hoặc không tin vào công an cũng như hệ thống tư pháp”. Ông cũng chất vấn cơ chế Hộ Khẩu, là nền tảng của sự kỳ thị. Chuyên gia LHQ Hoa Kỷ, ông Carlos Manuel Vazquez bình luận sự kiện Việt Nam tuyên bố “cấm đoán nạn kỳ thị” chẳng là điều bảo đảm cho nạn kỳ thị không hiện hữu.

Các chuyên gia LHQ cũng phê phán hệ thống pháp luật của Việt Nam, đáng chú ý là Điều 87 trong Bộ luật Hình sự về “phá hoại chính sách đoàn kết ; gây chia rẽ giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo” mà nhà cầm quyền nói dùng để bảo vệ người dân tộc thiểu số. Ông Vazquez nhận xét rằng điều luật này “quá mơ hồ, có thể sử dụng để đàn áp người thiểu số, đặc biệt đối với những ai ôn hòa tham gia biểu tính”, và ông kêu gọi Việt Nam sửa đổi. Trong phần hồi đáp, Phái đoàn Hà Nội đã tránh né trả lời câu hỏi này, bị chất vấn tiếp, phái đoàn nói “sẽ suy nghĩ lại”, rồi thêm rằng nếu các dân tộc thiểu số hưởng đầy đủ các quyền, thì cũng có những người “lợi dụng” các quyền này. “Những kẻ gây rối này phải được pháp luật trừng trị”. Điều 87 nằm trong chương “an ninh quốc gia” của bộ Luật Hình sự. Từ năm 1995, LHQ không ngừng yêu sách Việt Nam sửa đổi các điều luật hổ lốn chỉ nhằm biến các hành xử chính đáng nhân quyền thành tội phạm.

Quy chiếu theo các bản Báo cáo phản biện của các tổ chức Phi chính phủ, đặc biệt là bản Báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, các chuyên gia LHQ thuộc Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc biểu tỏ sự quan tâm trong việc sử dụng những định kiến tiêu cực bêu xấu các dân tộc thiểu số như “lạc hậu” hay “chậm tiến”. Những nhận thức sai lầm và tiêu cực này rất hiện thực trong cuộc sống. Ông Võ Văn Ái cũng cho biết “Nhà cầm quyền Việt Nam, kiểm soát truyền thông và người Việt nói chung vẫn tiếp tục xem các dân tộc thiểu số qua từ ngữ xúc phạm “mọi”, và chữ “Kinh” của dân Việt đa số tự nó biểu tỏ thái độ trên trước”.

Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc còn quan tâm đến những vi phạm quyền chính trị và kinh tế đối với các dân tộc thiểu số. Chuyên gia LHQ người Pháp, ông Regis de Gouttes và một số chuyên gia khác đưa ra các ví dụ trong lĩnh vực trưng dụng đất đai tổ tiên, cưỡng bức di dân, hạn chế các quyền tự do đi lại và ngôn luận, bạo hành, bắt bớ tủy tiện và đàn áp tôn giáo. Ông Regis de Gouttes đặc biệt quan tâm tới các cuộc đàn áp “người Phật giáo Khmers Krom liên hệ với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, cũng như người Thượng và Hmong đa số theo Thiên chúa giáo”.

Chuyên gia LHQ người Trung hoa, ông Huang YongAn, là Báo cáo viên của Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc trong vấn đề xem xét Việt Nam, nêu lên vấn nạn nghiêm trọng về cưỡng chiếm đất đai. Ông nói “Một ngạn ngữ Trung Hoa nói rằng “Bạo quyền đẩy dân làm loạn”. Khi chúng ta nhìn những tranh chấp trong các vùng dân tộc thiểu số, chúng ta nhận ra rằng chúng khởi phát từ quyền sử dụng đất đai. Một báo cáo của một tổ chức Phi chính phủ cho biết, tôi xin trích, “các cuộc biểu tình ôn hòa đòi trả đất đai đã bị đàn áp bằng bạo lực đưa tới những cuộc bắt bớ thường xuyên”.

Trước sự quan tâm của các chuyên gia LHQ về những vi phạm nhân quyền, Phái đoàn Hà Nội chỉ đơn thuần lập đi lập lại câu “không hề có phân biệt chủng tộc tại Việt Nam”. Đặc biệt các sự kiện công an dùng vũ lực đàn áp các cuộc biểu tình của ngưởi Hmong vào tháng 5 năm 2011, chính quyền phủ nhận đã dùng bạo lực. Trong thực tế, đã có nhiều hảng thông tấn cho biết Việt Nam dùng trực thăng chiến đấu và bộ đội giải tán các cuộc biểu tình ở Mường Nhé. Việt Nam còn điều động lực lượng quân sự ở Lào nhằm ngăn chặn người Hmong trốn qua biên giời Việt Lào.

Một số chuyên gia LHQ yêu sách Việt Nam phát triển các cơ cấu giúp cho người thiểu số khiếu kiện để bảo vệ quyền của họ. Chuyên gia LHQ người Niger, ông
Waliakoye Saidou yêu cầu Việt Nam công nhận thẩm quyền của Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc của LHQ được nhận các kháng thư chiếu theo Điều 14 của Công ước. Phái đoàn Hà Nội không hồi đáp. Khi được hỏi còn bao lâu nữa thì Việt Nam cho thành lập “Hội đồng Nhân quyền Quốc gia” theo đường hướng của Nguyên tắc Paris. Phái đoàn Hà Nội trả lời rằng Việt Nam đang xem xét việc thành lập một Hội đờng như thế “tùy thuộc theo các điều kiện đặc thù của xứ sở”, chứ không cần thiết phải quy chiếu theo các Nguyên tắc Paris. Ông Võ Văn Ái đã bình luận rằng : “Dưới hoàn cảnh của Việt Nam hiện nay, nơi thứ luật pháp giả trá chẳng hề thay đổi nhiều thập niên qua, nơi xã hội dân sự không hiện hữu và đặc biệt không có nền tư pháp độc lập, một Hội đồng Nhân quyền Quốc gia chì là sự nhạo báng pháp lý, một trò hề không hơn không kém”.

Phát biểu của ông Võ Văn Ái
trình bày bản Báo cáo phản biện trước Ủy ban Công ước
Chống phân biệt chủng tộc tại LHQ ở Genève


Thưa ông Chủ tịch,

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, thành viên Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, lo lắng trước tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quyền đối với dân tộc thiểu số và tôn giáo tại Việt Nam.

Tham gia ký kết Công ước Quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc từ 30 năm trước, Việt Nam chỉ đến phúc trình định kỳ bốn lần gọp chung một lần trong năm nay. Trong khi nạn phân biệt chủng tộc bùng nổ với những thách thức kinh tế, xã hội và chính trị, thế mà Việt Nam chỉ cho Ủy ban cơ hội khuyến cáo mỗi thập niên một lần.

Bản phúc trình của Việt Nam là một danh sách dài thòng các văn kiện được thông qua nhằm bảo đảm quyền dân tộc thiểu số. Hố chia cách giữa văn bản thông qua và những điều được áp dụng gây sự lo ngại : Số lượng luật pháp trên giấy tờ rất nhiều, nhưng không được thực thi. Chính sách của Đảng Cộng sản đã điều-kiện-hóa luật pháp khiến cho quyền các dân tộc thiểu số bị tiêu hủy.

Ví dụ, kế hoạch 5 năm được Đảng thông qua ở Gia Lai và trong các vùng khác có dân tộc thiểu số cư ngụ, dự kiến rằng — tôi xin trích —
“xóa bỏ các tà đạo, xử lý kịp thời kiên quyết đối với các hoạt động lợi dụng dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc”. Cuộc tranh đấu dưới danh xưng chống phân biệt chủng tộc, trong thực tế, chỉ đem lại sự thanh toán đa văn hóa, tôn giáo và chính trị của nhân dân.

Việt Nam phải cải cách luật pháp để thực sự chống nạn phân biệt chủng tộc quy chiếu theo Công ước quốc tế về loại trừ các phân biệt chủng tộc ; như chuyên gia LHQ về Nhân quyền và Đói nghèo cùng cực đã khuyến cáo sau chuyến đi thăm Việt Nam :
“Tham gia ký kết các công ước quốc tế chưa đủ : các tiêu chuẩn quốc tế cần phải được đưa vào luật pháp quốc gia”.

Việt Nam tuyên bố cấm phân biệt chủng tộc. Trái lại, bản Báo cáo của chúng tôi cho thấy các quyền kinh tế và chính trị của các dân tộc thiểu số và tôn giáo bị xâm phạm, như trưng dụng đất đai của tổ tiên, cưỡng bức di dân, đàn áp tôn giáo, bắt bớ tùy tiện, cưỡng bức mất tích…

Những định kiến qua từ ngữ “mọi” đối với các dân tộc thiểu số đã ăn sâu vào chính sách của chính quyền. Những chương trình giảm nghèo thường bao gồm cả những chiến dịch thanh toán văn hóa, tập tục truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo và những tập tục của các dân tộc thiểu số khiến cho họ thoái hóa so với người Kinh.

Nạn phân biệt cũng có gốc rễ trong chính trị. Tại nước Việt Nam độc đảng, không có báo chí tư nhân, không có công đoàn tự do, không có xã hội dân sự và không có nền tư pháp độc lập. Khi không có những biện pháp phòng vệ này, các dân tộc thiểu số không thể nào bảo vệ các quyền, mà còn đẩy họ vào hoàn cảnh tuyệt vọng, cho đến khi nào Đảng Cộng sản chịu chấp nhận một chính quyền hoàn hảo thực sự không kỳ thị.

Với công cuộc đổi mới kinh tế qua sự kiểm soát của chế độ độc Đảng, làm cho khoảng cách giữa người giàu với các dân tộc thiểu số và người Kinh ngày càng đào sâu một cách báo động. Năm 1990 dân tộc thiểu số có 18% người nghèo, ngày nay tăng thành 56%, tức 9 lần hơn người Kinh. Sự bất bình đẳng gay gắt này đến từ cơ chế
Hộ khẩu, là nền tảng của mọi sự kỳ thị đối với các dân tộc thiểu số và tôn giáo, cần phải hủy bỏ tức khắc.
Thưa Ông Chủ tịch,

Kỳ thị tôn giáo là một chính sách có chủ tâm, dàn dựng từ cấp cao trong Đảng và Nhà nước. Những người Thiên chúa giáo Hmong và Thượng, những thành viên thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Hòa Hảo, và Cao Đài, cũng như Phật giáo Khmer Krom là đối tượng cầm tù, tra tấn, quản chế tại gia, công an theo dõi, hăm dọa và sách nhiễu trong đời sống hằng ngày. Đức Tăng Thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Thích Quảng Độ vẫn bị quản chế tại Thanh Minh Thiền Viện sau gần ba mươi năm tù đày, lưu xứ chỉ vì ngài ôn hòa đòi hỏi tự do tôn giáo.

Việt Nam cần chấm dứt các cuộc đàn áp tôn giáo, và trả tự do cho các tù nhân thuộc các dân tộc thiểu số và tôn giáo vì họ hành xử ôn hòa quyền được bảo đảm tại Điều 5 của Công ước Quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Cuối cùng, Việt Nam phải công nhận việc những nạn nhân bị phân biệt chủng tộc và tôn giáo gửi kháng thư đến Ủy ban Công ước Chống phân biệt chủng tộc của LHQ, quy định theo Điều 14 của Công ước, để các nạn nhân này có nơi cầu cứu hòng chống lại sự vi phạm các quyền của họ.

Xin cám ơn Ông Chủ tịch.

.
.
.

No comments:

Post a Comment