Tuesday, February 28, 2012

TỪ HIỆN TƯỢNG VIETTEL, NGHĨ VỀ SỰ HOANG PHÍ CỦA MỘT HỆ THỐNG (Lê Anh Hùng)



Lê Anh Hùng
29-2-2012

Kể từ năm 2004, với sự tham gia của Viettel, hoạt động cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ điện thoại di động ở Việt Nambắt đầu diễn ra sôi động. Cước di động giảm từ 3.500VNĐ/phút xuống quanh mức 1.000VNĐ/phút, số lượng thuê bao của Viettel không ngừng tăng lên; đến nay tập đoàn này đã vươn lên trở thành một trong hai doanh nghiệp viễn thông hàng đầu ở Việt Nam(cùng VNPT). Năm 2011, dù nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng doanh thu của Viettel vẫn tăng trưởng 28%, đạt trên 117.000 tỷ VNĐ, lợi nhuận đạt gần 20.000 tỷ VNĐ.

Không chỉ thành công ở trong nước, Viettel còn thành công ở nước ngoài và là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với doanh thu năm 2011 trên 10.000 tỷ VNĐ. Dù tham gia muộn nhưng sau gần 3 năm hoạt động, mạng thông tin di động do Viettel đầu tư tại Lào và Campuchia đã trở thành mạng lớn nhất, năm 2011 đạt lợi nhuận sau thuế gần 70 triệu USD. Sau khi đầu tư tại Lào và Campuchia, Viettel bắt đầu tiến quân sang thị trường Châu Mỹ và Châu Phi.

Sự thăng tiến của Viettel quả là ngoạn mục và có thể xem là một hiện tượng nếu xét “tuổi đời” còn khiêm tốn của nó. Mặc dù Viettel có cái “thế” của quân đội và có sự may mắn của một đơn vị được giao quyền khai thác tài nguyên quốc gia, song chắc chắn không có thành công nào lại thiếu bóng dáng của con người trong đó, mà ở đây là đội ngũ lãnh đạo của tập đoàn, đứng đầu là ông Hoàng Anh Xuân, người vừa được thăng hàm trung tướng.

Theo Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ngày 1/6/1989, Bộ Quốc phòng mới cho thành lập Công ty Điện tử – Thiết bị thông tin (tiền thân của Viettel). ”Khi thành lập Công ty này, chúng tôi rất lo lắng vì nếu không làm được hoặc có gì sai thì sẽ mang tiếng Bộ Quốc phòng. Từ 1989 đến 1995, Công ty phải thay đổi 3 lần lãnh đạo nhưng nội bộ vẫn chưa ổn nên không phát triển được. Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc đó gọi tôi lên nhắc nhở và tôi hứa khắc phục ngay. Sau đó, tôi đề nghị anh em tìm một cán bộ lãnh đạo có năng lực nhưng phải ở trong các nhà máy, xí nghiệp của Bộ QP, biết làm kinh tế và dám chịu trách nhiệm. Cuối cùng chọn được anh Hoàng Anh Xuân (TGĐ Viettel hiện nay). Từ thời điểm này, Công ty có nhiều bước thay đổi rất nhanh.”

Rõ ràng, thành công hôm nay của Viettel phụ thuộc đáng kể vào sự lựa chọn lãnh đạo nói trên, và nếu không phải ông Hoàng Anh Xuân mà là một ai khác thì con đường phát triển của Viettel hẳn cũng đã khác. Điều này khiến người ta phải đặt câu hỏi là trong quân đội, và rộng hơn, trong cả hệ thống chính trị hiện hành, liệu còn bao nhiêu “viên ngọc thô” nữa không may mắn được phát hiện ra như ông Xuân? Câu trả lời ở đây xem ra phải là “rất nhiều”.

Máu làm quan dường như đã chảy trong huyết quản của người Việt Nam tự xa xưa. Điều này có lẽ bắt nguồn từ một thiên hướng tự nhiên trong mỗi chúng ta: con người ta hầu như ai cũng muốn chăm lo cho người thân của mình, cho đồng bào của mình, hay xuất phát từ tâm lý: “Đã mang tiếng đứng trong trời đất/Phải có danh gì với núi sông”.[1] Trong thời phong kiến, tầng lớp quan lại nhìn chung vẫn được xã hội nhìn nhận như những bậc “dân chi phụ mẫu”, họ vừa có danh vừa có cả tư cách và điều kiện để “lo cho dân” theo cách này hay cách khác, điều đem lại cho họ cảm giác hài lòng và thoả mãn. Đây là giai đoạn lịch sử mà quyền lực trong thiên hạ tập trung vào trong tay một vị vua cùng bộ máy quan lại của ông ta.

Sau năm 1945, nước Việt Namchuyển sang chính thể “dân chủ cộng hoà”. Những tưởng kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của một chính đảng tự xưng là “cách mạng” và “tiến bộ”, quyền lực nhà nước hoàn toàn thuộc về nhân dân. Nhưng rồi quyền lực nhà nước nhanh chóng bị thâu tóm vào trong tay một vị vua độc đoán mới: Bộ Chính trị ĐCSVN, dưới đó là một bộ máy quan chức nhất nhất làm theo sự chỉ đạo của “cấp uỷ” và cấp trên. Trong chế độ mới, chính trị trở thành thống soái, thâm nhập vào mọi ngóc ngách của đời sống xã hội. Các cháu thiếu niên chỉ mới 9 tuổi đã trở thành những đội viên “Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, đã biết hô vang những câu khẩu hiệu sặc mùi chính trị như “Vì Tổ quốc XHCN, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại: Sẵn sàng!” Điều 4 Hiến pháp 1992 thì ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành với quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” Mỗi người ViệtNam đến tuổi trưởng thành chẳng còn lựa chọn nào khả dĩ hơn ngoài việc trở thành một phần của hệ thống ấy.

Những gì trên đây dẫn đến một thực tế là ở Việt Nam đội ngũ quan chức quá ư hùng hậu. Trong một bài viết trước đây, tác giả đã liệt kê là Việt Nam hiện có tới 24 vị được gọi là “lãnh đạo Đảng và Nhà nước”: ngoài 4 vị “tứ trụ triều đình” với quyền lực ngang ngửa nhau (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội), chúng ta còn có thêm 10 vị Uỷ viên Bộ Chính trị, 4 vị Bí thư TW Đảng, 1 Phó Chủ tịch nước, 3 Phó Thủ tướng (trong số 4 PTT thì 1 người là Ủy viên BCT), 2 Phó Chủ tịch QH (trong số 4 PCT QH thì 1 người là Ủy viên BCT, 1 người là Bí thư TW Đảng). Cơ cấu tương tự cũng được thiết lập cho cả cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Trong khi đó, ở các nước khác lãnh đạo nhà nước của họ chỉ “khiêm tốn” một vài vị thôi.

Dưới thời bao cấp, những người như ông Hoàng Anh Xuân không có lựa chọn nào phù hợp với tư chất và hoài bão của mình ngoài việc trở thành một phần của hệ thống chính trị. Ngày nay, trong nền kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, thay vì gia nhập bộ máy công quyền, những ai có hoài bão và khả năng để “lo cho dân” hay để “có danh gì với núi sông” còn có thêm một lựa chọn khác: dấn thân vào thương trường để trở thành doanh nhân và tạo công ăn việc làm cho nhiều người, qua đó góp phần vào sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, ngay cả ở thời điểm hiện tại cũng khó mà nói trước là một Hoàng Anh Xuân trai trẻ sẽ chọn lựa thế nào giữa hai ngả rẽ, dấn thân vào thương trường để rồi trở thành doanh nhân tự lập hay làm công chức trong bộ máy chính quyền rồi tiến tới trở thành một vị “quan cách mạng”, khi mà dường như giới trẻ Việt Nam ngày nay vẫn máu làm quan hơn là kinh doanh. Đơn giản là vì chế độ chính trị ở Việt Nam vẫn chẳng khác gì một nhà nước phong kiến hủ bại với một vị vua độc đoán mang tên Bộ Chính trị, Đảng CSVN vẫn là chính đảng duy nhất “lãnh đạo Nhà nước và xã hội” – nguyên nhân chính dẫn đến quốc nạn tham nhũng tràn lan hiện nay; và đặc biệt, tầng lớp doanh nhân vẫn chỉ được Đảng xếp là “công dân” hạng tư trong xã hội, sau những công nhân, nông dân và trí thức.[2] Trong bối cảnh ấy, lựa chọn thứ hai gần như chắc chắn sẽ đem lại cho người ta cả quyền lực lẫn tiền tài nhiều hơn hẳn so với lựa chọn đầu tiên.

Công bằng mà nói, đa số 24 vị “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” nói trên, cùng một bộ phận đáng kể trong đội ngũ quan chức hùng hậu đằng sau họ, thực sự là những tài năng xuất chúng, với khả năng cạnh tranh đặc biệt. Thế nên, thay vì ganh đua trong chốn quan trường hòng tranh giành quyền lực rồi bị tha hoá, biến chất bởi cơ chế, nếu họ tham gia vào thương trường và cạnh tranh để làm nên những sản phẩm hay thương hiệu Việt Nam mang tầm cỡ khu vực và thế giới thì đóng góp của họ cho xã hội sẽ thực sự to lớn. Quả thực, chế độ chính trị hiện hành đã và đang gây ra cho đất nước chúng ta một sự lãng phí ghê gớm về nguồn nhân lực cao cấp vốn dĩ thuộc thành phần tinh hoa của dân tộc, chưa kể vô số tài năng đầy triển vọng khác còn bị cơ chế làm cho thui chột.

Trong một thế giới toàn cầu hoá đang ngày càng trở nên “phẳng” hơn và cạnh tranh gay gắt hơn như hiện nay, để đưa nước nhà sớm “sánh vai với các cường quốc năm châu”, chúng ta rất cần một đội ngũ CEO với tầm nhìn toàn cầu như TGĐ Viettel Hoàng Anh Xuân. Hy vọng là trong tương lai không xa, đất nước chúng ta sẽ rơi tình cảnh “đáng buồn” là mời những người này làm tổng thống hay thủ tướng “hơi bị khó”, như nhận xét của TS Nguyễn Sỹ Phương về giới lãnh đạo các tập đoàn lớn ở Đức trong một bài viết gần đây. Bất luận thế nào, trong thời đại ngày nay không một quốc gia bình thường nào lại cần tới những 24 vị “lãnh đạo Đảng và Nhà nước” như Việt Nam cả./.

L. A. H.

Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.



Ghi chú:
[1] Thơ Nguyễn Công Trứ (1778-1858).
[2] Ngày 17/12/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nội dung chủ yếu xoay quanh Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tại đây, ngài Tổng Bí thư đã phát biểu: “Trước đây, ở Đại hội 9, doanh nhân còn bị xếp sau cả công nhân, nông dân, trí thức, hội người cao tuổi. Nhưng đến nay chỉ xếp sau công nhân, nông dân, trí thức, cho thấy Đảng coi trọng đội ngũ doanh nhân như thế nào” (!!!).

.
.
.

No comments:

Post a Comment